Dân Chúa Âu Châu

Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Thụy Sĩ lần đầu tiên ban hành một tuyên bố chung về người tị nạn, đồng thời đệ trình các đề xuất thực tế cho các nhà chức trách

Một tuyên bố liên tôn chưa từng có về người tỵ nạn đã được công bố bởi Hội đồng Tôn giáo Thụy Sĩ có khả năng truyền cảm hứng cho các quốc gia châu Âu khác.

Cao Ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cũng đã ủng hộ tuyên bố vào ngày 7 tháng 11.

Tài liệu dài 16 trang, trình bày 5 lời kêu gọi cụ thể đối với việc bảo vệ những người tị nạn, được ký bởi sáu vị đại diện người Thụy Sĩ của các tổ chức thuộc ba tôn giáo độc thần chính, bao gồm Liên hiệp các Cộng đồng Người Do Thái Thụy Sĩ (Swiss Federation of Israelite Communitie), Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ và Liên đoàn các Giáo hội Tin lành Thụy Sĩ.

“Tôn giáo và đức tin chính là những nguồn lực có thể giúp thúc đẩy sự hội nhập của những người tị nạn”, tuyên bố nhấn mạnh.

“Nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau có thể đóng vai trò như là những cầu nối giữa những người mới đến còn lạ nước lạ cái và những người bản xứ, và do đó đóng góp cho sự hội nhập”.

“Vấn đề người tị nạn liên quan đến tất cả các cộng đồng tôn giáo, vốn về phương diện lịch sử, đã trải qua tất cả các phong trào di cư và các cuộc đàn áp”, Montassar BenMrad, chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ, cho biết.

Đức Cha Harald Rein, một Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ và đồng thời cũng là chủ tịch Hội đồng tôn giáo Thụy Sĩ, cũng trả lời tương tự.

“Đối với người Do Thái, các Kitô hữu và những người Hồi giáo, mỗi con người đều là một thụ tạo của Thiên Chúa và trên thực tế được đặt dưới sự bảo vệ của Ngài”, Đức Cha Harald Rein nói. “Do đó, chúng ta, với tư cách là những người có đức tin, có một trách nhiệm đặc biệt đối với những người tị nạn”.

Năm lời kêu gọi cụ thể

Trong tuyên bố của mình, những người ký tên đã đưa ra năm lời kêu gọi cụ thể đối với các nhà lãnh đạo chính trị Thụy Sĩ về các vấn đề liên quan đến những người tị nạn. Thụy Sĩ đã chào đón 3.500 người tị nạn trong những năm gần đây, hầu hết trong số họ là nạn nhân của cuộc chiến ở Syria.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo hiện đang kêu gọi các thủ tục tị nạn công bằng và hiệu quả, sự hội nhập nhanh chóng cũng như sự bảo vệ đầy đủ cho những người này, thực hiện chính sách định cư cũng như đối xử xứng hợp với phẩm giá của những người không đáp ứng các tiêu chuẩn để được tiếp nhận với tư cách là những người tị nạn.

Các bên ký kết đã kêu gọi chính phủ cũng như các cộng đồng tôn giáo tương ứng của họ thực hiện từng điểm trong số năm điểm, đồng thời khuyến khích họ theo đuổi các sáng kiến liên đới và huy động ở cấp chính trị.

Đức Giám mục Charles Morerod Địa phận Lausanne, Geneva và Fribourg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Thụy Sĩ, đã giải thích những lời kêu gọi trên với La Croix.

“Chúng tôi đang đệ trình một loạt các đề xuất thực tế cho các nhà chức trách”, Đức Cha Morerod nói. “Một mục tiêu là cải thiện sự hỗ trợ địa phương, đặc biệt là ở các quốc gia xung đột xung quanh”.

“Mục tiêu khác là cải thiện điều kiện chào đón những người xin tị nạn ở Thụy Sĩ bằng các biện pháp pháp lý nhằm tránh xa những kẻ buôn người và các biện pháp khác để thúc đẩy hội nhập ở Thụy Sĩ, bao gồm các khóa học ngôn ngữ, cũng như cung cấp cho họ cơ hội làm việc và sống với gia đình của mình”, Đức Cha Morerod nói.

Một bước tiến tới cuộc đối thoại liên tôn

Ngoài các hiệu ứng cụ thể của tài liệu ở cấp độ cơ sở, đây cũng có thể được coi như là một bước tiến trong việc đối thoại liên tôn ở Thụy Sĩ.

“Cách đây 25 năm, việc đối thoại liên tôn được coi như là một điều gì đó ngoại lai nhưng giờ đây nó đã trở thành một điều cần thiết tuyệt đối”, ông Montassar BenMrad nói.

Tuy nhiên, những rào cản đối với cuộc đối thoại như vậy vẫn tồn tại, ông nói, đặc biệt là khoảng thời gian mà các tín hữu thuộc các cộng đồng khác nhau sẵn sàng cống hiến cho cuộc đối thoại này.

“Chúng ta hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ liên tục nâng cao nhận thức giữa các tín hữu của chúng ta”, ông nói.

 
Minh Tuệ (theo La Croix)
 

Facebook

 

Tin mới