Dân Chúa Âu Châu

Người Công giáo trên khắp thế giới đang tượng niệm sự ra đi của Sơ Nirmala Joshi vào hôm qua thứ Ba 23.06 tại Ấn Độ. Sơ Nirmala là Bề trên Tổng Quyền kế vị Chân phước Têrêsa Calcutta của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Sơ đã phục vụ trong cương vị Tổng quyền Tu Hội từ năm 1997 (năm Mẹ Têrêsa qua đời) đến năm 2009. Sơ Nirmala qua đời ở tuổi 81, trước đó vài năm sức khỏe của Sơ sa sút hẳn. Sơ phải liên tục nhập viện và được đưa về tu hội Thừa Sai Bác Ái ở Kolkata một ngày trước khi chết.

Cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng Giáo phận Calcutta, nói với hãng tin CNA rằng: "tất cả mọi người ở Ấn Độ và đặc biệt Tổng Giáo phận Calcutta đau buồn vì sự mất mát này. Sơ Nirmala Joshi là một người rất gần gũi và thân thiết với chúng ta. Sơ là người đơn sơ, khiêm tốn và có một đời sống thiêng liêng mạnh mẽ".

Cha cho biết thêm: "Đời sống gương mẫu của Sơ đã truyền sinh khí cho các thế hệ trẻ trong cộng đoàn và cho mọi người trên toàn thế giới."

Thi hài của Sơ Nirmala được quàn tại nhà thờ Thánh Gioan ở huyện Kolkata của vùng Sealdah, và sẽ được đưa về Tu hội Thừa Sai Bác Ái tại Nhà Mẹ ở Kolkata vào hôm nay. Thánh Lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương ngày thứ Tư 24.06, và sau đó an táng tại nghĩa trang thánh Gioan.

Đức Tổng Giám mục Thomas D'Souza địa phận Calcutta đã đến thăm Sơ Nirmala vào hai tuần trước đó khi Sơ còn nhận thức được, đã thể hiện nỗi buồn sâu sắc của mình trước cái chết của Sơ, và ngài nói rằng, "Mẹ là một con người vĩ đại".

Đức cha ca ngợi công việc của mẹ và nhấn mạnh rằng "Mẹ không bao giờ nói về mình; mẹ luôn thao thức làm thế nào để càng ngày càng đem bình an và trợ giúp hơn nữa đến cho những người nghèo ... mẹ có đời sống kết hiệp sâu xa với Chúa Giêsu và mẹ là một tông đồ hòa bình cho đến chết."

Sơ Nirmala sinh năm 1934 ở Ranchi, bang Jharkhand, Ấn Độ trong một gia đình theo đạo Bà la môn Hindu di cư đến từ Nepal, nơi của thực dân Anh. Tên thánh của mẹ là Kusum, có nghĩa là "hoa", và mẹ là chị Cả trong số các chị em gồm tám gái và hai trai. Mẹ được thụ hưởng nền giáo dục Kitô giáo ngay khi còn nhỏ.

Mẹ bị tác động bởi công việc bác ái của Mẹ Têrêsa, và xin được rửa tội. Sau đó, mẹ xin gia nhập vào tu hội Thừa Sai Bác Ái và lấy tên Nirmala, trong tiếng Phạn có nghĩa là "trinh khiết". Mẹ đã lấy bằng thạc sĩ về khoa học chính trị, và học thêm về luật. Trong những năm 1970, mẹ là bề trên tu hội.

Sau đó Sơ Nirmala đã được bầu làm Bề trên Tổng quyền Tu hội chỉ là một vài tháng trước khi Mẹ Têrêsa qua đời vào năm 1997, và theo đuổi đặc sủng của đấng sáng lập là Chân Phúc Têrêsa.

Chính phủ Ấn Độ đã nhìn nhận công việc phục vụ của mẹ cho người nghèo và cho nền hòa bình, và truy tặng cho mẹ giải thưởng dân sự có tên Padma Vibhushan, một danh dự cao thứ hai của quốc gia trong năm 2009.

Ca ngợi về những đóng góp của mẹ cho người nghèo và những câu nói của mẹ đã bắt đầu tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội trong mấy ngày qua.

Ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ đã nhanh chóng viết trên tweet của mình rằng "cuộc sống Sơ Nirmala là dành để phục vụ, chăm sóc người nghèo và người bị thiệt thòi. Tôi đau buồn về sự ra đi của mẹ. Nguyện cho linh hồn mẹ được nghỉ an đời đời."

Phe đối lập Quốc hội, vị lãnh đạo Rahul Gandhi đã viết trên tweet như sau: "Vô cùng buồn rầu trước sự ra đi của Sơ Nirmala. Sơ tiếp nối công trình của Mẹ Têrêsa với tất cả sự cống hiến. Sơ đã chạm đến cuộc sống của vô số người bị lãng quên."

Ông thị trưởng Mamata Banerjee vùng Tây Bengal nói: "đau buồn trước sự ra đi của Nữ tu Nirmala, bề trên Tổng quyền sau Mẹ Teresa của Tu hội Thừa Sai Bác Ái. Kolkata và thế giới sẽ nhớ đến mẹ."

(GNsP 24.06.2015/ CNA)