Dân Chúa Âu Châu

Một Giám mục người Tây Ban Nha đã lên án thảm kịch của những người di cư trên quần đảo Canary, đồng thời thúc giục rằng “chúng ta phải đối xử với họ như những con người, giúp đỡ họ và tiếp nhận họ”.

Những người mới đến bị bỏ lại “không có thức ăn, thức uống và điểm đến” sau khi bị cảnh sát trục xuất khỏi trại tập trung tạm bợ

Đức Giám mục Địa phận Tenerife, Đức Cha Bernardo Álvarez, đã phát biểu trên đài phát thanh Tây Ban Nha vào ngày 18 tháng 11, một ngày sau khi cảnh sát trục xuất 225 người mới đến từ cảng Arguineguín quá đông đúc trên đảo Gran Canaria.

Những người di cư đã phản đối điều mà một thẩm phán gọi là các điều kiện “vô nhân đạo” tại một trại tập trung khẩn cấp ở cảng này, phần lớn là do lượng khách đến quần đảo Canary đã tăng 1.000% trong năm nay so với con số năm 2019, lên 16.700 người.

Cảnh sát đã làm theo chỉ thị của chính phủ quốc gia Tây Ban Nha, vốn đang phải vật lộn để đối phó với số lượng lớn người di cư đến từ Bắc Phi, nơi chỉ cách quần đảo Canary 100km.

Nhưng những người di cư đã bị đuổi khỏi trại tập trung hôm thứ Ba đã bị bỏ lại “mà không có thức ăn, thức uống hoặc một điểm đến”, một quan chức chính quyền địa phương tố cáo. Thậm chí, một công đoàn cảnh sát địa phương đã cảnh báo rằng “những người di cư không thể bị đẩy ra đường mà không có thức ăn hay bất kỳ chỗ trú ẩn nào”.

Mặc dù chính quyền địa phương sau đó đã dùng xe buýt để đưa những người di cư bị bỏ rơi đến thủ phủ của Gran Canaria, Las Palmas, việc trục xuất đã bộc lộ những điểm yếu trong chính sách di cư của Tây Ban Nha trên quần đảo Canary mà Đức Giám mục Álvarez yêu cầu phải giải quyết.

Nguy cơ của “trạng thái mất cảm giác” đang đặt ra, nhưng “tình yêu và sự tôn trọng đối với con người phải được đặt trên hết”

Phát biểu trên đài phát thanh, Đức Cha Álvarez nhấn mạnh rằng những người di cư bị trục xuất “chỉ bị bỏ lại ở đó, bị bỏ lại với các vật dụng của riêng họ”, vì lý do đó ngài cảm ơn “rất nhiều” cư dân địa phương đã hỗ trợ họ nước uống và đồ ăn nhẹ.

“Đây là vấn đề của hiện tượng nhập cư – nếu mọi người đến đây và không có biện pháp nào được thực hiện, để phân phối lại họ cho các quốc gia kháctrên lục địa hoặc đưa họ trở lại đất nước của họ, một loại hình khu ổ chuột có thể được tạo ra, với nguy cơ rằng sẽ có nhiều người phải lang thang trên đường phố không có nơi để trú ẩn; điều này tạo ra sự bất ổn xã hội ”, Đức Cha Álvarez cảnh báo.

Nhấn mạnh rằng nếu những người di cư “không phạm bất cứ tội gì, họ phải được trả tự do” và không bị giam giữ trong các trung tâm giam giữ, Đức Cha Álvarez kêu gọi rằng “chúng ta phải đối xử với họ như con người, giúp đỡ họ và tiếp nhận họ, bởi vì tình yêu thương và sự tôn trọng đối với mọi người phải được đặt trên hết”.

Đức Giám mục Địa phận Tenerife cũng cảnh báo về nguy cơ của “trạng thái mất cảm giác” đang đặt ra đối với hoàn cảnh của những người di cư. “Khi một số sự kiện nhất định tiếp tục diễn ra theo thời gian, chúng ta bắt đầu cảm thấy thờ ơ, chẳng còn quan tâm mọi thứ, như thể đó là điều bình thường. Chúng ta tiến hành công việc kinh doanh của mình, chúng ta đã quen với nó và trái tim của chúng ta trở nên chai cứng”, Đức Cha Álvarez cảnh báo.

Vị Giám chức bác bỏ ý tưởng về một “cuộc xâm lược của người di cư, có nghĩa là họ đến để xâm chiếm chúng ta”, đồng thời ngài than phiền về sự hăm dọa và ‘những tin tức giả’ trong một số lĩnh vực xã hội liên quan đến những người mới đến, và việc chấp nhận những thái độ “không hợp lý và không tôn trọng”.

 “Hãy bắt tay vào việc nỗ lực làm việc để không ai cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội hoặc bị hắt hủi”

Cùng với Đức Giám mục José Mazuelos tại Quần đảo Canary, Đức Cha Álvarez đã công bố một lá thư mục vụ vào ngày 13 tháng 11 về thảm kịch của những người di cư.

Trong số 16.700 người mới đến các hòn đảo trong năm cho đến nay, 5.500 người đã đến đây chỉ trong hai tuần qua, và ít nhất 493 trường hợp tử vong đã được ghi nhận vào năm 2020 trên tuyến đường di cư từ Châu Phi đến quần đảo.

Những con số đó làm cho tuyến đường Quần đảo Canary thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với người di cư so với tuyến đường nổi tiếng qua Trung Địa Trung Hải, từ Libya đến Malta và Ý.

Trong lá thư mục vụ của mình, Đức Cha Mazuelos và Đức Cha Álvarez đã đưa ra lời kêu gọi chân thành tới các chính trị gia và các công dân Tây Ban Nha “hãy nỗ lực làm việc để không ai cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội hoặc bị hắt hủi, nhưng tất cả mọi người đều được sống trong sự chào đón, quan tâm và tôn trọng mà họ xứng đáng được hưởng như những con người”.

Minh Tuệ (theo Novena)