Dân Chúa Âu Châu

Trong chuyến đi Torino, Đức Phanxicô đã gặp trên hai mươi người tị nạn đến từ Phi Châu, Trung Đông và Georgia: một cuộc gặp gỡ ngoài chương trình rất xúc động và mang ý nghĩa văn hóa của gặp gỡ mà Đức Phanxicô thường cổ động.

“Ahmed, Cho, Daniel, Dauda, Diallo…”: khoảng hơn hai mươi người tị nạn đến từ Phi Châu, Trung Đông và Georgia nói chuyện với Đức Phanxicô, họ không còn bị xem là “vô danh”, họ có một khuôn mặt, một câu chuyện cuộc đời mình để kể cho Đức Phanxicô nghe.

Ngày thứ nhì, 22-6, trong chuyến đi Torino và khi ở vùng Piémont, Đức Phanxicô đã gặp các người tị nạn ở Tòa tổng giám mục, đa số họ còn trẻ.

Ông Sergio Durando, phụ trách Tổ chức Tị nạn Torino phát biểu với Radio Vatican: “Đó là giây phút cảm động vì Đức Phanxicô muốn nói chuyện với từng người một, ngài lắng nghe câu chuyện của họ”.

Ngoài các nhân chứng, các người tham dự cũng đã cám ơn Đức Phanxicô: “Lời của cha là khí ôxy cho chúng con. Trong tất cả các lời chúng con nghe, chúng con đọc, rất hiếm khi chúng con tìm được sự thông hiểu và tình nhân loại. Hàng ngày chúng con tìm an ủi nơi những ánh nhìn, những nụ cười, những lần quan tâm hiếm hoi mà chúng con nhận được”.

Chứng tá của người tị nạn

Trọng kính Đức Phanxicô, chúng con là một nhóm người ưu tiên hôm nay được gặp cha nên giây phút này rất quan trọng đối với chúng con, vì chúng con biết, chúng con đại diện cho rất nhiều người, quá nhiều người mà hôm nay họ phải rời đất nước của họ, xa gia đình của họ. Trong tất cả các lời chúng con nghe, chúng con đọc, rất hiếm khi chúng con tìm được sự thông hiểu và tình nhân loại. Hàng ngày chúng con tìm an ủi nơi những ánh nhìn, những nụ cười, những lần quan tâm hiếm hoi mà chúng con nhận được. Lời của cha là khí ôxy cho chúng con. Vượt lên đức tin của chúng con và của cả cha, chúng con tìm lời của Chúa chúng con: tình huynh đệ, lòng bác ái và một cách không diễn tả được, tình nhân loại. Chúng con xin cha tiếp tục có những ý tưởng, những lời nói cho tất cả những ai đang khát công lý ở đây và ở trên khắp thế giới. Chúng con xin cám ơn cha từ tận đáy lòng chúng con.

Ahmed – Con là người Xuđăng, con đến nước Ý năm 2011, con xin tị nạn chính trị và đã được chấp nhận. Ở Khartoum con học môn kinh tế nhưng bây giờ con ghi tên học Khoa Thống kê ở Torino. Con sống ở đường Roccavione trong một căn hộ của địa phận Torino do Văn phòng Mục vụ cho người Di dân phụ trách. Con sống chung với các sinh viên khác và với một gia đình Romani (không có giấy tờ hợp lệ). Ước ao lớn nhất là Darfour được hòa bình. Hòa bình cho Darfour!

Cho – Con 32 tuổi, con sinh ở Bamenda, Cameroun. Khi con còn nhỏ, cha mẹ con đem con đến Douala và con lớn lên ở đó. Năm 2008, chúng con đi biểu tình chống việc tăng giá, cảnh sát bắn vào những người đi biểu tình và bắt họ. Con trốn được, trước hết con đến Nigeria sau đó là Niger, nơi đây con gặp bạn bè và cùng nhau chúng con qua Libya. Con làm thợ nề cho đến khi có cuộc cách mạng năm 2011, rồi con đến Ý. Bây giờ con làm thợ mộc và con đang học ngành điện, con sắp tốt nghiệp. Con xin Chúa cầu nguyện cho gia đình con và cho những người chết trong sa mạc và trên biển.

Daniel – Con là người Nigeria, con ở Ý từ năm 2007. Con học tiếng Ý và bây giờ con là kỹ thuật gia-thương mại quốc tế. Con làm việc nhiều năm cho đến khi cơn khủng hoảng và nạn thất nghiệp đến. Bây giờ gia đình con ở Phi Châu. Con cho hai anh trẻ tị nạn, Said và Keita ở nhà con qua chương trình “Rifugio diffuso” của Văn phòng Mục vụ của người Di dân. Con vui vì con cho hai anh trẻ đàng hoàng này ở nhà con.

Dauda – Con là người Ivoiria, con mới đến Ý được 6 tháng. Con rời xứ con năm 2011. Con đến Burkina Faso, rồi con đến Libya làm việc. Con bị đẩy lên một chiếc tàu, con không biết người ta chở mình đi đâu. Bây giờ con ở trại tiếp cư. Con mong thế giới có hòa bình!

Diallo – Con sinh ở Guinée Conakry, con trốn đi và con đến Mali băng qua Algeria và Lybia. Con đến Ý năm 2014. Con đang ở trung tâm tiếp cư, con chờ xem nước Ý có cho con vào chương trình bảo trợ quốc tế không. Con 22 tuổi và con rất lo cho tương lai của mình.

Diouf – Con là thiện nguyện viên của chương trình “Rifugio diffuso”. Con cho anh Moussa ở nhà con, Moussa có mặt ở đây. Con là nghệ sĩ người Senegal, con theo đạo Hồi. Từ ba mươi năm nay, con là văn sĩ, biên đạo, đạo diễn các vở kịch, các điệu múa Phi Châu ở Ý. Con xác quyết ba tôn giáo đơn thần đều có cùng một nguồn gốc, có đỉnh cao trong các lời cầu nguyện khác nhau dâng lên Thiên Chúa duy nhất.

Hector – Con đến Ý từ 8 năm nay. Con trốn nước Congo Brazzaville, con là giáo viên môn toán ở đây. Con trốn nước con vì vấn đề chính trị, sau khi con trốn đi, vợ con bị giết chết. Hai con gái của con ở lại với bà ngoại. Con không bảo lãnh các con của con được vì con không đủ điều kiện tài chánh. Ước mong của con là có được hòa bình và cách duy nhất để có được hòa bình là phải thay đổi lối sống.

Kasem – Con là người Ai cập, con ở Ý được ba năm nay. Con là cán sự xã hội đã đi làm việc ở xứ con. Bây giờ con phải ngồi xe lăn vì năm 2014 con bị tai nạn nghề nghiệp nặng. Con rơi từ trên cao 14 mét xuống, con được may mắn nên bây giờ con mới ở đây để kể chuyện này. Con có sức mạnh, và cũng nhờ các bạn thân của con, họ tố cáo chủ đã không gọi xe cứu thương đến cho con. Tháng chín con sẽ ghi tên học sư phạm. Xin bình an đến với cha!

Kone – Con ở trong phong trào sinh viên ở Côte d’Ivoire và năm 2003, con phải bỏ xứ vì con bị theo dõi. Con sống và làm việc mười năm ở Libya, nhưng năm 2011, với cuộc cách mạng, con bị buộc phải rời xứ và con đến Ý. Con làm việc ở Tổ chức giúp người Tị nạn và Di dân ở Torino, con phụ trách mảng liên văn hóa… Con đồng ý với cha khi cha nói quả đất không thuộc về ai. Chúng ta phải mở các biên giới ra. Chúng con tiếp tục chiến đấu cho công lý nhưng chúng con cần năng lực của cha để đi đến đàng trước.0.

Gia đình Kvernadze – Shalva là chủ gia đình, ông bị góa vợ vì vợ ông bị giết trong cuộc xung đột giữa người Nga và người Georgia. Ông lập lại gia đình với bà Manana, một phụ nữ người Ossétia và với bà ông có hai đứa con. Ông phải trốn khỏi Georgia vì các cặp Nga-Georgia bị kỳ thị rất nặng ở đây. Cả hai vợ chồng là Kitô hữu.

Mallam – Con là người Ghana, con vừa ra khỏi trại tiếp cư, bây giờ con sống trong một gia đình ở Cervasca nhờ chương trình của Văn phòng mục vụ cho người Di dân  “Rifugio diffuso” giúp. Con sống ở nhà bà Daniela, cháu của một người di dân đã đi làm ăn ở Argentina năm 1913. Từ 25 năm nay, bà Daniela mở rộng tay đón người tị nạn. Bây giờ bà sống với chồng và ba đứa con của bà. Bà nuôi bốn đứa con trai gốc Phi Châu và hai em bé được trung tâm gửi đến để bà nuôi. Bà còn một người cha già. Tất cả chúng con sống chung một nhà: Công giáo, Hồi giáo và Tin Lành.

Mamadou – Con là người gốc Guinea Conakry. Con tốt nghiệp trường luật, con là giáo sư luật di sản ở xứ con. Hồi đó con là thư ký của đảng chính trị “Người trẻ ủng hộ thay đổi”. Sau khi anh con bị giết, con có trả lời phỏng vấn trên đài truyền thanh và truyền hình, và con bị truy lùng. Con trốn được. Tháng 10 năm 2010, con đến Ý và con phải cám ơn địa phận Torino, Văn phòng Mục vụ cho người Di dân vì địa phận đã giúp đỡ con và bây giờ vẫn còn giúp đỡ con. Con là người trung gian liên văn hóa, nhưng từ lâu con bị thất nghiệp. Những người tị nạn không có tội tình gì. Với Tổng thống các nước phát triển, con xin nói: “Vũ khí như vậy là đã đủ!”

Nzita – Con đến Ý năm 1988 nhờ có học bổng đi học. Tình trạng lúc đó rất khác bây giờ. Trong những năm 90, sau cái chết của một người Nam Phi, con bắt đầu làm công việc đấu tranh trong thành phố. Bây giờ con là thành viên của Nghiệp đoàn Căn bản (USB, Union Syndicale di Base) và con giúp cho Phong trào giúp người Di dân và Tị nạn.

Ousmane – Con trốn khỏi Guinea Conakry năm 2013. Con đến Libya sau khi đi qua Mali và Algeria. Tại Lybia con bị bắt và bị đẩy lên một chiếc tàu.

Regina – Con là người Nigeria, con đến Ý từ năm 2011. Con mong mọi người trên thế giới này có được may mắn là được cứu, vì chúng ta tất cả đều là con của Chúa!

Yahia – Con là người Xu đăng, con đến Ý từ năm 2009. Con tốt nghiệp ngôn ngữ học ở xứ con và ở Torino con cũng có bằng này. Con trốn nước con và con được tị nạn ở đây. Con mong thế giới có được hòa bình!

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Nguồn: phanxico.vn