Dân Chúa Âu Châu

Sáng ngày 23 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến, khích lệ và cám ơn Hội Thăng tiến việc học chữ và chống nạn mù chữ, vì đã và đang đóng góp nhiều cho sự phát triển con người.

Hội Thăng tiến việc học chữ, chống nạn mù chữ, gọi tắt là OPAM, do cha Carlo Muratore sáng lập cách đây 50 năm. Sau nhiều năm hoạt động truyền giáo tại Venezuela, cha Carlo trở về Ý và với ý thức rằng chính nạn mù chữ cản trở sự phát triển của dân nghèo, khiến họ bị áp bức và vi phạm những quyền lợi, nhân quyền và phẩm giá của họ, nên đã lập Hội OPAM. Cha xác tín rằng: “Một phần thiết yếu của việc loan báo Tin mừng và thăng tiến con người chính là việc giáo dục... Không thể có phát triển con người mà không có giáo dục.” Hội OPAM hiện tài trợ các dự án giáo dục tại các hơn 80 quốc gia.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha đặc biệt ghi nhận sự kiện cha Robert, đương kim Chủ tịch Hội OPAM, khi còn nhỏ, đã có thể học hành là nhờ sự trợ giúp của Hội OPAM, vì thế cha là một chứng nhân về thiện ích của hội này.

Đức Thánh cha nhắc đến liên hệ giữa việc giáo dục và phát triển, như thông điệp “Phát triển các dân tộc” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: “Giáo dục cơ bản là mục tiêu đầu tiên của một kế hoạch phát triển. Nạn đói về giáo dục, trong thực tế không kém tệ hại so với nạn đói lương thực” (PP, n.35).

Theo Đức Thánh cha, giấc mơ của thông điệp “Phát triển các dân tộc” cũng là giấc mơ của thông điệp “Fratelli tutti”. Đó là giấc mơ của Giáo hội, hay đúng hơn, là giấc mơ của Thiên Chúa. Ngài mong muốn một thế giới, trong đó tất cả chúng ta có thể sống như anh chị em với nhau trong phẩm giá trọn vẹn”. Vì thế, khi anh chị em cộng tác với bao nhiêu thừa sai nam nữ đang làm việc “tại chỗ”, hãy nghiên cứu và thực hiện một dự án giáo dục, hoặc hỗ trợ học đường, hoặc nhận con nuôi từ xa, tức là anh chị em góp phần “tạo nên một thế giới cởi mở” (Ft, 87), trong đó “tất cả được đồng hành trong hành trình cuộc sống của họ, không những để đáp ứng những nhu cầu cơ bản, nhưng vì họ có thể cống hiến những gì là tốt nhất của mình”. (ibd, 110).

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA