Dân Chúa Âu Châu

Đức Tổng Giám mục Kikuchi đã trả lời câu hỏi của Catholic News Agencyvề vấn đề Nhật Bản,công việc truyền giáo vàvề lý do tại sao việc thâm nhập vào xã hội chính thống Nhật Bản lại rất khó đối với một tôn giáovốn đã tồn tại sau cuộc đàn áp và diệt chủng tại quốc gia này kể từ năm 1549.

Đức Tổng Giám mục Isao Kikuchi Địa phận Tokyo.

Những nỗ lực được đưa ra bởi Giáo hội Công giáo để thực hiện việc truyền giáo cho người dân Nhật Bản thường xuyên va chạm với những kẻ cản đường, theo Đức Tổng Giám mục Địa phận Tokyo, Đức Cha Isao Kikuchi, nhưng Giáo hội vẫn đang tiếp tục tìm ra những phương thế cho việc loan báo Tin Mừng.

Đức Tổng Giám mục Kikuchi đã trả lời câu hỏi của Catholic News Agency về vấn đề Nhật Bản, công việc truyền giáo và về lý do tại sao việc thâm nhập vào xã hội chính thống Nhật Bản lại rất khó đối với một tôn giáo vốn đã tồn tại sau cuộc đàn áp và diệt chủng tại quốc gia này kể từ năm 1549.

Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ vài tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này vào ngày 23-26 tháng 11 sắp tới.

“Trong xã hội Nhật Bản, quả thực rất khó để tìm thấy sự thành công rõ rệt trong các hoạt động truyền giáo”.

Theo dữ liệu gần đây nhất, khoảng 35% người Nhật tuyên bố Phật giáo là tôn giáo của họ, trong khi khoảng 3-4% tuyên bố là các tín đồ Thần đạo hoặc có liên quan đến các tôn giáo dân gian của Nhật Bản. Chỉ 1-2% người Nhật tuyên bố Kitô giáo là đức tin của họ, và chỉ khoảng một nửa số Kitô hữu Nhật Bản theo Công giáo.

“Trước đây, các nhà truyền giáo nước ngoài đã thành công trong việc mở các lớp học, tập hợp người dân thông qua các lớp học tiếng Anh và văn hóa. Tuy nhiên, những điều này đã được thay thế bởi các sáng kiến của các doanh nghiệp kinh doanh”.

Việc giáo dục ngoại ngữ đã được chứng tỏ như là một công cụ mạnh mẽ cho sự kết tinh đa văn hóa sau Thế chiến II. Nó đã được yêu cầu cho các vị trí được trả lương cao trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị quốc tế, và chỉ được sử dụng một cách tự nhiên bởi một phần nhỏ của dân số.

Tuy nhiên, việc giáo dục tiếng Anh đã trở thành bắt buộc ở hầu hết các trường học. Các lớp học tiếng Anh thường bắt đầu từ lớp một hoặc thậm chí sớm hơn và tiếp tục cho đến trung học.

Ngoài ra, Nhật Bản hiện đang tràn ngập các trường luyện thi ngoại ngữ được gọi là “eikaiwa”.

“Eikaiwa” có đội ngũ nhân viên là những người nước ngoài, được giảng dạy với giá rẻ và thường bám sát các cuộc hội thoại và bài học đã được phê duyệt. Tiền lương của họ không cao, và có thể khá tốn kém đối với khách hàng. Đã có nhiều vụ bê bối ở Nhật Bản liên quan đến các chuỗi “eikaiwa” quốc gia giữ tiền lương, hủy bỏ hợp đồng mà không thông báo trước, và nói chung là ngược đãi nhân viên của họ.

Kết hợp với sự gia tăng của việc giáo dục tiếng Anh bắt buộc, “eikaiwa” đã giết chết phần lớn cộng đồng, các lớp ngoại ngữ nghiệp dư, từng là một hoạt động chính của hoạt động truyền giáo của Giáo hội Công giáo.

Theo Đức Tổng giám mục Kikuchi, các trường Công giáo trên danh nghĩa của đất nước đang bắt đầu dần từ bỏ ý tưởng giáo dục văn hóa thông qua việc giảng dạy ngôn ngữ.

“Trường học Công giáo có thể là nơi gặp gỡ nhiều người trẻ, nhưng thật không may, ngoại trừ một số người, nó đã không trở thành một địa điểm cho các hoạt động truyền giáo”, Đức TGM Kikuchi nói.

Các trường học, về phương diện lịch sử, đã được coi như là chỗ đứng vững chắc cuối cùng của Giáo hội Công giáo trong việc truyền giáo cho người Nhật. Trong khi các Giáo xứ thu hẹp với phần còn lại của dân số và tình trạng thiếu giáo sĩ ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách, thì uy tín của các trường trung học Công giáo và đại học Công giáo đã tồn tại và thậm chí còn được củng cố tại Nhật Bản kể từ thời Cải cách Minh Trị.

Từng được đánh giá cao về khả năng tiếp cận giáo dục kiểu Tây phương và đội ngũ giảng viên sinh ở nước ngoài trong thời gian đất nước mới bắt đầu tương tác với thế giới bên ngoài, các trường đại học Công giáo ngày nay vẫn rất được tôn trọng. Đại học Sophia được biết đến như là một trong những trường đại học tư thục tốt nhất trên toàn quốc, một trong số ít các trường đại học cạnh tranh với Đại học Quốc gia Nhật Bản tương đương với Ivy League.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Kikuchi cho biết rằng uy tín liên tục này đã đi kèm với một chi phí khổng lồ.

“Trong khi các trường này phải độc lập với lĩnh vực chính trị quốc gia, thật không may, họ bị trói buộc với các khoản trợ cấp từ đất nước, và do đó họ đang dần mất đi sự độc đáo, chỉ với cái tên ‘Công giáo’ còn sót lại”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói.

“Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân hoàn toàn mất liên hệ đối với họ”.

Giáo hội tại Nhật Bản trong những năm gần đây cũng đã dành thời gian tham gia vào các dự án cứu trợ thiên tai.

“Ngay sau trận động đất lớn xảy ra ở phía đông Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, các hoạt động hỗ trợ của Giáo hội tiếp tục được thực hiện thông qua tám trung tâm tình nguyện được thiết lập tại các khu vực bị ảnh hưởng, đã được đón nhận rộng rãi và phục vụ như là lời chứng cho Tin Mừng thông qua các công việc từ thiện bác ái”.

Thông qua những nỗ lực này, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói, “Giáo hội ưu tiên việc làm chứng cho Tin Mừng theo những cách thức cụ thể rõ ràng qua những công việc bác ái giàu lòng thương xót kiên định này. Chắc chắn, những hoạt động này có thể không trực tiếp dẫn đến việc khiến cho người ta đón nhận Bí tích Rửa tội, nhưng có hy vọng rằng nhiều người, vốn đã bị đánh động bởi tinh thần của Tin Mừng, sẽ thực sự được đưa đến với Giáo hội”.

Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói, công cụ truyền giáo mạnh mẽ thứ hai đó chính là những người Công giáo đã đến và kiếm sống ở Nhật Bản từ nước ngoài. Đặc biệt, những người đã kết hôn và xây dựng nhà ở vùng nông thôn khiến cho Tin Mừng có thể được đưa đến với những khu vực mà Giáo hội chưa bao giờ có cơ hội được đặt chân đến”.

Những người nhập cư đến từ Philippines chiếm một phần lớn trong số những người nước ngoài đến đây trong những năm gần đây. Những người nhập cư Philippines đang được khai thác cho các công việc chẳng hạn như giáo viên tiếng Anh tại các “eikaiwa”, các trường mẫu giáo, các vị trí trợ giảng, và nhiều hơn nữa.

Họ là cộng đồng nước ngoài lớn thứ tư tại Nhật Bản. Ước tính có gần 250.000 người Philippines hiện đang sinh sống và làm việc trên khắp Nhật Bản.

Trong tổng dân số Philippines, có gần 90% theo Kitô giáo – 86% là người Công giáo.

Những người nhập cư Philippines và các gia đình của họ chiếm một phần lớn giáo dân ở Nhật Bản, tham dự Thánh lễ và hòa nhập vào các cộng đồng tôn giáo ở cả các khu vực nông thôn và thành thị.

“Vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng cần phải được ưu tiên đó chính là khuyến khích những người nước ngoài đã định cư ở Nhật Bản nhận thức được ơn gọi truyền giáo của họ với tư cách là những người Công giáo”.

Đức TGM Kikuchi tin rằng điều đó tùy thuộc vào các giáo sĩ để thấm nhuần cho những người nước ngoài ý thức về tình thần truyền giáo này.

“Việc chăm sóc mục vụ cho những người ngoại quốc trong Giáo hội Nhật Bản không chỉ đơn thuần là một công việc phục vụ để chào đón những vị khách, mà là một nghĩa vụ để làm cho họ nhận thức được ơn gọi của họ như là những nhà thừa sai”.

Minh Tuệ (theo CNA)