Dân Chúa Âu Châu

Cùng với việc giam giữ ít nhất hai giám mục và một số giáo sĩ khác trong tù, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quan chức Trung Quốc đang cố gắng ép buộc các tín đồ của ‘Giáo hội hầm trú’ – chiếm khoảng 50% các tín hữu Công giáo Trung Quốc và chỉ trung thành với Roma – tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc.

Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc, tiếp tục đàn áp ít nhất một nửa con số hơn 12 triệu người Công giáo Trung Quốc, bất chấp thỏa thuận với Vatican vào tháng 9 năm ngoái về việc bổ nhiệm các Giám mục.

Cùng với việc giam giữ ít nhất hai giám mục và một số giáo sĩ khác trong tù, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quan chức Trung Quốc đang cố gắng ép buộc các tín đồ của ‘Giáo hội hầm trú’ – chiếm khoảng 50% các tín hữu Công giáo Trung Quốc và chỉ trung thành với Roma – tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang trải qua tiến trình của cái gọi là Hán hóa tất cả các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo và Hồi giáo, hoặc làm cho tôn giáo trở nên phù hợp hơn với văn hóa Trung Quốc và Đảng Cộng sản.

Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc và cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc không được Vatican công nhận bất chấp thỏa thuận năm ngoái, các chi tiết của thỏa thuận này hiện vẫn còn bí mật, một thực tế mà các nhà quan sát coi như là có vấn đề đối với Giáo hội.

“Họ (các tín hữu thuộc cộng đồng hầm trú) được cho biết rằng, theo các điều khoản của Thỏa thuận Trung Quốc – Vatican, họ được yêu cầu phải tham gia CCPA”, theo Steven Mosher, một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm, người đứng đầu Viện nghiên cứu dân số có trụ sở tại Front Royal, Virginia.

Ông Mosher cho biết Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói với ông vào năm ngoái rằng các quan chức Vatican không phản đối việc các linh mục và giám mục đăng ký với chính phủ. “Điều này đã được giải thích một cách sai lệch bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng không có cách nào để cộng đồng hầm trú biết được điều này bởi vì thỏa thuận này là bí mật”, ông Mosher phát biểu với Catholic News Service.

Ông Mosher kêu gọi Vatican công khai các điều khoản của thỏa thuận để mọi thứ được trở nên rõ ràng, tức là những điều mà chính phủ Trung Quốc và các quan chức Vatican đã đồng ý thực hiện trong khi tiết lộ vai trò lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận Thống nhất của đảng Cộng sản trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Những bình luận của ông Mosher, được ủng hộ bởi trần thuật từ hãng tin Công giáo ucanews.com có trụ sở tại châu Á, rằng có những nỗ lực chi tiết để buộc hai Giáo phận tỉnh ven biển Phúc Kiến của Trung Quốc phải tham gia các nhóm do nhà nước điều hành.

Tất cả các giáo xứ của Giáo phận Phúc Châu đã được “yêu cầu” phải tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước, với việc một số linh mục của họ được cho là bị cấm rời khỏi Trung Quốc, các nguồn tin chia sẻ với ucanews.com. Khi tiếp cận Giáo phận Phúc Châu, các quan chức chính phủ đã trích dẫn cách thức Giáo phận Mindong đồng ý xà vào vòng tay của Hiệp hội Công giáo Yêu nước.

Trang tin này dẫn lời người dân địa phương cho biết vẫn còn có sự phản đối đáng kể đối với ý tưởng sáp nhập cái gọi là Giáo hội công khai được chính phủ công nhận với Giáo hội hầm trú, và các nguồn tin đại lục cho biết rằng đã có một sự lo ngại đáng kể rằng Hiệp hội Công giáo Yêu nước vi phạm giáo lý của Giáo hội.

Trang tin cũng cho biết thêm rằng một số nguồn tin tại đại lục bày tỏ lo ngại rằng đây không phải là những trường hợp cá biệt riêng lẻ, mà chỉ là sự khởi đầu của một phong trào quốc gia nhằm khiến tất cả các Giáo phận, cuối cùng, cũng sẽ bị kiểm soát bởi Hiệp hội Công giáo Yêu nước.

Trong khi đó, Vatican tiếp tục dành sự quan tâm đối với việc cải thiện mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.

ĐHY Parolin, kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận với Bắc Kinh, đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông nhà nước Trung Quốc vào đầu tháng Năm vừa qua. Một báo cáo về cuộc phỏng vấn chỉ xuất hiện trong phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn cầu Thời báo, một dấu hiệu mà một số nhà quan sát cho rằng, nó được dành cho quốc tế hơn là độc giả trong nước.

“Các kênh truyền thông đang hoạt động hữu hiệu”, ĐHY Parolin nói trong cuộc phỏng vấn. Trong khi lại không đề cập cụ thể đến việc tiếp tục hạn chế và ngược đãi người Công giáo Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin thừa nhận rằng “nhiều vấn đề vẫn cần phải được giải quyết và chúng tôi đang đối mặt với những vấn đề này với sự tự nguyện và tinh thần quyết tâm”.

Tuy nhiên, ĐHY Parolin nói, “có những yếu tố thể hiện sự tin tưởng ngày càng tăng giữa hai bên. Chúng tôi sẽ mở đầu một phương pháp có vẻ tích cực và sẽ vẫn cần phải được phát triển theo thời gian, nhưng hiện tại, điều này cho chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể dần dần đạt được những kết quả cụ thể”.

Vào ngày 22 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới người Công giáo Trung Quốc trước dịp lễ Đức Mẹ Sheshan, một sự kiện quan trọng trong lịch Công giáo Trung Quốc, dường như thừa nhận những sự gian nan thử thách của các tín hữu Công giáo Trung Quốc. Thông điệp cho biết ĐTC Phanxicô “cảm nhận một sự gần gũi và tình cảm đặc biệt đối với tất cả các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc, những người mà giữa bối cảnh của những khó nhọc và thử thách hàng ngày, tiếp tục tin tưởng, hy vọng và yêu mến”.

Phát biểu trực tiếp với các tín hữu tại Trung Quốc, Đức Thánh Cha nói: “Chớ gì Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng và là Mẹ của mỗi người chúng ta, giúp tất cả anh chị em trở thành những nhân chứng của đức ái và tinh thần huynh đệ, luôn luôn hiệp nhất trong sự hiệp thông của Giáo hội toàn cầu”.

Tuy nhiên, mục tiêu về mặt thể lý mới nhất của Đảng Cộng sản trong chương trình nhiều năm nay chính là dỡ bỏ Thánh giá và phá hủy các nhà thờ, dường như là tỉnh Hà Bắc, gần cận thủ đô Bắc Kinh và được ước tính là nơi có tới 1 triệu người Công giáo. Hàng chục nhà thờ được cho là đã bị phá hủy, bao gồm cả các nhà thờ thuộc cộng đồng “chính thức”.

Đầu tháng 5, chính quyền địa phương được báo cáo là đã bắt đầu phá hủy một nhà thờ trong Giáo phận Hàm Đan (Handan), nơi đã được cảnh báo rằng có ít nhất 24 nhà thờ “không có giấy phép xây dựng” và sẽ bị phá hủy, theo Asianews.it

Báo cáo trích dẫn lời của một linh mục giải thích rằng, “khi bắt đầu việc xây dựng nhà thờ, chúng tôi đã nộp đơn yêu cầu và chúng tôi cũng đã xin phép Văn phòng Tôn giáo tại xã, thị trấn và quận. Hiện tại họ nói rằng giấy phép không có hiệu lực!”.

Đã có báo cáo trong những năm gần đây về việc dỡ bỏ Thánh giá và việc xúc phạm cũng như phá hủy các nhà thờ ở các tỉnh Chiết Giang, Hà Bắc, Hà Nam, Quý Châu, Thiểm Tây và Sơn Đông.

Minh Tuệ (theo Crux)