Dân Chúa Âu Châu

Sáng hôm 13 tháng Năm năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế về thần học luân lý, do Đại học Giáo hoàng Gregoriana và Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II ở Roma, tổ chức trong khuôn khổ năm kỷ niệm Tông huấn “Amoris laetitia”, Niềm vui yêu thương, về gia đình. Ngài kêu gọi để ý đến thực trạng ngày nay trong việc giảng dạy luân lý.

Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Hôn nhân và gia đình có thể là một “kairos”, thời điểm thuận tiện, cho thần học luân lý, để xét lại những phạm trù (categorie) diễn giải kinh nghiệm luân lý dưới ánh sáng những gì xảy ra trong môi trường gia đình. Giữa thần học và hoạt động mục vụ cần tái thiết định một cái vòng tuần hoàn. Đường lối thực hành mục vụ không thể rút từ những nguyên tắc thần học trừu tượng, cũng như suy tư thần học không thể giới hạn vào việc lập lại những đường lối thực hành. Bao nhiêu lần hôn nhân được trình bày “như một gánh nặng cần phải chịu đựng suốt đời”, thay vì như “một con đường sinh động để tăng trưởng và viên mãn” (Amoris laetitia 37). Không phải vì thế mà luân lý Tin mừng từ khước không công bố hồng ân của Thiên Chúa, từ đó phát sinh nghĩa vụ và sự tận tụy. Thần học có một chức năng phê bình, hiểu biết về đức tin, nhưng suy tư thần học phải đi từ kinh nghiệm sinh động và từ cảm thức đức tin của các tín hữu, sensus fidei fidelium. Chỉ như thế sự hiểu biết của thần học về đức tin mới phục vụ thực sự cho Giáo hội. Chính vì thế việc thực hành sự phân định trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, mở ra không gian cho “lương tâm của các tín hữu, là những người bao nhiêu lần hết sức đáp ứng Tin mừng, giữa những giới hạn của mình và có thể thi hành sự phân định bản thân đứng trước những tình trạng, trong đó mọi khuôn khổ không còn nữa” (A.L 37).

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Luân lý Tin mừng xa lạ với sự duy luân lý biến việc tuân giữ theo chữ các qui luật thành một bảo đảm cho sự công chính của mình trước mặt Thiên Chúa, và cũng xa lạ đối với chủ nghĩa duy tâm, nhân danh một điều tốt đẹp lý tưởng, nó làm nản lòng và xa rời điều tốt đẹp có thể có”. (A.L. 308, EG 44)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu