Dân Chúa Âu Châu

Thỏa thuận tạm thời không đồng nghĩa với việc các tín hữu Công giáo Trung Quốc được tự do hơn, nhưng nó có thể tránh được những điều tệ hại lớn hơn

Sáu tháng trước, Vatican và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc.

Thỏa thuận được ký vào ngày 22 tháng 9 trong một năm đầy tiêu cực đối với vấn đề tự do tôn giáo tại Trung Quốc, và đặc biệt đối với các tín hữu Công giáo. Các chi tiết của thỏa thuận hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Sau khi thoả thuận được ký kết, Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc (CCPA) theo đường lối của chính phủ và Hội đồng Giám mục chính thức đã hoan nghênh thỏa thuận này. Họ nói rằng nó phản ánh “tình yêu đối với quê hương đất nước và Giáo hội” của người Công giáo Trung Quốc; rằng nó giúp duy trì “các nguyên tắc tự chủ và độc lập trong việc quản lý của Giáo hội”.

Cả hai cơ quan này đều nói rằng họ muốn theo đường lối ‘Hán hóa’ – việc định hình lại các tôn giáo phổ quát theo các đặc tính của Trung Quốc – và đường lối của họ thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa của họ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Chương trình Hán hóa, do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình áp đặt, hiện đang được thực hiện mà không nhằm giải thoát con người hay các nguồn tài nguyên.

Kể từ khi ký kết, các cơ quan chính trị của Trung Quốc đã chia sẻ rất ít về thỏa thuận được ký kết bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một cơ quan chuyên trách tìm kiếm những thành công về mặt ngoại giao vì lợi ích uy tín quốc tế của đất nước.

Thế nhưng bộ máy hành chính và đàn áp phức tạp liên quan đến chính sách tôn giáo của Trung Quốc có một chương trình nghị sự khác và có thể cần thêm thời gian để thích ứng với thỏa thuận.

CCPA có được một sự trở lại kinh tế từ sự kiểm soát của nó đối với Giáo hội và giờ đây nó có thể lo sợ sự suy giảm vai trò của nó.

Các quan chức của Cơ quan Tôn giáo Nhà nước (SARA), hiện thuộc quyền kiểm soát của  Ủy Ban Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản, có thể có những nỗi sợ tương tự về việc mất quyền kiểm soát. Những lo ngại như vậy có thể là một lý do cho sự gia tăng việc đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc trong những tháng sau khi ký kết thỏa thuận.

Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng rằng thỏa thuận này có thể là một sự lừa dối khôn khéo về phía nhà cầm quyền Trung Quốc: có được một kết quả về sự uy tín quốc tế trong khi tiếp tục việc gia tăng đàn áp trong nước. Một chương trình nghị sự không được tiết lộ mang tính chính trị khác, từ phía Trung Quốc, có thể là sự cô lập hơn nữa đối với Đài Loan.

Sự đàn áp lan tràn trong năm 2018, đặc biệt là kể từ tháng 2 khi các quy định mới gia tăng những hạn chế do chính sách tôn giáo áp đặt. Tất cả các quyền tự do tôn giáo và dân sự đã phải chịu đựng một sự đàn áp khủng khiếp trên khắp đất nước.

Thánh giá bị hạ xuống hoặc bị thiêu rụi; nhà thờ bị phá hủy hoặc bị cướp phá tài sản; trẻ em Công giáo bị ngăn cản không được tham dự Thánh lễ hoặc lôi ra khỏi nhà thờ. Các Giáo xứ cũng đã bị cấm tổ chức các trại huấn luyện cho những người trẻ tuổi. Các nhà thờ đã bị buộc phải treo cờ quốc gia và chấp nhận các ủy ban giám sát.

Ngoài ra còn có một nỗ lực lớn nhằm loại bỏ bất kỳ sự hiện diện quan trọng nào của Công giáo khỏi internet. Vô số những  lời chứng trực tiếp, những hình ảnh và video nghiệp dư, đã xác nhận những hành động ngược đãi này.

Vụ việc đáng buồn của Đức Cha Thaddeus Ma Daqing, Giám mục Thượng Hải, người đã bị quản thúc tại gia trong hơn sáu năm trời, hiện vẫn chưa được giải quyết.

Tất nhiên, làn sóng khó khăn to lớn hiện nay không phải là hậu quả của thỏa thuận này. Những sự việc đang xảy ra là do các quyết định của lãnh đạo đương nhiệm. Có thể, theo một số cách, thỏa thuận làm giảm nhẹ những sự việc đang xảy ra. Khó có thể nói điều này.

Nhưng giờ đây, rõ ràng rằng thỏa thuận không đồng nghĩa với việc người Công giáo được tự do hơn ở Trung Quốc, và kể từ khi ký kết, các quan chức Tòa Thánh trong nhiều năm làm việc để đưa đến thỏa thuận đã tỏ ra thận trọng hơn là vui sướng.

Tình hình của các cộng đồng hầm trú, của các giám mục và linh mục hiện đang trong tình trạng bị giam giữ hoặc bị hạn chế tự do vẫn chưa được giải quyết. Sẽ rất buồn nếu như cộng đồng hầm trú bị cưỡng bức xóa sổ bởi một chế độ độc tài, sử dụng các biện pháp độc đoán.

Dường như người Công giáo Trung Quốc, trong một khoảng thời gian, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn. Nhưng chúng ta biết sức mạnh luân lý và đức tin của người Công giáo Trung Quốc, vốn đã vượt qua rất nhiều thử thách. Họ thực sự đang trong một khoảnh khắc vô cùng khó khăn trong lịch sử của họ.

Như đã đề cập ở trên, thỏa thuận hiện tại có thể làm giảm bớt đi những điều không hay của Giáo hội Trung Quốc.

Cũng rất có khả năng Tòa Thánh muốn tránh khả năng thực sự là chế độ cầm quyền sẽ tiếp tục hoặc thậm chí leo thang hành động đáng khinh của họ trong việc bổ nhiệm các giám mục bất hợp pháp và làm nhơ nhuốc việc bổ nhiệm chính đáng đối với những giám mục hợp pháp.

Nếu như không có thỏa thuận, số lượng giám mục bất hợp pháp có thể đã tăng lên đáng kể. Vatican tránh nguy cơ của việc có hàng chục giám mục, hoàn toàn không liên quan đến sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội hoàn vũ và chỉ chịu sự chi phối của chính phủ.

Kết quả tốt nhất của thỏa thuận chính là, lần đầu tiên sau 60 năm, tất cả 100 giám mục của Trung Quốc đều hiệp thông với Tòa Thánh. Điều này rất quan trọng và tầm quan trọng lịch sử của nó không thể bị đánh giá thấp.

Hơn nữa, lần đầu tiên, chế độ cầm quyền này đã công nhận Giáo hội Công giáo như là một đối tác đối thoại đường hoàng và đồng thời công nhận quyền bổ nhiệm giám mục của Đức Giáo Hoàng tại Trung Quốc. Đây quả là một thành tựu không nhỏ.

Cơ chế chọn lựa ứng viên không được công khai. Tôi tin rằng nó không thể khác nhiều so với phương pháp được áp dụng ở Trung Quốc trong những thập kỷ qua. Các quan chức chính phủ chắc chắn có rất nhiều sự kiểm soát trong cơ chế đề xuất các ứng viên giám mục.

Hy vọng rằng theo thỏa thuận, chỉ những ứng viên có phẩm chất đạo đức và mục vụ mới được chọn để đệ trình Tòa Thánh.

Thừa nhận rằng các cơ quan chính trị có liên quan đến việc lựa chọn các ứng cử viên để được trình lên Đức Giáo Hoàng, Tòa Thánh đã thực hiện một cử chỉ quảng đại đối với Trung Quốc.

Trước đây, các nhà cầm quyền đã can thiệp rất nhiều hoặc thậm chí tự cho mình quyền bổ nhiệm các giám mục, nhưng đó là một tình huống tiêu cực mà Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật đã tìm cách xoay chuyển.

Thay vì viện dẫn các tiền lệ lịch sử, tốt nhất là biện minh cho sự tham gia của chính quyền dân sự trong việc lựa chọn các ứng cử viên bằng cách tái khẳng định bản chất khác thường của vụ việc Trung Quốc.

Trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể này, Đức Thánh Cha đã cho phép một sự nhượng bộ ngoại lệ để tránh những điều tai hại lớn hơn và vì lợi ích tối thượng của dân Chúa.

Thỏa thuận này là một trong những kết quả quan trọng nhất của Triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô. Uy tín quốc tế của Ngài có thể đã quyết định trong việc đạt được một kết quả lịch sử đã lảng tránh các vị Giáo Hoàng trước đó.

ĐTC Phanxicô đã tuyên bố một cách rõ ràng trách nhiệm cá nhân của mình đối với thỏa thuận này. Ngài hoàn toàn nhận thức được rằng Giáo hội Công giáo và Trung Quốc đã có một lịch sử lâu dài và đầy khó khăn, đầy rẫy những sự tương phản, thất bại và những cơ hội bị bỏ lỡ. Ngài mong muốn chấm dứt sự bế tắc và thử một điều gì đó mới mẻ. ĐTC Phanxicô hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn bất chấp hiện tại đầy ảm đạm.

ĐTC Phanxicô đã chọn quá trình hành động mà không chờ đợi thời điểm tốt hơn, thời cơ có thể chẳng bao giờ đến. Tôi tin rằng chính ĐTC Phanxicô đã thôi thúc Tòa Thánh vươn tới Trung Quốc, vùng đất truyền giáo của Nhà Thừa sai Matteo Ricci và nhiều nhà truyền giáo Dòng Tên vĩ đại khác.

Trong sáu tháng qua, rất nhiều bài báo đã được viết về thỏa thuận này cũng như ý nghĩa của nó. Nhưng nó vẫn là một công việc đang trong tiến trình thực hiện. Nó đã gia tăng sự nhiệt tình, có lẽ quá mức; và sự chỉ trích có lẽ là quá nghiêm trọng.

Giáo hội Công giáo không còn cách nào khác ngoài việc tuân theo Đức Giáo Hoàng, và ủng hộ những nỗ lực của Ngài trong việc hướng dẫn dân Chúa. Đây phải là một khoảnh khắc của sự hiệp nhất.

 

Linh mục Gianni Criveller là một nhà truyền giáo của Học Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại (PIME), người đã phục vụ tại Trung Quốc Đại lục kể từ năm 1991. Hiện tại, Cha Criveller là trưởng khoa nghiên cứu và giáo sư tại Trường Thần học Quốc tế thuộc PIME tại Monza, Milan.

Minh Tuệ (theo La Croix)