Dân Chúa Âu Châu

Hình ảnh thánh lễ theo nghi thức zaïrois tháng 12 năm 2019 tại Vatican

fr.aleteia.org, I.Media, 2023-01-30

Ngày thứ tư 1 tháng 2, Đức Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại sân bay Ndolo của thủ đô Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo và sẽ phối hợp với các yếu tố của nghi thức zaïrois.

Phụng vụ này có được là nhờ Công đồng Vatican II. Việc xây dựng nghi thức này đòi hỏi gần hai thập kỷ làm việc và đối thoại giữa Rôma và tòa giám mục zaïrois. Nếu có một số đặc thù còn tồn tại ở một số giáo phận có truyền thống lâu đời như nghi thức Ambrosian ở Milan, thì bây giờ nghi thức zaïrois đại diện cho một trường hợp độc đáo về hội nhập văn hóa của phụng vụ công giáo trên quy mô quốc gia.

Các giai điệu của nghi thức này, lồng ghép các yếu tố đặc trưng của văn hóa châu Phi vào phụng vụ công giáo la-mã  đã vang lên hai lần dưới mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô ngày 1 tháng 12 năm 2019 và gần đây hơn, ngày 3 tháng 7 năm 2022, trong một thánh lễ được cử hành trước cộng đồng người Congo ở Rôma, để bù đắp cho chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Congo bị hoãn lại vì lý do sức khỏe của ngài.

“Hội nhập văn hóa Phụng vụ”

Tổng giám mục Vittorio Francesco Viola, thư ký Thánh Bộ Phụng tự nhắc lại mối liên hệ thường được Đức Phanxicô nhắc đến giữa “sự dấn thân cho việc tân phúc âm hóa” và “sự hội nhập văn hóa của phụng vụ”. Ngày 20 tháng 6-2022, ngài đã lên tiếng trong một hội nghị giới thiệu ấn bản tiếng Pháp quyển sách của nữ tu Rita Mboshu Kongo, Đức Phanxicô và Sách lễ Rôma cho các giáo phận Zaïre được nhà xuất bản Vatican phát hành.

Tổng giám mục Vilola, tu sĩ dòng Phanxicô người Ý giải thích: “Dù hoàn toàn theo thánh lễ Rôma, nhưng Sách lễ này mô tả những thích nghi đặc biệt: tưởng nhớ tổ tiên khi bắt đầu cử hành, sám hối sau bài giảng, nghi thức chúc bình an sau hành vi sám hối”.

Trong một thư gởi nhân dịp giới thiệu sách, Đức Phanxicô mô tả nghi thức zaïrois, còn được gọi là “nghi thức Congo”, là “mẫu mực cho các Giáo hội khác trong việc tìm kiếm một cách cử hành phụng vụ thích hợp để mang lại sự chín muồi của thành quả phúc âm hóa các nền văn hóa và hội nhập văn hóa của Phúc Âm”.

Tiếng vang đến tận Amazon

Tổng giám mục Viola nhắc lại: “Nghi thức zaïrois gợi ý cho ý tưởng về một nghi thức dành riêng cho Amazon, chủ đề được đưa ra trong Thượng Hội đồng Giám mục năm 2019 để tìm một phụng vụ có thể đáp ứng cho nỗ lực hội nhập văn hóa của các dân tộc bản địa.”

Ngài xác định hội nhập văn hóa là “biên giới mới” của cuộc cải cách phụng vụ do Công đồng gây ra. Trong Công đồng Vatican II, trên thực tế Hiến chế Sacrosanctum concilium đã mở ra khả năng thích ứng phụng vụ với các nền văn hóa địa phương, bằng cách xác định Giáo hội “không muốn, ngay cả trong phụng vụ, áp đặt hình thức cứng nhắc của một nghi thức duy nhất: nhưng ngược lại, Giáo hội vun trồng phẩm chất và năng khiếu của nhiều dân tộc khác nhau”.

Với điều kiện là sự thống nhất của nghi thức la-mã phải được bảo vệ, những khác biệt hợp pháp và sự thích ứng với sự đa dạng của các hội đồng sẽ được thừa nhận.

Các nghị phụ công đồng trong văn bản được đa số công nhận, 2.158 phiếu thuận trên 19 phiếu chống ghi rõ: “Với điều kiện là sự thống nhất của nghi thức la-mã phải được bảo vệ, những khác biệt hợp pháp và sự thích ứng với sự đa dạng của các hội đồng, các vùng, các dân tộc, đặc biệt là trong các cơ quan truyền giáo sẽ được thừa nhận, ngay cả khi các sách phụng vụ sẽ được xem lại.”

Hiện tại, nghi thức zaïrois vẫn là minh họa cụ thể duy nhất được áp dụng cho việc hội nhập văn hóa phụng vụ có thể thực hiện được. Tổng giám mục ghi nhận, nghi thức Amazon vẫn còn “trên biển cả” cho biết hành động cụ thể cho đến nay là thành lập một ủy ban để phản ánh tính khả thi của một tiến trình như vậy.

Hiệp thông với Rôma để không trở thành tà phái

Trong những năm sôi sục về mặt tri thức và phụng vụ sau Công đồng Vatican II, các giám mục Congo quan tâm đến việc hiệp thông trọn vẹn với giáo hoàng: “Là người công giáo, việc tôn thờ Thánh Thể mà chúng tôi cử hành theo nghi thức zaïrois phải biện minh cho nguồn gốc tông đồ của nó. Nếu không, chúng tôi sẽ trở thành tà phái.”

Vì thế bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã và vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ những nỗ lực này. Từ năm 1969 đến năm 1988, hồng y Joseph-Albert Malula (1917-1989), tổng giám mục giáo phận Kinshasa trong 25 năm đã hướng dẫn đối thoại thường xuyên và mạnh mẽ. Ngài là nhân vật trung tâm của Giáo hội hậu thuộc địa ở Châu Phi được Đức Gioan XXIII bổ nhiệm làm thành viên của ủy ban phụng vụ chuẩn bị cho Công đồng Vatican II, và sau đó cùng với các đồng nghiệp người Congo của mình xác định một phương pháp để “tìm một khuôn khổ Châu Phi và zaïrois” trong Công đồng Vatican II theo Sách Lễ Rôma do Đức Phaolô VI phát hành.

Nghi thức này đã phát triển, giống như cơ thể con người sinh ra và cần phát triển

Một công việc chậm chạp kéo dài gần hai thập kỷ đã được triển khai theo yêu cầu của giám mục địa phương năm 1969, và năm 1988 Sách lễ Rôma cho các giáo phận Zaïre mới được chấp nhận. Các thánh bộ Phụng tự và Giáo lý Đức tin đã đặc biệt nghiên cứu các cử hành tiến hành theo thử nghiệm, ad experimentum. Vào những năm 1980, chính hồng y Joseph Ratzinger đã đến tại chỗ để quan sát việc áp dụng phụng vụ này và đưa ra những nhận xét của mình.

Trong nghiên cứu của sơ thần học gia Rita Mboshu Kongo, sơ cho thấy “việc tiếp nhận và thích nghi phụng vụ công đồng ở Congo với một số người là “hiếu kỳ” và theo một số người khác, là “lý do để thức tỉnh”. Nghi thức zaïrois thực sự đã bị lãng quên ở một số giáo xứ và một số giáo phận, đặc biệt là vì sự phức tạp về sắc tộc và ngôn ngữ của đất nước rộng lớn này.

Sơ Rita nói thêm: “Nghi thức này đã phát triển, giống như  cơ thể con người được sinh ra và cần phát triển, chính đặc điểm tiến hóa này đã làm chúng ta nghiên cứu lịch sử, để hiểu đó không phải là công việc thử nghiệm của truyền giáo lần thứ hai cho Congo.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn