Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Theo báo chí, trong dịp Hồng y đoàn nhóm họp trước mật nghị bầu cử, các Hồng y đã bày tỏ mong ước Đức tân Giáo hoàng sẽ cư ngụ trong căn hộ Giáo hoàng, nơi Dinh Tông tòa, theo truyền thống, thay vì ở Nhà khách thánh Marta như vị tiền nhiệm Phanxicô.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hiện nay, Đức Giáo hoàng Lêô vẫn còn cư ngụ trong căn hộ của ngài ở tòa nhà thuộc Bộ Giáo lý đức tin, nơi ngài sống từ hai năm nay, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Từ nhiều thế kỷ, căn hộ này vốn là nơi cư ngụ của các vị Giáo hoàng, nhưng trong 12 năm qua, sau khi Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm, nơi này đã bị bỏ trống. Sau thời gian dài không có người ở nên căn hộ này bị ẩm mốc và mái nhà bị thấm nước. Căn hộ này có 10 phòng, và các phòng phụ cận ở lầu ba Dinh Tông tòa có trần cao nhiều mét, nên vấn đề sưởi không phải là dễ dàng. Tiếp đến cũng cần kiểm tra, bảo trì các ống dẫn nước và các đường dây điện, cũng như hệ thống an ninh.
Từ khi được thành lập, căn hộ này luôn được chỉnh trang lại theo nhu cầu riêng của mỗi vị Giáo hoàng, cũng như theo đà tiến của kỹ thuật. Người ta không biết Đức Giáo hoàng Lêô muốn một màu mới cho các bức tường hoặc muốn các giường mới hay không.
Trong căn hộ, Đức Giáo hoàng không ở một mình, vì luôn có các nhân viên và những người cộng tác giúp ngài, cách riêng là những người thân cận. Căn phòng nổi tiếng nhất là Thư viện riêng của ngài, nơi các vị Giáo hoàng vẫn dùng để tiếp quan khách, như các vị quốc trưởng, thủ tướng, các giám mục hoặc những người mà Đức Giáo hoàng muốn. Ngoài ra, cửa sổ phòng làm việc của ngài vẫn là nơi các vị Giáo hoàng chủ sự kinh Truyền tin vào trưa những ngày Chúa nhật hoặc đại lễ.
Trong căn hộ của Đức Giáo hoàng cũng có một nhà nguyện. Dưới thời các vị Giáo hoàng trước đây cũng có một phòng y tá, trang bị những gì cần cho những trường hợp cấp thiết. Phòng này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) sử dụng khi ngài đau ốm.
Căn hộ Giáo hoàng thuộc Dinh Tông tòa, dinh này rộng tổng cộng 55.000 mét vuông, và có tất cả 1.000 phòng, được dùng làm văn phòng của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và có những phòng được dùng cho các buổi tiếp kiến long trọng và một phần của Bảo tàng viện Vatican, kể cả Nhà nguyện Sistina, nơi du khách có thể thăm viếng.
(Cath.ch 21-5-2025)
Những gì xảy ra trong mật nghị bầu Giáo hoàng ở Nhà nguyện Sistina thường được cẩn mật giữ kín. Nhưng nay, Đức Hồng y Pablo Virgilio David, 66 tuổi, Giám mục Giáo phận Kalookan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, đã thuật lại những phút cuối cùng của cuộc bỏ phiếu của mật nghị nói trên.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y viết trên Facebook: “Đức Hồng y Prevost vẫn ngồi yên, trong khi tất cả chúng tôi đều vui mừng vì ngài được hai phần ba số phiếu. 132 hồng y vỗ tay gần năm phút trước khi kiểm phiếu xong. Mọi đôi mắt đầu hướng về ngài, trong khi vị kiểm phiếu còn tiếp tục đọc to: “Prevost, Prevost, Prevost.... Cuối cùng, chúng tôi lại đứng lên và vỗ tay. Đức Hồng y Prevost nhăn mặt, đôi mắt sâu của ngài nhìn nhà nguyện”.
Tình thế lại trở nên căng thẳng trước vấn đề Đức Hồng y Prevost có chấp nhận hay không: “Khi Đức Hồng y Niên trưởng đến gần ngài và hỏi xem ngài có chấp nhận cuộc bầu chọn hay không; tôi hầu như nghe thấy một lời thỉnh cầu tập thể của Hồng y đoàn: “Xin vui lòng đừng từ chối”. “Thật là vui khi nghe ngài nói: “Accepto”, nghĩa là “Tôi nhận”. “Lúc ấy, sự thanh thản dường như bao trùm ngài, và sự nhăn mặt của ngài trở thành một nụ cười dễ thương, khi ngài cúi cầu trước sự vỗ tay của chúng tôi”.
Tức khắc, các phiếu bầu được đốt đi trong cái lò có ống khói của nhà nguyện Sistina, khói trắng tỏa lên, và dân chúng ở Quảng trường Thánh Phêrô reo hò. “Khi tôi nhìn lại, thì Đức Hồng y Prevost đã biến mất”. Vị trưởng nghi đã dẫn ngài, theo truyền thống, đến nơi gọi là Phòng Nước Mắt. “Khi ngài tái xuất hiện từ phòng ấy trong áo Giáo hoàng màu trắng và được giới thiệu với chúng tôi, những tràng pháo tay lại được trổi lên”.
“Nếu bạn muốn làm Giáo Hoàng thì quả là điên”.
Sau đó, các Hồng y, từng người một, chúc bình an với Đức tân Giáo hoàng. “Tôi nhìn chiếc ngai thánh Phêrô sau lưng ngài”. Ngai không còn trống nữa. Nay có người mới ngồi, người kế vị thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Lêô XIV”.
Trước mật nghị, chính Đức Hồng y Prevost đã nghĩ thật là điên khi người nào muốn làm Giáo hoàng. “Xét vì trách nhiệm hết sức lớn lao khi làm Giám mục Roma, làm Thủ lãnh của Giáo hội hoàn vũ, Quốc trưởng Vatican, và Giáo triều Roma, và Thủ lãnh của những người quản trị tài nguyên của Giáo hội trên thế giới, phải chăng chúng ta đang tìm kiếm một siêu nhân?”
(KAP 22-5-2025)

Hồng Thủy - Vatican News
Những lời của Đức Thánh Cha Lêô XIV được Cha Moral Antón thuật lại trong một cuộc phỏng vấn với trang tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý.
Mối liên kết với dòng và linh đạo của dòng
Tuyên bố của Đức Thánh Cha cho thấy mối liên hệ sâu sắc của ngài với linh đạo Augustinô, đã trưởng thành trong hơn bốn mươi năm là tu sĩ của dòng và được củng cố trong những năm ngài làm Bề trên Tổng quyền của Dòng, từ năm 2001 đến năm 2013.
Cha Antons giải thích: "Có lẽ vì ngài là Bề trên Tổng quyền, nhưng bạn có thể thấy rằng ngài mang trong mình cảm giác thuộc về này".
Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô cũng kể lại chuyến viếng thăm mới đây của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đến trụ sở Tổng quyền của dòng: “Chúng tôi đã cùng ăn trưa, như chúng tôi đã làm khi ngài còn là Hồng y. Đó là khoảnh khắc gia đình, huynh đệ. Ngài đích thân chào hỏi tất cả các anh em. Bạn có thể cảm thấy rằng ngài vẫn cảm thấy như một trong số chúng tôi”.
Mối liên kết với Dòng, cha Antón nhấn mạnh, “không mang tính hình thức, nhưng có gốc rễ sâu xa”. Cha đã thưa với Đức Thánh Cha: “Ngài là giám mục dòng Augustinô gắn bó nhất với Dòng!”. Ngài đã đáp lại câu nói này với một nụ cười như đồng ý về điều này.
Cha Antón nói thêm: “Tất nhiên các Giám mục khác cũng rất gần gũi với chúng tôi, nhưng ở ngài, bạn cảm thấy điều gì đó đặc biệt”. Sự gần gũi mà ngày nay, với tư cách là Giáo hoàng, mang một ý nghĩa sâu sắc hơn đối với toàn thể gia đình Augustinô.
Trách nhiệm của tu sĩ Augustinô ngày nay
Nói về tác động của việc Đức Hồng y Robert Prevost, tu sĩ dòng Augustinô, được bầu làm Giáo hoàng, Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô cho biết là một tu sĩ Augustinô, ngài cũng cảm thấy mình có trách nhiệm đặc biệt trong những ngày này, đúng hơn như một động lực. Ngài cho biết chỉ trong một tuần, dòng đã nhận được hơn 150 yêu cầu cung cấp thông tin về đặc sủng của dòng. Ngài nói: "Đây là thời điểm có thể mang lại kết quả tích cực cho tất cả mọi người, không chỉ riêng chúng tôi".

Vatican News
Đức cha Micae Phạm Minh Cường năm nay 58 tuổi, sinh ngày 12/02/1967 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Trước khi vào chủng viện, ngài đã đậu cao học về kỹ sư không gian tại Đại học bang San Diego; sau đó ngài gia nhập Đại chủng viện thánh Patrick ở Menlo Park, rồi đậu cử nhân về Truyền giáo học tại Chủng viện Thánh Tâm ở Detroit. Ngài được thụ phong linh mục cho giáo phận San Diego vào năm 1999, khi 32 tuổi.
Trong thời gian làm linh mục ngài đã đảm nhiệm các chức vụ cha phó, cha sở và giám đốc ơn gọi của giáo phận.
Ngày 6/6/2023 ngài được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá giáo phận San Diego và được tấn phong Giám mục ngày 28/9 cùng năm 2023.
Sau khi Đức Hồng y Robert W. McElroy được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Thủ đô Washington, vào ngày 17/3/2025, Đức Cha Micae được Hội đồng Tư vấn của giáo phận San Diego bầu chọn làm Giám quản của giáo phận.
Theo niên giám Tòa Thánh năm 2025, Giáo phận San Diego hiện có 1.381.968 tín hữu, với 182 linh mục chăm sóc mục vụ.

Vatican News
Sơ Tiziana Merletti nguyên là Bề trên Tổng quyền của Dòng Nữ tu Phan Sinh Người nghèo, được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ, thay thế Sơ Simona Brambilla, người đã đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2023 đến năm 2025 và được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng của cùng Thánh Bộ này vào tháng 1/2025.
Đồng Tổng trưởng của Bộ Tu sĩ hiện nay là Đức Hồng y Ángel Fernández Artime.
Sơ Tiziana Merletti sinh ngày 30 tháng 9 năm 1959 tại Pineto, miền trung nước Ý, và tuyên khấn lần đầu trong Dòng Nữ tu Phan Sinh Người nghèo vào năm 1984. Sơ đậu bằng Luật năm 1984 và đậu Tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Roma vào năm 1992.
Từ năm 2004 đến năm 2013, sơ giữ chức Bề trên Tổng quyền của Dòng Nữ tu Phan Sinh Người nghèo. Sơ hiện là Giáo sư tại Khoa Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Roma và làm luật sư giáo luật tại Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền.

Vatican News
Sứ điệp video dài 36 phút, bằng tiếng Anh được tài khoản “Pan African dreams” đưa lên Youtube và được tạo ra bằng hình ảnh buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho các nhà báo vào thứ Hai ngày 12/5/2025. Video sử dụng kỹ thuật “morphing”, làm cho hình ảnh Đức Thánh Cha khớp với lời nói giả do trí tuệ nhân tạo dựng nên.
Video giả có tiêu đề “Đức Thánh Cha XIV trả lời Đại úy Ibrahim Traoré - Một thông điệp về Sự thật, Công lý và Hòa giải”, với hình ảnh và giọng nói của Đức Thánh Cha được bắt đầu như sau: “Kính gửi ngài Tổng thống Ibrahim Traoré, Tổng thống của quốc gia có chủ quyền Burkina Faso, người con của vùng đất châu Phi, người bảo vệ dân mình, cầu mong ân sủng và sự bình an đổ tràn trên ngài, qua sự khôn ngoan, lòng can đảm và sự thật…”.
Những người xem video giả này bị dẫn dắt để tin rằng Đức tân Giáo Hoàng đã có bài phát biểu công khai trước Tổng thống Burkina Faso Ibrahim Traoré, nhằm trả lời một lá thư trước đó của ông.
Trong video giả được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo, Đức Thánh Cha Lêô XIV nói: “Tôi đã đọc những lời của ngài không chỉ một lần mà là nhiều lần, và mỗi lần đọc lại sâu sắc hơn lần trước, bởi vì trong giọng nói của ngài, tôi không chỉ nghe thấy sự tức giận của một tổng thống, mà còn là tiếng kêu chính đáng của một lục địa đã bị tổn thương từ lâu bởi sự bỏ rơi và bóc lột".
Video này nằm trong một loạt các sứ điệp giả mà BBC News đã đề cập vào ngày 15/5/2025.
Trong bối cảnh nhiều văn bản và video giả được cho là của Đức tân Giáo Hoàng Lêô XIV đang lan truyền trên các mạng xã hội, không ghi rõ nguồn gốc, Vatican mời gọi mọi người đọc và nghiên cứu từ các nguồn chính thức trên trang web vatican.va.; cổng thông tin Vatican News, tại địa chỉ vaticannews.va, bằng nhiều ngôn ngữ, cũng như trên trang báo chính thức của Vatican là L’Osservatore Romano, tại địa chỉ osservatoreromano.va.

Ngọc Yến - Vatican News
Đức Thánh Cha nói khi còn thi hành thừa tác vụ ở Peru, ngài thấy rõ sự phục vụ tận tụy của các thành viên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Vì thế ngài bày tỏ lòng biết ơn và nhấn mạnh sự dấn thân không thể thiếu này đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội.
Đánh thức trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu
Theo Đức Thánh Cha, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo thực sự là “phương tiện chính” để đánh thức trách nhiệm truyền giáo nơi tất cả những người đã được rửa tội và hỗ trợ các cộng đoàn Giáo hội ở những khu vực mà Giáo hội còn non trẻ. Chúng ta thấy điều này trong Hội Truyền bá Đức tin, nơi cung cấp hỗ trợ cho các chương trình mục vụ và giáo lý, xây dựng các nhà thờ mới, chăm sóc sức khỏe và nhu cầu giáo dục tại các vùng truyền giáo. Hội Nhi đồng Truyền giáo cũng hỗ trợ các chương trình đào tạo Kitô giáo cho trẻ em, và chăm sóc các nhu cầu cơ bản và bảo vệ các em. Tương tự như vậy, Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ giúp vun trồng ơn gọi truyền giáo, cho cả linh mục và tu sĩ; trong khi Liên hiệp Truyền giáo dấn thân đào tạo các linh mục, nam nữ tu sĩ, và toàn thể dân Chúa cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng việc thúc đẩy lòng nhiệt thành truyền giáo trong dân Chúa vẫn là một khía cạnh thiết yếu đối với công cuộc canh tân Giáo hội, như Công đồng Vatican II đã đề cập, và càng cấp thiết hơn trong thời đại hôm nay. Thế giới của chúng ta, bị tổn thương bởi chiến tranh, bạo lực và bất công, cần lắng nghe sứ điệp Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa và trải nghiệm sức mạnh hòa giải của ân sủng của Chúa Kitô.
Ngài nói tiếp: “Theo nghĩa này, chính Giáo hội, qua tất cả các thành viên của mình, ngày càng được kêu gọi trở thành một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, công bố lời Chúa… và trở thành men hòa hợp cho nhân loại. Chúng ta phải mang đến cho mọi dân tộc, mọi loài thụ tạo, lời hứa Tin Mừng về nền hòa bình đích thực”.
Từ điểm này, Đức Thánh Cha Lêô nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo nơi tất cả những người đã được rửa tội, và ý thức về tính cấp bách của việc mang Chúa Kitô đến với mọi người. Về điều này, ngài bày tỏ lòng biết ơn đến các thành viên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo và các cộng tác viên, vì những nỗ lực hàng năm trong việc thúc đẩy Ngày Thế giới Truyền giáo. Đối với Đức Thánh Cha, sự dấn thân này giúp ích rất nhiều cho ngài trong sự quan tâm dành cho các Giáo hội ở các khu vực dưới sự chăm sóc của Bộ Truyền giáo.
Ưu tiên thăm viếng các Giáo hội địa phương
Về việc điều phối đào tạo truyền giáo và làm cho tinh thần truyền giáo được sống động nơi các Giáo hội địa phương, Đức Thánh Cha yêu cầu các Giám đốc Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ưu tiên đến thăm các giáo phận, giáo xứ và các cộng đoàn. Điều này sẽ giúp các tín hữu nhận ra tầm quan trọng cơ bản của sứ vụ và hỗ trợ anh chị em ở những khu vực trên thế giới, nơi Giáo hội còn non trẻ và đang phát triển.
Căn tính của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: Hiệp thông và phổ quát
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện bằng cách mời gọi mọi người suy tư về hai yếu tố đặc biệt về căn tính của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: hiệp thông và phổ quát.
Thứ nhất về sự hiệp thông. Là những Hội đoàn dấn thân chia sẻ sứ vụ truyền giáo của Giáo hoàng và các Hội đồng Giám mục, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo được kêu gọi vun trồng và thúc đẩy hơn nữa nơi các thành viên của mình tầm nhìn về Giáo hội như sự hiệp thông của các tín hữu, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Đấng làm cho chúng ta bước vào sự hiệp thông và hòa hợp hoàn hảo của Chúa Ba Ngôi.
Đức Thánh Cha nói: “Thật vậy, chính trong Chúa Ba Ngôi mà mọi người tìm thấy sự hiệp nhất. Chiều kích này của đời sống và sứ vụ Kitô giáo rất gần gũi với tôi, và được phản ánh trong những lời của Thánh Augustinô mà tôi đã chọn cho sứ vụ Giám mục và Giáo hoàng: In Illo uno unum. Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta và trong Người, chúng ta là một, một gia đình của Thiên Chúa, vượt ra ngoài sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ, văn hóa và kinh nghiệm của chúng ta”.
Yếu tố thứ hai, phổ quát, Đức Thánh Cha giải thích, đề cao tình hiệp thông với tư cách là Thân thể Chúa Kitô, mở ra cho chúng ta chiều kích phổ quát của sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, và truyền cảm hứng cho chúng ta vượt qua ranh giới của các giáo xứ, giáo phận và quốc gia, để chia sẻ với mọi quốc gia và dân tộc sự phong phú vượt trội sự hiểu biết về Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Một sự tập trung canh tân vào sự hiệp nhất và tính phổ quát của Giáo hội tương ứng với đặc sủng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Như vậy, sẽ truyền cảm hứng cho tiến trình canh tân các quy chế mà anh chị em đã khởi xướng”.
Cuối cùng, trước khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha nhắc đến Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô và chủ đề Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay do ngài chọn, khuyến khích mọi người tiếp tục trở thành “những nhà truyền giáo hy vọng giữa mọi dân tộc”.
Ủy ban Giám mục các nước thuộc Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, tái khẳng định tình liên đới không lay chuyển với Ucraina, nhưng đồng thời chống chủ trương tái võ trang đang được chính phủ các nước trong Liên hiệp Âu châu theo đuổi.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong phiên họp tại thủ đô Brussels, bên Bỉ, hôm 20 tháng Năm vừa qua, các giám mục đại diện Giáo hội tại 27 nước Âu châu đã bàn tới những thách đố về an ninh, vai trò của Giáo hội Công giáo tại Âu châu hiện nay, và chiều kích luân lý đạo đức trong chính trị tại đại lục này.
Tham dự phiên họp cũng có đại diện của các nước Âu châu khác, đang xin gia nhập Liên hiệp Âu châu. Tất cả các giám mục hiện diện đã bày tỏ quan tâm vì Nga tiếp tục tấn công Ucraina và nhấn mạnh nhu cầu cần có một vai trò mạnh hơn của các Giáo hội Kitô, như những thẩm quyền tinh thần trong thời đại có nhiều chao đảo về địa lý chính trị.
Các giám mục thuộc Ủy ban COMECE cũng cảnh giác về chính sách đối ngoại của Âu châu hiện nay, chỉ nhắm tới khía cạnh kinh tế hoặc quân sự. Các vị kêu gọi làm sao để chính sách đó bao gồm cả những khía cạnh tinh thần và nhân đạo, trong sự cộng tác phát triển, đặc biệt là việc tái thiết Ucraina và thăng tiến một khuôn khổ xã hội dân sự ổn định.
Các giám mục Âu châu đặc biệt bàn tới chủ trương tái võ trang của nhiều chính phủ Âu châu. Các vị nhấn mạnh rằng chiến lược an ninh phải dựa trên nguyên tắc pháp quyền, phẩm giá con người và luân lý đạo đức về hòa bình. Các vị đề cao tầm quan trọng của một quan điểm về an ninh lâu dài, không phải chỉ dựa trên chủ trương võ trang hùng hậu để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, nhưng dựa trên ngoại giao, hòa giải và công lý hoàn cầu.
Theo Ủy ban COMECE, Giáo hội Công giáo, trong tư cách là một tổ chức có uy tín về tinh thần, có thể góp phần vào việc gìn giữ hòa bình quốc tế, bảo vệ các quyền con người và thăng tiến đối thoại liên tôn.
Trong cuộc họp, cha Ihor Shaban, Chủ tịch Ủy ban về các mối liên hệ và liên tôn của Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, đã trình bày tình trạng bi thảm ở Ucraina. Giáo hội tại đây đang giữ vai trò mang hy vọng và liên đới. Cha nói: “Chúng tôi đồng hành với dân chúng không những qua kinh nguyện và các hoạt động liên đới, nhưng còn là tiếng nói của họ trên lãnh vực quốc tế. Chiến tranh không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng về chính trị nhưng còn là một thảm trạng nhân đạo trầm trọng đòi một câu trả lời về luân lý.
Phiên họp kết thúc với một tuyên ngôn chung của Ủy ban COMECE kêu gọi một nền hòa bình công chính tại Ucraina. Các giám mục tham dự cũng bày tỏ quyết tâm tăng cường chứng tá của Giáo hội và sự cộng tác giữa các Giáo hội Kitô trên bình diện Âu châu.
(KAP 20-5-2025)
Đức Thánh cha Lêô XIV sẽ gặp gỡ tất cả các linh mục đang thi hành sứ vụ trong Giáo phận Roma.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Cuộc gặp gỡ dự kiến sẽ diễn ra lúc 10 giờ sáng, ngày 12 tháng Sáu tới đây, tại Đại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Roma. Cuộc gặp gỡ này được coi như một biểu hiện sự hiệp thông và lắng nghe của Đức tân Giám mục Giáo phận Roma với các linh mục của ngài, một cơ hội ưu tiên để tái củng cố các mối liên hệ mục tử và chia sẻ hành trình của Giáo hội tại Roma, trong thời điểm mới này.
Đức Thánh cha muốn ngỏ lời trực tiếp với các linh mục của ngài để khích lệ họ trong sứ vụ hằng ngày, lắng nghe các kinh nguyện của họ, đón nhận những thách đố các linh mục đang sống trong các giáo xứ và các thực tại khác nhau của Giáo hội tại Roma, và cùng nhau canh tân quyết tâm loan báo Tin mừng và phục vụ dân Chúa.
Ngay từ đầu sứ vụ, Đức Thánh cha Lêô XIV mạnh mẽ nhắc nhở về vấn đề hiệp nhất, trọng tâm việc loan báo trong triều đại Giáo hoàng của ngài.
Theo Niên giám Tòa Thánh, Giáo phận Roma có 332 giáo xứ, 245 thánh đường, với hai triệu 600.000 tín hữu Công giáo, trong tổng số ba triệu 175.000 dân cư. Nhân sự của giáo phận có 1.350 linh mục giáo phận và 1.820 linh mục dòng, 135 phó tế, 22.700 nữ tu, 560 tu huynh, và 90 chủng sinh.
Ngoài Đức Hồng y Giám quản, Đại diện Đức Thánh cha điều hành giáo phận, còn có sáu giám mục Phụ tá.
(Tổng hợp, Silere non possum, 20-5-2025)
Đức cha Beltram Meier, Giám mục Giáo phận Augsburg, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, kêu gọi các tín hữu hỗ trợ các tín hữu Kitô tại Trung Quốc, vẫn còn chịu nhiều xách nhiễu và chèn ép.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong thông cáo công bố hôm 20 tháng Năm vừa qua, Đức cha Meier nói rằng các tín hữu Kitô tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc sống đức tin một cách công khai, ngoài khuôn khổ thánh đường. Đời sống Kitô bị giới hạn trong khuôn khổ nhà thờ được nhà nước công nhận. Đặc biệt nhà nước cấm không được giáo dục tôn giáo cho trẻ em và người trẻ.
Đức cha Meier bày tỏ lập trường trên đây, nhân dịp Ngày Thế giới cầu nguyện cho các tín hữu Kitô tại Trung Quốc, cử hành vào thứ Bảy, ngày 24 tháng Năm này, trùng vào lễ Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu, cũng là lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải, nơi các tín hữu thường đến hành hương. Sáng kiến ngày cầu nguyện này do Đức Cố Giáo hoàng Biển Đức XVI đề xướng.
Theo một số thống kê, tại Trung Quốc hiện có khoảng mười triệu tín hữu Công giáo và bốn mươi triệu tín hữu Tin lành thuộc các hệ phái.
Trong tuyên ngôn, Đức cha Meier nói về lòng can đảm đáng ca ngợi và chân thành của các tín hữu Kitô ở Trung Quốc, mở ra được những môi trường tự do hành đạo và giúp những người khác tiếp xúc với sứ điệp Tin mừng, mặc dù có sự canh chừng mọi nơi và những hạn chế gia tăng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những xách nhiễu và trừng phạt nặng nề, kể cả những vụ bắt bớ.
Đức cha Meier cũng tố giác rằng Hàng giáo sĩ Công giáo Trung Quốc bị bó buộc phải đưa ra những tuyên ngôn trung thành với đảng và nhà nước và làm sao cho các xác tín tôn giáo của mình phải hòa hợp với chính sách do nhà nước áp đặt. “Những biện pháp này không những chỉ nhắm kiểm soát, nhưng xét cho cùng, là để làm suy giảm việc thực hành đạo một cách độc lập tại Trung Quốc. Tôn giáo vẫn bị coi là một yếu tố có thể làm xáo trộn đối với sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Và theo Đức cha Meier, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, nhà nước Trung Quốc có thể kiểm soát các cộng đồng tôn giáo một cách hữu hiệu hơn trước”.
(KAP 20-5-2025)