Dân Chúa Âu Châu

La vieille ville palestinienne d'Hébron en Cisjordanie, au sud de Jérusalem, le 15 mai 2020. | AFP or licensors

22/05/2020

Tòa Thánh kêu gọi Israel “tôn trọng công pháp quốc tế và những nghị quyết liên hệ của Liên Hiệp Quốc, như một yếu tố không thể thiếu được để hai dân tộc Israel và Palestine có thể sống cạnh nhau trong hai quốc gia, với những biên giới được quốc tế nhìn nhận trước năm 1967.”

  1. Trần Đức Anh, O.P.

Trên đây là tuyên bố của Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, hôm 20/5/2020 vừa qua, sau khi được ông Saeb Erekat, Trưởng ban thương thuyết và là Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine, điện thoại để thông báo cho Tòa Thánh về những diễn biến gần đây trên lãnh thổ Palestine và sự kiện Israel có thể đơn phương áp đặt chủ quyền trên các phần lãnh thổ của Palestine, và như vậy càng làm thương tổn tiến trình hòa bình.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng cho biết: “Tòa Thánh quan tâm theo dõi tình hình và bày tỏ lo âu vì những hành vi có thể làm thương tổn thêm cuộc đối thoại, đồng thời cầu mong người Israel và Palestine có thể sớm có thể tìm lại được cuộc thương thuyết trực tiếp về một hiệp định, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, và sau cùng hòa bình có thể hiển trị tại Thánh địa, vốn được người Do thái, Kitô và Hồi giáo rất yêu mến.”

Phản ứng của tổng thống Palestine

Hôm 20/5 vừa qua, tổng thống Palestine, ông Abu Mazen đã tuyên bố chấm dứt mọi hiệp định với Israel và Hoa Kỳ, trước sự kiện Israel có thể sáp nhập một phần của miền Cisjordani từ ngày 01/7 sắp tới.

Tối hôm trước đó, 19/5, tổng thống Abu Mazen đã nhóm họp với các vị lãnh đạo chính trị của Palestine tại thành Ramallah và thông báo phản ứng của Palestine về việc Israel có thể sáp nhập miền Cisjordani theo kế hoạch được tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến. Tổng thống Palestine đã kêu gọi Israel hãy đảm nhận tất cả những nghĩa vụ của mình, trong tư cách là một cường quốc chiếm đóng, và phải chịu tất cả những hậu quả và ảnh hưởng dựa trên công pháp quốc tế và công pháp nhân đạo, đặc biệt là Hiệp ước thứ IV ở Genève.

Hiệp ước này được ký kết hồi năm 1949, nhắm bảo vệ các thường dân trong thời chiến tranh, kể cả các lực lượng võ trang đã bỏ khí giới.

Tổng thống Palestine muốn nhắc đến trách nhiệm của Israel phải bảo vệ an ninh cho dân chúng, tại các lãnh thổ họ chiếm đóng và phải bảo vệ tài sản của dân chúng tại đó. Hiệp ước ấy cũng cấm trừng phạt tập thể, ăn trộm tài nguyên, sáp nhập lãnh thổ. Hành động như thế là những vi phạm trầm trọng và là tội ác chiến tranh”.

(Sala Stampa, tổng hợp 20-5-2020)

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu