Dân Chúa Âu Châu

osservatoreromano.va, Marcelo Figueroa, 2020-04-25

Sự tinh tế và quan tâm cá nhân của Đức Phanxicô với những hệ quả khủng khiếp của vũ khí hủy diệt hàng loạt, cả hạt nhân và hóa học, không phải là chuyện mới mẻ. Trong chuyến tông du của ngài đến Nhật Bản, tại Đài Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima ngày 24 – 11 – 2019, ngài nói: “Trong lời xin duy nhất để mở ra với Thiên Chúa và tất cả những ai thiện tâm, nhân danh tất cả nạn nhân của các vụ đánh bom, các thí nghiệm nguyên tử và của tất cả các cuộc xung đột, chúng ta hãy cất lên tiếng kêu từ trái tim mình: Không còn chiến tranh, không còn tiếng gào thét của vũ khí, không còn đau khổ nữa!”

Tại Buenos Aires năm 2009, vào một ngày mùa xuân mưa lạnh, một cuộc gặp gỡ xúc động đã diễn ra giữa hồng y tổng giám mục Jorge Mario Bergoglio và bà Phan Thị Kim Phúc, cô gái nổi tiếng trong bức ảnh “Cô gái Napalm” trần truồng chạy ngoài đường, cơ thể bị phỏng nặng vì bom napalm dội xuống trong một vụ ném bom năm 1972 ở Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra trong một buổi gặp của Hiệp hội Canh tân các nhà truyền giáo và công giáo trong Chúa Thánh Thần tại sân vận động Công viên Luna trước 7,000 người. Cùng với các đại diện của các phong trào đại kết khác, tôi là chứng nhân của cuộc gặp này và những lời Đức Bergoglio nói sau khi nghe Kim Phúc làm chứng về sự trở lại và tha thứ  của cô: “Điều gì đã đã làm cho Kim Phúc được thanh tẩy trong quá trình này? Đó là cô khám phá ra Chúa Giêsu đang sống. Chúng ta thanh lọc bộ nhớ của chúng ta. Chúng ta hãy về lại Galilê của cuộc gặp gỡ đầu tiên. Ngài sống và nếu ngài sống thì ngài có khả năng thay đổi đời chúng ta.”

Cô bé 9 tuổi trong bức ảnh đoạt giải Pulitzer bây giờ 46 tuổi (2009) khi kể cho người tham dự câu chuyện đau thương của mình, tiến trình đau đớn về sự tha thứ từ làng Trảng Bàng, cách Sài Gòn nửa giờ lái xe, cho đến bây giờ. Trong bầu khí thinh lặng của sân vận động Công viên Luna, Kim Phúc kể lại kinh nghiệm của cô khi năm 1988 cô gặp người phi công Mỹ đã ra lệnh ném bom: “Tôi đã học cách tha thứ cho kẻ thù của mình. Tôi đã biết tha thứ và ngày hôm đó, tôi đã sống kinh nghiệm hòa giải”. Trong bài phát biểu ngắn của cô sau đó, cô nói thêm: “Đôi khi có một điều gì đó quá khủng khiếp xảy ra trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta mạnh hơn, cả khi chúng ta bị tổn thương rất nhiều. Napalm là nỗi đau không thể tưởng tượng được. Tôi nằm bệnh viện 16 tháng và phải mổ 17 lần. Tôi đã ở trên bờ vực tử thần nhiều lần. Tôi ở một mình, tôi bị cô lập. Bằng cách nào đó tôi đã tìm thấy sức mạnh và sống sót. Một hôm, khi nhìn lên bầu trời, tôi hỏi: “Chúa ơi, Chúa có thật không?” Xin Chúa giúp con. Và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của tôi. Hôm nay tôi có nhiều vết sẹo và đau đớn, nhưng trái tim tôi tinh tuyền. Vì thế tôi hiểu giá trị của nỗi đau, của nỗi khổ của mình: Tôi có thể giúp đỡ người khác. Tôi bắt đầu giúp các trẻ em nạn nhân chiến tranh, nạn nhân của bạo lực và thiếu tình thương. Cô gái bé nhỏ là tôi sẵn sàng cho lại hy vọng. Vì đã biết chiến tranh nên tôi hiểu giá trị của hòa bình. Vì đã từng sống qua đau thương, bây giờ tôi biết được tình yêu. Vì đã từng sống qua cảnh nghèo khó và không có gì, nên tôi hiểu giá trị của việc có tất cả. Vì đã từng sống trong sợ hãi, bây giờ tôi hiểu giá trị của niềm tin và tha thứ. Tôi nhận ra, tôi không thể thoát khỏi bức ảnh này nhưng tôi có thể dùng nó để cổ động cho hòa bình. Cô gái nhỏ không còn chạy nữa, cô bay”.

Mười một năm trôi qua kể từ cuộc gặp gỡ đó. Tôi nhớ, sau lời chứng của Kim Phúc trước sân vận động thinh lặng, ban tổ chức đã xin hồng y Bergoglio cầu nguyện cho cô. Trước khi cầu nguyện, tổng giám mục giáo phận Buenos Aires hướng về tất cả mọi người và nói: “Đây là ví dụ sống động về cách một tín hữu kitô có thể tha thứ và hòa giải.”

Marcelo Figueroa

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn