Dân Chúa Âu Châu

“Viên phi công lái chiếc máy bay của Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Nagasaki thực ra là một người Công giáo”, Đức Tổng Giám mục Takami chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Japan-forward.com. Với việc kỷ niệm vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945, các giám mục Nhật Bản đã nhắc lại lời kêu gọi và cầu nguyện cho việc xây dựng hòa bình bằng cách xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và đồng thời thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện.

Với việc kỷ niệm vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945, các giám mục Nhật Bản đã nhắc lại lời kêu gọi và cầu nguyện cho việc xây dựng hòa bình bằng cách xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và đồng thời thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện.

Các giám mục cũng bày tỏ hy vọng rằng chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô vào tháng 11 và những lời kêu gọi hòa bình được mong đợi của Ngài sẽ củng cố mong muốn của mọi người và đồng thời thúc đẩy mọi nỗ lực nhằm mang lại một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh đã được Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, làm thiệt mạng hơn 100.000 người. Vào ngày 9 tháng 8, quả bom nguyên tử khác đã được thả xuống Nagasaki, giết chết khoảng 74.000 người. Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng 8.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm cả hai thành phố trong chuyến Tông du vào tháng 2 năm 1981 và đồng thời đưa ra lời kêu gọi hòa bình, kêu gọi việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trên khắp thế giới.

“Chúng ta hãy nỗ lực không ngừng làm việc vì hòa bình thông qua công lý, chúng ta hãy đưa ra quyết định trang trọng rằng chiến tranh không còn được dung thứ và được coi như là một biện pháp để giải quyết những sự bất đồng; chúng ta hãy đảm bảo với các đối tác của mình rằng chúng ta sẽ nỗ lực không mệt mỏi cho việc giải giáp và xóa bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân, chúng ta hãy thay thế bạo lực và hận thù bằng sự tin tưởng và sự quan tâm lẫn nhau”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phát biểu với các nhà lãnh đạo thế giới.

Trong bài phát biểu tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại rằng “việc tưởng nhớ quá khứ là để nỗ lực làm việc hướng tới tương lai”, vốn đã truyền cảm hứng cho các giám mục Nhật Bản để tổ chức Mười ngày Cầu nguyện cho hòa bình từ ngày 6 đến 15 tháng 8 hàng năm.

Đức Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami Địa phận Nagasaki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản, chia sẻ trong một thông điệp nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình rằng việc bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới đòi hỏi “không chỉ việc loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân bằng cách xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân, mà còn đồng thời làm cho tất cả mọi người trở nên giàu có hơn về tất cả mọi khía cạnh” thông qua sự phát triển con người toàn diện.

Đức Tổng Giám mục Takami cho biết rằng các giám mục đang mong chờ Đức Thánh Cha Phanxicô mang đến “một thông điệp hòa bình mới cho toàn thể thế giới” trong chuyến viếng thăm sắp tới của Ngài, chuyến Tông du thứ hai đến Nhật Bản bởi một vị Giáo hoàng và gần 39 năm sau khi Thánh Gioan Phaolô II đặt chân đến đây.

Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue, cho biết ông hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ truyền đạt mơ ước của Nhật Bản rằng “Nagasaki sẽ là địa điểm bị ném bom nguyên tử cuối cùng” trong lịch sử, theo một cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 7 với Japan-forward.com, trang tiếng Anh trực tuyến của tờ nhật báo Sankei Shimbun.

Ông Taue cũng cho biết ông hy vọng chuyến viếng thăm sẽ thu hút sự chú ý lớn hơn đến các Các nhà thờ và địa điểm Kitô giáo tại Nagasaki, nơi đã trở thành Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2018.

Các địa điểm này là nơi các Kitô hữu phải bí mật sống đức tin của họ trong suốt thời kỳ cấm đoán khốc liệt của Kitô giáo giữa thế kỷ 17 và 19. Khi Nhật Bản được mở cửa trở lại với phương Tây vào năm 1853, các nhà truyền giáo Kitô giáo đã rất đỗi ngạc nhiên khi nhận thấy khoảng 30.000 Kitô hữu, chủ yếu ở Nagasaki, những người đã giữ vững đức tin và truyền lại trong các gia đình của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, “cái nôi của Kitô giáo” tại Nhật Bản, khoảng 8.000 người Công giáo đã chết. Giáo phận Nagasaki lúc bấy giờ có khoảng 60.000 người Công giáo, gần một phần tư số người Công giáo trong Đế quốc Nhật Bản trong thời chiến.

“Viên phi công lái chiếc máy bay của Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Nagasaki thực ra là một người Công giáo”, Đức Tổng Giám mục Takami chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Japan-forward.com

Nhà thờ Chính Tòa của thành phố nằm cách Vùng Bình địa (Ground zero) khoảng 540 thước Anh. Một số tín hữu đang cầu nguyện bên trong Nhà thờ vào sáng ngày 9/8/1945; tất cả họ đều đã thiệt mạng, và ngôi Thánh đường bị phá hủy.

Đức Hồng Y John F. O’Hara người Mỹ, lúc bấy giờ là Giám mục Địa phận Buffalo, New York, và Đức Giám mục Michael J. Ready of Columbus, Ohio, đã chủ sự lễ đặt viên đá xây dựng ngôi nhà thờ tạm vào năm 1946, vốn được hoàn thành và được Thánh hiến bởi Đức Hồng Y Norman Gilroy Địa phận Sydney vào cuối năm đó. Nhà thờ Urakami được xây dựng lại vào năm 1959 và đây là một trong những nhà thờ Công giáo lớn nhất tại Nhật Bản.

Một cây Thánh giá bằng gỗ được thiếp vàng tồn tại sau vụ đánh bom gần đây đã được đưa trở lại thành phố.

Tanya Maus, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Hòa bình tại Đại học Wilmington, Ohio, đã trao cây Thánh giá đặc biệt này cho Đức Tổng Giám mục Takami trong một buổi lễ đặc biệt vào ngày 7 tháng 8.

Cây Thánh giá cao ba feet đã được trao cho Trung úy Walter Hooke, một lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ từ Yonkers, New York, người đã đóng quân ở Nagasaki từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 2 năm 1946, theo tờ nhật báo Nhật Bản, Asahi Shimbun.

Là một người Công giáo sùng đạo, Trung úy Walter Hooke, người đã kết thân với Đức Cố Tổng Giám mục Paul Aijiro Yamaguchi Địa phận Nagasaki, đã trao cho vị Giám chức cây Thánh giá tìm thấy từ đống đổ nát.

Cựu sĩ quan Hooke, người qua đời vào năm 2010 ở tuổi 97, đã lưu giữ cây Thánh giá trong phòng khách của gia đình, nhưng sau đó ông đã tặng nó cho Trung tâm Tài nguyên Hòa bình tại Đại học Quaker năm 1982. Sau đó, trung tâm đã quyết định trả lại cây Thánh giá cho Nhà thờ.

“Tôi rất vui mừng vì cây Thánh giá còn tồn tại”, vị Tổng Giám mục 73 tuổi Địa phận Takami, người vẫn đang lớn lên trong bụng mẹ khi quả bom được thả xuống thành phố.

“Các nạn nhân của quả bom nguyên tử rồi cũng sẽ chết, nhưng cây Thánh giá sẽ vẫn tiếp tục là nhân chứng sống cho những sự việc đã xảy ra tại Nagasaki”, vị Giám chức phát biểu với tờ báo.

“Cây Thánh giá cho biết con người có thể tàn bạo đến mức nào, và đồng thời, nó mang lại cho chúng ta niềm hy vọng”, vị Giám chức nói.

Minh Tuệ (theo UCA News)