Dân Chúa Âu Châu

Chúa Nhật XVII Thường Niên - B
Bài đọc: II V 4, 42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6, 1-15.
217799035 4512506752113193 7005305544209980776 nThiên Chúa tạo dựng mọi sự, để con người tam dự vào vinh quang của Ngài qua lệnh truyền: “Hãy làm sinh sôi nẩy nở”. Hãy làm nhiều công trình tô vẻ đẹp cho mặt đất. Tất cả những gì Chúa làm là của chung, mọi người đều hưởng dùng và biết tinh thần trách nhiệm, biết san sẻ nhau. Thế nhưng thực tế, con người ích kỷ, muốn chiếm đoạt cho riêng mình, nên có chiến tranh, hận thù. Lời Chúa hôm nay nhắc lại tinh thần san sẻ mà con người cần phải quan tâm. Trong bài đọc 1, tiên tri E-li-sa truyền tiểu đồng phát 20 chiếc bánh lúa mạch đầu mùa người ta tặng ông cho dân chúng, mặc dù chẳng thấm vào đâu; nhưng Đức Chúa đã cho toàn dân ăn no. Một tấm lòng biết chia sẻ Thiên Chúa sẽ ra tay nhân đôi lên làm dư đầy như câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay.

1. Xem

Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

2. Xét

Chương 6 của Tin Mừng Gioan gồm;
+ Hóa bánh ra nhiều lầ 1 (Tin mừng hôm nay Ga 6, 1-15)
+ Sự kiện Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ Tibêria (Ga 6, 16-21)
+ Diễn từ Bánh ban sự sống (Ga 6, 22-59)
+ Hiệu quả: Dân chúng bỏ đi. Phê-rô tuyên xưng lòng tin (Ga 6, 60-71).

Việc hóa bánh ra nhiều lần 1 là sự kiện quan trọng để đi đến diễn từ Bánh Trường Sinh sau đó, nên đều được cả 4 Tin Mừng tường thuật (Mt 14, 13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9, 10-17; Ga 6, 1-15). Còn hóa bánh lần 2 chỉ có 2 thánh sử tường thuật (Mt 15, 32 – 39; Mc 8, 1 – 10).

Vào đầu thánh sử Gioan cho biết Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ti-bê-ri-a. Vậy thì, trước đó Ngài ở đâu? Chúng ta biết, người Do thái có 3 đại lễ chính mà người Đo thái nào đến tuổi trưởng thành cũng phải tham dự: Lê Vượt Qua, lối mùa xuân, tưởng niệm Thiên Chúa cứu dân vượt qua Biển Đỏ, thoát cảnh nô lệ ở Ai Cập; lễ Năm Mươi, tức qua 50 ngày lễ Vượt Qua, tưởng niệm Thiên Chúa ban 2 bia đá có khắc ghi 10 điều răn qua Mô-sê; Lễ Lều, tưởng niệm dân đi trong sa mạc, thường tổ chức vào tháng 7 và cử hành 7 ngày, người ta cắm lều và ở ngoài trời. Như thế, trước khi qua bên kia biển hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su vừa dự Lễ Lều (lễ thứ ba) ở Giê-ru-sa-lem xong, Ngài và các môn đệ đến miền Ga-li-lê. Trong bối cảnh Tin Mừng này, Gioan viết: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.” Nghĩa là sắp đến lễ thứ nhất của người Do thái, gần giáp năm rồi, Ngài và các môn đệ phải trở lại Giê-ru-sa-lem.

Từ thuyền, Đức Giê-su ngước mắt lên thấy đông đảo dân chúng, tức là dân chúng đang đứng trên một đồi cao làm Ngài phải ngước mắt lên mới thấy. Đó là hình ảnh diễn tả trước về Ngày Cánh chung. Ngày đó khắp dân chúng khắp nơi sẽ đổ về Núi thánh của Chúa. Họ sẽ lên núi Sion và cao rao tình thương và kỳ công của Chúa. Thấy cảnh người nhiệt tình như thế, Đức Giê-su giàu lòng xót thương nghĩ ngay đến cho họ ăn gì. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi, hơn nữa giữa đồng hoang vắng này có ai bán đâu mà mua. Ông Phi-líp-phê thoái thát đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Rồi An-rê cũng thế: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” Cả hai ông đều bó tay trước bài toán Đức Giê-su đề ra. Khi Ngài ra đề toán là có cách giải nó rồi. Từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, Đức Giê-su thực hiện phép lạ nuôi hơn 5.000 người ăn no nê. Điều này cho chúng ta thấy rằng: khi con người biết nỗ lực đến cuối cùng, Chúa mới ra tay trợ giúp.

Một chi tiết chúng ta cần tìm hiểu. Theo Gioan, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.” Trong khi các thánh sử khác: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ” (Mt 14, 19). Đối với Gioan, Đức Giê-su không bẻ bánh ra và chính Ngài phân phát cho dân chúng; đối với các thánh sử khác, Đức Giê-su bẻ bánh và trao cho các môn đệ, rồi các môn đệ phân phát cho dân chúng. Sự khác biệt này không làm mất ý nghĩa về bí tích Thánh Thể. Với Gioan, Gioan nhắm đến chính Đức Giê-su là Thánh Thể nuôi mọi người; với các thánh sử khác nhắm đến Giáo hội, qua các môn đệ, là người phân phát Thánh Thể cho mọi người.

3. Làm

Việc Đức Giê-su làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều là bước trước. chuẩn bị cho diễn từ về Bánh Hằng Sống Ngài sắp công bố, và nhất là chuẩn bị cho việc lập bí tích Thánh Thể trong lễ Vượt Qua. Nếu như thể xác cần lương thực để lớn lên, thì linh hồn cũng cần lương thực để được bỗ dưỡng và phát triền. đó là Thánh Thể, Mình và Máu Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ trần gian. Vì yêu thương nhân loại đến cùng, Ngài tìm phương cách tốt nhật, độc nhất, để ở giữa nhân loại và trong lòng nhân loại. Đó là niềm vinh dự và hạnh phúc cho nhân loại chúng ta!

Trong lúc đại dịch cần giãn cách xã hội, chúng ta thiếu thốn lương thực, nhưng vẫn tìm đủ mọi cách với lòng bác ái tương trợ, tiếp tế “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “Lá lành đùm lác rách. Lá rách đùm lá tả tơi”. Tinh thần bác ái Ki-tô giáo thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi cái tôi của mình để đến những cái tôi khác, thắp lên ánh sáng Tin Mừng; thời gia này cũng thiếu lương thực Thánh Thể để bỗ dưỡng tâm linh, không có thánh lễ để tham dự nữa. Thánh lễ online chỉ là chữa cháy, chỉ là rước lễ thiêng liêng. Dự lễ online sao bằng hiện diện chính con người mình trước Thánh Thể! Thôi, cũng là thử thách lớn cho người có đạo. Chúng ta không chịu thua, một mặt chóng dịch bệnh, mặt khác chạy đến với Chúa bằng nhiều cách: dự lễ online, đọc Lời Chúa thoe lịch công giáo đã ghi sẵn, đọc các bài suy niệm mỗi ngày trên internet… Chúng ta không chịu thua, chỉ là thiệt thòi trong thời gian rồi sẽ vượt qua bình an. Hãy giữ vững đức tin và kiên trì trong mọi sự.

@ Lời nguyện

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Lm. Nhan Quang