Dân Chúa Âu Châu

radiomaria.it, Giacomo – Avvenire, 2022-10-02

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 3 tháng 8-2022 tại 6 Hội trường Phaolô VI

Trong một phỏng vấn với Radio Maria, giáo sư Myroslav Marynovych, phó viện trưởng Đại học công giáo Lviv cho biết: “Matxcova cẩn thận lắng nghe những gì Đức Phanxicô đang nói, cả Điện Kremlin cũng mong chờ những bình luận gần gũi hơn với lập trường của mình.”

Giáo sư Myroslav Marynovych, chuyên gia về các mối quan hệ giữa tôn giáo và xã hội và nhà hoạt động nhân quyền giải thích lý do vì sao tháng 6 vừa qua, ông xin giáo hoàng hòa giải để trả tự do cho các tù nhân: trao đổi tù nhân vẫn là “ưu tiên vì các điều kiện giam giữ ở Nga có nhiều hình thức tra tấn khác nhau: vì thế một ngày ở tù là một ngày sống trong địa ngục”. Và để đảm bảo đó là cũng là ưu tiên của giáo hoàng, ngài “chắc chắn không thể khuyến khích việc gởi vũ khí.”

Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô cố gắng hòa giải để giải thoát 300 tù nhân

Tuy nhiên, giáo sư giải thích tầm hoạt động của ngài có rất ít chỗ để điều động: “Cuộc chiến hiện tại không giống với cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, khi can thiệp của Đức Gioan XXIII có thể tránh được điều tồi tệ nhất. Cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều không muốn xảy ra đối đầu quân sự và hoan nghênh sự can thiệp của giáo hoàng. Với nước Nga ngày nay, xung đột là một đòn bẩy chính trị. Putin có thể làm câm họng súng ngay lập tức, nhưng mỗi lần như vậy ông lại lên tiếng buộc cả thế giới phải chấp nhận luật chơi của ông.” Giáo sư Myroslav Marynovych nói thêm: “Hiện tại, Đức Phanxicô chỉ có thể kêu gọi lý trí và lòng trắc ẩn, những yếu tố không thể kìm hãm Putin, người bị thúc đẩy bởi ham muốn trả thù và tinh thần chủ nghĩa đế quốc.”

Đức Phanxicô cầu xin Putin chấm dứt ‘vòng xoáy bạo lực’ ở Ukraine

Ông cũng đưa ra “nỗi sợ sẽ làm cho kẻ xâm lược mạnh hơn, chừng nào Nga không từ bỏ ý định tái hòa nhập Ukraine vào quỹ đạo nước Nga, thì các cuộc thương thuyết sẽ chỉ là chuyện viễn vông”. Tóm lại, “Ngày nay, yêu thương người Nga có nghĩa là giúp họ mở rộng tầm mắt trước những tội ác mà họ đã gây ra”.

Giáo sư Myroslav Marynovych là tiếng nói có thẩm quyền ở Ukraine. Và không chỉ ở Ukraine. Ông là gương mặt của Giáo hội công giáo-hy lạp, một học giả về mối quan hệ giữa tôn giáo và xã hội, chuyên gia về đại kết và đối thoại giữa các tôn giáo, nhà hoạt động vì nhân quyền, phó viện trưởng Đại học Công giáo Lviv được Đức Phanxicô nhắc đến trong buổi nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên ở Kazakhstan, đăng trên tạp chí Văn minh Công giáo La Civiltà Cattolica, trong đó nói về vai trò của hòa giải của Đức Phanxicô trong việc trả tự do cho các tù nhân chiến tranh gần đây của Nga.

Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô có thể làm gì để ngăn chặn Putin?

Tháng sáu vừa qua giáo sư dẫn đầu một phái đoàn “không chính thức” được Đức Phanxicô tiếp, trong buổi gặp này, ngài nhận danh sách tên các người cần trao đổi với Matxcova, ông giải thích: “Giáo hoàng chắc chắn không thể khuyến khích việc gởi vũ khí, nhưng ngài có thể thúc đẩy việc thả các tù nhân. Và chúng tôi biết ơn ngài vì những gì ngài đã làm.”

Thưa giáo sư, vì sao lựa chọn lại quay sang giáo hoàng?

Giáo sư Myroslav Marynovych: Trước hết, vì các điều kiện giam giữ ở Nga có những hình thức tra tấn khác nhau: nên mỗi ngày bị giam cầm là một ngày sống trong địa ngục. Do đó, việc trao đổi tù nhân là ưu tiên. Vì thế đây là lãnh vực nhân đạo, trong đó Giáo hội, và từ đó là giáo hoàng, có khả năng can thiệp như ánh sáng Tin Mừng.

Liệu Tòa Thánh có thể là người hòa giải và thúc đẩy việc ngừng bắn không?

Cuộc chiến hiện tại không giống với cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962 khi hành động của Đức Gioan XXIII ngăn chặn được điều tồi tệ nhất. Vào thời điểm đó, cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều không muốn đối đầu quân sự và hoan nghênh sự can thiệp của giáo hoàng. Với nước Nga ngày nay, xung đột là một đòn bẩy chính trị. Putin có thể làm câm họng súng ngay lập tức, nhưng mỗi lần như vậy ông lại lên tiếng buộc cả thế giới phải chấp nhận luật chơi của ông. Như Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói: “Nếu Nga ngừng ném bom, chiến tranh sẽ kết thúc; nếu Ukraine ngừng bắn, nước Ukraine sẽ bị xóa sổ.” Trong bối cảnh như vậy, phạm vi hòa giải của giáo hoàng bị hạn chế: trên thực tế, Đức Phanxicô chỉ có thể kêu gọi lý trí và lòng trắc ẩn, những yếu tố không thể kìm hãm Putin, người bị thúc đẩy bởi ham muốn trả thù và tinh thần chủ nghĩa đế quốc.

Giáo sư có sợ một cuộc leo thang hạt nhân?

Các công cụ đấu tranh chính mà Putin sử dụng là sợ hãi và dối trá. Có một quy tắc nói rằng: “Bạn không thể mở cuộc thương thuyết nếu bạn bị nỗi sợ hướng dẫn.” Tôi nhớ hội nghị thượng đỉnh Reagan-Gorbachev ở Reykjavik năm 1986. Tổng thống Mỹ đã vẽ một “lằn ranh đỏ” và nhà lãnh đạo Liên Xô nhận ra họ không thể vượt qua lằn ranh này. Ngày nay, có nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân của Điện Kremlin. Nhưng phương Tây càng sợ hãi, mối đe dọa càng trở nên cụ thể hơn. Tại sao sợ hãi để tăng cường sức mạnh cho kẻ xâm lược. Và trong cuộc tiếp kiến với Đức Phanxicô, chúng tôi đã nhắc ngài đất nước chúng tôi đã từ bỏ vũ khí nguyên tử.

Chiến tranh Nga-Ukraine: điều tệ nhất sẽ đến

Các tác động của các cuộc trưng cầu dân ý của Nga đối với các vụ thôn tính là gì?

Bạo lực và thao túng đi kèm với bỏ phiếu đã tước bỏ bất kỳ giá trị pháp lý nào của họ. Họ chỉ có một mục đích tuyên truyền.

Có các điều kiện nào cho các cuộc thương thuyết không?

Nếu Nga không từ bỏ ý định đưa Ukraine trở lại quỹ đạo của mình, các cuộc đàm phán sẽ chỉ là chuyện viễn vông. Ngay cả việc ngừng bắn cũng có lợi cho Điện Kremlin vì họ sẽ có cơ hội để sắp xếp lại lực lượng trước khi một cuộc chiến tranh mới. Và phương Tây phải hiểu Putin sẽ không hài lòng với những vùng lãnh thổ đã chiếm được.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nói ông muốn ngồi vào bàn.

Trong lần gặp tháng 6, Đức Phanxicô nói với tôi: “Theo tôi, nước Nga không phải là cái ác tuyệt đối”. Đúng vậy, Chúa không muốn các quốc gia hoàn toàn là tội phạm, cũng như Ngài không tạo ra những dân tộc hoàn toàn là tội phạm. Ví dụ, người dân Đức không phải là kẻ xấu tuyệt đối, nhưng quốc xã là kẻ xấu tuyệt đối. Và chúng ta không được quên ma quỷ hành động trên thế giới cũng thông qua con người và các quốc gia: bây giờ là trường hợp của Putin và những người ủng hộ chiến tranh. Vì vậy, ngày nay, yêu thương người Nga có nghĩa là giúp họ mở rộng tầm mắt trước những tội ác mà họ đã gây ra, đẩy họ cảm thấy kinh hoàng trước những gì họ làm và mời gọi họ thành tâm sám hối trước Thiên Chúa và nhân loại. Chỉ khi tâm hồn tập thể Nga rơi nước mắt vì nạn nhân thì tương lai chúng ta mới được viết tiếp.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn