Dân Chúa Âu Châu

Đức Hồng y Béchara Rai, Giáo chủ Công giáo Maronite, phê bình chủ trương tăng thuế tại Liban, trong lúc nhân dân nước này đang chịu đau khổ.

Sáng thứ Hai, ngày 24 tháng Giêng vừa qua, Hội đồng bộ trưởng Liban đã nhóm họp lần đầu tiên dưới quyền chủ tọa của Thủ tướng Naguib Mikati, tại phủ Tổng thống ở Baabda, sau ba tháng bị tê liệt vì những ngăn chặn của các khối chính trị. Trong khóa họp, chính phủ cứu xét các biện pháp do bộ trưởng tài chánh Youssef Khalil đề nghị. Ông cùng đảng với chủ tịch quốc hội Nabid Berri, theo Hồi giáo Shiite. Trong số các đề nghị được đưa ra, có việc tăng thuế mới.

Nhận định về vấn đề này, trong bài giảng Chúa nhật, ngày 23 tháng Giêng, Đức Hồng y Bechara Rai nói rằng: “Đặt ra những thuế mới đánh trên người dân là điều có thể hiểu được trong giai đoạn tái đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nhưng nó trở thành một nhân tố bất công và đau khổ đối với người dân Liban, vốn đã bị cuộc khủng hoảng tàn phá đang xô đẩy đại đa số dân chúng xuống dưới mức nghèo đói... Trong giai đoạn trầm trọng hiện nay, tăng thuế chỉ mang lại hậu quả không thể lật lại được, đó là sự sụp đổ của nền kinh tế Liban, và càng làm cho các gia đình nước này nghèo thêm, cũng như gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất.”

Đức Hồng y Giáo chủ Công giáo Maronite nói thêm rằng: “Ngay từ khi mới thành lập quốc gia Liban, nền kinh tế tự do đã là bí quyết sự thịnh vượng, tăng trưởng và tiến bộ của Liban, khuyến khích gia tăng công ăn việc làm, và việc đầu tư trong mọi lãnh vực, tạo cơ hội việc làm và liên kết giữa nền kinh tế Liban với nền kinh tế thế giới, trước khi xuất hiện sự hoàn cầu hóa. Sự sụp đổ kinh tế của Liban đã bắt đầu với sự suy yếu chế độ tự do trong chiều kích kinh tế và xã hội tại nước này”.

Cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế hiện nay tại Liban trong thực tế mở ra những nhu cầu thuộc loại giả tạo và mong manh của sự tái đẩy mạnh kinh tế tại nước này, sau những năm nội chiến kinh khủng. Sự phục hồi diễn ra một cách thiếu trật tự, bị thổi phồng do sự “tái thiết” các bất động sản ở vùng duyên hải, với những nhà chọc trời do các kiến trúc sư danh tiếng quốc tế và những trung tâm thương mại đầy những hàng hiệu thời trang. Đó là một sự “phục hồi” trong thực tế không dựa trên sự phát triển kinh tế hữu lý, nhưng ngày càng tùy thuộc những công thức tài chánh mà Ngân hàng Liban theo đuổi, từ năm 1993 do ông Riad Salameh, cựu chủ ngân hàng Merrill Lynch điều khiển.

Hiện nay, sở dĩ dân Liban sống còn được trong mùa đông cam go này phần lớn là nhờ hàng triệu người Liban ở nước ngoài, mỗi tháng gửi tiền viện trợ cho thân nhân và bạn hữu còn ở lại nước này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu