Dân Chúa Âu Châu

Hội nghị quốc tế về sự thánh thiện ngày nay do Bộ Phong thánh tổ chức từ ngày 03 đến ngày 06/10, tại Học viện Giáo hoàng Augustinianum, gần Vatican. Tại Hội nghị, các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau trình bày về các nhân đức anh hùng của sự thánh thiện thời nay.

Nên thánh là chu toàn bổn phận hàng ngày

Trong ngày khai mạc, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh cho biết Hội nghị tập trung vào hai chủ đề: danh tiếng về sự thánh thiện và các nhân đức anh hùng theo tinh thần Kitô giáo. Về các nhân đức anh hùng theo tinh thần Kitô giáo, Đức Hồng Y trích dẫn tác phẩm “Suy niệm và cầu nguyện”, Thánh John Henry Newman giải thích rằng noi gương các thánh, nếu chúng ta muốn nên hoàn hảo, chúng ta không phải làm điều gì khác ngoài việc chu toàn bổn phận hàng ngày. Đây là con đường ngắn đưa đến sự hoàn hảo. Con đường ngắn không phải vì nó dễ thực hiện, nhưng vì tất cả mọi người đều có thể đạt được. Thánh Henry Newman viết: “Nếu bạn hỏi tôi, tôi phải làm gì để trở nên hoàn hảo, tôi sẽ trả lời bạn như thế này: không ở lại trên giường sau giờ đã ấn định; hướng tâm trí về Thiên Chúa; dành giờ viếng Thánh Thể; cầu nguyện với kinh Truyền tin, ăn uống vì vinh quang Chúa; lần chuỗi sốt sắng; tĩnh tâm, xua đuổi những tư tưởng xấu; viếng Chúa chiều tối; xét mình mỗi ngày. Hãy làm tất cả những điều này bạn sẽ nên hoàn hảo”.

Thánh thiện là sống đức ái tràn đầy

Trong bài tham luận tại Hội nghị, Đức cha Orazio Francesco Piazza của Giáo phận Sessa Aurunca, bắc Ý, trích dẫn Tông huấn “Gaudete et Exsultate - Hãy vui mừng và hân hoan” của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhằm giải thích rõ rằng sự thánh thiện chính là sống đức ái một cách tràn đầy. Con đường nên thánh vừa là một hồng ân vừa là một bổn phận, là đường duy nhất dẫn đến niềm vui trọn vẹn. Đức cha nói: “Thánh thiện là lắng nghe hai tiếng nói: tiếng tình yêu thương xót Chúa hướng đến các thụ tạo của Người; và tiếng của nhân loại, đặc biệt những lời cầu xin của những người gặp khó khăn”.

Các thánh kết hiệp niềm vui Thiên Chúa và gánh nặng cuộc sống hàng ngày

Theo Đức cha Orazio, có ba yếu tố cho hành trình đức ái hoàn hảo: thứ nhất là kết hợp mật thiết với Chúa, nghĩa là tin cậy, phó thác nơi Chúa; kế đến là sống niềm vui khiêm nhường, nghĩa là sống với sự đơn sơ và sẵn sàng trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và anh chị em; Và yếu tố thứ ba là tình huynh đệ ngôn sứ, đó là lối sống hiệp thông và chia sẻ. Ngài kết luận: “Cuộc sống ngày nay cần những khuôn mặt các thánh để quyền năng ân sủng Chúa được biểu lộ, vượt lên trên lý luận hoàn cảnh; những mẫu gương sống quảng đại, nhẫn nại, khiêm tốn, vui tươi và phó thác là men hy vọng cho con người và thế giới ngày nay. Trong đời sống các thánh, sự kết hợp và nhập thể giữa vinh quang Thiên Chúa và gánh nặng cuộc sống hàng ngày được chiếu sáng”.

Thánh thiện, hoa trái của Thánh Thần

Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte của Tổng Giáo Phận Chieti-Vasto của Ý trình bày về sự thánh thiện như là hoa trái của Thánh Thần. Ngài nhắc lại Công đồng Vatican II trong Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium nói rõ rằng Thánh Thần đã được sai đến để tiếp tục thánh hoá Giáo hội, và vì thế nên thánh là mục đích chính và hoa trái hành động của Thánh Thần An Ủi trong Giáo hội. Các hoạt động của Thánh Thần gồm: Khơi gợi ký ức sống động về Thiên Chúa; Hiện thực hoá những điều kỳ diệu trong lúc chờ đợi Chúa Kitô đến; Biến đổi con người bằng ân sủng, cứu độ và thánh hoá; Tiếp tục liên kết sự hiện diện của thế giới với ngày sau cùng chưa đến, cho chúng ta nếm trước sự thánh thiện vô biên của Thiên Chúa. Nhờ ba hoạt động này, nước sự sống luôn tuôn chảy mát trong cho con người để đáp lại lời mời gọi nên thánh, theo kế hoạch của Đấng Tối Cao, dành cho tất cả con người. Như Công đồng đã chỉ ra trong Hiến chế Gaudium et spes, Giáo hội phải lắng nghe Thánh Thần, dấn thân phân định những dấu chỉ của thời đại và không đóng mình trong lâu đài của những điều chắc chắn dễ dàng. Giáo hội phải sống trong lịch sử, đối thoại và đồng hành với con người, và ngoan nguỳ đón nhận các hoạt động của Thánh Thần.

Ý tưởng sai lầm: Nên thánh không để đạt được

Sơ Mary Melone, thần học gia, nguyên Viện trưởng Đại học giáo hoàng Antonianum và hiện là Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô Angeline, nhắc lại rằng mặc dù Giáo hội đã có các văn kiện của Công đồng, từ Lumen Gentium đến Gaudete et exsultate, nhưng vẫn còn phổ biến ý tưởng cho rằng sự thánh thiện là điều gì đó không thể đạt được, và sự anh hùng của các nhân đức như một điều gì đó vượt tầm tay của mọi người. Sơ Mary nhấn mạnh rằng, chúng ta phải hiểu rõ sự anh hùng của các nhân đức không thể được hiểu như sự dấn thân mà con người tự đạt được bằng sức lực của chính mình. Trái lại, phải hiểu rằng sự anh hùng nơi các thánh là sự đáp lời trước hồng ân Chúa. Đối với các thánh, anh hùng có nghĩa là trao ban tất cả những gì có thể, và điều này nằm trong tầm tay của mọi Kitô hữu.

Điều thu hút nơi các thánh đó là nhận thức về một cuộc sống tốt đẹp, thành công trọn vẹn. Trong cuộc đời của các thánh chúng ta nhận thấy ngay tiềm năng của con người mở ra cho hoạt động tình yêu Chúa. Và điều làm cho các thánh luôn trở nên gần gũi với con người trong mọi thời đại là do các thánh đã đảm nhận khuôn mẫu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn, như Thánh Phaolô nói với các tín hữu Galat: “Không còn phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi”.

Thánh thiện là khả năng chống lại sự vô nhân đạo

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, giáo sư Andrea Riccardi, người sáng lập và Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio, đề cập đến sự thánh thiện của những người bị loại bỏ và những người sống bên cạnh họ. Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh đến kinh nghiệm của những người đã kết thúc cuộc đời trong các trại của Đức Quốc Xã, đó là dấu hiệu của dòng chảy không ngừng của sự thánh thiện, của sự chiến thắng không vũ khí của sự thánh thiện đối với sự vô nhân đạo của một hệ thống coi thường và hận thù muốn tiêu diệt con người. Thánh Massimiliano Kolbe và thánh Titus Brandsma chỉ là một vài ví dụ.

Giáo sư Riccardi nói nhiều về nữ tu Emmanuelle thường được gọi là “thiên thần của những người bị loại bỏ”. Trong nhiều năm, sơ Emmanuelle đã sống giữa các trẻ em ở một khu ổ chuột ở Cairo. Giáo sư nhắc lại những gì sơ thường nói: “Những người nghèo dạy tôi Tin Mừng mà tôi đã đọc trên giấy”. Dưới ánh sáng của những câu chuyện này, người ta có thể thấy không có sự tương phản giữa đời sống tâm linh và tình liên đới. Cuối cùng, giáo sư suy tư về đức tin và cầu nguyện của nhiều người tị nạn đã chết trong các cuộc vượt biển, “một thế giới chưa được khám phá”, và của thánh Charles de Foucauld. Vị thánh này đã chỉ cho Giáo hội thấy việc sống giữa những người bị gạt ra bên lề là con đường nên thánh. Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio mời gọi mọi người học con đường nên thánh này, với sự kiên nhẫn và sự tinh tế thiêng liêng để đời sống Kitô không bị lãng phí.

Thế hệ trẻ cần phải biết các vị tử đạo đương thời

Về các thánh tử đạo, nhà báo người Ý, Fabio Marchese Ragona, nhắc lại rằng từ khi Giáo hội được khai sinh cho đến nay, các thánh tử đạo theo Sách Khải Huyền là những người đã giặt và tẩy áo mình trong máu Con Chiên (Kh 7,14). Họ là những người đã chiến thắng thực sự. Nhìn vào các vị tử đạo hôm qua và hôm nay, chúng ta học cách sống một cuộc sống tràn đầy, đón nhận việc tử đạo hằng ngày, trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Theo giáo sư, các cách tử đạo ngày nay đã thay đổi: những kẻ bách hại không cho các Kitô hữu cơ hội để làm chứng cho đức tin và tình yêu như các tín hữu tiên khởi đã làm trong những ngày đầu của Giáo hội, họ sử dụng những công cụ rất khác. Đúng là ở các nước kém văn minh, các phương pháp cổ xưa như đóng đinh, ném đá và kết án tử hình do tòa án đưa ra vẫn còn áp dụng. Nhưng ở phương Tây, các kỹ thuật nham hiểm hơn được sử dụng, như thờ ơ, chế nhạo, tầm thường hóa suy nghĩ của người khác hoặc vu khống.

Giáo sư đưa ra những mẫu gương của các vị tử đạo thời hiện đại, như chân phước Rosario Livatino, chân phước Pino Puglisi bị mafia giết vì hận thù đức tin. Đặc biệt chân phước Maria Laura Mainetti, bị sát hại bởi ba thiếu nữ tự xưng là tín đồ của Satan. Họ giết sơ Maria để làm lễ tế dâng hoàng tử của thế giới này. Đề cập đến nữ chân phước, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tình yêu của sơ Maria dành cho các thiếu nữ đã sát hại sơ vì theo giáo phái thờ Satan. Đức Thánh Cha nói: “Vị chân phước này đã yêu thương những người trẻ hơn tất cả. Tình yêu và sự tha thứ của chân phước dành cho các thiếu nữ, tù nhân của sự dữ, để lại cho chúng ta chương trình sống của sơ: làm tất cả những điều bé nhỏ với đức tin, tình yêu và lòng nhiệt thành”.

Các cuộc tử đạo này cho thấy, ngày nay tử đạo không còn giống như xưa, nghĩa là không còn các hoàng đế La Mã, nhưng có mafia, một số tôn giáo cực đoan, giáo phái Satan. Các tin tức về các cuộc tử đạo này không được truyền thông chú ý đến, nhưng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài luôn bày tỏ sự kính trọng đối với những ai đã hiến trao mạng sống vì đức tin. Nhiều lần Đức Thánh Cha đã tố cáo rằng chỉ cần nhìn vào các cuộc bách hại trong thế kỷ vừa qua ở châu Âu chúng ta sẽ thấy biết bao sự thù hận chống các Kitô hữu. Và ngài khẳng định rằng ngày nay có nhiều Kitô hữu tử đạo hơn trước đây.

Giáo sư kết luận, cần phải đầu tư nhiều hơn cho truyền thông để làm sao cho các thế hệ mới biết và quan tâm đến câu chuyện của các vị tử đạo ngày nay, theo một cách mới, nhanh chóng và thú vị. Bởi vì con người ngày nay cần phải biết đến những vị thánh ở ngay bên cạnh, những người đã mang đến cho thế giới những chứng tá vĩ đại về tình yêu, yêu cho đến chết.

Ngọc Yến - Vatican News