Dân Chúa Âu Châu

Aleteia, Roberta Sciamplicotti, 16-9-2014

Nhà trọ Thánh Mácta, nơi Đức Phanxicô ở không có một nét sang trọng nào, giản dị tối đa. Từ khi Đức Phanxicô đến đây ở, thay vì ở Dinh Tông Tòa, thì nơi đây trở thành một trong những nơi quan trọng nhất thế giới. Tuy vậy, người ta ít biết về cuộc sống của Đức Phanxicô đàng sau các bức tường nhà trọ này. Vì thế ông Aldo Maria Valli đã viết quyển sách “Với Đức Phanxicô ở Nhà trọ Thánh Mácta. Du hành trong căn nhà của Đức giáo hoàng (Ancora)”. Tác giả muốn độc giả biết nhiều hơn về căn nhà này và tu viện cổ Mater Ecclesiae, nơi ở hiện nay của Đức giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI, chỉ cách đó vài phút đi bộ, trọng tâm của một của ‘cách mạng’ đích thực mà chỉ có các sử gia mới có thể phân tích được các hệ quả của nó.

Vì thế vào một ngày tháng 2 vừa qua, tác giả được yêu cầu thực hiện một chương trình đặc biệt nhân năm đầu tiên giáo triều của Đức Phanxicô, ông đã ‘đi’ một vòng nơi ở của Đức Phanxicô. Ông giải thích, “ý tưởng là thực hiện một phóng sự dưới khía cạnh ít bình thường: không những chỉ dò theo các giai đoạn quan trọng và đáng kể nhất của một giai đoạn dày đặc những điều mới mẻ và cảm xúc; nhưng cũng là góp nhặt các tiếng nói của tất cả những người có thể cho những chỉ dẫn quý giá về nhân cách của Đức Phanxicô, phong cách riêng biệt của vị kế nhiệm Thánh Phêrô.”

“Tôi đã biết Đức Phanxicô có một lối sống giản dị, khiêm tốn nhưng tôi không hình dung ngài tạo tình thân với nhân viên làm việc ở Nhà trọ Thánh Mácta này như vậy, ông Aldo Maria Valli ngạc nhiên. Tất cả những người kể cho tôi nghe, họ đều diễn tả một cách cực kỳ tự nhiên và sống động rằng, Đức Phanxicô không phải là vị khách mà họ phải phục vụ hay tôn kính, nhưng là một người bạn, người cha mà trong tiếp xúc hàng ngày, họ như nhận một món quà của một tâm hồn thanh thản cao quý.” Ông Aldo Maria Valli cũng đã được nói chuyện với Đức giáo hoàng, đã “xúc động vì tính giản dị, phong cách thẳng thắn, chân tình khi giao thiệp với người khác, cũng như tinh thần cởi mở và tin tưởng với những người như tôi, một ký giả, mà ngay lập tức tôi được đón nhận với thiện cảm và không bị dè chừng.”

Từ kinh nghiệm này, tác giả đã rút ra kết luận, sự “hoán cải” chức vụ giáo hoàng mà Đức Phanxicô nêu trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium) không phải chỉ là một mục đích, lại càng không phải là một khẩu hiệu hay một vấn đề thuần túy lý thuyết mà đã thành  lối sinh hoạt hàng ngày và nhất là không phải chuyện quảng cáo rùm beng trên báo chí.” “Một điều chắc chắn. Khi Đức Phanxicô quyết định sống ở Nhà trọ Thánh Mácta chứ không sống ở Dinh Tông Tòa, thì ngài đã đưa vào triều giáo hoàng của mình một sự mới mẻ không những về nguyên tắc tổ chức, nhưng còn mang tính “dứt khoát về mặc mục vụ và thần học”. Ngài biểu lộ một “dấu ấn không xóa nhòa được cho triều giáo hoàng của mình, một dấu ấn dễ hiểu cho tất cả mọi người, biểu hiện cho tinh thần khó nghèo theo Phúc Âm và tinh thần đơn sơ của các tu sĩ dòng Phanxicô. Đến mức mà theo nhiều nhà quan sát, nếu Đức Bergoglio sống trong Dinh Tông Tòa thì ngài không phải là cùng Giáo hoàng như chúng ta đã thấy, đã biết, đã nghe từ ngày 13-3-2013, ngày ngài được bầu chọn. Và lời giáo huấn của ngài cũng đã không có uy tín và sắc bén như chúng ta thấy.”

Trong thời gian mật nghị, Đức Bergoglio ở căn phòng 207 (bốc thăm như tất cả các hồng y khác), còn bây giờ ngài ở căn phòng 201, tổng cộng 50 mét vuông, gồm một phòng làm việc và một phòng ngủ. “Phòng đầu tiên gồm một phòng khách nhỏ có hai ghế bành, một đi văng, một văn phòng, một thư viện và một cây thập giá. Không có một nét sang trọng nào: đơn sơ tuyệt đối. Phòng thứ nhì là phòng ngủ đơn: một giường gỗ, một cái tủ, một cái bàn. Ánh đèn nê-ông làm căn phòng hơi lạnh, loại phòng nội trú nhưng Đức giáo hoàng không để ý đến chuyện này.”

Ở Nhà trọ Thánh Mácta, ông Aldo Maria Valli quan sát, Đức Jorge Bergoglio đã tìm được cho mình một “không gian thích hợp cho nhiều mục đích của ngài: ưu tiên cho khía cạnh mục vụ của chức vụ Giáo hoàng; cho một ví dụ cụ thể theo hướng giáo dục của ngài, như bài giảng (ngắn và tránh kiểu bài diễn thuyết hay lớp học, như ngài đã nói trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng); kiên định bám vào sứ điệp Phúc Âm; tái khẳng định uy quyền giáo hoàng đi từ dưới lên, không ở tư thế oai vệ, diễn tả một cách phóng khoáng, tránh lún vào triều chính; giữ gìn bản thân để không bị nhiễm vào chủ nghĩa giáo quyền.”

Một chút hiếu kỳ về khăn ăn của Đức giáo hoàng: “Khi Đức Phanxicô biết mỗi bữa ăn, nhân viên đều thay khăn ăn, ba lần mỗi ngày, ngài phản đối: ‘Phí thế! Vì sao phải thay khăn sạch?’. Ngài xin thay khăn cho ngài hai lần một tuần. Và bây giờ khăn của Đức giáo hoàng được xếp trong một phong bao, để trong tủ chung với khăn của các thực khách khác. Chỉ trừ khăn của Đức giáo hoàng có thêu chữ: ‘P. Phanxicô’”.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn