Dân Chúa Âu Châu

Tuyên bố của Tòa Ân giải Tối cao về tầm quan trọng của tòa trong và ấn tín bất khả xâm phạm của Bí tích Giải tội đã được Vatican phát hành vào sáng hôm 1 tháng 7.

ĐTC Phanxicô đã chỉ thị xuất bản một tài liệu khẳng định bí mật tuyệt đối của tất cả mọi tội mà hối nhân đã xưng thú trong tòa Giải tội và đồng thời kêu gọi các linh mục bảo vệ nó bằng mọi giá.

“Tuyên bố của Tòa Ân giải Tối cao về tầm quan trọng của tòa trong và ấn tín bất khả xâm phạm của Bí tích Giải tội” đã được Vatican phát hành vào sáng hôm 1 tháng 7.

Bức thư (chỉ bằng tiếng Ý) đã được ĐTC Phanxicô chấp thuận cho công bố vào ngày 21 tháng 6.

Nó duy trì tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của Ấn tín Tòa Giải Tội, có nghĩa là các linh mục không bao giờ được phép tiết lộ những gì họ nghe được trong tòa giải tội.

“Bí mật không thể bị vi phạm của bí tích Giải tội đến trực tiếp từ thiên luật được mạc khải và bắt nguồn từ chính bản chất của bí tích, đến nỗi không chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào trong bối cảnh giáo hội cũng như dân sự”.

“Qua việc cử hành Bí tích Hòa giải, thật ra, chính bản chất của Kitô giáo và của Giáo hội được tóm gọn thế này: Con Thiên Chúa đã trở nên người phàm để cứu chúng ta, và Ngài quyết định dùng đến Giáo hội, như một ‘công cụ cần thiết’ trong công trình cứu độ này và nơi Giáo hội, những con người mà Ngài đã tuyển chọn, được mời gọi và được coi như là các thừa tác viên của Ngài”, theo nội dung bức thư.

Bức thư được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chánh án Tòa Ân giải Tối cao, một tòa án của Vatican giải quyết các vấn đề về lương tâm.

Áp lực chính trị hoặc lập pháp, chẳng hạn như áp lực trong cơ quan lập pháp California hoặc được đề xuất ở Úc, hầu làm tổn hại ấn tín này, bị coi như là “một hành vi xúc phạm không thể chấp nhận” đối với tự do của Giáo hội, vốn xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải là tổ chức của con người, và sẽ là “một sự vi phạm đối với vấn đề tự do tôn giáo”.

“Việc vi phạm ấn tín này sẽ đồng nghĩa với hành vi vi phạm đối với người nghèo được thể hiện nơi hối nhân”, lá thư nêu rõ.

Khi thi hành Bí tích Hòa giải, lá thư cho biết, một linh mục không còn hành động như là chính mình mà là “trong bản vị  của Chúa Kitô” và “có nghĩa vụ phải chế ngự mọi ký ức không chủ tâm về nó”.

“Trên thực tế, linh mục nhận thức được tội lỗi của hối nhân ‘non ut homo sed ut Deus’ – không phải là một con người, mà là Thiên Chúa – đến mức vị linh mục ấy chỉ ‘không biết’ những gì đã được xưng thú trong tòa giải tội bởi vì họ không ngồi tòa với tư cách là một phàm nhân, nhưng chính là nhân danh Thiên Chúa”.

“Sự bảo vệ của người ngồi tòa giải tội đối với ấn tín này, nếu cần thiết, thậm chí đến mức phải đổ máu”, lá thư cho biết, “không chỉ là một hành động bắt buộc phải trung thành với hối nhân mà còn hơn thế nữa: đó là một sự làm chứng cần thiết – một sự tử vì đạo – cho năng quyền cứu rỗi độc nhất và phổ quát của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài”.

Lá thư được đưa ra nhằm phản ứng với bối cảnh lớn hơn của một “‘sự phức tạp’ về văn hóa và luân lý” vốn dường như không có khả năng “nhận ra và tôn trọng” các yếu tố thiết yếu của sự tồn tại và sự sống của con người trong Giáo hội.

Một cách quá thường xuyên, “phán quyết của dư luận” được gọi là tòa án cao nhất.

 “Trong bối cảnh như vậy”, lá thư cho biết, “dường như đã có sự xác nhận về một định kiến tiêu cực đáng lo ngại đối với Giáo hội Công giáo”, bởi vì “những căng thẳng có thể được nhìn thấy trong hàng Giáo phẩm và kết quả từ những vụ bê bối lạm dụng khủng khiếp gần đây gây ra bởi một số thành viên trong hàng giáo sĩ”.

Điều này “đôi khi biến thành một ‘yêu cầu’ phi lý mà chính Giáo hội, trong một số vấn đề, tự làm cho hệ thống luật pháp riêng của mình phù hợp với luật dân sự của các quốc gia nơi mà Giáo hội hiện diện như là ‘sự bảo đảm khả dĩ duy nhất đối với sự trung thực và sự liêm chính’”.

Giáo hội Công giáo “luôn bảo vệ ấn tín này bằng tất cả sức mạnh luân lý và pháp lý của mình”, lá thư cho biết. “Đó chính là điều tất yếu đối với sự thanh thiêng của Bí tích và sự tự do lương tâm của hối nhân”.

Tài liệu quy định rằng khi một hối nhân xưng thú tội lỗi vốn chính là một tội ác, linh mục không bao giờ có thể biến họ trở thành một người trong tình trạng được ban cho sự tha thứ về mặt Bí tích.

Nếu như nạn nhân của một tội ác đề cập đến nó trong khi xưng tội, tài liệu nói, linh mục giải tội nên hướng dẫn cho người đó về quyền của mình và về các bước thực tế mà người đó có thể thực hiện với cả chính quyền dân sự và Giáo hội để báo cáo tội ác đó.

“Chúng ta cần phải cảnh giác rằng ấn tín Bí tích không bao giờ bị xâm phạm bởi bất cứ người nào và sự bảo vệ cần thiết liên quan đến việc thực thi sứ vụ của Giáo hội luôn được bảo vệ một cách đáng ghen tị, vì mục đích duy nhất đó chính là sự thật và lợi ích không thể tách rời của con người”.

“Bất kỳ hoạt động chính trị nào đối với sáng kiến lập pháp nhằm phá vỡ tính bất khả xâm phạm của ấn tín Bí tích”, lá thư nói, “sẽ chính là một hành vi vị phạm không thể chấp nhận được đối với quyền tự do của Giáo hội, vốn không nhận được tính hợp pháp của nó từ các quốc gia riêng lẻ, nhưng từ Thiên Chúa”, tài liệu nhấn mạnh.

Minh Tuệ (theo La Croix)