Dân Chúa Âu Châu

Giám mục Laurent Percerou, giáo phận Nantes nước Pháp đã thiết lập chức vụ “đặc ủy chung”: một giáo dân sẽ giúp ngài điều hành Giáo hội ở Loire-Atlantique cùng với hai linh mục tổng đại diện. Kể từ ngày 1 tháng 9, bà Françoise Coquereau sẽ là người đầu tiên giữ chức vụ này trong 5 năm và có thể gia hạn.

la-croix.com, Benoît Fauchet, 2022-05-25

Bà Françoise Coquereau, giáo dân được bổ nhiệm làm đặc ủy viên chung để giúp điều hành giáo phận Nantes, nước Pháp.

Một “đặc ủy chung” ở trong ban điều hành của giám mục, “bên cạnh” các linh mục tổng đại diện? Điều này dường như chưa từng có trong giáo phận công giáo Pháp.

Ở giáo phận Nantes, giám mục Laurent Percerou quyết định thành lập một văn phòng tổng đại diện mới, “bên cạnh các linh mục tổng đại diện” chứ không phải dưới quyền của họ, “sẽ hỗ trợ cho giám mục trong việc quản trị giáo phận”. Nhiệm vụ sẽ bắt đầu ngày 1 tháng 9 trong thời hạn năm năm, có thể gia hạn.

“Theo chức danh rửa tội và thêm sức của họ”

Trong một thông báo trên trang mạng của giáo phận, giám mục xác định: “Văn phòng sẽ được giao cho một giáo dân theo chức danh rửa tội và thêm sức của họ.” Bà Françoise Coquereau, 55 tuổi, sẽ là người đầu tiên nắm giữ chức vụ này.

Giám mục Percerou thông báo: “Đây không phải là người tổng đại diện thứ ba hay người thay thế linh mục tổng đại diện để chỉ giúp làm nhẹ gánh nặng cho hai linh mục này, nhưng đây là một nhân vật mới, có khả năng mang lại sức hút đặc trưng cho nhóm làm việc ở tòa giám mục để giúp khởi đầu những chuyển đổi cần thiết theo các thách thức Giáo hội đang có”.

Trả lời báo La Croix, giám mục nhấn mạnh dự án này được “sinh ra từ một trực giác” mà ngài đã nhanh chóng nghĩ ra sau khi thành lập trụ sở ở Nantes tháng 9 năm 2020: giáo phận “cực kỳ sôi nổi và năng động” này có nhiều người dấn thân và được đào tạo quy cũ,  một số người có thể được giao trong những trách nhiệm mới. Ngài giải thích: “Tôi nhận thấy nhóm làm việc ở tòa giám mục cần mở rộng và tôi nghĩ phải có một người làm mục vụ “ở một vị trí khác” với vị trí của một linh mục giáo phận.”

Cách tiếp cận Thượng hội đồng và cải cách Giáo triều

Có thêm một vị tổng đại diện thứ ba – bắt buộc phải là linh mục theo giáo luật – sẽ buộc linh mục này phải ra khỏi sứ mệnh trên địa bàn của họ, luôn là một lựa chọn tế nhị cho một giáo phận, dù khi giáo phận này có nhiều linh mục (ước chừng 260 linh mục triều, trong đó có 150 linh mục đang hoạt động).

Vì thế giám mục Percerou muốn đưa vào nhóm làm việc và ban cố vấn của tòa giám mục một giáo dân không có thẩm quyền trên các linh mục của một phân bộ nhưng có “nhiệm vụ đánh giá sự tổ chức của các lĩnh vực mục vụ khác nhau của giáo phận, cách họ cộng tác, cũng như sứ mệnh của họ trong việc phục vụ các giáo xứ”. Vị đặc ủy chung cũng sẽ phải đi cùng với Sứ mệnh Saint-Clair, cơ quan quy tụ gần 180 giáo dân tham gia công việc truyền giáo (LME) của Giáo hội Loire-Atlantique.

Giám mục đặt sự phát triển này trong khuôn khổ rộng lớn hơn của cách tiếp cận hiệp hành do Đức Phanxicô khởi xướng, tin vào “các kỹ năng, ơn sủng và đặc sủng phải được kết hợp để loan báo Tin Mừng tốt hơn” trong sự “tôn trọng với từng ơn gọi”. Ngài đưa ra ví dụ tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate evangelium, sẽ có hiệu lực ngày 5 tháng 6 và đồng ý với ý muốn của giáo hoàng, từ chối tính tự động của mối liên hệ giữa quyền hành và chức thánh.

“Một Giáo hội dám tiến về phía trước”

Đã lập gia đình và là mẹ của 4 người con đã trưởng thành, tốt nghiệp thạc sĩ về mục vụ giáo lý tại Học viện Công giáo Paris (ICP) sau khi có bằng kỹ sư nông nghiệp, bà Françoise Coquereau “nhiệt tình” và “khiêm tốn” trong công việc mới của mình. Bà đã làm nhiệm vụ truyền giáo cho giáo phận Nantes từ năm 2000, hiện là đại diện tòa giám mục của cực “khởi xướng và đào tạo kitô giáo” và sẽ đảm nhận chức vụ đặc ủy với tư cách là một nhân viên chính thức. Bà vui mừng vì có một văn phòng là dấu hiệu của “một Giáo hội dám tiến về phía trước”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn