Dân Chúa Âu Châu

Trong những ngày vừa qua, cuốn sách “Con tầu của sự chết. 10.000 ngày trong ngục tù cộng sản” của ông Pjeter Arbnori được xuất bản bằng tiếng Ý, liên quan tới các vị tử đạo công giáo, nạn nhân các cuộc bách hại tàn khốc của chế độ cộng sản Albani. Ông Arbnori đã là người chứng kiến cái chết của hàng ngàn tín hữu công giáo gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Cuộc đời của Pjeter Arbnori

Pjeter Arbnori sinh năm 1935 tại Durazzo, và qua đời tại Napoli, nam Italia, năm 2006. Ông đã là một chính trị gia, thuộc đảng dân chủ Albani, kiêm văn sĩ và là người hoạt động dân chủ chống chế độ cộng sản độc tài Albani. Ông được mệnh danh là “Mandela của vùng Balcan” vì đã kháng cự và sống sót sau 28 năm bị giam trong các trại tù cộng sản Albani.

Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Albania năm 1993

Mồ côi cha từ nhỏ, Pjeter đã có một cuộc sống rất khó khăn. Năm 1949 cậu gia nhập một tổ chức bí mật của giới trẻ phân phát truyền đơn chống chế độ cộng sản. Tuy nghèo, Pjeter đã có thể học hết trung học, nhưng không được phép học đại học, vì nhà nước cộng sản của chủ tịch Enver Hoxha tố cáo anh và gia đình là thành phần của các tổ chức chống chính quyền. Sau khi mãn trung học, năm 18 tuổi, Pjeter đi dậy học, nhưng bị mất việc làm vì các lý do chính trị. Tiếp đến, anh đã phải làm các công việc đồng áng nặng nhọc, mỗi ngày 10 giờ và 6 ngày mỗi tuần, nhưng Pjeter vẫn thành công ghi danh học triết tại đại học Tirana, và đã xong chương trình học 5 năm chỉ trong vòng 2 năm rưỡi. Năm 1960 Pjeter bắt đầu làm giáo sư văn chương, và cùng với nhiều trí thức khác thành lập tổ chức dân chủ xã hội theo kiểu tây âu. Nhưng mật vụ Sigurimi Albani biết được và bỏ tù 7 người. Pjeter bị khảo cung và tra tấn hai năm và bị kết án tử hình. Nhưng vì số tù bị xử tử lần ấy đã đủ, nên án tử trở thành án tù 25 năm.

Ngay cả trong tù Pjeter cũng tiếp tục tổ chức các tù nhân kháng cự, và duy trì trí thông minh của mình bằng các sáng tác. Anh dùng các lề trắng của các tờ báo được phép đọc trong nhà tù, và viết chữ rất nhỏ. Một số các sáng tác sẽ được in ấn, sau khi chế độ cộng sản cáo chung. Nhưng sau đó anh lại bị kết án tù thêm 10 năm nữa, tổng cộng là trên 28 năm. Bị bắt năm 26 tuổi, Pjeter được trả tự do năm 54 tuổi. Nhưng anh can đảm bắt đầu cuộc sống từ số không, lập gia đình, có con, học nghề thợ mộc, và gia nhập phong trào dân chủ chống chính quyền cộng sản. Sau khi đảng Dân chủ Albani được thành lập, Pjeter Arbnori trở thành tổng thư ký, và trong hai năm 1992, 1996 đã giữ chức phát ngôn viên Quốc Hội, và cũng đã là Tổng thống lâm thời của Albania hồi năm 1992.

Năm 1997 ông thuộc khối đối lập trong Quốc Hội, sau khi đảng Xã hội Albani của ông Fanos Nano thắng cử. Ông Pjeter đã tuyệt thực phản đối chống đa số độc quyền báo chí. Từ đó ông trở thành nổi tiếng đối với các chính quyền tây âu, và được mệnh danh là “Mandela của vùng Balcan”. Tổng thống Rxhep Meidani sau đó đã can thiệp, và khiến cho Quốc Hội chấp thuận bảo đảm quyền độc lập của báo chí, được gọi là “tu chính Hiến pháp Arbnori”. Sau khi ông qua đời năm 2006, “Trung tâm văn hóa quốc tế” trước đó được biết tới như Viện bảo tàng Enver Hoxha được đổi tên thành “Trung tâm văn hóa quốc tế Pjeter Arbnori”. Và ngày 25 tháng 5 năm 2007 Giải thưởng văn chương Pjeter Arbnori cũng đã được thành lập. Nó ngang hàng với Giải Pulitzer của Hoa Kỳ.

Cuốn sách “Con tầu của sự chết. 10.000 ngày trong ngục tù cộng sản”

Trong cuốn “Con tầu của sự chết. 10.000 ngày trong ngục tù cộng sản”, ông Pjeter Arbnori đã kể lại cuộc tử đạo của rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân công giáo, nạn nhân của các cuộc bách hại tàn bạo dưới chế độ cộng sản vô thần do nhà độc tài Enver Hoxha làm chủ tịch. Ông nói mình biết nhiều vị trong danh sách dài các vị tử đạo Albani. Tất cả đều là các tôi tớ trong Chúa Kitô, và là những người rất can đảm. Trong các hoàn cảnh rất khó khăn và đau khổ các vị đã không chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, trái lại đã làm chứng cho Chúa với các việc làm và đã công khai tuyên xưng đức tin. Trong số tất cả các vị tôi đã kể tên hay không kể tên tôi có thể làm chứng và không có chút nghi ngờ rằng các vị đáng được phong chân phước và phong thánh. Các vị đã bị xử bắn và chết trong tù, hay đã khổ đau trong các trại lạo động, và luôn luôn bị đe dọa bởi những người ủng hộ chế độ. Họ thường hét vào mặt các vị: “Chúng tao sẽ lột mặt nạ chúng mày”. Đối với người cộng sản nó có nghĩa là chế nhạo và khinh bỉ. Tôi cũng hiện diện trong các dịp chôn cất, khi đến lúc trả lại danh dự cho các vị với việc xây mộ cho các vị và với các lễ nghi trang trọng do nhà nước dân chủ tổ chức. Tất cả đều sống động như mới xảy ra hôm qua, mặc dù khi tôi viết các dòng này, 13 năm đã trôi qua rồi, và đã có rất nhiều thay đổi tại Albania.

Lý do chế độ cộng sản vô thần chống hàng giáo sĩ Công giáo

Chắc chắn có nhiều bạn đọc hỏi: “Đâu là lý do cuộc chiến tàn bạo mà chế độ cộng sản vô thần của ông Enver Hoxha đã phát động chống lại hàng giáo sĩ công giáo như thế?” Có nhiều câu trả lời.

Lý do thứ nhất

Tất các các vị tử đạo đã luôn luôn là gương sống thánh thiện, nhưng nhất là các vị là các chứng nhân của một tinh thần khác với tình thần thông thường lúc đó của một nước Albania lạc hậu, đầy tấn kích vô thần và lún sâu trong các cuộc bách hại có quy mô rộng lớn từ phía người cộng sản. Các vị đã bị coi như một loài xa lạ, ngoài hành tinh, làm như thể không có trước đó và không có gốc rễ trong nước.

Các vị tử đạo đã không chỉ làm chứng cho ánh sáng tinh thần, mà cho cả sự cởi mở của tâm trí nữa. Hầu như tất cả các vị đều là những người rất thông thái, hiểu biết tường tận các môn học, là các vị lãnh đạo không thể tranh luận trong các lãnh vực hiểu biết: các nhà thần học, triết gia, văn sĩ, nhà in ấn, họa sĩ, nhạc sĩ, chính trị gia, xã hội học, sư phạm, sử gia, nghệ sĩ bình dân, các chuyên viên thiên nhiên, các bác sĩ, các kiến trúc sư, chuyên viên dân số. Không có lãnh vực văn hóa nào tại Albania mà không tìm thấy nơi họ các người tiên phong và các bậc thầy.

Các vị đã có công rất lớn trong việc tạo ra mẫu tự tiếng Albani từ mẫu tự latinh, thay vì chữ Cirillico, thành lập và củng cố văn hóa Albani tân tiến cũng như tinh thần ái quốc.

Chính lòng trung thành với Chúa Kitô khiến cho các vị cảm thấy có bổn phận phục vụ đức tin và phục vụ nền văn hóa tây phương để đào tạo nhân lực có khả năng phổ biến nó. Và đây chính là điều mà những người vô thần thù ghét nhất. Chủ thuyết cộng sản ảnh hưởng trên đám đông dốt nát, các người trí thức nửa vời đi học 6,7 năm tại các nước Âu châu, nhưng thực ra chỉ học 1-2 năm dở dang, không hết chương trình, và trở thành các nhân vật què quặt không hoàn thành. Đây là giai tầng chống đối hàng giáo sĩ Albani mạnh mẽ nhất.

Lý do thứ hai

Hàng giáo sĩ công giáo vì họ là cột trụ của tinh thần yêu nước, chống lại chủ nghĩa mác xít quốc tế áp đặt trên Albania như một thực thể xa lạ nhưng nhất quyết đàn áp và xóa bỏ các đặc thái của dân tộc Albani.

Lý do thứ ba

Hàng giáo sĩ công giáo đã luôn luôn tạo thành một rào cản chống lại chủ trương và các chương trình Slave hóa của người cộng sản, muốn Albania nằm dưới quyền kiểm soát của Yougoslavia. Để thực hiện điều này cần tiêu diệt hàng giáo sĩ công giáo Albani. Các tài liệu cho biết nhiều vụ xử bắn các linh mục Albani đã cho chính quyền cộng sản Yougoslavi ra lệnh.

Lý do thứ bốn

Để tôn nhà độc tài Enver Hoxha làm vị thần tối cao của đất nước Albania, người cộng sản vô thần cần khiến cho Thiên Chúa biến mất. Vì thế việc tiêu diệt hàng giáo sĩ là điều không thể tránh được, vì sự hiện diện của họ dưỡng nuôi đức tin của tín hữu. Albert Kamy đã khẳng đinh: “Khi trên trời trống rỗng Thiên Chúa thật, thì trên trái đất tràn đầy các thần khát máu con người”

Các lý do giả dối để tiêu diệt hàng giáo sĩ

Để tiêu diệt hàng giáo sĩ công giáo người cộng sản Albani bịa ra hàng trăm lý do. Trong số hàng trăm lý do có ba lý do chính hay được sử dụng nhất. Họ bị cáo gian là phản bội dân tộc vì đã cộng tác với kẻ thù, với Phát Xít, với Đức Quốc Xã. Họ bị tố cáo là gia nhập các tổ chức phản động tưởng tượng, do vài nhân vật bịa ra như “Đảng dân chủ ki tô” là đảng đã không hề hiện hữu hay tổ chức “Hiệp nhất Albani”. Và thế là họ bị xử bắn, hay bị bỏ tù, đánh đập, tra tấn và bỏ đói, hay bị đẩy vào trại lao động cho tới chết vì kiệt sức và bệnh tật. Thế rồi còn có một xảo thuật dối trá khác nữa: nhà nước cộng sản cho người dấu vũ khí trong các nhà thờ, nhà xứ hay các cơ sở của Giáo Hội, rồi cho công an tới khám xét và kết tội âm mưu chống chính quyền cách mạng, và lật đổ nhà nước cộng sản. Đây đã là trường hợp của các tu sĩ dòng Phanxicô bị dấu súng sau bàn thờ. Kết quả là nhiều vị bị kết ản tử, các vị khác bị bỏ tù, và bị đầy ải trong các trại lao động khổ sai cho tới chết.

Pjeter Arbnori – tù nhân phải sống

Riêng trường hợp của mình ông Pjeter Arbnori cho biết là các cai tù của ông đã nhận được lệnh không được để cho ông chết, mà phải giữ ông sống cho đến khi nào cần. Họ đe dọa để cho ông sống. Và có một hôm họ vào phòng biệt giam của nhà tù Burrel, và đội lên đầu ông một cái mũ sắt, giống như một cái xô bằng sắt bị méo. Nó là di tích của binh sĩ Áo- Hungari thời đệ nhất thế chiến, bên dưới có khóa, không thể tháo ra được. Mục đích là để ông không thể đập đầu vào tường bằng đá cứng mà tự tử. Ông Pjeter Arbnori đã sống trong nhà tù cộng sản Albani bằng đá tổng cộng tất cả là 10.320 ngày, tức 28 năm và vài tháng. Phân nửa thời gian với cái mũ sắt có khóa trên đầu. Một vài khi ý nghĩ tự tử cũng đến trong đầu ông. Nhưng trong thâm tâm ông đã quyết tâm phải sống còn.

Trong các năm bị giam các người cộng sản canh tù đã hành hạ ông đủ cách: để cho cửa phòng giam luôn mở to cho tuyết bay vào, cho nền đóng băng. Khi thì họ bắt ông nằm trên một loại hòm bị ánh sáng điện mạnh chiếu thẳng vào mặt làm mắt bị thương, hết ngày này sang ngày khác khiến cho ông như bị điên. Nhưng trong những lúc bị hành hạ như thế ông cầu nguyện, ông nghĩ tới mẹ ông và ông nói chuyện với Mẹ Maria, hay với cả hai người. Chính trong các năm bị biệt giam trong phòng tối, ông Pjeter Arbnori đã có rất nhiều giờ để suy tư và để cầu nguyện. Và ông đã sống sót trong vùng đất chết.

Sau khi bị nhà độc tài Enver Hosha kết án tử trong một vụ xử án kéo dài hai năm, trong ba tháng trời ông đã ngày ngày chờ đợi lý hình đến lôi đi xử bắn, hay nhanh chóng hơn là với một băng vải đen bịt mắt và một sợi dây thắt ngang cổ. Nhưng cuối cùng án tử hình được đổi thành án tù 25 năm và thêm 10 năm nữa vì tội tìm cách phổ biến các bài viết phản động và xúi giục các tù nhân có các hoạt động phản cách mạng.

Cửa nhà tù đã chỉ mở vào tháng 8 năm 1989, ít lâu trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Ông Pjeter Arbnori được tự do, đầu óc vẫn sáng suốt và minh mẫn như chưa bao giờ bị tra tấn hành hạ. Sự kiện ông vẫn còn sống sau hơn 28 năm tù biệt giam chứng minh cho thấy Vua Sự Dữ không phải là ông chủ tuyệt đối trên trần gian này. Sau cùng vẫn còn có cái gì đó ẩn sâu trong tâm hồn con người luôn luôn vượt thoát khỏi quyền lực của Sự Dữ và khiến cho con người chiến thắng.

Linh Tiến Khải – Vatican