Dân Chúa Âu Châu

fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2019-08-09

Linh mục Émeric Aymot d’Inville

Trong Tin Mừng, Thánh Mát-thêu đã nói với chúng ta: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Từ 2000 nay Giáo hội mang sứ vụ loan báo Tin Mừng. Châu Á, chân Phi, châu Âu, châu Mỹ… Mỗi châu đều là đất truyền giáo. Hôm nay báo Aleteia giới thiệu linh mục Émeric Aymot d’Inville, người phụ trách Mái ấm Tanjomoha ở Madagascar.

Như người cha hiền từ, linh mục săn sóc cho tất cả mọi người, khi thì thúc đẩy, khi thì khuyến khích, khi thì nâng đỡ, cha nói chuyện với từng người một. Năm nay cha 67 tuổi, từ hai mươi năm nay cha Émeric lo cho Mái ấm Tanjomoha ở thị trấn nhỏ Vohipeno nằm trên bờ biển phía đông nam Madagascar. Ở vùng xa xuôi hẻo lánh này, môi trường sống vẫn còn rất truyền thống, thị trấn gồm những căn nhà sàn bằng gỗ phủ lá quạ, một loại cây vùng nhiệt đới có cành lá lớn như cánh quạt. Cách khoảng 40 cây số là thành phố lớn Manakara. Madagascar là đất nước của ruộng đồng, người dân trồng lúa và khoai mì, họ đi lại bằng ca-nô. Đôi khi họ nuôi ngựa vằn và gà. Điều đáng tiếc vì nạn phá rừng khổng lồ ở Madagascar nên các thú vật hiếm như vượn cán, lợn rừng gần như không còn.

Tại đây các bạn trẻ học nghề

Ở trung tâm độc nhất vô nhị rộng 17 mẩu đất này có khoảng 110 em khuyết tật tuổi từ 18 đến 25 ở. Các em bị khiếm khuyết về vận động, thị giác hoặc thính giác, tại đây các em được mổ, được chữa trị và theo chương trình phục hồi chức năng, sau đó các em được học nghề. Rất nhiều em bị sốt tê liệt với di chứng, có các em khác bị khuyết tật xương, có em bị cá sấu cắn. Chung chung tất cả đều có thể chữa trị với điều kiện là phải có thì giờ và có phương tiện. Linh mục Émeric cho biết: “Đôi khi chúng tôi chứng kiến sự hồi phục lạ lùng. Trung tâm giúp các em có được một nghề, đa số các em học nghề thợ mộc, may thêu, vi tính và cả quản trị.

Linh mục Émeric Aymot d’Inville cùng các em trẻ hãnh diện với tấm bằng của mình.

Cha đưa ra ví dụ của anh Angelo, 27 tuổi bị một nhóm băng cướp tấn công, đây là chuyện thường gặp cho những người nuôi súc vật ở Madagascar, anh bị mất bò và bị một viên đạn kẹt trong cột sống làm anh bị liệt. Linh mục Émeric gặp anh ở bệnh viện, anh không được chữa trị tốt và rất ốm yếu. Cha đưa anh Angelo về trung tâm theo chương trình phục hồi và bây giờ anh có thể dùng gậy để đi, anh làm thợ may và sống ở một thị trấn nhỏ bên cạnh. Với cha Émeric, từ “không nhúc nhích lấy một mili-mét” đến đi được là cả một chiến thắng rất lớn, linh mục nhà giáo giải thích: “Khi các em rời trung tâm, các em được tặng một máy may hoặc một hộp dụng cụ thợ mộc”. Một món quà có giá trị biểu tượng cao để tháp tùng các em khi các em chấp cánh tự lập một mình. Tuy nhiên, các em giữ mối dây liên hệ chặt chẽ với nhóm và các nhân viên ở trung tâm: “Khi nào gặp lại các em cũng là ngày lễ hội của chúng tôi”.

Trung tâm cũng là nơi cư trú của 60 trẻ mồ côi, các em ở trong tình trạng suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật, các em được săn sóc, được đi học để có một cuộc sống mới, ngoài ra còn có các em bụi đời, các em bị xã hội gạt ra bên lề cũng đến đây đi học. Tổng cộng có khoảng 400 người thường trú ở đây, tất cả được nuôi ăn, nuôi ở, được săn sóc và được học nghề. Các đối tượng không thường trú thì có khoảng 2000 người, những em đến học sáng đi chiều về, những người đến xin chữa trị ban ngày, các bà lớn tuổi, các người bị bỏ rơi, các người có hệ tâm lý kém… Trung tâm phải nuôi ăn rất nhiều người mỗi ngày, mỗi tháng trung tâm phải có hơn 12 tấn gạo để cung cấp. Cha Émeric có một nhóm giúp cha điều hành, một linh mục, bốn nữ tu Dòng Nữ tử bác ái, hai hợp tác viên quốc tế và 70 nhân viên.

Lời và công việc

Mỗi ngày, linh mục Émeric dậy lúc 5 giờ sáng, dâng thánh lễ lúc 6 giờ và bắt đầu làm việc lúc 7 giờ. Cha đi một vòng các lớp, gặp các cô thầy giáo, đi thăm các gia đình, dạy giáo lý, đi thăm người bệnh… Công việc chính của cha là đón tiếp người bệnh, các người khuyết tật, các em mồ côi. Cha cũng có một giáo xứ nhỏ mà cha nhiệt tình chăm lo. Cha thuộc Dòng Thánh Vinh Sơn, Dòng mang Tin Mừng đến mọi người bằng lời và hành động. Cha cho biết: “Hai khía cạnh này bổ túc cho nhau”.

Ở đây người dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, công giáo, tin lành, hồi giáo, người thờ vật linh và hành trình của họ rất đa dạng. Với giọng nhẹ nhàng, cha giải thích: “Tôi cố gắng không phân biệt. Tất cả mọi người được đón tiếp như nhau ở đây. Mục đích của chúng tôi là đón nhận những người đau khổ và giúp họ tìm giải pháp. Chúng tôi săn sóc người nghèo miễn phí.” Cha nói thêm: “Chúng tôi không nhắc đến chuyện đời của họ nhưng giúp họ sống chung với nhau. Chúng tôi cũng mang đức tin đến cho họ, dĩ nhiên là trong tự do”. Điểm chủ yếu là trường học dành cho tất cả các em và các em cùng học chung với nhau: “Chúng tôi cảm thấy có sự thay đổi trong đầu óc. Tôi nghĩ Tin Mừng đang phát triển ở các vùng này”.

Linh mục Émeric Aymot d’Inville với một em trẻ ở trung tâm

Từ năm 22 tuổi, linh mục Émeric đã làm việc trong lãnh vực này. nhưng chính ở Madagascar, qua việc gặp gỡ với linh mục Vincent Carme mà linh mục Émeric biết đến Dòng Thánh Vinh Sơn và thực hiện được giấc mơ truyền giáo của mình. Cha rất thích đất nước này, nhưng kinh nghiệm đầu tiên của cha rất gay go vì lý do sức khỏe. Phải 25 năm sau cha mới quay trở lại đây. Cha thú nhận: “Đây là một bước nhảy vọt trong đức tin. Tôi thích lối sống vui vẻ tươi cười ở Madagascar. Tôi thích sống ở đây, người dân lúc nào cũng sẵn sàng làm những chuyện mới. Nhưng cần thì giờ để giải thích cho họ, nhất là trong các chương trình tiểu nông. Họ được huấn luyện để trồng rau và hiện nay chúng tôi có chương trình trồng cây ăn trái. Đây là một chương trình mới cho họ. Phải dùng thì giờ để ngồi xuống chiếu, trong căn lều của họ để giải thích và thảo luận với họ”. Cha vừa cười vừa nói thêm: “Đôi khi chúng tôi muốn đi nhanh hơn. Nhưng chúng tôi đang ở đất nước của người Madagascar. Chúng tôi phải học bằng kiên nhẫn, bằng dịu dàng và qua quan hệ.”

Bây giờ đất nước này là đất nước của cha: “Một nơi bình an và vui vẻ.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch