Dân Chúa Âu Châu

Hoạt động thứ tư của Đức Thánh cha trong ngày thứ Hai 13/9/2021 tại thủ đô Bratislava, là cuộc gặp gỡ lúc 5 giờ chiều với cộng đồng Do thái, tại Quảng trường Rybné Námestich ở khu vực cổ thành, cách Trung tâm Bethlehem 4 cây số và không xa nhà thờ chính tòa thánh Martino.

Lịch sử

Tại Quảng trường Rybné này trước kia có Hội đường Do thái Neolog, bị nhà nước cộng sản Tiệp Khắc phá hủy vào năm 1959 cùng với toàn thể khu ghetto của người Do thái, để lấy chỗ xây cầu Toàn quốc Slovakia Nổi dậy, quen gọi là Cầu Mới. Cộng đồng Do thái tại khu vực này được thành lập năm 1871 và Hội đường của họ được dựng lên 22 năm sau đó (1893), có hai tháp bát giác với một mái vòm. Trong thế chiến thứ II, Hội đường này không bị hư hại.

Ngày nay tại Quảng trường Rybné có đài tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái: tưởng nhớ 105.000 người Do thái ở Slovakia bị Đức Quốc xã tiêu diệt và nhắc nhớ Hội đường Neolog bị Nhà nước cộng sản phá hủy. Đài tưởng niệm một một bức tường đen, trên đó có vẽ lại hình Hội đường Do Thái do kiến trúc sư Peter Zalman thực hiện hồi năm 1995, cùng với một tác phẩm điêu khắc trừu tượng bằng đồng cao 5 mét, với ngôi sao David trên đỉnh, đặt trên một đế bằng đá màu đen, có khắc chữ “Zachor” tiếng Do thái và chữ “Pamataj” tiếng Slovakia có nghĩa là “tưởng nhớ”.

Qua bao thế kỷ, Bratislava là trung tâm quan trọng của người Do thái, nhưng trong số 15.000 người sống tại đây hồi năm 1940 khi thế chiến thứ II mới bắt đầu, chỉ có 3.500 người sống sót sau cuộc diệt chủng của Đức quốc xã. Ngày nay, tại Slovakia chỉ còn lại khoảng 2.000 người Do thái, trong đó có 500 người sống tại thủ đô Bratislava.

Gặp gỡ

Đến quảng trường Rybné lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh cha đã được ông Chủ tịch Liên hiệp trung ương các Cộng đoàn do thái giáo tại Cộng hòa Slovakia đón tiếp và chào mừng, trước khi có hai chứng từ được trình bày:

Một nữ tu dòng Ursuline đã kể lại những hoạt động của các nữ tu cùng dòng, và nhiều cựu nữ sinh các trường của dòng, đã mở cửa đón nhận và cho những người Do thái trú ẩn trong thời kỳ họ bị bách hại. Khi các nữ tu di tản từ Bratislava đến một lâu đài ở Svaty Kriz, các chị đã đón tiếp và săn sóc trong lâu đài một nhóm trẻ em, trong đó có cả các trẻ nữ Do thái, cho đến khi các em tìm được nơi ẩn nấp hoặc trốn khỏi Bratislava. Cũng có những gia đình Do thái được tị nạn tại tòa nhà nay là trụ sự Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Giáo sư Lang, 79 tuổi (1942) người đã sống sót cuộc diệt chủng, kể lại tình cảnh của ông: gia đình bị tan nát, cha của ông bị bắt giải đi về hướng mặt trận phía đông và mất tích. Chỉ 50 năm sau, khi nghiên cứu văn khố, ông mới biết thân phụ đã chết tại Ucraina.

Ông ở với mẹ, nhưng năm 1944, lúc ông mới được 2 tuổi, bà mẹ bị bắt đưa đi khỏi Budapest trong một đoàn xe. Những người trở về cho biết bà đã chết tại Đức trong lúc bị giải đi, đi bộ. Về phần ông, khi ông bị bệnh và đưa vào nhà thương, các nữ y tá can đảm đã bảo vệ ông. Họ gắn trên cửa phòng đó một tấm bảng có hàng chữ “Bệnh truyền nhiễm”, thế là những người lính lục soát không vào phòng đó. Trong vụ nhà thương bị dội bom, có 15 trẻ em và một nữ y tá sống sót.

Giáo sư Lang nói: “Tôi rất tiếc về sau không tìm được vết tích y tá ấy để cảm ơn”. Về sau ông thành hôn và có được 2 người con và 6 người cháu. Trong 20 năm gần đây, ông chuyên nghiên cứu về lịch sử diệt chủng Do thái ở miền nam Slovakia. Ông viết một lưu ký cho tương lai, để quá khứ không bao giờ bị quên lãng. Trong lịch sử đau buồn của cuộc diệt chủng ở Slovakia, có một chữ lớn được viết lên: tên của Đức ông Giuseppe Burzio, đại biện Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Slovakia, người đã không ngừng tìm cách ngăn chặn sự bài Do thái của chế độ sát nhân thời đó. Không có chính trị gia Slovakia nào thời đó công khai chống lại chế độ này.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Trong diễn từ, Đức Thánh cha nhắc đến tại Quảng trường nơi diễn ra cuộc gặp gỡ danh Thiên Chúa đã bị xúc phạm: trong điên rồ oán ghét, thời thế chiến thứ hai, hơn 100.000 người Do thái Slovakia đã bị giết. Và khi họ muốn xóa bỏ vết tích của cộng đoàn, Hội đường Do thái tại đây đã bị phá hủy... Tại đây, đối diện với lịch sử của dân tộc Do thái, được đánh dấu bằng sự thảm thương khôn tả này, chúng ta xấu hổ mà nhận rằng bao nhiêu lần danh khôn tả của Đấng Tối Cao đã bị lạm dụng vì những hành vi vô nhân đạo! Bao nhiêu kẻ áp bức đã tuyên bố “Thiên Chúa ở với chúng tôi”, nhưng chính họ là những người không ở với Thiên Chúa.

Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, lịch sử của anh chị em cũng là lịch sử của chúng tôi, đau khổ của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi... Chúng ta hiệp nhau tái lên án mọi bạo lực, mọi hình thức bài Do thái, và cùng dấn thân để hình ảnh Thiên Chúa nơi con người không bị xúc phạm.

“Nhưng, anh chị em thân mến, quảng trường này cũng là nơi ánh sáng hy vọng bừng lên. Tại đây, mỗi năm anh chị em đến thắp lên ánh sáng đầu tiên trên cây nến Chanukia. Vì thế, trong tối tăm, xuất hiện sứ điệp cho thấy tàn phá và chết chóc không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính sự đổi mới và sự sống. Và nếu Hội đường tại nơi này đã bị phá hủy, cộng đoàn vẫn còn hiện diện, sinh động và cởi mở đối thoại. Tại đây lịch sử chúng ta tái gặp nhau. Ở đây cùng nhau chúng ta khẳng định trước mặt Chúa ý chí tiếp tục con đường xích lại gần nhau và thân hữu.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến cuộc gặp gỡ tại Roma hồi năm 2017 với các đại diện của các cộng đoàn Do thái và Kitô. Ngài nói: “Tôi vui mừng vì sau đó một Ủy ban đối thoại với Giáo hội Công giáo được thành lập và đã cùng công bố các văn kiện quan trọng. Thật là tốt khi chia sẻ và thông truyền những gì liên kết chúng ta. Thật là tốt khi theo đuổi trong sự thật và chân thành, hành trình huynh đệ thanh tẩy và ký ức để chữa lành những vết thương quá khứ, cũng như nhắc nhớ những điều tốt lành đã lãnh nhận và trao tặng. Theo sách Talmud, ai hủy hoại một người là phá hủy toàn thế giới, ai cứu một người thôi thì cũng cứu toàn thế giới. Mỗi người đều đáng kể, điều mà anh chị em làm qua sự chia sẻ của anh chị em rất đáng kể. Xin cám ơn anh chị em vi những cánh cửa anh chị em mở cả hai bên. Thế giới đang cần những cánh cửa mở. Đó là những dấu hiệu phúc lành cho nhân loại.”

Tiếp kiến hai nhân vật chính quyền

Sau huấn từ, Đức Thánh cha và mọi người cầu nguyện với một thánh vịnh và ngài trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Tại đây lúc 6 giờ, ngài lần lượt tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Slovakia, ông Boris Kollár rồi sau đó là Thủ tướng Eduard Heger.

Ông Boris Kollár năm nay 56 tuổi (1965). Vốn là một nhà luật học, năm 40 tuổi, ông thành lập đảng Sme Rodina, nghĩa là “Chúng ta là một gia đình”, có khuynh hướng quốc gia và bảo thủ. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2016, đảng này đạt được 11 ghế và hồi tháng Ba năm ngoái, ông Kollár được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông có 10 người con.

Còn Thủ tướng Eduard Heger của Slovak năm nay 45 tuổi (1976). Sau khi tốt nghiệp kinh tế, ông trải qua 1 năm rưỡi ở Mỹ, rồi trở về nước, làm tham vấn tại Bộ quốc phòng, cho đến năm 2016, ông là thành viên của Hội đồng quốc gia Slovakia, đại diện đảng “Thường dân và Nhân vật độc lập” (OL’aNO), cho đến năm ngoái khi ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và bộ trưởng tài chánh. Từ ngày 01/4 năm nay, ông làm thủ tướng của Slovakia.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu