Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chiều Chúa nhật, ngày 25 tháng Năm này, chính quyền thành phố Roma sẽ chào mừng Đức Thánh cha Lêô XIV.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết lúc 4 giờ 15 phút chiều Chúa nhật này, ngày Đức Thánh cha Lêô XIV đến Đền thờ Thánh Gioan Laterano để cử hành thánh lễ và nhận Tòa giám mục của ngài tại đây, trên đường đi ngài sẽ dừng lại tại Tòa Thị chính Roma, và ông Thị trưởng Roberto Gualtieri sẽ tiếp đón ngài tại Quảng trường Ara coeli.
Sau đó, tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, Đức Thánh cha sẽ cử hành thánh lễ, tiếp đến ngài sẽ lên bao lơn chính của Đền thờ để chúc lành cho thành Roma.
Lúc 7 giờ chiều cùng ngày, Đức Thánh cha sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả, cách đó hơn một cây số để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma.
(Vatican News 22-5-2025)
Căn nhà nơi sinh trưởng của Đức Giáo hoàng Lêô XIV ở quận Dolton, ngoại ô thành phố Chicago, đang là đối tượng việc mua bán ở địa phương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tờ New York Thời báo cho biết chính quyền quận Dolton muốn mua lại căn nhà đó, và nếu cần sẽ dùng quyền để truất hữu, theo lá thư ông Burton Odelson, luật sư của quận này. Chính quyền quận cũng có ý định làm việc với Tổng giáo phận Chicago để bảo đảm rằng nhà này có thể được dân chúng thăm viếng như một di tích lịch sử. Ngoài ra, Quận cũng đang tiếp xúc với công ty bán đấu giá liên hệ.
Căn nhà nơi Đức Giáo hoàng Lêô sinh trưởng tọa lạc ở địa chỉ East 141st Place, rộng 185 mét vuông, nơi gia đình Đức Giáo hoàng sinh sống xưa kia, gồm cha mẹ và ba con trai. Hồi năm 2024, nhà này được bán cho ông Pawel Radzik với giá 66.000 Mỹ kim. Ít lâu trước khi Đức Lêô được bầu làm Giáo hoàng, ông chủ nhà treo bảng bán với giá 250.000 đôla, nhưng rồi, khi Đức Lêô đắc cử, ông rút lại việc bán này và nhờ hãng Paramount rao bán đấu giá cho đến ngày 18 tháng Sáu tới đây.
Nay chính quyền quận Dolton đang làm việc với hãng Paramount và thương lượng để mua căn nhà này. Quận muốn tránh biện pháp truất hữu vì có thể tốn kém và thủ tục lâu dài. Tuy nhiên, nếu việc truất hữu được áp dụng, thì sở hữu chủ căn nhà sẽ được bồi thường thích đáng.
(Ekai.pl 23-5-2025)
Đức Hồng y William Ngô Thành Tài (Goh Seng Chye), Tổng giám mục Giáo phận Singapore, tin rằng Đức Thánh cha Lêô XIV sẽ không mơ hồ về đạo lý và không để cho những lời của ngài bị giải thích tùy theo mỗi cá nhân, gây chia rẽ trong Giáo hội.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Theo trang mạng “Chỉ nam mới hàng ngày” (Nuova Bussola Quotidiana), truyền đi hôm 22 tháng Năm vừa qua, đăng cuộc phỏng vấn Đức Hồng y trước khi ngài rời Roma, bài tham luận của Đức Hồng y Ngô Thành Tài là một trong những góp ý được các hồng y khác đánh giá cao trong các phiên họp của Hồng y đoàn trước mật nghị bầu Giáo hoàng. Chính Đức Hồng y cũng nổi tiếng là một mục tử có đạo lý rõ ràng, nhiệt thành tông đồ và nhạy cảm về phụng vụ.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Ngô nói: “Tôi nghĩ rằng Đức Lêô XIV chính là vị Giáo hoàng mà thế giới đang cần trong lúc này. Đức Phanxicô đã củng cố chiều kích thừa sai của Giáo hội, bằng cách mang Tin mừng cho toàn thể nhân loại, kể cả những người tội lỗi, những người ở ngoài lề, dễ bị tổn thương. Nhưng tôi tin rằng khía cạnh khó chịu nhất trong triều đại của ngài là, khi cố gắng tiếp cận với mọi người, về mặt đạo lý và luân lý, các giáo huấn của ngài không được diễn đạt chính xác, hay đúng hơn là có vẻ mơ hồ.... Nếu chúng ta không rõ ràng đâu là giáo huấn của Giáo hội, thì rất khó cùng nhau làm việc trong sự hiệp nhất. Cả trong Giáo hội, giữa những người gọi là tả phái, cũng như những người “hữu phái” đều muốn thăng tiến sứ mạng truyền giáo, có một sự chia rẽ nội bộ về một số vấn đề như hôn nhân, những người gọi là LGBT đồng tính luyến ái, lưỡng giống, đổi giống. Đây là những lãnh vực đã chia rẽ Giáo Hội vì đến một điểm nào đó người ta không còn chắc chắn đâu là điều đúng cần phải làm. Có những người đến nhà thờ và nói: “Nhưng mà Đức giáo hoàng đã nói như vậy”...
Trả lời câu hỏi về Đức Giáo hoàn Lêô XIV trong lãnh vực này, Đức Thánh cha Ngô Thành Tác nói: “Tôi tin là Đức Giáo hoàng Lêô sẽ thiết lập trật tự trong những chia rẽ về đạo lý trong Giáo hội. Ngài vốn là một tu sĩ Dòng thánh Augustinô, có những căn bản vững chắc trong truyền thống và linh đạo của thánh Augustinô. Đàng khác, ngài đã làm việc ở Peru và biết rõ những tình trạng nghèo khổ. Đức tân Giáo hoàng đã ở Roma nhiều năm và vì thế biết những thách đố của giáo triều.”
Trả lời câu hỏi về sự hạn chế tối đa việc cử hành thánh lễ theo nghi thức của Công đồng Tridentinô, với sách lễ năm 1962 tiền Công đồng chung Vatican II hiện nay trong Giáo hội, một vấn đề đã và đang gây chia rẽ trong Giáo hội, Đức hồng y Ngô Thành Tài nói: “Bản thân tôi, tôi không thấy có có lý do nào để chặn những người thích thánh lễ Tridentino. Họ không làm gì sai trái hoặc tội lỗi. Dĩ nhiên cần phải duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội, nhưng đàng khác, chúng ta vẫn có những nghi lễ khác, như nghi lễ Siro-Malabar. Chúng ta có thể chấp nhận những cách thức khác nhau để cử hành Thánh lễ và vì thế tôi nghĩ rằng chúng ta không được bóp nghẹt những người thích nghi lễ Tridentino. Xét cho cùng, không phải là nghi lễ hoặc hình thức cử hành nào là đáng kể, nhưng là chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong chiều sâu.
Đức Hồng y cũng cho biết tại Singapore có một nhóm 300 tín hữu, phần lớn là những người trẻ và chuyên nghiệp tham dự nghi lễ này. Đôi khi tôi hỏi họ tại sao họ thích cách cử hành này, họ cho biết vì trong cách thức này, họ cảm thấy suy tư, chiêm niệm hơn và thấy những nghi thức ấy đưa họ đến gần Chúa hơn.
(Nuova Bussola Quotidiana 22-5-2025)

Vatican News
Lời kêu gọi của Hội đồng giám mục Tây Ban Nha
Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã viết trong lời kêu gọi “một nền hòa bình không vũ trang và giải trừ vũ khí” tại Đất Thánh: “Trong một thế giới bị chia rẽ và tổn thương bởi hận thù và chiến tranh, chúng ta được kêu gọi gieo hy vọng và xây dựng hòa bình”.
Các Giám mục khẳng định: “Chúng tôi không muốn Attila vượt qua Dải Gaza, chúng tôi không muốn bom hoặc con tin: chúng tôi muốn công lý và hòa bình cho những người sống ở Israel và Palestine, tôn trọng đầy đủ mọi quyền con người ở những nơi Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã đi qua và trên khắp thế giới”
Hội đồng giám mục Tây Ban Nha yêu cầu luật nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng, viện trợ phải được phép vào mà không bị hạn chế và các hành lang nhân đạo phải được kích hoạt. Các ngài nói: “Không có hòa bình nếu không có công lý và không có công lý nếu không có sự đền bù”, trong khi kêu gọi chấm dứt cuộc bao vây, ngừng ném bom và đóng băng việc tái vũ trang.
Lời kêu gọi kết thúc bằng lời cầu nguyện với Đức Maria, Nữ Vương Hòa bình, để "sự giúp đỡ từ mẫu của Mẹ giúp chúng ta can đảm, kiên nhẫn và hiệu quả trong cam kết vì công lý, nền tảng của hòa bình mà tất cả chúng ta cần".
Lời kêu gọi của Hội đồng giám mục Thụy Sĩ
Trong khi đó, trong một tuyên bố, các Giám mục Thụy Sĩ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza" và hiệp với "lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng Lêô XIV" để "viện trợ thiết yếu nhanh chóng đến được với người dân đang đau khổ" và "cuối cùng chấm dứt tình trạng bạo lực mà hằng ngày vẫn cướp đi sinh mạng của những nạn nhân vô tội, đặc biệt là trẻ em, người già và người bệnh".
Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ kêu gọi các chính trị gia và toàn thể cộng đồng quốc tế "hãy gánh vác trách nhiệm chính trị và nhân đạo của mình trong việc tôn trọng các công ước", lên án chủ nghĩa bài Do Thái và tiếp tục yêu cầu "trả tự do ngay lập tức cho những con tin vẫn đang bị giam cầm".
Các ngài nhấn mạnh: “Một lần nữa, chủ nghĩa khủng bố phải bị lên án hoàn toàn” và mời gọi "tất cả các tín đồ hãy siêng năng cầu nguyện cho sự hoán cải tâm hồn và hòa bình cho mọi người".

Vatican News
Với chủ đề này, hội thảo diễn ra trong những ngày qua tập trung vào một số khía cạnh chính: các chiến lược nuôi dưỡng thế hệ người thừa kế tôn giáo mới, những người sẽ tiếp nối truyền thống của họ với sự hiểu biết và dấn thân; các cách tiếp cận để truyền đạt hiệu quả các giá trị tôn giáo trong thời hiện đại, đặc biệt qua phương tiện truyền thông và nền tảng kỹ thuật số; và xây dựng mạng lưới liên tôn cùng với sự phát triển các hệ thống thông tin để hỗ trợ hợp tác lâu dài.
Phát biểu trước các đại diện tôn giáo của năm truyền thống tôn giáo lớn ở Thái Lan - Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và Sikh giáo - cha Chalongrat Sankarat, người đứng đầu Ủy ban Đối thoại Liên tôn của Hội đồng Giám mục Thái Lan, nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của hội thảo là phân tích bối cảnh đạo đức hiện tại, xác định những thách đố mà mỗi tôn giáo phải đối diện và khám phá các giải pháp thực tế dựa trên đức tin.
Cha lưu ý tầm quan trọng của việc đào sâu hiểu biết về các nguyên tắc cốt yếu của mỗi tôn giáo và trao quyền cho các lãnh đạo tôn giáo trở thành tác nhân thay đổi trong cộng đoàn của họ.
Theo vị đại diện Giáo hội Công giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo ngày nay không chỉ cần gìn giữ truyền thống nhưng còn phải là những người hướng dẫn có tầm nhìn xa cho tương lai. Điều này có nghĩa là phải hiểu cách truyền đạt các giá trị đạo đức và các nguyên tắc đạo đức sao cho phù hợp với thực tế của những người trẻ và xã hội hiện đại. Ước muốn siêu việt này không chỉ có ở Kitô giáo nhưng còn được chia sẻ trong tất cả các truyền thống tôn giáo, một quan điểm thúc đẩy đối thoại có ý nghĩa và sự hiểu biết lẫn nhau.
Hội thảo kết thúc trong bầu khí đầy hy vọng, với sự cam kết của các tham dự viên sẽ cùng nhau đối diện với những thách đố về đạo đức và xã hội của thời đại hiện tại bằng cách cùng nhau làm việc vượt qua các ranh giới tôn giáo. Một tầm nhìn chung đã hình thành: trong đó, các vị lãnh đạo tôn giáo không chỉ là những người hướng dẫn tâm linh, nhưng còn là chất xúc tác cho sự đổi mới đạo đức, là những người xây dựng hòa bình và là những người cố vấn cho thế hệ tiếp theo.

Vatican News
Sáng kiến ra đời vào đầu tháng 5 khi một thành viên đưa ra câu hỏi về sáng kiến giúp người Công giáo trên toàn thế giới chia sẻ lời chúc lành của họ với Đức tân Giáo hoàng.
Việc lập kế hoạch cho sáng kiến bắt đầu vào ngày đầu tiên của mật nghị, nghĩa là ngày 7/5/2025, và nỗ lực này đã nhận được nhiều thông điệp video từ khắp các châu lục.
Giám đốc tiếp thị của eCatholic, Michael Josephs, chia sẻ với ChurchPop của Mạng lưới Truyền hình Lời Vĩnh cửu: “Chúng tôi muốn làm điều gì đó có ý nghĩa — và sáng tạo một chút — để đánh dấu khoảnh khắc này và cùng vui mừng với Giáo hội hoàn vũ”.
Một số video mà eCatholic đã nhận được cho đến nay có hình ảnh trẻ em hát bằng tiếng Latinh, mọi người cầu nguyện cho vị giáo hoàng đầu tiên sinh tại Hoa Kỳ và các thông điệp của các nhóm từ các giáo xứ chúc mừng Đức Giáo hoàng Lêô XIV.
Jason Jaynes, Tổng giám đốc điều hành của eCatholic, nói rằng các video được gửi từ những người trên khắp thế giới nói nhiều ngôn ngữ khác nhau “làm tăng cường bản chất phổ quát của Giáo hội chúng ta”.
Những người muốn tham gia có thể truy cập trang web eCatholic để “dành chút thời gian để cầu nguyện, động viên hoặc ủng hộ” và gửi video.
Tổng giám đốc điều hành của eCatholic cho biết tổ chức sẽ nhận các video cho đến hết tháng này. Sau đó họ sẽ dựng phim, "có thể trước tiên là qua mạng xã hội vì Đức Giáo hoàng Lêô hiện diện trên mạng xã hội, và cũng cố gắng tiếp cận để làm việc với các phương tiện truyền thông của Vatican và những nơi khác để đưa những thông điệp này đến với ngài”.

Hồng Thủy - Vatican News
Ấn bản đặc biệt của sách “Kinh Thánh cho trẻ em”, một tác phẩm giáo lý kinh điển đã được dịch sang hơn 190 ngôn ngữ và phát hành hơn 51 triệu bản kể từ năm 1979, được Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ xuất bản nhân Ngày Năm Thánh các Gia đình, Trẻ em, Ông bà và Người cao tuổi.
Phiên bản đặc biệt này bao gồm lời tựa của Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella và được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá đức tin trong gia đình. Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella viết: “Các gia đình thân mến, các trẻ em thân mến, các ông bà và người già thân mến: trong tay quý vị là cuốn Kinh Thánh đặc biệt dành cho trẻ em này. Đây là một kho tàng quý giá, vì sách chứa đựng câu chuyện đẹp nhất trên thế giới: câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Đây không phải là bất kỳ cuốn sách nào, mà là Lời Chúa, mang lại sức mạnh, niềm vui, sự an ủi và hy vọng". Ngài nhắn nhủ: "Trong Năm Thánh này, đây là cơ hội để canh tân mối quan hệ của chúng ta với Lời Chúa. Chúng ta đừng để sách trên kệ phủ đầy bụi: khi Chúa nói, Người yêu cầu im lặng để lắng nghe".
Thông điệp của Đức Tổng Giám mục Fisichella nhấn mạnh giá trị của Kinh Thánh như một công cụ phục hồi đức tin trong gia đình và là điểm gặp gỡ giữa các thế hệ.
Sau 46 năm, thiết kế của sách Kinh Thánh dành cho trẻ em đã được cập nhật. Các hình minh họa nguyên thủy – một trong những đặc điểm được độc giả yêu thích nhất – được giữ nguyên, nhưng được in lớn nguyên trang với bố cục hiện đại và hấp dẫn hơn về mặt hình ảnh.
Cha Anton Lässer, trợ lý giáo hội của tổ chức bác ái, giải thích: “Mặc dù nội dung vẫn trung thành với thông điệp nguyên thủy, nhưng cách trình bày mới này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng trong gia đình, trong các buổi giáo lý và trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trong bối cảnh khả năng tiếp cận tài liệu tôn giáo bị hạn chế”.

Vatican News
Văn kiện được Ủy ban Thần học Quốc tế công bố vào ngày 03/4/2025. Đây không phải là một bản văn thần học hàn lâm đơn thuần, nhưng là một sự tổng hợp có thể đồng hành với đức tin và chứng tá đức tin trong đời sống cộng đoàn Kitô. Ngoài ra, tại Nixêa, lần đầu tiên sự hiệp nhất và sứ vụ của Giáo hội được thể hiện ở mức độ phổ quát trong hình thức thượng hội đồng, do đó trở thành điểm tham chiếu và truyền cảm hứng cho tiến trình hiệp hành mà Giáo hội Công giáo đang thực hiện ngày nay.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, trình bày văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa”, nhắc đến thành phố Tiểu Á, nơi đã tổ chức Công đồng chung đầu tiên trong lịch sử, bắt đầu từ ngày 20/5/325, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Chủ tịch Ủy ban Thần học Quốc tế đã nói: “Nixêa là một công đồng đại kết theo nghĩa gốc của thuật ngữ này, nghĩa là có sự tham gia của các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Việc lựa chọn thành phố này có ý nghĩa về mặt địa lý, nghĩa là dễ dàng tiếp cận. Do đó, Nixêa trở thành lời mời gọi hiệp thông nội tâm, để sự hiệp nhất trong những điều cốt yếu mang lại cho chúng ta niềm vui và củng cố chúng ta".
Cuộc thảo luận mở
Một số chuyên gia và nhà thần học quốc tế đã thảo luận về Văn kiện đã được Ủy ban Thần học Quốc tế biên soạn sau nhiều năm làm việc. Văn kiện này không chỉ để kỷ niệm 1700 năm sự kiện đặc biệt nhưng còn để làm nổi bật những giá trị mà Kinh Tin Kính, được ra đời trong chính bối cảnh này, tuyên xưng, gìn giữ và tái khởi động kể từ đó cho đến nay.
Ngoài Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Đức ông Piero Coda, Tổng thư ký Ủy ban Thần học Quốc tế, còn có các học giả và thần học gia tham gia với các bài thuyết trình tập trung vào nội dung chính của văn kiện.
Chiều kích đại kết
Lặp lại một số nhận định mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra với Đức Hồng Y Fernández liên quan đến văn kiện này, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã nhắc lại rằng lý do đầu tiên thúc đẩy Đức Giáo Hoàng "muốn thực hiện chuyến viếng thăm đến Nixêa nhân dịp kỷ niệm này, đó là vì Nixêa đại diện cho một khoảnh khắc đại kết mạnh mẽ, một dấu chỉ của sự hiệp nhất đối với các Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái khác nhau, một di sản chung, được thể hiện vào mỗi Chúa Nhật khi lời tuyên xưng đức tin hợp nhất tất cả các Kitô hữu được công bố. Chúng ta biết Đức Thánh Cha Lêô XIV cũng rất quan tâm đến dấu chỉ của sự hiệp thông này, và đã xác nhận chuyến tông du đến Nixêa".
** Cùng một Giáo Hội
Đức Hồng Y Fernández muốn nhấn mạnh rằng năm nay, ngoài kỷ niệm Công đồng Nixêa, chúng ta cũng cử hành 30 năm ban hành thông điệp đại kết đầu tiên có tựa đề Ut unum sint – Xin cho họ nên một: “Và khi trở lại vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng, mặc dù chúng ta không thể nói rằng với tất cả các Kitô hữu, chúng ta hình thành nên cùng một Giáo hội, vì tôn trọng họ, trong mọi trường hợp, chúng ta có thể tái khám phá chính mình như là "Cộng đoàn duy nhất của các môn đệ của Chúa Kitô".
Trong sự tự nhận thức của Giáo hội Công giáo có niềm xác tín rằng mình là Giáo hội nguyên thủy do Chúa Kitô thiết lập, và niềm tin này tồn tại trong Giáo hội. Nhưng niềm xác tín này không loại trừ ý tưởng rằng, từ một góc nhìn khác, chúng ta có thể nói về một ‘Cộng đoàn duy nhất của các môn đệ của Chúa Kitô’ mà chúng ta tạo nên cùng với tất cả những ai đón nhận và yêu mến Người như người thật và như Người Con đồng bản tính của Chúa Cha”.
Ân sủng và ánh sáng
Trong bài phát biểu, Đức ông Piero Coda, Tổng thư ký Ủy ban Thần học Quốc tế, giải thích, việc kỷ niệm Công đồng Nixêa trong một bối cảnh phức tạp nơi mà nhiều cuộc khủng hoảng đang thử thách toàn thế giới, vốn thường có vẻ như đang đi theo con đường không thể quay lại, là một ân sủng và lời kêu gọi đối với Giáo hội.
Ngài nói: “Công đồng này ngày càng được khẳng định một cách toàn diện, khi chúng ta tập trung sự chú ý vào đó để nghiên cứu kỹ ý nghĩa và tầm quan trọng của công đồng, như là kairós (thời gian ân sủng) của một tiếng gọi: làm chứng và trân trọng với lòng trung thành sáng tạo, với tầm nhìn ngôn sứ, với chiều sâu mang tính lịch sử ở mọi cấp độ - bắt đầu từ việc ‘suy nghĩ’ về thực tại để đảm nhận vai trò gìn giữ công đồng -, của Ánh sáng ở Nixêa đã thắp sáng "con mắt rất thánh của toàn thể nhân loại" như Thánh Gregorio đã viết trong cử hành Công đồng Nixêa đầu tiên và trong tiến trình đầy khó khăn để đón nhận Tín biểu của công đồng”.
Đóng góp cụ thể
Và văn kiện do Ủy ban Thần học Quốc tế soạn thảo đã đưa ra một đóng góp đầy xác tín theo hướng này, Đức ông Piero Coda nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng văn kiện đề xuất "bắt đầu từ thẩm quyền cụ thể của mình và làm nổi bật những 'nguồn lực' đặc biệt và không thể bỏ qua được tập trung trong Tín Biểu tuyên xưng đức tin Nixêa-Constantinople, một định hướng chính xác để trả lời nhiều hối thúc mà nền thần học hiện nay đang được đặt ra từ nhiều phía, liên quan đến những thực tại mà nhân loại hiện đang trải qua. Đây là những yêu cầu mà, xét cho cùng, có thể được tóm tắt trong 'mong muốn' mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ với các tham dự viên Đại hội quốc tế về Tương lai của Thần học, diễn ra vào ngày 9/12 năm ngoái, theo sáng kiến của Bộ Văn hóa và Giáo dục: đó là thần học giúp tái suy nghĩ về tư tưởng”.
Mối tương quan sâu sắc
Công việc của ngày nghiên cứu sôi nổi, được bắt đầu vào buổi sáng với lời chào ngắn gọn của Giáo sư Vincenzo Bonomo, Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Urbaniana, đã diễn ra thông qua nhiều thuyết trình về các chủ đề tạo nên sự suy tư sâu sắc.
Những chủ đề này bao gồm nghiên cứu sâu sắc các thư do Eusebio thành Nicomedia gửi cho Ariô liên quan đến các vấn đề về tính hiệp hành trong bối cảnh Công đồng Nixêa, về tính hợp thời của thần học Origène trong Kitô học của Nixêa, và về việc bảo vệ việc Thiên Chúa mặc khải chính mình trong sự "tự hạ" của Chúa Giêsu Kitô trong việc bảo vệ đức tin của những người nhỏ bé, vv.
Tổng hợp quý giá
Như Ủy ban Thần học Quốc tế gần đây đã có dịp tái xác nhận, văn kiện trình bày trong ngày nghiên cứu này "chắc chắn không muốn trở thành một văn bản thần học hàn lâm đơn thuần, nhưng được đề xuất như một bản tổng hợp quý giá và hợp thời, có thể hỗ trợ hữu ích cho việc đào sâu đức tin và chứng tá của đức tin trong đời sống cộng đoàn Kitô giáo".

Vatican News
Tính ngôn sứ trong các Giáo hội địa phương
Trước hết về vai trò trung tâm của Giáo hội địa phương, trong đó đời sống thánh hiến được coi là tiếng nói ngôn sứ, Đức Hồng Y Grech nhắc lại rằng, từ khi Văn kiện Chuẩn bị Thượng hội đồng được công bố vào năm 2021 đến giai đoạn tham vấn Dân Chúa, những người sống đời sống thánh hiến được mời gọi đồng hành với các Giáo hội địa phương. Các tu sĩ đã đáp lại lời mời gọi này với lòng quảng đại, cộng tác với mọi thành phần Dân Chúa, tham gia tích cực vào tiến trình Thượng hội đồng. Các tu sĩ trải nghiệm rằng “cùng nhau bước đi” có nghĩa là bước đi cùng với toàn thể Giáo hội, trong đó các dòng tu là một phần, rất quý giá, nhưng không phải là toàn thể.
Nhắc đến số 65 của Văn kiện Chung kết được thông qua vào tháng 10/2024, Đức Hồng Y nói ngài ấn tượng nhất đoạn nói về đời sống thánh hiến cùng những thực hành của lối sống hiệp hành. Những thực hành này bao gồm cách thực hiện phân định chung, và cách hài hòa các đặc sủng cá nhân với nhau, cũng như cách theo đuổi sứ vụ chung. Các dòng tu có sự đóng góp đặc biệt vào việc phát triển tính hiệp hành trong Giáo hội. Ngày nay, nhiều cộng đoàn đời sống thánh hiến là một phòng thí nghiệm về đời sống liên văn hóa, đó là lời ngôn sứ cho Giáo hội và thế giới.
Tính ngôn sứ trong việc thực thi quyền bính
Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục nói đến khía cạnh thứ hai: Tính ngôn sứ trong việc thực thi quyền bính. Theo đó, để xoá bỏ các hình thức lạm dụng trong Giáo hội, điều cần thiết là phải có một sự thay đổi não trạng, phong cách, văn hoá của Giáo hội. Trước hết là quan niệm và thực thi quyền bính ở mọi cấp độ của Giáo hội. Chỉ những mô hình lãnh đạo có khả năng hợp tác giữa các bên, chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và giải trình, nói cách khác mang tính hiệp hành, thì mới có thể xoá bỏ tận căn những khuynh hướng lạm dụng vốn thường nảy sinh trong các dòng tu.
Tính ngôn sứ trong hoạt động truyền giáo
Cuối cùng về tính ngôn sứ trong hoạt động truyền giáo của đời sống thánh hiến, Đức Hồng Y lặp lại rằng, cùng với hai cụm từ khác “tham gia” và “hiệp thông”, “sứ vụ” nằm trong tiêu đề của Thượng hội đồng. Cụm từ “sứ vụ” được đặt ở cuối tiêu đề không có nghĩa là chiều kích này kém quan trọng hơn, nhưng muốn nói rằng đây là điều “thúc đẩy” Thượng hội đồng ra khỏi hội trường, để hướng đến nhân loại và thế giới, để phác hoạ khuôn mặt của Giáo hội hướng ra ngoài.
Khi phục vụ ở bệnh viện, trường học, những nơi có nhiều người cần được giúp đỡ, cũng là nơi các văn hoá, chính trị và sự phát triển con người toàn diện, những cách sống chung được hình thành, các tu sĩ có khả năng gắn kết với các Giáo hội địa phương, đồng thời kết nối với các khu vực khác cấp quốc gia và quốc tế.
Đức Hồng Y Grech kết luận: “Trong giai đoạn mới này của hành trình Giáo hội, bắt đầu bằng việc kết thúc giai đoạn cử hành của Thượng hội đồng và nay đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, anh em, những người thánh hiến, thuộc các dòng tu cổ xưa và hiện đại, phải cảm thấy được trao phó nhiệm vụ đi đầu”.

Vatican News
Mô tả cuộc tiếp kiến là “thân mật và thanh thản”, Đức cha Mariano Crociata nói với các nhà báo sau cuộc gặp gỡ rằng, việc Đức Thánh Cha dành một trong những buổi tiếp kiến đầu tiên trong triều Giáo hoàng của ngài cho các Giám mục Âu châu là một “dấu hiệu cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng” và “chú ý” đối với Liên minh Âu châu của ngài.
Chủ tịch Uỷ ban Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu cho biết, các Giám mục đã trình bày cho Đức Thánh Cha tất cả các vấn đề chính, và Đức Thánh Cha đã “lắng nghe”. Trọng tâm của những mối quan ngại là chiến tranh với cuộc xung đột và cuộc tấn công của Nga vào Ucraina, cùng với nỗ lực tìm kiếm một nền hòa bình “công bằng và bền vững”.
Ngoài ra, vấn đề tái vũ trang ở châu Âu cũng là một trong nhiều chủ đề được bàn thảo cách đặc biệt trong buổi tiếp kiến. Đức cha nói: “Đức Thánh Cha đã nói về vấn đề này một cách trực tiếp, thể hiện mối quan ngại lớn của ngài, rằng việc tái vũ trang có thể gây ra hậu quả, làm giảm các cam kết xã hội cho các nhóm yếu thế nhất trong xã hội và chuyển hướng nguồn vốn sang lĩnh vực vũ khí”.
Đức cha Antoine Hérouard người Pháp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nói: “Chúng tôi không đi vào chi tiết về khả năng Tòa Thánh làm trung gian. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực vì một nền hòa bình công bằng, tìm kiếm sự cân bằng đúng đắn giữa Hòa bình và Công lý”
Ngài giải thích thêm, về hậu quả kinh tế và xã hội từ tình hình hiện tại: “Nếu các quốc gia châu Âu phải tăng ngân sách để tăng cường vũ trang, thì điều đó không được mâu thuẫn với việc hỗ trợ người yếu thế, cả trong Liên minh châu Âu lẫn trên bình diện quốc tế đối với các quốc gia nghèo”.
Đại diện cho các quốc gia ở phía Đông Liên minh châu Âu, Đức cha Rimantas Norvila người Litva bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi cảm nhận rất rõ tác hại của cuộc chiến ở Ucraina. Nhìn về tương lai, vẫn chưa thấy giải pháp nào khả thi. Liên minh châu Âu ra đời như một dự án hòa bình sau Thế chiến thứ hai. Và việc chấm dứt cuộc chiến hiện nay là một mục tiêu lớn và ưu tiên hàng đầu của toàn Liên minh”.
Trả lời câu hỏi về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, người đã đánh giá rằng một cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Ucraina tại Vatican là “không thực tế”, Đức cha nói: “Tôi cho rằng, khi mỗi ngày cả hai bên đều có binh lính và dân thường thiệt mạng, thì mỗi nỗ lực, mỗi hành động hỗ trợ cho đối thoại đều là quan trọng. Đối thoại, hy vọng về hòa bình và hy vọng ngăn chặn cái chết của quá nhiều người vô tội đó là mục tiêu của tất cả chúng ta, của châu Âu và của thế giới”.
Cùng với Đức Thánh Cha, các Giám mục cũng đã thảo luận về sự hiện diện tại châu Âu của các lực lượng dân túy đi ngược đường hướng của Liên minh châu Âu, và về vấn đề di cư, với tình trạng giảm dân số đang diễn ra ở châu Âu và nhu cầu hiện tại cũng như tương lai về người nhập cư của lục địa này.
Ngoài ra, mối quan ngại sâu sắc của các Hội đồng Giám mục châu Âu cũng được nhắc đến liên quan đến hiện tượng nhiều người xin xóa tên khỏi sổ rửa tội của các giáo xứ; điều này gợi lên một vấn đề rộng lớn hơn về quy định của Liên minh châu Âu đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về vấn đề này, các giám mục yêu cầu các quy định pháp luật cần tôn trọng quyền tự do tôn giáo và quyền cũng như nghĩa vụ của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
Trong cuộc nói chuyện với các nhà báo, các Giám mục châu Âu nhấn mạnh nhiều lần rằng Đức Thánh Cha đã lắng nghe các vị, không phải như một người đưa ra câu trả lời ngay lập tức, mà với thái độ cởi mở, sẵn sàng và chăm chú lắng nghe.