Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WHĐ (27.01.2015) – Hôm nay 27-01-2015, lễ mở Án phong Chân phước cho Chị Chiara Lubich, vị sáng lập phong trào Focolare diễn ra lúc 16g giờ địa phương tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Frascati. Đức cha Rafaello Martilleni, giám mục giáo phận Frascati Italia đã loan báo tin vui này từ hôm thứ Bảy 24-01. Frascati là nơi đặt trụ sở quốc tế của Phong trào Focalare và cũng là nơi chôn cất Chị Lubich.
Chị Maria Voce, Chủ tịch phong trào Focolare, đã hân hoan đón nhận tin vui này và khuyến khích các thành viên Focolare “sống chứng tá về sự thánh thiện cộng đoàn mà Chị Chiara Lubich đã rao giảng và đã sống”.
Khi nghe tin Chiara Lubich qua đời tháng hồi tháng Ba 2008, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã gởi điện tín nội dung như sau:
“Tôi rất xúc động khi nghe tin Chị Chiara Lubich qua đời. Chị đã sống một cuộc sống dài lâu và sinh nhiều hoa trái, ghi dấu bằng tình yêu không mệt mỏi dành cho Chúa Giêsu bị bỏ rơi.
Trong lúc chia lìa đau đớn này, tôi xin được bày tỏ tâm tình quý mến và gần gũi cách thiêng liêng với những người thân của Chị, với toàn thể “Công trình của Mẹ Maria” –tức phong trào Focolare mà Chị sáng lập– và với tất cả những ai yêu quý Chị vì Chị đã không ngừng dấn thân xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội, cuộc đối thoại đại kết và tình huynh đệ giữa các dân tộc.
Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì chứng tá đời sống của Chị, Chị luôn lắng nghe nhu cầu của con người thời đại trong sự trung thành hoàn toàn với Giáo hội và với Đức giáo hoàng.
Tôi xin phó thác linh hồn Chị cho Thiên Chúa nhân lành, xin Người đón nhận Chị vào cung lòng Chúa Cha. Tôi hy vọng những ai đã từng biết và gặp Chị, khi chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện qua lòng nhiệt thành truyền giáo của Chị, sẽ tiếp tục theo bước chân của Chị và duy trì ơn đặc sủng của Chị sống mãi”.
Chiara Lubich sinh ngày 22-01-1920 tại Trento và qua đời ngày 14-03-2008 tại Rocca Di Papa, trong sự hiện diện quây quần của các thành viên Focolare. Trong những ngày trước khi Chị qua đời, nhiều người đã đến bày tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ Chị, từ những công nhân bình thường đến các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị cao cấp.
Lễ an táng Chị Chiara Lubich đã được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành ở Rôma với khoảng 40.000 người tham dự.
Phong trào Focolare đã đệ đơn xin mở Án phong chân phước cho Chị Chiara Lubich vào ngày 07-12-2013. Chị Maria Voce, chủ tịch phong trào, là người ký đơn thỉnh nguyện gửi cho Đức giám mục giáo phận Frascati, nơi Chị Lubich qua đời.
Đặc sủng của phong trào Focolare là thăng tiến tình huynh đệ và hiệp nhất giữa những người thuộc nhiều niềm tin khác nhau. Hiện nay Focolare có khoảng 2 triệu thành viên tại 182 quốc gia, đa số là người Công giáo Roma. Ngày càng có thêm nhiều người không Công giáo thuộc 350 giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác gia nhập Phong trào này. Phong trào cũng bao gồm nhiều người thuộc các tôn giáo khác trên thế giới như Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và người Sikh. Ngoài ra cũng có những thành viên của Focolare không theo một niềm tin tôn giáo nào.
An Phú Sĩ
Nguồn: HĐGMVN
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội vượt thắng hiện tượng ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng” đối với những người nghèo khổ.
Đây là ý tưởng được ĐTC nhấn mạnh và khai triển nhiều nhất trong Sứ điệp Mùa Chay bắt đầu từ ngày 18-2 tới đây. Sứ điệp được Đức Ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), cùng vị phụ tá và ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas quốc tế, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng ngày 27-1-2015, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.
Sứ điệp của ĐTC có chủ đề là một câu trích từ thư thánh Giacôbê ”Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8). Sau khi nhắc lại sự kiện Thiên Chúa ”không dửng dưng đối với chúng ta, ĐTC nhấn mạnh rằng:
”Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Chúa biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta.. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì thường chúng ta quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu.”
ĐTC nhận xét rằng sự dửng dưng vừa nói có chiều kích hoàn vũ và người ta có thể nói ngày nay đang có một thứ ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng”. Để giúp các tín hữu khắc phục tệ nạn này, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội ý thức rằng ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26)
ĐTC cũng kêu gọi vượt thắng sự dửng dưng trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Để được vậy, các tín hữu cần ý thức mình là chi thể của một thân mình, một chi thể đau thì toàn thể thân mình cũng chịu đau. Ngài khẳng định rằng: ”mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha... Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, - đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, - trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!”
ĐTC mời gọi các tín hữu ”đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người hiệp nhau!” Trong ý hướng đó ngài cầu mong toàn thể Giáo Hội tham gia sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây”
Ngài cũng khuyến khích các tín hữu thực hiện những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. ”Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.”
Và ĐTC kết luận rằng:
”Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa”. (SD 27-1-2015)
G. Trần Đức Anh OP
”Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một mùa canh tân đối với Giáo Hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng trên hết Mùa Chay là ”một mùa ân thánh' (2 Cr 6,2). Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta điều gì mà trước đó Ngài không ban cho chúng ta: ”Chúng ta yêu mến vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Chúa không dửng dưng đối với chúng ta. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta; tình thương ngăn cản không để cho Chúa dửng dưng đối với những gì xảy đến cho chúng ta. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì chắc chắn chúng ta quên những người khác (điều mà Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu... lúc ấy tâm hồn chúng ta rơi vào thái độ dửng dưng: trong khi tôi tương đối an mạnh và thoải mái, thì tôi quên những người không được an mạnh. Thái độ ích kỷ, dửng dưng này ngày nay có một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ hoàn cầu hóa sự dửng dưng. Đó là một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Kitô hữu. Khi Dân Chúa trở về với tình thương của Chúa, thì họ tìm được những câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử luôn đề ra cho họ. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi muốn dừng lại trong Sứ Điệp này chính là thách đố hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Dửng dưng đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, trong mỗi Mùa Chay chúng ta cần nghe lời kêu của các Ngôn Sứ lên tiếng và thức tỉnh chúng ta. Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới, Chúa yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu độ mỗi người. Trong cuộc nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong cái chết và sống lại của Con Thiên Chúa có mở ra vĩnh viễn cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất. Và Giáo Hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy mở rộng nhờ việc công bố Lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhờ làm chứng tá đức tin hữu hiệu trong đức bác ái (Xc Gl 5,6). Tuy nhiên, thế giới có xu hướng khép kín vào mình và đóng kín cánh cửa qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến cùng Chúa. Vì thế bàn tay, là Giáo Hội, không bao giờ được ngạc nghiên nếu bị phủ nhận, bị đè bẹp và bị thương.
Vì vậy Dân Chúa cần canh tân, để không trở nên dửng dưng và không khép kín vào mình. Tôi muốn đề nghị với anh chị em 3 bước suy tư để đạt tới sự canh tân.
1. ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26) - Giáo Hội
Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo Hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc rõ điều đó cho chúng ta qua nghi thức rửa chân. Thánh Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho Ông, nhưng rồi đã hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn đó chỉ là một ví dụ về cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ có người nào để cho Chúa Kitô rửa chân trước thì mới có thể thi hành việc phục vụ này. Chỉ người nào được ”dự phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ con người.
Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ và nhờ đó trở nên như Chúa. Điều này xảy ra khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và khi chúng ta lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Trong đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho sự dửng dưng dường như thường ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không thể dửng dưng đối với nhau. ”Vì thế nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể cùng đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng vui mừng với chi thể ấy” (1 Cr 12,26).
Giáo Hội là cộng đồng hiệp thông của các thánh vì các thánh tham dự vào cộng đồng ấy, và cũng vì đó là một sự hiệp thông những sự thánh: tình thương của Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta trong Chúa Kitô và tất cả các hồng ân của Chúa. Trong số các hồng ân này cũng có câu trả lời của những người để cho mình được tình thương của Chúa chiếm hữu. Trong cộng đồng hiệp thông của các thánh và trong sự tham dự vào những sự thánh, không ai sở hữu riêng cho mình, nhưng những gì họ có là để cho tất cả. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta cũng có thể làm được một cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự sức riêng chúng ta không bao giờ có thể đạt tới họ, vì cùng với họ và cho họ chúng ta cầu xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta đều cởi mở đối với công trình cứu độ của Chúa.
2. ”Em ngươi ở đâu?” (St 4,9) - Các giáo xứ và các cộng đoàn
Những điều nói về Giáo Hội hoàn vũ thì cũng cần được biểu lộ trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Trong các thực tại Giáo Hội này, chúng ta có làm cho mọi người cảm nghiệm được họ là thành phần của một thân mình duy nhất hay không? Đó có phải là một thân mình cùng lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban hay không? Đó có phải là một thân mình biết và chăm sóc những phần tử yếu đuối nhất, nghèo khổ và bé nhỏ nhất hay không? Hoặc chúng ta chạy trốn trong một tình yêu đại đồng, dấn thân nơi xa xăm nhưng lại quên người nghèo Lazzaro ngồi ngay trước cánh cửa khép kín của nhà mình hay không? (Xc Lc 16,19-31).
Để lãnh nhận và làm cho những gì Chúa ban cho chúng ta được sinh hoa kết trái hoàn toàn, cần phải vượt qua những ranh giới của Giáo Hội hữu hình theo hai chiều hướng.
- Thứ nhất, bằng cách liên kết trong kinh nguyện với Giáo Hội thiên quốc. Khi Giáo Hội trần thế cầu nguyện, thì thiết lập một sự hiệp thông phục vụ và mưu ích cho nhau, bay lên trước nhan Thiên Chúa. Cùng với các thánh đã tìm được sự sung mãn trong Thiên Chúa, chúng ta là thành phần cộng đồng hiệp thông ấy, trong đó tình thương chiến thắng dửng dưng. Giáo Hội thiên quốc không chiến thắng vì đã quay lưng lại với những đau khổ của trần thế và vui hưởng một mình. Đúng hơn, các thánh đã có thể chiêm ngắm và vui mừng vì sự kiện, nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, các vị đã vĩnh viễn chiến thắng thái độ dửng dưng, sự cứng lòng và oán thù. Bao lâu chiến thắng ấy của tình thương chưa thấm nhập vào toàn thể thế giới, thì các thánh còn đồng hành với chúng ta là những người lữ hành. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội Thánh, đã viết với lòng xác tín rằng niềm vui trên trời vì chiến thắng của Tình thương chịu đóng đanh sẽ không trọn vẹn bao lâu còn một người trên trần thế phải chịu đau khổ và rên xiết: ”Con hy vọng sẽ không ngồi yên mà không làm gì trên trời, mong ước của con là còn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và cho các linh hồn” (Thư 254 ngày 14-7-1897).
Cả chúng ta cũng tham dự vào công phúc và niềm vui của các thánh và các ngài tham dự vào cuộc chiến đấu cũng như mong ước của chúng ta muốn được an bình và hòa giải. Niềm vui của các thánh vì chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh là động lực thúc đẩy chúng ta vượt thắng bao nhiêu hình thức dửng dưng và cứng lòng.
Đàng khác, mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha. Sứ mạng truyền giáo là điều mà tình thương không thể im lặng. Giáo Hội theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường dẫn Giáo Hội tới con người, cho đến tận bờ cõi trái đất (Xc Cv 1,8). Như thế chúng ta có thể nhìn thấy nơi tha nhân người anh chị em mà Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại cho họ. Những gì chúng ta nhận lãnh, thì chúng ta cũng lãnh nhận cho họ. Cũng thế, những gì những người anh chị em ấy sở hữu, chính là một món quà cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại.
Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, - đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, - trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!
3. ”Anh chị em hãy cũng cố tâm hồn!” (Gc 5,8) - mỗi tín hữu
Cả với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp. Phải làm gì để không bị cái vòng kinh hoàng và bất lực ấy cuốn mất?
Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện trong tình hiệp thông của Giáo Hội trần thế và thiên quốc. Chúng ta đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà tôi cầu mong sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây, muốn biểu lộ sự cần thiết phải cầu nguyện.
Tiếp đến, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.
Thứ ba, sự đau khổ của tha nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh em nhắc nhở cho tôi sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc của tôi đối với Thiên Chúa và các anh chị em. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận khả năng giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tín thác nơi tiềm năng vô biên chứa đựng trong tình thương của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ làm chúng ta tưởng mình có thể tự mình cứu thoát bản thân và thế giới.
Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa. Một con tim để cho Thánh Linh thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới các anh chị em. Xét cho cùng, đó là một con tim nghèo, nghĩa là nhận biết sự nghèo hèn của mình và xả thân cho tha nhân.
Vì thế, anh chị em thân mến, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin Chúa Kitô trong Mùa Chay này: ”Fac cor nostrum secundum cor tuum”, xin làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa” (Lời cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu). Như thế chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Với mong ước ấy, tôi hứa cầu nguyện để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước trong hành trình Mùa Chay với nhiều thành quả, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.
Vatican ngày 4 tháng 10 năm 2014
Lễ Thánh Phanxicô Assisi
(G. Trần Đức Anh OP dịch từ nguyên bản tiếng Ý)
Hamburg, 26.01.2015 - Linh mục Tổng Đại Diện của Tổng Giáo phận Köln, Đức Ông Stefan Heße (48 tuổi) trở thành Tổng giám mục mới của TGP Hamburg. Việc bổ nhiệm này đã được công bố bởi Liên giáo phận Osnabrück – Hildesheim – Hamburg trong vùng Bắc Đức cũng như Tòa Thánh Vatican vào cùng một thời điểm, trưa thứ hai, 26.01.2015, lúc 12 giờ. Kinh nghiệm điều hành một giáo phận Đức Ông Heße đã có vì tại TGP Köln từ lúc Đức Hồng Y Joachim Meisner nghỉ hưu thì cha Tổng Đại Diện Heße là người đứng đầu chăm sóc giáo phận gần nửa năm trời.
Trong một phản ứng đầu tiên được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Hamburg, Đức Ông Heße cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho sự tin tưởng của ngài. Việc bổ nhiệm đã làm Đức Ông ngạc nhiên và "trong tâm tư rất băn khoăn". Đối với thành phố Hamburg và các vùng xung quanh Đức Ông chỉ biết được trong những dịp đi nghỉ hè tại đây. "Bây giờ tôi vui mừng có dịp làm quen và gặp gỡ với những người dân sống tại miền Bắc nước Đức." Noi gương cho sứ mạng mục vụ tương lai chính là Thánh quan thày Ansgar của TGP Hamburg. "Thánh Ansgar là một người sống nội tâm và can đảm cho việc dấn thân - cả hai điều này, tôi ước muốn cho sứ vụ của tôi là Giám Mục của Hamburg", Tổng Giám Mục Heße chia sẻ vào trưa nay.
Hồ sơ tóm gọn của tân TGM Stefan Heße
- 07.08.1966: Sinh ra ở Köln, con trai của một gia đình làm bánh.
- 1986: tốt nghiệp trung học ở Köln-Weiden, sau đó học triết học và thần học tại Bonn và Regensburg.
- 18.06.1993: Đức Hồng Y Joachim Meisner phong chức linh mục cho thày Stefan Heße tại nhà thờ chính tòa Köln.
- 1993-1997: Bổ nhiện làm cha phó tại giáo xứ St. Remigius ở Bergheim.
- 1997-2003: Dạy học tại chủng viện thần học Collegium Albertinum tại Bonn.
- 2001: Đậu Tiến sĩ thần học với luận án về thần học ơn gọi của Hans Urs von Balthasar.
- 2003: Làm việc trong Tòa giám mục của TGP Köln, ban đầu là giám đốc quản lý nhân viên.
- 2006: Bổ nhiệm làm Phó Tổng đại diện của TGP Köln.
- 2010: Được thăng chức Đức Ông.
- 16.03.2012: Bổ nhiệm làm Tổng đại diện của TGP Köln.
- 28.02.2014: Được trao trách nhiệm quản trị Giáo phận sau khi Đức Hồng Y Joachim Meisner chính thức nghỉ hưu.
- 20.09.2014: Được tái bổ nhiệm làm Tổng đại diện của TGP Köln, sau lễ nhậm chức của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki làm TGM Köln.
- 26.01.2015: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Ông Stefan Heße vào chức vụ Tổng Giám mục của TGP Hamburg.
Hiện nay TGM Stefan Heße là vị giám mục trẻ nhất tại Đức. Là một Tổng giám mục tương lai của Hamburg, TGM Heße chăm sóc cho 400.000 giáo dân đang sống trong một diện tích lớn nhất tại Đức được nối dài qua nhiều thành phố lớn nằm trong các tiểu bang Hamburg, Mecklenburg-Vorpommern và Schleswig-Holstein. TGM Stefan Heße là vị giám mục thứ ba của TGP Hamburg, một giáo phận rất non trẻ được thành lập vào năm 1995 sau khi nước Đức được thống nhất. Người tiền nhiệm là Tổng Giám mục Werner Thissen đã đệ đơn từ chức vào tháng 3 năm 2014. Vị giám mục tiên khởi của TGP Hamburg là TGM Ludwig Averkamp với thời gian cai quản giáo phận từ 1995-2002. Đức TGM Ludwig Averkamp đã qua đời vào ngày 29.07.2013, hưởng thọ 86 tuổi.
Tỷ lệ phần trăm so với tổng dân số trong TGP Hamburg, người Công giáo chỉ chiếm được 10%. Tỷ lệ người Tin Lành nhiều hơn khoảng 30%, vì thế giáo Hội công giáo tại vùng Bắc Đức được mệnh danh là miền đất Diaspora, vùng ít người công giáo.
Việc bổ nhiệm Đức Ông Stefan Heße trở thành Tổng giám mục mới của Hamburg ban đầu điều này có vẻ giống như một cú sốc văn hóa, bởi vì ngài xuất thân từ một vùng có nhiều văn hóa truyền thống dọc theo sông Rhein (dài 1.238 km) và từ một giáo phận lớn nhất nước Đức với 2,2 triệu giáo dân, cũng như Köln một giáo phận quan trọng nhất của Đức. Mới đây qua sự lãnh đạo của Đức Ông Stefan Heße tại TGP Köln khi trống ngôi giám mục đã chứng tỏ tài năng điều khiển guồng máy giáo hội tại đây, kể cả trong thời chuyển tiếp với Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki vào năm ngoái thật tốt đẹp.
Việc bổ nhiệm một linh mục từ TGP Köln cho thấy sự quan trọng về nhân sự trong Giáo Hội Đức từ nhiều năm nay qua ảnh hưởng rất lớn của ĐHY Joachim Meisner. TGP Köln đã cung cấp nhiều linh mục lên hàng giám mục cho giáo hội Đức như Đức Cha Friedhelm Hoffman cho GP Würzburg vào năm 2004, Đức Cha Norbert Trelle cho GP Hildesheim vào năm 2005, ĐHY Rainer Maria Woelki cho TGP Berlin vào năm 2011 và đã trở về Köln vào năm 2014, Đức Cha Heiner Koch cho GP Dresden vào năm 2013 và mới nhất là TGM Stefan Heße cho TGP Hamburg vào năm 2015.
Theo tin hành lang Đức Ông Stefan Heße không được lựa chọn trong bảng danh sách tiên cử của giáo phận. Tuy nhiên danh tính của ngài đã nằm trong bảng danh sách ba người do ĐHY Joachim Meisner tiến cử làm người kế vị của ĐHY cho TGP Köln. Vì vậy, điều này không có gì ngạc nhiên khi cha Heße lại được nằm trong danh sách quan trọng cho chức vụ TGM Hamburg trong những tháng qua, để cuối cùng Tòa Thánh Vatican và TGP Hamburg chọn ngài làm vị chủ chăn.
Phản ứng với việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục mới Stefan Heße cho TGP Hamburg
- Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức chúc mừng Tổng giám mục tương lai về việc bổ nhiệm Đức Ông Heße và chúc cha phúc lành của Thiên Chúa cho các nhiệm vụ mới. "Trong hơn 20 năm, cha là một linh mục của Tổng Giáo phận Köln. Các kinh nghiệm mục vụ phong phú, trách nhiệm của cha tại chủng viện Collegium Albertinum, các vị trí quan trọng trong Tòa giám mục và năng lực điều khiển trong chức vụ Tổng đại diện thì một người sinh ra ở Köln vùng Rhein chắc chắn cũng sẽ phát triển tốt trên vùng sông Elbe của Hamburg và chắc chắn sẽ sớm trở thành thân thiết với trái tim mình".
- Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln: "Tôi hết lòng chúc mừng Đức Ông Stefan Heße được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm Tổng giám mục mới của Hamburg. Tôi rất vui vì TGM Stefan Heße, và trên tất cả, tôi chúc mừng cho các tín hữu trong TGP Hamburg, vì tôi thực sự bị thuyết phục có một Tổng giám mục mới rất tốt, vị chủ chăn có một trái tim cho người dân và sẽ tham gia vào các cuộc đối thoại với người dân".
Cho TGP Köln và cho cá nhân tôi, tôi xin lỗi vì sau một thời gian ngắn như vậy một nhân viên rất đáng tin cậy và rất tốt, vị Đại Diện của tôi phải chia tay. Nhiều người đã nhìn thấy Đức Ông Stefan Heße trong những công việc tuyệt vời tại Tổng Giáo Phận của chúng tôi. Hamburg thật là may mắn để có được Đức Ông Stefan Heße làm Tổng giám mục mới của mình. Tôi mừng cho TGM mới và chúc ngài phúc lành của Thiên Chúa. Thưa TGM Heße, xin chúc mừng và xin Thiên Chúa chúc lành!"
- Chủ tịch quốc hội tiểu bang Schleswig-Holstein, ông Klaus Schliemann vui mừng cho việc bổ nhiệm này. "Với TGM Heße người Công giáo sẽ nhận được ở miền Bắc nước Đức một người chủ chăn kinh nghiệm và có thể tiếp cận với mọi người."
- Đức Giám mục phụ tá Hans-Jochen Jaschke của TGP Hamburg: "Tôi rất vui mừng cho một tổng giám mục trẻ. Thánh Ansgar, lúc đến Hamburg chỉ ở độ tuổi 31 tuổi, TGM Stefan Heße lớn hơn một chút, 48 tuổi. Tôi hy vọng Đức TGM tiếp cận công việc của mình với rất nhiều năng động."
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
Nguồn: www.mucvu-borsum.de
VRNs (26.01.2015) –Sài Gòn- Từ lâu rồi sự phân chia giữa Trung Quốc và Giáo hội vẫn là ‘một vết thương toang hoác” và cần “phải được quan tâm chữa trị”. “Do đó Tòa Thánh cần đối thoại với nhà cầm quyền Trung Quốc, để thực hiện ‘bước đầu’ của đối thoại. Bởi vì nếu như mối quan hệ nhập nhằng giữa Giáo hội và giới lãnh đạo Trung Quốc được đả thông, thì nguyên nhân của sự bất đồng giữa các Giáo hội Trung Quốc sẽ được thấu hiểu.”
Đức Giám mục giáo phận Tề Cáp Nhĩ [Qiqihar] nằm phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang, Đức Cha Giuseppe Wei Jinhyi, phát biểu cách thẳng thắn như trên.
Mọi người đều biết rằng việc tấn phong Giám mục của ngài không được nhà cầm quyền Trung Quốc công nhận và người ta biết đến ngài như vị đại diện cho điều gọi là phần tử “bất hợp pháp” của Giáo hội Trung Quốc: một thuật ngữ được dùng để chỉ những Giám mục, linh mục và giáo dân “Hầm trú”, những người từ chối không theo chính sách tôn giáo của Bắc Kinh.
Đức Cha Giuseppe Wei Jinhyi sinh năm 1958 lúc Mao Trạch Đông còn nắm chính quyền. Đức Cha Giuseppe đã từng ngồi tù 3 lần và bị quản thúc. Lần ngồi tù lâu nhất là hơn 2 năm, từ tháng 9 năm 1990 đến tháng 12 năm 1992. Đó là một phần của nguyên do tại sao ngài phát biểu rất hùng hồn và thẳng thắn như vậy.
Chúng ta hãy nghe những chia sẻ của Đức Cha qua cuộc phỏng vấn với ký giả Gianni Valente của báo Vaticaninsider như sau:
Ngài trở thành một Kitô hữu như thế nào?
Thành viên đầu tiên trong gia đình chịu phép rửa tội là ông tôi. Khi lớn lên, cha mẹ tôi là gương mẫu cho tôi, họ là những Kitô hữu thánh thiện. Khi còn nhỏ, gia đình tôi một lần gặp nạn đói, chúng tôi buộc phải di cư từ Hà Bắc, vùng ngoại ô Bắc Kinh, tới vùng Đông Bắc, tỉnh Cát Lâm.
Ngài lớn lên trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Đức tin của ngài được nuôi dưỡng như thế nào trong suốt thời gian thử thách đó?
Năm tháng trôi qua quá nhanh. Việc Kitô hữu diễn ta đức tin nơi công cộng bị cấm đoán. Chỉ có một ít gia đình Công giáo và họ rất sỡ hãi. Tôi nhớ đôi lần chúng tôi gặp gỡ họ và cầu nguyện cùng nhau trong nhà, đặc biệt là vào dịp lễ trọng. Đây là cách chúng tôi duy trì đức tin.
Cho tới khi nào?
Mọi thức bắt đầu thay đổi vào cuối thập niên 70. Đó là lúc tôi mong muốn trở thành 1 linh mục. Trước cuộc cách mạng văn hóa, một người anh trai của cha tôi đã trở thành một tu sỹ Dòng Thánh Tâm và chú tôi cũng học tại chủng viện.
Hiện tại có phải các gia đình Công giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ đức tin?
Nhịp độ xã hội đã thay đổi, mọi thứ áp đảo điên cuồng. Nhiều gia đình Công giáo thậm chí không có thời gian đọc kinh cầu nguyện chung như họ từng làm. Mọi thứ đã dừng lại. Những nghi lễ phong tục đã không còn mạnh. Trước đây, linh mục chờ con chiên vào nhà thờ xưng tội, hoặc dâng lễ và cử hành các Bí tích. Ngày nay, để rao giảng Lời Chúa, bạn phải đi ra ngoài giáo xứ và thể hiện cho mọi người thấy tình yêu của Thiên Chúa là tất cả và đức tin có thể nở hoa như thế nào trong đời sống hằng ngày.
ĐTC thường nói rằng bản chất của Giáo hội là “đi ra”. Đức Cha có theo sự chỉ dẫn đó không?
Chúng tôi theo mọi thứ: Chúng tôi theo dõi các bài giảng của ĐTC trong thánh lễ sáng tại nguyện đường Santa Marta, theo dõi các bài giáo huấn của ngài. Bài Giáo lý hàng tuần trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, các bài nói chuyện của ĐTC trong buổi tiếp kiến các Hội đoàn, Cơ quan Chính phủ… Chúng tôi luôn dõi theo mọi thứ ĐTC giảng qua mạng lưới Internet. Mọi thứ đến với chúng tôi như thế đó! Có thể trễ hơn một ngày, nhưng chúng tôi có thể truy cập và theo dõi.
Quan điểm của Ngài như thế nào?
ĐTC Phanxicô là món quà đặc biệt của Thiên Chúa cho Giáo hội hôm nay và cho toàn thể nhân loại. Những việc ĐTC đề xuất rất phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội và xã hội Trung Quốc.
ĐTC Phanxicô từng nói rằng, con đường Giáo hội chúng ta đi đã được chỉ ra trong bức thư gửi Giáo hội Trung Quốc năm 2007. Có đúng vậy không thưa Đức cha?
Chắc chắn là vậy. Nó đại diện cho sự phân chia ranh giới rõ ràng. Nó chỉ cho thấy Giáo hội Trung Quốc phải đối phó và sống hiện tại trong hoàn cảnh của mình như thế nào với nhà cầm quyền, với tất cả những vấn đề đang tồn tại trong xã hội.
Một trong những vấn đề đó là sự phân chia giữa cái gọi là Giáo hội “Quốc doanh” và giáo hội “Hầm trú”. Điều này dường như phụ thuộc vào tham vọng cá nhân và đấu tranh quyền lực.
Đấu tranh giành quyền lực và địa vị gây ra sự chia rẽ ngày nay. Không may trong Giáo hội 2000 năm qua cũng vướng vào sự bất đồng và chia rẽ do quyền lực. Nhưng trong xã hội Trung Quốc ngày nay, đây là hậu quả của những áp lực nội tại. Có sự phân chia trong cách chính quyền đối xử với Giáo hội và sự chân chia này đã tích tụ xuyên suốt lịch sử. Vì thế, nếu vấn đề về mối quan hệ với chính quyền được giải quyết, sự phân chia giữa các Giáo hội Công giáo có thể được hòa giải. Vấn đề mối quan hệ với thế lực chính trị cần được đề cập đến càng sớm càng tốt.
Một số người cho rằng nếu Tòa Thánh thượng lượng với nhà cầm quyền Trung Quốc thì tình hình sẽ được “dễ thở” hơn?
Sự thật cần làm rõ! Rõ ràng vì có những vấn đề, giải pháp cần được khám phá qua đối thoại và thương lượng với Chính phủ, để thiết lập các kênh cho cuộc đối thoại ngoại giao nữa. Đây là cách giải quyết các trở ngại đang gây ra chia rẽ. Con đường cần đi là vấn đề làm sao cho Giáo hội được hiệp nhất: giữa Giáo hội “Quốc doanh” và Giáo hội “Hầm trú”, thậm chí có thể gặp rủi ro và có những hiểu nhầm.
Tại sao?
Bởi vì sự chia rẽ mọc rễ trong vết thương giữa mối quan hệ giữa Giáo hội và Trung Quốc từ xa xưa. Nó là vết thương toang hoác cần được quan tâm và chữa trị. Mối bất hòa giữa Giáo hội và Trung Quốc – được phản ánh trong xã hội Trung Quốc- cần được vượt qua vì một trong những ảnh hưởng của nó đã tạo ra chia rẽ giữa Giáo hội “Quốc doanh” và “Hầm trú”. Cần có một sự phân tích mang tính chất lịch sử để hiểu biết nguyên nhân và có thể làm được điều này nếu có cuộc đối thoại giữa Giáo hội và Trung Quốc.
Một số người cho rằng Giáo hội không nên quá tin tưởng và trước hết phải có sự đảm bảo.
Tôi nghĩ bất kì loại lý thuyết về đấu tranh cho đến cùng hay chiến tranh lạnh đều đi ngược lại căn tính Kitô hữu. Đối kháng và lỗi lầm của quá khứ cần được thảo luận, chúng tôi cần cần sự thay đổi nơi con tim như ĐTC Phanxicô đã nói. Đây là con đường mà chúng ta, những người Công giáo cũng như chính quyền có thể tiến đến và hàn gắn lại. Mỗi người cần góp sức vì sự hòa hợp, hòa giải và hòa bình. Đây chính là con đường mà Kinh Thánh đã nhắc đến. Quan niệm của người Trung Quốc cũng ủng hộ bất cứ việc gì thúc đẩy sự hòa giải và hòa bình.
Ai cần thực hiện bước đầu tiên?
Những bước đầu tiên đã được thực hiện. Chúng ta ủng hộ tất cả các bước mà ĐTC đang xúc tiến để sẵn sàng cho cuộc đối thoại của Ngài. Một Kitô hữu luôn cố gắng thực hiện bước đầu tiên để đem đến sự hòa giải và chữa lành vết thương xã hội và con người. Vì thế Giáo hội thực hiện bước đầu tiên là rất đúng đắn. “Xa lánh” thì không tốt! Không phải là cuộc tranh đấu để xem ai thực hiện bước tiếp theo, nhưng là ai thực hiện bước đầu tiên.
Nhưng cộng đoàn công giáo sẽ phản ứng thế nào nếu đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh trở nên cứng nhắc?
Phần đông sẽ ủng hộ việc đối thoại với Chính phủ như là cách giải quyết vấn đề của Giáo hội. Đây là cách làm cho đời sống của các tín hữu dễ dàng hơn.
Ngay cả trong Giáo hội “Hầm trú”? Không có mối nguy hiểm về một sự phân chia trầm trọng hơn?
Phần lớn Giáo hội “Hầm trú” cũng sẽ ủng hộ giải pháp này. Đầu tiên sẽ có một số nhỏ xôn xao, cho rằng ĐTC không hiểu và cho rằng Giáo hội có thể mất mặt. Nhưng rồi họ sẽ hiểu và sẽ đi theo con đường này.
Về vấn đề thụ phong Giám mục, trong thư năm 2007 có đoạn ĐTC viết: “Tôi tin rằng có thể đạt được thỏa thuận với chính quyền để giải quyết một vài vấn đề trong việc chọn lựa ứng viên Giám mục.”
Để trở nên Giám mục Công giáo, ứng viên cần có hiệp thông với Đức Thánh Cha, là đấng kế vị Thánh Phêrô. Dưới những điều kiện bình thường, sự hiệp thông này thể hiện ra với công chúng. Dù bất kỳ phương pháp chọn lựa nào, không được tự ý bổ nhiệm Giám mục. Việc bổ nhiệm phải do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm hoặc dưới sự công nhận của Ngài. Chúng ta có thể thảo luận về việc bổ nhiệm thành sự như thế nào. Nhưng đây là điều tiên quyết cần phải có.
Có tiêu chuẩn chính nào cần xem xét không?
Lãnh đạo mục vụ và giáo sỹ tại Giáo hội Trung Quốc là dưới sự dẫn dắt của các Giám mục. Những Ủy ban như Ủy ban đại diện Công giáo và Hiệp hội Công giáo Yêu nước có thể được bãi bỏ. Hoặc có thể tồn tại nhưng không liên quan gì đến vấn đề mục vụ, cử hành thánh lễ và những khoản liên quan đến Giáo Luật. Đó chỉ là một tổ chức chính trị. Những cơ quan này không được phép gây trở ngại đến đời sống đức tin của tín hữu. Nếu cần phải tái cấu trúc hai Ủy ban này để thích ứng với bản chất của Giáo hội. Điều quan trọng là những Ủy ban này không được phép quản lý các Giám mục khi có những vấn đề xảy ra liên quan đến đời sống nội bộ của Giáo hội.
Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc vẫn sống. Nhưng đức tin- như ĐTC Bênedictô XVI từng nói- thỉnh thoảng giống như một ngọn lửa sắp tàn lụi. Cái gì bảo vệ ngọn lửa này ngay cả trong tình cảnh nguy khó nhất?
Ngày nay mọi người đều biết dùng điện thoại di động. Nó là một công cụ hữu ích. Nhưng khi hết pin và bạn không thể sạc pin, nó không hoạt động và trở nên vô ích. Giáo hội cũng vậy! Chúng ta có thể đấu tranh cho sự hiệp nhất. Nhưng nếu không có sự hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa, qua đời sống cầu nguyện, không thể làm được việc gì. Và tất cả nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hiệp nhất sẽ trở nên vô nghĩa.
Minh Trang
Nguồn: http://www.chuacuuthe.com
VRNs (24.01.2015) Theo Lifenews – Hàng trăm ngàn người phò sự sống đã xuống đường tham dự cuộc Tuần hành vì Sự sống diễn ra hằng năm ở Washington, bất chấp thời tiết giá lạnh, để lấy một chỗ đứng cho quyền sống của thai nhi.
“Chúng tôi là thế hệ bảo vệ sự sống (BVSS)” là khẩu hiệu được hát vang dọc theo Đại lộ Hiến Pháp (Constitution Avenue) ở thủ đô Washington DC. CNA cho biết thêm, đám đông lớn cũng vừa tuần hành vừa cầu nguyện và làm chứng cho sự sống.
Số lượng người tham dự sự kiện “March for Life” (Tuần hành vì Sự sống) hằng năm này đã lên tới số lượng 200 ngàn người, do nhiều giáo phận ở Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 22/1 hoặc một ngày gần kề để đánh dấu sự kiện Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã công bố việc phá thai là hợp pháp trên toàn quốc năm 1973.
Trong khi những người tuần hành nhớ lại 42 năm đau thương kể từ khi việc phá thai được hợp pháp hoá, thì nhiều người đang mang một niềm hy vọng cho tương lai của phong trào bảo vệ sự sống và nghĩ rằng sẽ có một cú lội ngược dòng trong quyết định cuối cùng.
Theo Lifenews, phán quyết sau vụ Roe v. Wade, đã chống lại luật “Phò sự sống” – loại luật nhằm bảo vệ trẻ sơ sinh trên tất cả các bang Hoa kỳ ngày 22 tháng 1, 1973. Từ sau phán quyết đó, gần 58 triệu trẻ em chưa chào đời đã bị giết.
Những cuộc tuần hành hàng năm và số lượng người tham dự ngày càng tăng đã cho thấy người Mỹ bảo vệ sự sống và chỉ có số ít đồng ý với quan điểm phá thai có hạn chế của Obama.
ĐGH phanxicô đã gửi đi một Tweet trên trang Twitter của mình để cầu nguyện cho cuộc tuần hành.
Một số lượng người trẻ trưởng thành, sinh viên trung học và đại học tham gia trong cuộc tuần hành đã gây ấn tượng lớn cho các nhà tổ chức và mang lại một lý do nữa để có niềm hy vọng thay đổi.
LifeNews đã thâu thập được rất nhiều tấm ảnh Tuần Hành Phò Sự Sống từ những thành viên phò sự sống tham gia cuộc tuần hành này.
Pv. VRNs
Nguồn: http://www.chuacuuthe.com
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm trại tập trung Auschwitz được giải thoát.
Những tài liệu lưu trữ tại Yad Vashem chứng minh, người chủ chăn sau nầy của Ba Lan, Đức Hồng Y Stefan Wyskynski đã từng cứu người DoThái.
Roma 21.1.2015
Theo tin của Zenit cho biết, Đức cố Hồng Y Stefan Wyszynski , qua đời năm 1981, lúc còn là linh mục trẻ tuổi, đã từng cứu người Do Thái thoát cảnh bị giết tập thể. Trong đài kỷ niệm những người bị giết tập thể ở Yad Vashem, Jerusalem, đã có những tài liệu xác nhận lòng can đảm của vị cựu chủ chăn giáo hội Ba Lan .
Trong thời đệ nhị thế chiến, hay chính xác hơn, vào khoảng thời gian từ tháng 10 năm 1941 tới tháng 6 năm 1942, cha Wyszynsi được đưa tới làm việc tại trung tâm giúp đỡ người khiếm thị trong tu viện Phanxicô, Laski, thành phố Zülow. Cha đã phải làm việc lén lút, vì nếu không sẽ bị quân chiếm đóng Đức quốc xã bắt giữ .
Vào thời điểm này, cha đã đảm nhận công việc như một vị tuyên úy cho những người được đưa tới cư ngụ tại trung tâm và dân chúng trong các làng mạc lân cận. Cha bí mật dạy học cho các em ở trường, tiếp tay giúp việc mục vụ cho quân đội kháng chiến và giúp việc trong các nông trại.
Bà Jadwiga Karwowska, cha mẹ bà cũng làm việc trong trung tâm khiếm thị, đã kể lại sự quan tâm lo lắng của cha Wyszykis cho một gia đình Do Thái , gồm có vợ chồng và 2 người con, tên là Golda và Szmulek .
Bà kể lại: „Mỗi tối cha đã đến nhà chúng tôi để giúp đỡ gia đình Do Thái, đang trốn trên gác dưới mái nhà. Ngài đã giúp cha tôi xóa các dấu vết trên cầu thang lên gác để không ai có thể khám phá ra có người đang ở đây“. Các nữ tu dòng thánh Phanxicô, các linh mục và một vài nhân viên của trung tâm khiếm thị Zülow đều biết Golda và Szmulka là người Do Thái. Nhân chứng cũng cho biết, họ đã bất chấp mọi nguy hiểm, quyết định giúp đỡ những người nầy.
Ngài ra, nhân chứng Esther Grinberg, sinh năm 1918 tại Miedzyrzec Podlaski, còn cho biết thêm về những công việc lớn lao của cha Wyszynski đối với dân tộc Do Thái, cho đến nay chưa được ai biết đến. Trong lời khai còn lưu trữ tại Yad Vashem, bà tường thuật thảm cảnh của gia đình bà: Cha mẹ, một người anh trai và một người chị gái của bà đã chết trong cuộc tàn sát tập thể người Do Thái của Đức quốc xã . Bà sống sót nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, đã dấu bà tại nhiều nơi khác nhau, ngay cả tại thủ đô Ba Lan vào năm 1943, đang khi dân trong Ghetto (làng Do Thái) nổi loạn.
Trong thời gian cha từ Zülow dời về Laski, Bà Grinberg đã nhắc hai lần trong hồi ký đến sự kiện cha Stefan Wyszynski, một người đã có tiếng trong giáo xứ địa phương, luôn khuyến khích giáo dân giúp đỡ người tị nạn và người bị đàn áp. Esther Grinberg giải thích, lẽ dĩ nhiên vì vấn đề an ninh, cha không thể nói rõ ai là người cần sự giúp đỡ. Nhưng trong thời điểm nầy ai cũng ngầm hiểu, cha đã đặc biệt chú tâm đến người Do Thái, muốn thoát ra khỏi các khu phố dành riêng cho họ, tìm chỗ ẩn náu trong các khu vực an toàn không có người Do Thái.
Nhiều năm sau, cha Wyszynski trở thành Giám Mục Lublin và là chủ chăn của giáo hội Ba Lan. Cha trở nên gần gũi hơn với dân làng Laski, những người được chọn đặc biệt cho cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do Thái giáo. Các tài liệu tương ứng tìm thấy được thời gian gần đây ở Yad Vashem chứng minh sự giúp đỡ dân Do Thái của vị linh mục trẻ, một khía cạnh chưa được biết đến trong đời sống của Đức cố Hồng Y, một người nổi tiếng về đức tin vững chắc.
ĐV Hùng
Bản báo cáo khủng bố (2014) ghi nhận 7000 vụ khủng bố và 5 người đã bị sát hại
Theo bản tường trình 2014 báo cáo khủng bố, tổng cộng có năm người, trong số đó, một em bé 11 tuổi, đã bị giết hại vì tín ngưỡng trong năm 2014. Trên 300 linh mục và nhân viên của giáo hội đã bị tấn công hay bị đã thương. Trong số nạn nhân của các cuộc bạo hành có trên 2000 trẻ em và phụ nữ. Trong buổi thuyết trình ngày hôm qua tại Bombay, ông Joseph Dias, nhân viên của tổ chức “Diễn đàn Công Giáo thế nhân“ (CFS), cho biết danh sách vẫn chưa đầy đủ.
Bản tường trình còn nhắc nhở cho biết , liên bang Ấn độ Chhattisgarh là liên bang nguy hiểm nhất cho những Ki tô hữu. Trong năm 2014, trên toàn lãnh thổ Ấn độ, mỗi ngày có tối thiểu 1 thảm cảnh bạo động chống Ky tô giáo, trong đó hoặc là người Ki tô giáo bị bạo hành hay các cơ sở bị đập phá . Những vụ khủng bố thường xảy ra tại các liên bang Madhya Pradesh, Uttar Paradeshm, Karnataka, Kerala và Orissa, nhiều nhất tại Chhattisgarh.
Trong bản tường trình còn cho biết một trong những nguyên nhân chính là những hành động chống phá và triệt tiêu các đạo giáo tiểu số của các nhóm cực đoan, trong đó có nhóm Ấn giáo quốc gia cực đoan „Rashtriya Swayamsevak Sangh“ (RSS). Nhóm này càng ngày càng phát triễn nhanh chóng, kể từ khi đảng „Baratiya Janata Party“ thắng cử và thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền. Con số chi bộ 2000 vào năm 2013 đã tăng lên đến trên 5000 vào năm 2015. RSS có khoảng 5 triệu thành viên tích cực. Nhóm RSS đã tịch thu 60 thánh đường và biến những thánh đường này thành căn cứ của họ.
Bản tường trình cũng tố giác trách nhiệm của giới truyền thông và một số cơ quan công quyền „Các tố cáo về những kỳ thị và bạo hành chống Ky Tô hữu ít khi được cảnh sát lập biên bản và giới truyền thông cũng phớt lơ trước những thảm cảnh đó, không đăng tải“. Ngay cả các nạn nhân cũng thường thiếu can đảm để tố cáo những hành vi bạo hành đó.
Trong số 5 nạn nhân, có em bé trai Govind Kuram Korram, mới 11 tuổi , sống ở Chhattisgarh. Ngươi chú ruột vì muốn chống sự trở lại đạo Ky Tô của gia đình em, nên đã bắt cóc em, em đã chết vì kiệt sức và đói . Ở Andhra Pradesh, mục sư Tin Lành Sanjeevulu đã bị đâm chết. Tại Orissa có 1 người đàn ông Ky Tô giáo bị giết vì không muốn trở lại Ấn giáo . Ở Bengala, cặp vợ chồng Dominic (45) và Christina (35) Bhutia đã bị giết trước mặt người con gái mới 12 tuổi , vì đã từ đạo Phật trở lại Ky Tô giáo .
Bản tường trình cũng được đệ trình lên chủ tịch hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh Rutus và Đức Hồng Y Oswald Gracias.
ĐV Hùng
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua tại công trường thánh Phêrô ĐTC Phanxicô đã khích lệ mọi người tiếp tục cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn bài Phúc Âm thánh Marcô kể lại biến cố Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt. Chính trong lúc tiếng nói ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrốt dập tắt, Chúa Giêsu bắt đầu rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường quê hương của Ngài để đem Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Việc loan báo của Chúa Giêsu cũng giống như việc loan báo của thánh Gioan Tẩy Giả chỉ khác một điều là Chúa Giêsu không chỉ cho thấy một đấng khác phải tới nữa, bởi vì chính Ngài là sự thành toàn của các lời hứa, chính Ngài là Tin Mừng cần tin, tiếp nhận và thông truyền cho các người nam nữ thuộc mọi thời đại, để họ cũng tín thác cuộc sống cho Ngài. ĐTC nói:
Chính Chúa Giêsu là hiện thân Lời hằng sống và hoạt dộng trong lịch sử: ai lắng nghe Ngài và theo Ngài là bước vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu là sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng trao ban cho con người Chúa Thánh Thần, nước hằng sống giải khát con tim bất an của chúng ta, khát sự sống, tình yêu, sự tự do, hòa bình: khát Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta cảm thấy hay đã cảm thấy con tim mình khát! Chính Chúa Giêsu đã vén mở cho người đàn bà xứ Samaria biết điều dó khi gặp bà bên bờ giếng Giacóp và nói với bà: “Xin cho tôi uống” (Ga 4,7). Chính các lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà xứ Samaria đã là đề tài của Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô, kết thúc hôm nay. Chiều nay cùng với tín hữu giáo phận Roma và đại diện các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội khác nhau chúng ta sẽ tụ tập nhau trong Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành dể cùng nhau tha thiết cầu xin Chúa để Ngài củng cố nỗ lực của chúng ta cho sự hiệp nhất tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Thật là điều xấu, khi các kitô hữu chia rẽ nhau! Chúa Giêsu muốn chúng ta hiệp nhất: là một thân thể. Các tội lỗi của chúng ta, lịch sử, đã chia rẽ chúng ta, vì thế chúng ta phải cầu nguyện biết bao nhiêu để chính Chúa Thánh Thần tái hiệp nhất chúng ta.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Khi làm người Thiên Chúa đã lấy cái khát của chúng ta làm cái khát của Người, không phải chỉ khát nước vật chất, mà nhất là cái khát của một cuộc sống tràn đầy, tự do khỏi nô lệ sự dữ và cái chết. Đồng thời, với việc nhập thể Thiên Chúa đã đặt để cái khát đó trong trái tim một người là Đức Giêsu thành Nagiarét. Thiên Chúa khao khát chúng ta, khao khát trái tim của chúng ta, tình yêu của chúng ta và đã đặt sự khát khao đó trong trái tim của Chúa Giêsu. Như vậy, trong con tim của Chúa Kitô cái khát của Thiên Chúa và cái khát của con người gặp nhau. Và ước mong hiệp nhất các môn đệ Ngài thuộc cái khát này. Chúng ta thấy nó được diễn tả trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21). Điều Chúa Giêsu muốn là sự hiệp nhất của tất cả. Ma qủy, chúng ta biết đấy, là cha của các chia rẽ, là một kẻ luôn luôn chia rẽ, luôn luôn gây chiến tranh, làm đau khổ biết bao. Rồi ĐTC cầu mong như sau:
Ước chi cái khát này của Chúa Giêsu cũng luôn luôn trở thành cái khát của chúng ta!Vì thế chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và dấn thấn cho sự hiệp nhất trọn vẹn của các môn đệ Chúa Kitô, trong niềm xác tín rằng chính Chúa ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ chúng ta với sức mạnh của Thần Khí Ngài để cho mục đích đó mau tới gần. Chúng ta hãy phó thác lời cầu này cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, để Mẹ hiệp nhất tất cả như một bà mẹ tốt lành.
Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hòa bình cho Ucraina. ĐTC nói lo lắng theo dõi các vụ xung đột gia tăng tại miền Đông Ucraina tiếp tục gây ra biết bao nhiêu nạn nhân giữa các thường dân. Trong khi tôi bảo đảm lời cầu nguyện của tôi cho những ai đau khổ, tôi tái kêu gọi các nỗ lực đối thoại để chấm dứt mọi thù nghịch.
Chúa Nhật hôm qua cũng là Ngày quốc tế người phong cùi. ĐTC bày tỏ sự gần gũi với tất cả nhũng người đau khổ vì căn bệnh này, cũng như tất cả những người săn sóc họ và những người hoạt động để loại trừ các lý do lây bệnh, là các điều kiện sống không xứng dáng với con người. Ngài mời gọi dấn thân liên đới với các anh chị em ấy.
ĐTC đã chào cộng đoàn Phi tại Roma. Ngài nói dân tộc Phi thật tuyệt vời vì đức tin mạnh mẽ và tươi vui của họ. Ngài xin Chúa luôn nâng đỡ họ cả khi họ sống xa quê hương. ĐTC nói: Xin cám ơn chứng tá của anh chị em và tất cả những điều thiện ích anh chị em làm tại đây, bỏi vì anh chị em gieo vãi đức tin nơi chúng tôi, anh chị em làm chứng tốt đẹp cho đức tin. Xin cám ơn nhiều lắm.
Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật hôm qua cũng có sự tham dự của 3.000 trẻ em Công Giáo Tiến Hành Roma cùng với cha mẹ, thầy cô và bạn bè các em thuộc các trường học Roma. Mọi người đã tụ tập nhau trước Lâu Đài Thiên Thần rồi tuần hành dọc đại lộ Hòa Giải với băng rôn để tiến về công trường thánh Phêrô, nơi có ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma, đợi để đã ban phép lành cho các em. Năm nay đoàn xe hòa bình có khẩu hiệu “Hòa Bình là Giải Pháp”. Hai em bé một gái một trai là Sara và Matteo đã nhân danh Hiệp hội gửi sứ điệp đến ĐTC, rồi các em đã thả chim bồ câu và bong bóng hòa bình lên trời. Đoàn xe hòa bình ủng hộ chương trình “Hãy ban sự sống cho hòa bình” do Công Giáo Tiến Hành toàn quốc phát động nhằm quyên góp cho chiến dịch cung cấp các may bơm nước gọi là “Volanta” cho các vùng bên Burkina Faso gặp hạn hán.
Sara nói: ĐTC Phanxicô rất thân mến, hôm nay chúng con cùng cha mẹ, thầy cô và bạn bè đến đây để bầy tỏ ước muốn hòa bình, vì trong các thời gian qua thế giới rất cần có hòa bình trong niềm vui của Chúa, cần được hạnh phúc và tươi cười. Năm nay chúng con đang khám phá ra rằng các đức tính duy nhất và độc đáo của chúng con là các dụng cụ quan trọng cần sủ dụng để xây dựng hòa bình. Vì thế lộ trình mà chúng con theo năm nay được lồng khung trong phòng thí nghiệm của các nhá khám phá, trong đó có rất nhiều dụng cụ dấu ẩn các chế tạo mới. Khi một dụng cụ bị sử dụng sai và với ý xấu sẽ đem lại các hậu quả sai lạc. Vì thế chúng con cần có người dậy chúng con dùng chúng đúng đắn. Nhờ cha mẹ, các thầy cô và các lời đạy dỗ khôn ngoan cùa ĐTC, và nhất là nhờ Lời Chúa, chúng con có thể và muốn làm cho chương trình của một nền hòa bình khởi sự từ cuộc sống thường ngày, được làm bởi các điều bé nhỏ nhưng rất quan trọng. Chúng con tất cả là một toán nhà khoa học dấn thân trong một phòng thí nghiệm vĩ đại là thế giới. Chỉ khi biết làm việc với nhau một cách đúng đắn, chúng con mới có thể đưa tới đích các chương trình hòa bình của chúng con và khiến cho chương trình đại đồng mà Chúa đã nghĩ ra cho chúng con trở thành cụ thể. Một trong những sáng chế đặc biệt đó là máy bơm nưóc Volanta mà chúng con đang quyên góp tiền để thực hiện bên Burkina Faso, cho phép nhiều làng trong vùng Sahel có nước lấy từ lòng đất lên để tưới gội các cánh đồng. Chúng con thích chương trình này lắm, vì nó giúp nhiều người dân sống trong vùng có cuộc sống xứng với nhân phẩm hơn. Sẽ là một con chim bồ câu hòa bình hơi đặc biệt đem lên cao biết bao nhiêu sứ điệp hòa bình, với niềm hy vọng nó tới với mọi người, thuộc mọi lứa tuổi, quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo. Chúng con tin thật rằng Hòa bình chỉ có thể hiện hữu, nếu tất cả chúng ta nhận nhau là anh chị em. Chỉ như thế các xung đột mới có thể chấm dứt. Thưa ĐTC chúng con cầu nguyện cho ĐTC và với ĐTC. Với sự trợ giúp của Chúa chúng con xin ĐTC đem sứ điệp Hoà Bình này tới hết mọi người. Thưa ĐTC chúng con yêu ĐTC nhiều lắm.
Linh Tiến Khải
VATICAN. ĐTC khuyến khích tìm hiểu, gặp gỡ và đối thoại với Hồi giáo.
Trong buổi tiếp kiến sáng 24-1-2015, dành cho 250 tham dự viên hội nghị quốc tế ở Roma nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Hoàng Học viện về Arâp và Hồi giáo học, gọi tắt là PISAI, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự lắng nghe, như điều kiện cần thiết trong tiến trình cảm thông lẫn nhau và sống chung hòa bình.
Ngài ca ngợi hoạt động của Học viện PISAI ”như một thuốc giải độc chống lại mọi hình thức bạo lực, vì giáo dục về việc khám phá và chấp nhận sự khác biệt như sự phong phú.... Cuộc đối thoại giữa Kitô và Hồi giáo đặc biệt đòi hỏi kiên nhẫn và khiêm tốn tháp tùng một nghiên cứu sâu rộng, vì sự phỏng chừng và ứng khẩu có thể gây hiệu quả ngược lại hoặc tạo nên sự khó chịu và bối rối. Cần có sự dấn thân lâu dài và liên tục để tránh tình trạng không được chuẩn bị đứng trước những hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau”.
ĐTC nhận xét rằng Học viện Pisai cần được biết đến nhiều hơn trong số các Đại học và Học viện giáo hoàng ở Roma. Ngài mong ước Học viện này ngày càng trở thành điểm tham chiếu cho việc huấn luyện các tín hữu Kitô hoạt động trong lãnh vực đối thoại liên tôn, dưới sự hướng dẫn của Bộ giáo dục Công Giáo và với sự cộng tác chặt chẽ của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn” (SD 24-1-2015)
G. Trần Đức Anh OP