Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ

Vatican news
Theo kết quả khảo sát của Viện Tôn giáo và Xã hội Iona có trụ sở ở Dublin, 54% thế hệ Z, những người từ 18 đến 24 tuổi tự nhận có theo một tôn giáo nào đó, so với 46% những người từ 25 đến 35 tuổi. Nhóm này cũng đọc và xem những nội dung tôn giáo hoặc tâm linh nhiều hơn những người lớn tuổi hơn họ. Những con số này phản ánh một thế hệ trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa và mục đích thông qua các phương tiện hiện đại, tận dụng công nghệ để khám phá và thể hiện niềm tin của mình.
Ông David Quinn, Giám đốc điều hành Viện Iona nói: “Những người trẻ đang thấy rằng trong chủ nghĩa thế tục họ không đạt được mục tiêu. Tinh thần tục hoá không có câu trả lời quan trọng của cuộc sống và không có gì để nói về ý nghĩa và mục đích. Con người sẽ luôn khao khát những điều này, và chính tôn giáo cung ấp cho họ những câu trả lời đó”.
Cuộc khảo sát của Iona cho thấy những người thường xuyên đi lễ, chiếm 16% số người tham gia khảo sát, có cái nhìn tích cực nhất về Giáo hội. Trong khi đó, 22% không nhận mình là người Công giáo - con số này tương đối phù hợp với dữ liệu điều tra dân số năm 2022 - lại thể hiện quan điểm tiêu cực nhất. “Người Công giáo theo văn hóa,” tức 62% số người được khảo sát cho biết họ nhận mình là Công giáo nhưng hiếm khi đi lễ, có quan điểm nằm ở giữa hai nhóm trên.
Trong khi 50% người được hỏi cho biết họ có cái nhìn tích cực về Kitô giáo và chỉ 20% có quan điểm tiêu cực, thì Giáo hội Công giáo lại không được nhìn nhận tích cực. Chỉ 27% có cái nhìn thiện cảm với Giáo hội, trong khi 40% có cái nhìn tiêu cực, có thể bị ảnh hưởng bởi các vụ bê bối lạm dụng trong hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, 45% đồng ý rằng giáo huấn Công giáo vẫn mang lại lợi ích cho xã hội.
Nhận xét về kết quả khảo sát này, bà Breda O’Brien, phát ngôn viên của Viện Iona nói: “Ở một khía cạnh nào đó, không có gì ngạc nhiên khi có sự khác biệt về thái độ giữa mọi người đối với Giáo hội, đặc biệt khi xét đến hàng loạt vụ bê bối vẫn còn mới mẻ trong tâm trí công chúng. Tuy nhiên, thật đáng mừng khi thấy nhiều người có cái nhìn bớt tiêu cực hơn đối với các giáo huấn của Giáo hội Công giáo so với thái độ của họ đối với chính tổ chức này.
Theo ông Quinn, đây là cơ hội, Giáo hội cần nói về chính mình ít hơn, nhưng nói nhiều về giáo lý và cố gắng hết sức để đưa giáo lý vào thực tành. Điều này sẽ thu hút mọi người.

Vatican News
Sau một thời gian làm việc tại một trung tâm chăm sóc những người lớn tuổi ở thành phố Boulder, bang Colorado, Hoa Kỳ, nữ y tá Teresa Rodriguez nhận ra rằng các bệnh nhân của cô không được cung cấp bất kỳ dịch vụ tâm linh nào. Trong một lần trò chuyện với một bệnh nhân, ý tưởng tổ chức buổi cầu nguyện kinh Mân Côi đã nảy sinh trong lòng Rodriguez và cô lập tức quyết định thực hiện điều đó cùng với sự hỗ trợ tích cực của giám đốc điều hành trung tâm. Ngoài ra, Rodriguez còn nhận được sự cộng tác của hai thành viên trong lớp học Kinh Thánh do cô đứng đầu tại giáo xứ Thánh Tâm Đức Mẹ ở Boulder.
Từ đó, các buổi lần chuỗi Mân Côi đã diễn ra; ban đầu là một lần trong tuần, sau đó là hai lần và ba lần một tuần. Để giúp mọi người biết được hoạt động thiêng liêng này và trở thành cộng tác viên, Rodriguez đã để thông báo trên các bản tin của các giáo xứ xung quanh. Đây là khởi đầu của cái gọi là Nhóm Kinh Mân Côi được hình thành từ năm 2019 và hiện có hơn 500 tình nguyện viên ở 18 bang Hoa Kỳ.
Ngay cả trong thời đại dịch, Nhóm Mân Côi cũng đã tổ chức các buổi cầu nguyện Mân Côi qua Zoom, được kết nối khắp các trung tâm chăm sóc người lớn tuổi. Khi đại dịch qua đi, Rodriguez lập tức liên hệ lại với các nơi để xem có thể tổ chức lại các buổi cầu nguyện không. Cô rất ngạc nhiên vì mọi người còn tích cực tham gia nhiều hơn.
Trong những năm qua, cô đã có những trải nghiệm về sự biến đổi đời sống thiêng liêng của chính mình cũng như của những người cô đồng hành. Cô kể về một trường hợp làm cô rất xúc động: “Một lần kia, sau khi kết thúc buổi cầu nguyện với một bệnh nhân, người này nói với tôi: ‘Đây là lần đầu tiên sau 45 năm tôi mới đọc lại kinh Kính Mừng”. Cô còn chia sẻ thêm rằng đôi khi họ gặp những bệnh nhân không thể nói hoặc chỉ nói được rất ít, “nhưng rồi, đột nhiên, khi chúng tôi bắt đầu lần chuỗi Mân Côi với họ, họ lại đọc to những lời kinh Mân Côi”.
Melanie McClanahan, một tình nguyện viên của Nhóm Kinh Mân Côi chia sẻ rằng thời gian phục vụ trong nhóm là một phép lạ trong cuộc đời cô và của người khác. Cô khẳng định: “Tôi đã chứng kiến mọi người được chữa lành, trong đó có cả tôi. Tôi đã thấy các thành viên trong gia đình đoàn tụ, và tôi đã chứng kiến những người không chắc chắn về đức tin của họ lớn lên trong tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu và lòng sùng kính của họ đối với Đức Mẹ Maria”.
Khi được hỏi tại sao việc đọc kinh Mân Côi lại quan trọng đối với những người lớn tuổi và những người đang dần mất trí nhớ, cô Rodriguez trả lời: “Người già thường trầm lặng, không được giúp đỡ cầu nguyện, đặc biệt khi họ ở trong các trung tâm, không có giáo xứ. Họ là nhóm người dễ bị lãng quên nhất, và chúng tôi muốn nhớ đến những người này”.
Cô nói thêm: “Đây là vấn đề ủng hộ sự sống trong mục vụ bảo vệ sự sống. Chúng ta cần phải chăm sóc sự sống từ khi bắt đầu thụ tai đến khi chết tự nhiên. Đây là một phần hoạt động chăm sóc người lớn tuổi. Và cuối cùng, khi làm như vậy chúng ta công nhận họ và dành tình thương cho những người lớn tuổi”.
Với mục vụ ngày càng phát triển, cô Rodriguez hy vọng nhiều người được đánh động và tham gia vào hoạt động này, cả các tình nguyện viên và những người ở các trung tâm chăm sóc người già và người đang mất dần trí nhớ. Cô xác tín rằng đức tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa lớn lên qua Nhóm Kinh Mân Côi, và qua các tình nguyện viên và mọi người cùng nhau cầu nguyện”.

Vatican News
Đức Cha Micae Phạm được Đức Thánh Cha Lêô XIV bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận San Diego hôm 22/5/2025 và trở thành Giám mục chính tòa gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo Đức Cha Micae nói: "Thật tuyệt vời khi biết rằng một người Mỹ gốc Việt, và đại diện cho di sản của tôi tại Hoa Kỳ, và hy vọng với tư cách là một giáo hội, chúng ta sẽ công nhận sự đa văn hóa tại đất nước này, rằng tất cả chúng ta có thể cùng nhau, cử hành đức tin của mình, hiệp nhất trong Chúa Kitô tại đất nước này".
Đức Cha nói thêm: “Tôi tin rằng, nếu chúng ta có thể làm được điều đó, chúng ta sẽ là dấu hiệu của ngọn hải đăng, ngọn hải đăng của hy vọng, cho đất nước và xã hội của chúng ta". Theo ngài, Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ cũng có thể mang hy vọng này đến nhiều nơi khác trên thế giới, vì Hoa Kỳ “bao gồm nhiều chủng tộc, sắc tộc và ngôn ngữ”.
Ngài nhận định: “Nhưng nếu chúng ta có thể đoàn kết lại với nhau như một dân tộc, và đối với chúng tôi, đặc biệt là những người Công giáo trong giáo phận này, chúng tôi có 22 cộng đồng sắc tộc. Và vào lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cùng nhau cử hành như một dân tộc của Thiên Chúa. Thật là một dấu hiệu tuyệt đẹp của sự hiệp nhất như một Giáo hội, như một dân tộc, như một gia đình nhân loại, khi chúng ta có thể đến với nhau”.
Giáo phận San Diego cho biết một trong những hoạt động đáng chú ý nhất của Đức Cha Micae Phạm là khi ngài là đại diện Giám mục về các vấn đề sắc tộc và liên văn hóa; ngài đã tập hợp hơn 20 cộng đồng sắc tộc của người Công giáo San Diego lại với nhau, trong Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho Mọi Dân tộc vào năm 2018, cũng như một lễ hội tôn vinh sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa của giáo phận.
Tân Giám mục chính tòa của giáo phận San Diego cho biết ngài có kế hoạch thực hiện các chương trình của Đức Hồng y McElroy, vị tiền nhiệm của ngài, chẳng hạn như Thượng hội đồng gia đình và Thượng hội đồng thanh thiếu niên và người lớn trẻ tuổi.
Đối với Đức Cha, điều quan trọng không phải là được xem là người theo phe tả hay phe hữu, nhưng mong muốn được xem là người luôn tập trung vào Chúa Kitô. Ngài nhắc nhở rằng điều quan trọng là cần chú ý và tập trung vào cách chúng ta chăm sóc những người của Chúa trong cuộc sống của chúng ta, trong xã hội của chúng ta ngày nay.

Vatican News
Vào năm 2021, chỉ có 33,9% người trẻ trong độ tuổi 18-24 nhận mình là người Công giáo. Đây là con số thấp kỷ lục. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 năm, vào năm 2025, con số này đã tăng lên 38,5%. Đây là một sự đảo ngược xu hướng đáng lưu ý.
Vào thứ Bảy ngày 26/4/2025, 85.000 người đã quy tụ tại Quảng trường Cibeles ở Madrid để mừng Lễ Phục sinh. Họ là những người trẻ và rất trẻ. Sự kiện này là sáng kiến của Hiệp hội Tuyên truyền Công giáo và đây là lần tổ chức thứ ba nhưng đã trở thành sự kiện dành cho giới trẻ Công giáo lớn nhất diễn ra tại Tây Ban Nha và tiếp tục phát triển. Đây là một sự bất thường nếu xét đến số người theo chủ nghĩa thế tục ở Tây Ban Nha.
Lý do của sự gia tăng
Giải thích về sự gia tăng số người trẻ tự nhận là người Công giáo, Rafael Ruiz, thuộc Khoa Xã hội học ứng dụng tại Đại học Complutense Madrid, nói rằng "những người trẻ tuổi ít sợ thể hiện mình là người Công giáo hơn so với vài năm trước" và ông nhấn mạnh vai trò của họ trên các mạng xã hội, nơi họ dễ dàng tiếp cận đối tượng thanh thiếu niên. Ông trưng dẫn trường hợp của nhóm Hakuna, những người đã đưa một số bài hát của họ vào top 50 trên Spotify và lấp đầy Sân vận động Movistar ở Madrid vào tháng 1/2024.
Jorge Alberto Benedicto, một nhà xã hội học tại trường đại học trực tuyến Uned, nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện như Lễ hội Phục sinh đã thu hút "những [tín đồ] trẻ tuổi luôn ở đó nhưng không dễ nhận ra" và "củng cố bản sắc của nhóm", đồng thời tận dụng sự nhạy cảm tìm kiếm những trải nghiệm đức tin ít mang tính thể chế hơn nhưng không kém phần dấn thân. Một trường hợp khác thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là thành công của Effetá, khóa tĩnh tâm dành cho người trẻ tập trung vào ơn gọi; sự kiện này có tác động rất rõ ràng trên mạng xã hội.
Trong mọi trường hợp, báo "El Confidencial" tóm tắt, các nhà xã hội học được phỏng vấn đều đồng tình về một ý kiến: những người trẻ ngày nay là những người "có chiều sâu tâm linh" nhất trong số những người Tây Ban Nha thuộc các nhóm tuổi khác nhau được phân tích.
Kết luận này cũng có tương ứng ở mức độ nào đó với những cuộc khảo sát gần đây ở các nước châu Âu khác như Pháp và Anh.

Sơ Christine Masivo, CPS
Trường tiểu học gia đình dành cho trẻ em Amani đã trở thành mái ấm cho nhiều trẻ em đường phố, thường được gọi là "chokoraa", một thuật ngữ chỉ những thanh thiếu niên vô gia cư lang thang trên đường phố Nairobi với những chiếc bao tải đeo trên lưng, lục lọi thức ăn thừa và hít keo để làm dịu nỗi đau, chấn thương và cơn đói.
Nguồn gốc của trung tâm biến đổi cuộc sống này - do các Nữ Tu Dòng Truyền Giáo Máu Châu báu điều hành - có từ năm 1983, khi Sơ Damiana, được trẻ em trìu mến gọi là Shosh (bà), chứng kiếnnỗi đau không thể chịu đựng được của những tâm hồn trẻ sống không có thức ăn, nơi trú ẩn hoặc quần áo trong thực tế khắc nghiệt của đường phố.
Được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn, Sơ Damiana đã phát động một chương trình hỗ trợ thực phẩm, cung cấp hai bữa ăn một ngày, đơn giản nhưng đủ chất để sống, một hỗn hợp ngô và đậu được gọi là "githeri". Đối với những đứa trẻ này, đó không khác gì manna từ thiên đường - một dấu hiệu cho thấy có người quan tâm.
Nhưng Sơ Damiana và các chị em nhanh chóng nhận ra rằng chỉ có thực phẩm thôi là không đủ. Những đứa trẻ cần được giáo dục, hy vọng và một con đường thoát khỏi cuộc sống đường phố. Với nguồn lực hạn chế, các nữ tu bắt đầu dạy các em học đếm và học viết, sử dụng mặt đất làm bảng đen đầu tiên của chúng. Nhờ những nhà hảo tâm tin tưởng vào sứ mạng của các nữ tu, sách vở và bút mực đã sớm thay thế mặt đất bụi bặm, đánh dấu sự khởi đầu của nền giáo dục chính quy cho những đứa trẻ bị lãng quên này.
Thực tế đau lòng truyền cảm hứng cho sự thay đổi
Mỗi đứa trẻ tại Trường tiểu học gia đình dành cho trẻ em Amani đều mang trong mình một câu chuyện đau thương. Nhiều đứa trẻ đã trốn khỏi những ngôi nhà bị bạo lực gia đình, chỉ để đối mặt với những thực tế khắc nghiệt hơn trên đường phố. Một số được sinh ra và lớn lên ở đó, trong khi những đứa trẻ khác mất cha mẹ và không có ai chăm sóc. Đối với nhiều trẻ em, sự sống còn có nghĩa là phải ăn xin và không bao giờ có đủ thức ăn. Một số em đến từ những gia đình đang phải vật lộn với đói nghèo và nghiện rượu, nơi cha mẹ không có khả năng hoặc không muốn chăm sóc các em.
Khi các nữ tu chào đón những trẻ em này, bước đầu tiên là phục hồi. Trong sáu tháng, các em được hỗ trợ vượt qua việc lạm dụng chất hít và tư duy sinh tồn của cuộc sống đường phố. Dần dần, các em được làm quen với một thói quen có cơ cấu, nơi giáo dục và phát triển bản thân trở thành điều chính yếu. Sau khi cai nghiện, các em được đưa vào các cấp học phù hợp, với sự hỗ trợ toàn diện từ các nữ tu và nhân viên xã hội.
Ngoài việc học tập, các nữ tu còn nỗ lực giúp trẻ em tái hòa nhập với xã hội - một số em được đoàn tụ với người thân, những em khác tìm được mái ấm cố định trong cộng đồng Kawangware. Đối với những em xuất sắc, với sự giúp đỡ của những người hảo tâm trong nước và quốc tế, các nữ tu đảm bảo cho các em học trung học và thậm chí là học đại học. Nhiều em đã trở thành những người có chuyên nghành, phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và tuyệt vọng.
Từ đường phố đến thành công
Sơ Vienda, một trong những nữ tu dấn thân tại trung tâm, đã chứng minh cho sự chăm chỉ và quyết tâm của những đứa trẻ. Trong nhiều năm qua, sơ cho biết, trường tiểu học gia đình này đã đào tạo nên những cá nhân xuất sắc: một luật sư, một kiến trúc sư, một dược sĩ và một sinh viên y khoa hiện đang theo học tại Đại học Nairobi.
Có lẽ câu chuyện cảm động nhất là câu chuyện về một giáo viên, hiện là một nhân viên, người đã từng sống như một cậu bé đường phố trước khi được các nữ tu cứu giúp. Ngày nay, anh trở thành một giáo viên đáng tự hào tại chính ngôi trường đã từng cứu anh.
Với lòng biết ơn sâu sắc, anh cảm ơn các Nữ tu Truyền giáo Dòng Máu Châu báu; anh nói rằng nếu không có các nữ tu, anh không thể tưởng tượng được mình sẽ ra sao.
Một cách tiếp cận toàn diện để hướng đến hy vọng
Trung tâm này không chỉ giáo dục mà còn nuôi dưỡng tài năng, truyền tải các giá trị tinh thần và nuôi dưỡng ý thức về sự gắn bó. Âm nhạc, khiêu vũ và thể dục dụng cụ đã mở ra cánh cửa đến với học bổng, công việc và sinh kế cho một số người.
Các nữ tu cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện, đảm bảo mỗi em đều nhận được tình yêu thương và sự hướng dẫn để mơ ước một lần nữa. Đối với họ, Amani không chỉ là một ngôi trường - mà còn là một gia đình, một nơi trú ẩn an toàn và là bước đệm cho một tương lai tươi sáng hơn.
Thông qua sự dấn thân không thay đổi của mình, các nữ tu đã chứng minh rằng không có đứa trẻ nào là không thể được cứu chuộc. Các em là những minh chứng sống động rằng với tình yêu thương, sự giáo dục và đức tin, ngay cả những đứa trẻ bị lãng quên nhất cũng có thể vượt lên trên hoàn cảnh của mình.
Khi Trường tiểu học gia đình dành cho trẻ em Amani tiếp tục sứ mạng của mình, trường vẫn là ngọn hải đăng của hy vọng - mang đến cho mọi đứa trẻ, bất kể quá khứ của chúng, cơ hội để xây dựng một tương lai đầy hứa hẹn và phẩm giá.

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một Chúa Nhật an lành!
Chỉ mới ít ngày nay, tôi đã bắt đầu sứ vụ giữa anh chị em. Trước hết, tôi muốn chân thành cảm ơn anh chị em vì tình cảm anh chị em dành cho tôi, đồng thời xin anh chị em tiếp tục nâng đỡ tôi qua lời cầu nguyện và sự gần gũi huynh đệ của anh chị em.
Trong mọi điều Chúa mời gọi chúng ta – dù trong hành trình cuộc sống hay trên con đường đức tin – chúng ta thường cảm thấy mình không đủ khả năng. Tuy nhiên, chính Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Ga 14,23-29) lại nhắn nhủ chúng ta rằng: đừng dựa vào sức riêng, nhưng hãy tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn chúng ta, hãy vững tin rằng chính Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta mọi điều.
Trước nỗi bối rối và lo âu của các Tông Đồ trong đêm trước cuộc khổ nạn của Thầy, khi họ đang tự hỏi làm sao mình có thể tiếp nối và làm chứng cho Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã loan báo hồng ân Chúa Thánh Thần bằng một lời hứa tuyệt vời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy; Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (c. 23).
Như thế, Đức Giêsu giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi và âu lo, Người nói với họ: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (c. 27). Thật vậy, nếu chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa, chính Người sẽ ngự đến và ở lại trong chúng ta; cuộc đời chúng ta trở thành đền thờ của Thiên Chúa. Và tình yêu ấy soi sáng chúng ta, đi vào trong cách nghĩ, trong chọn lựa, và lan tỏa tới tha nhân, chiếu rọi mọi khía cạnh đời sống chúng ta.
Anh chị em thân mến, việc Thiên Chúa ở lại trong chúng ta chính là hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng nắm lấy tay chúng ta và giúp chúng ta cảm nghiệm – ngay giữa cuộc sống hằng ngày – sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, để chúng ta trở thành nơi cư ngụ của Người.
Thật tuyệt vời biết bao khi mỗi người chúng ta chiêm ngắm ơn gọi của mình, nhìn đến những thực tại, những con người được trao phó cho mình, những bổn phận đang đảm nhận, và sứ vụ phục vụ trong Giáo hội, mỗi người trong chúng ta có thể thưa lên với lòng tín thác: Dù con yếu đuối, Chúa vẫn không xấu hổ vì thân phận con người của con; trái lại, Ngài còn muốn đến cư ngụ trong con. Ngài đồng hành với con bằng Thánh Thần của Ngài, soi sáng con và làm cho con trở nên khí cụ tình yêu của Ngài giữa nhân loại, giữa xã hội và thế giới hôm nay.
Anh chị em thân mến, đặt niềm tin tưởng trên lời hứa ấy, chúng ta cùng bước đi trong niềm vui của đức tin, để trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dấn thân đem tình yêu của Người đến khắp mọi nơi, luôn ghi nhớ rằng: mỗi người chị em, mỗi người anh em đều là nơi cư ngụ của Thiên Chúa; và sự hiện diện của Người tỏ lộ cách đặc biệt nơi những người bé nhỏ, nghèo khó và đau khổ – những người đang mời gọi chúng ta hãy là những Kitô hữu tận tâm và biết cảm thương.
Chúng ta cũng hãy phó thác mọi sự trong tay Đức Maria Rất Thánh. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở nên “Nơi cư ngụ thánh thiêng dành cho Thiên Chúa.” Với Mẹ, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm niềm vui được đón rước Chúa, và trở nên dấu chỉ cũng như khí cụ tình yêu của Người.
----------
Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Ngài nói:
Hôm qua tại Poznań (Ba Lan) đã diễn ra lễ phong chân phước cho Stanislao Kostka Streich, một linh mục triều, bị giết vì lòng thù ghét đức tin năm 1938, bởi vì công việc của ngài dành cho người nghèo và công nhân đã làm khó chịu những người theo ý thức hệ cộng sản. Xin gương mẫu của ngài đặc biệt khích lệ các linh mục quảng đại dấn thân cho Tin Mừng và cho anh em mình.
Cũng hôm qua, trong ngày lễ phụng vụ Đức Maria Phù Hộ các tín hữu, đã diễn ra Ngày cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thiết lập. Tại các nhà thờ và đền thánh ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới, đã có những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, như một dấu chỉ của sự quan tâm và lòng thương mến đối với các tín hữu Công giáo Trung Quốc, cũng như sự hiệp thông của họ với Giáo hội hoàn vũ. Xin lời chuyển cầu của Đức Maria rất thánh cho họ và cho chúng ta ân sủng để trở thành những chứng nhân mạnh mẽ và vui tươi của Tin Mừng, cả trong lúc thử thách, hầu luôn cổ võ hòa bình và hòa hợp.
Với những tâm tình ấy, ngài mời gọi mọi người cùng ấp ủ trong lời cầu nguyện tất cả các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh; xin khẩn cầu lòng can đảm và sự kiên trì cho những ai đang dấn thân trong việc đối thoại và tìm kiếm hòa bình một cách chân thành.
Ngài cũng nhắc lại mười năm trước, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ký thông điệp Laudato si’, dành cho việc chăm sóc ngôi nhà chung. Văn kiện này đã được phổ biến một cách rộng rãi, truyền cảm hứng cho vô số sáng kiến, và dạy cho mọi người biết lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và của người nghèo. Ngài gửi lời chào và khích lệ đến Phong trào Laudato si’ và tất cả những ai đang dấn thân trong công cuộc này.
Sau đó, ngài xin chào tất cả anh chị em đến từ nước Ý và nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các tín hữu hành hương từ Valencia và các tín hữu Ba Lan, cùng với phép lành đặc biệt dành cho tất cả những ai tại Ba Lan đang tham dự cuộc hành hương trọng thể đến Đền thánh Đức Mẹ Piekary Śląskie.
Ngài chào các tín hữu từ Pescara, Sortino, Paternò, Caltagirone, Bắc Massarosa, Malnate, Palagonia và Cerello, cũng như giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở Roma.
Cuối cùng, ngài chào các em thiếu nhi sắp lãnh nhận bí tích Thêm sức từ Tổng Giáo phận Genova, từ San Teodoro, thuộc giáo phận Tempio-Ampurias, những người đạp xe từ Paderno Dugnano, và lực lượng Bersaglieri từ Palermo.
Kết thúc, ngài cầu chúc tất cả mọi người một Chúa nhật thật tốt lành!
VATICAN NEWS TIẾNG VIỆT

Hồng Thủy - Vatican News
Cuộc viếng thăm Đền thờ Đức Bà Cả hôm nay cũng mang ý nghĩa biểu tượng là Đức Thánh Cha chính thức nhận Đền thờ bởi vì Đền thờ Đức Bà Cả là một trong 4 Đền thờ Giáo hoàng ở Roma.
Vào ngày 20/5/2025, Đức Thánh Cha đã viếng Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và nhận Đền thờ. Trong Thánh lễ vừa cử hành tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, Đức Thánh Cha cũng đã nhận Đền thờ này.
Cuộc viếng thăm diễn ra dưới hình thức một buổi cầu nguyện với những lời kinh kính Đức Mẹ. Sau khi Đức Thánh Cha tiến vào Nhà nguyện Paolina, nơi lưu kính ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma, và kính chào Đức Mẹ với những lời của sứ thần trong ngày truyền tin: Mừng lên, hỡi Đấng đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng bà. Bà được chúc phúc giữa những người phụ nữ và hoa quả của lòng bà cũng được chúc phúc, ca đoàn hát thánh thi Magnificat, Linh hồn tôi tung hô Chúa.
Đức Thánh Cha đã phó thác sự khởi đầu sứ vụ của ngài với tư cách là Giám mục Roma cho Đức Mẹ. Ngài dâng Đức Mẹ một bó hoa hồng trắng và vàng. Sau đó, ngài đọc một lời cầu nguyện xin Đức Mẹ hướng dẫn con thuyền Giáo hội đến bến bình an, tránh những hiểm nguy và chiến thắng sự dữ. Xin Mẹ bảo vệ thành phố, an ủi những ngừi đến đây, những người không nhà không nơi nương tựa; xin bảo vệ toàn thế giới. Xin Mẹ bảo vệ sự yếu đuối của con người và đồng hành với chúng con đến sự sống đời đời.
Kết thúc giờ cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho những người hiện diện trong khi cộng đoàn hát kinh kính Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma.
Sau đó, từ ban công Đền thờ, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chào các tín hữu hiện diện trước Đền thờ bằng lời của Chúa Kitô phục sinh: “Bình an cho anh em”.
Đức Thánh Cha nói với đám đông dân chúng: “Chào tất cả mọi người, cảm ơn anh chị em đã có mặt ở đây trước Đền thờ này vào buổi chiều nay, buổi tối nay, khi tất cả chúng ta cùng nhau cử hành với tư cách là thành viên của Giáo phận Roma về sự hiện diện của vị giám mục mới. Tôi rất vui khi thấy tất cả anh chị em ở đây và tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em".
Đức Thánh Cha cảm ơn những người làm việc tại Đền thờ đã giúp “sống đời sống cầu nguyện và sùng kính” và “đến gần hơn với Mẹ Thiên Chúa”. Ngài nói thêm rằng chuyến viếng thăm Đền thờ Đức Bà Cả là “một cơ hội tuyệt vời để canh tân lòng sùng kính Đức Maria, "Salus Popoli Romani", người Mẹ đã thường xuyên đồng hành cùng người dân Roma trong những lúc họ cần”. Do đó, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa xin Người sẽ “chúc lành cho tất cả anh chị em, gia đình anh chị em, những người thân yêu của anh chị em và giúp chúng ta cùng nhau bước đi trong Giáo hội như một gia đình của Chúa”.
Lúc 10 giờ sáng, ngày 24 tháng Năm vừa qua, đã có lễ truyền chức linh mục cho hai mươi thành viên Giám hạt tòng nhân Opus Dei, tại Vương cung thánh đường Thánh Eugenio của Giám hạt ở Roma, do Đức Hồng y Arthur Roche, người Anh, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, cử hành.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hai mươi tiến chức đến từ mười một quốc gia, trong đó có Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Argentina, Chile, Mêhicô, Áo, Hungary, Australia, Philippines và Ailen.
Opus Dei, có nghĩa là “Công việc của Thiên Chúa” được thánh Josemaria Esquiva de Balaguer (1902-1975), người Tây Ban Nha thành lập năm 1928 như một phong trào giáo dân, chủ trương nên thánh trong công việc hằng ngày, và xây dựng xã hội qua đời sống Kitô.
Năm 1982, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cấp cho Opus Dei quy chế “Giám hạt tòng nhân”, phần nào giống như một giáo phận không có lãnh thổ, và trực thuộc Bộ Giám mục. Về sau, Đức Giáo hoàng Phanxicô thu hồi một phần quy chế này, qua sự thay đổi giáo luật và đặt giám hạt trực thuộc Bộ Giáo sĩ, đồng thời quyết định bề trên Giám hạt chỉ là một Giám chức hay là “Đức ông”. Hôm 14 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV đã tiếp kiến Đức ông Fernando Ocariz đến trình bày cho ngài về chương trình canh tân quy chế của Giám hạt, đã tiến hành từ năm 2022.
Hiện nay, Giám hạt Opus Dei hoạt động tại 68 quốc gia, và có 94.450 thành viên, trong đó 98% là giáo dân: 60% là nữ giới và 40% là nam giới. 74% là những người có gia đình và 26% độc thận. và 2% là linh mục.
Opus Dei có nhiều đại học, kể cả đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Roma, nơi cũng có một số linh mục và nữ tu Việt Nam theo học.
Trong số các tiến chức linh mục được thụ phong sáng 24 tháng Năm vừa qua, hãng tin Công giáo Áo Kathpress đặc biệt nói đến trường hợp cha José Maria Lopez-Barajas, người Áo gốc Tây Ban Nha, 58 tuổi, đã hoạt động từ hơn 30 năm qua ở thủ đô Vienne. Từ năm 2002, Barajas làm giám đốc cư xá sinh viên ở Vienne, và từ đây hỗ trợ hoạt động của Opus Dei ở các nước Ba Lan, Tchèque, Slovak, Hungari, Rumani, Croát và Sloveni.
(KAP 23-5-2025)
Bốn giám mục giáo phận tại Đức tái khẳng định lập trường không tham gia Hội đồng Con đường Công nghị mà Hội đồng Giám mục và đại diện Ủy ban Trung ương giáo dân Đức đang tiến hành việc thành lập, để cùng nhau cai quản Giáo hội Công giáo tại Đức, kể từ năm 2026 tới đây.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đó là các giám mục Giáo phận Köln, Eichstätt, Passau và Regensburg. Hiện nay, bốn giám mục này cũng không tham gia tiến trình thành lập Hội đồng qua các cuộc họp. Phiên họp gần đây nhất đã diễn ra trong hai ngày 09 và 10 tháng Năm vừa qua, tại thành phố Magdeburg ở miền Đông Đức.
Hôm 19 tháng Năm, báo Die Tagespost đưa tin: trong thư gửi ban tổ chức Ủy ban Con đường Công nghị, bốn giám mục xác định sẽ không ngồi vào các ghế dành riêng cho các vị trong Hội đồng Con đường Công nghị. Sự không tham gia của bốn giám mục nói trên sẽ làm thương tổn nỗ lực muốn trình bày Hội đồng này như một cơ quan đại diện toàn thể Giáo hội Công giáo tại Đức.
Bốn giám mục thuộc khuynh hướng truyền thống, chống lại những nghị quyết đã được đa số giám mục và đại diện giáo dân Đức, thuộc khuynh hướng cấp tiến thông qua, đi ngược với giáo huấn và việc thực hành của Giáo hội Công giáo. Các nghị quyết này chứa đựng trong một tập dày 150 trang, kêu gọi truyền chức phó tế cho phụ nữ, xét lại luật độc thân giáo sĩ, cho giáo dân giảng trong các thánh lễ, giáo dân giữ vai trò lớn hơn trong việc chọn các giám mục, xét lại giáo lý Công giáo về đồng tính luyến ái.
Một nghị quyết gây tranh luận nhiều nhất, được thông qua hồi tháng Chín năm 2022, đó là kêu gọi thành lập Hội đồng Con đường Công nghị, một tổ chức thường trực tham vấn và quyết định, gồm các giám mục, một số giáo dân, để điều hành Giáo hội, đưa ra những quyết định vượt lên trên các giáo phận về mục vụ, tài chánh, ngân sách của Giáo hội, những điều không được quyết định ở cấp giáo phận.
Tuy nhiên, hồi tháng Giêng năm 2023, Tòa Thánh nói với các giám mục Đức rằng các giám mục cũng như những tham dự viên Con đường Công nghị không có thẩm quyền thiết lập một cơ quan như vậy. Tòa Thánh nhắc lại lập trường trên đây, đáp lại câu hỏi của bốn giám mục vừa nói trên đây, và xác quyết các vị không bắt buộc phải tham gia Ủy ban Con đường Công nghị, một cơ quan chuyển tiếp với sứ mạng thành lập Hội đồng Con đường Công nghị vào năm 2026.
Bốn giám mục cũng từ chối tài trợ Ủy ban Con đường Công nghị với quỹ chung của các giáo phận và tẩy chay các cuộc họp của Ủy ban.
Việc Đức Thánh cha Phanxicô qua đời và Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đắc cử đã tạo nên tình trạng không chắc chắn về cơ quan toàn quốc mà các giám mục và đại diện giáo dân Công giáo Đức muốn thành lập. Đức Giáo hoàng Lêô đã từng tham dự các cuộc họp về vấn đề này trong tư cách là Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Bà Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã chào mừng việc bầu cử Đức Giáo hoàng Lêô XIV và tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ của ngài, hôm Chúa nhật ngày 18 tháng Năm. Bà nói với hãng tin Công giáo Đức KNA rằng các vị lãnh đạo Ủy ban ZdK dự tính có các cuộc họp khác ở Roma, có lẽ vào tháng Mười năm nay, không lâu trước khi Ủy ban Con đường Công nghị quyết định về quy chế của mình. Bà đồng ý rằng: “Quy chế này sẽ được đệ trình Tòa Thánh. Như thế sẽ có những tiếp xúc để thăng tiến sự cảm thông với nhau”.
(Pillar 23-5-2025)

Hồng Thủy - Vatican News
Sau lời chào các thành phần hiện diện, Đức Thánh Cha nói rằng cuộc gặp gỡ này là dịp để ngài cảm ơn việc phục vụ của mọi người, điều mà ngài được thừa hưởng từ các vị tiền nhiệm. Cách khiêm tốn, Đức Thánh Cha nói rằng ngài mới chỉ đến làm việc tại Vatican hai năm, từ khi được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục. Do đó, ngài chỉ có thể lặp lại lời của Thánh Phêrô: "Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa" (Ga 21,17).
Các Giáo hoàng qua đi, Giáo triều Roma vẫn còn
Nhấn mạnh rằng dù các Giáo hoàng qua đi, Giáo triều Roma vẫn còn, Đức Thánh Cha nhắc rằng Giáo triều là tổ chức bảo tồn và truyền tải ký ức lịch sử của một Giáo hội và sứ vụ của Giám mục Roma. Điều này rất quan trọng, bởi vì "Ký ức là yếu tố thiết yếu của một cơ thể sống. Nó không chỉ hướng về quá khứ mà còn nuôi dưỡng hiện tại và hướng tới tương lai. Nếu không có ký ức, chúng ta sẽ lạc đường, đánh mất ý nghĩa của cuộc hành trình".
Duy trì ký ức về Tông Tòa
Từ đó, Đức Thánh Cha chia sẻ suy tư đầu tiên: "làm việc tại Giáo triều Roma có nghĩa là góp phần duy trì ký ức về Tông Tòa", "để sứ vụ của Đức Giáo hoàng có thể được thực hiện theo cách tốt nhất có thể".
Chiều kích truyền giáo
Một khía cạnh khác, bổ sung cho ký ức, được Đức Thánh Cha chia sẻ, đó là chiều kích truyền giáo của Giáo triều và các tổ chức liên kết với sứ vụ Phêrô, khía cạnh mà, theo bước các vị tiền nhiệm, đặc biệt là Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kiên trì thực hiện như được đề ra trong Tông huấn Evangelii gaudium và đã cải tổ Giáo triều Roma theo quan điểm truyền giáo bằng Tông hiến Praedicate Evangelium.
Chúng ta phải cùng nhau cố gắng trở thành một Giáo hội truyền giáo
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng kinh nghiệm truyền giáo là một phần cuộc sống của ngài, không chỉ vì đã được rửa tội, mà còn vì là một tu sĩ dòng Augustinô, và ơn gọi mục vụ của ngài đã trưởng thành giữa người dân Peru. Nhấn mạnh ước muốn phục vụ Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc lại điều ngài đã nói trong lời chào đầu tiên vào tối ngày 8/5: "Chúng ta phải cùng nhau cố gắng trở thành một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở lòng chào đón [...] bằng vòng tay rộng mở tất cả mọi người, tất cả những ai cần lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta".
Cộng tác bằng cam kết đức tin và cầu nguyện
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "Những lời này được gửi tới Giáo hội Roma. Và giờ đây tôi lặp lại những lời này khi nghĩ đến sứ mạng của Giáo hội này đối với tất cả các Giáo hội và toàn thế giới, để phục vụ sự hiệp thông, hiệp nhất, trong bác ái và chân lý. Chúa đã giao nhiệm vụ này cho Thánh Phêrô và những người kế nhiệm ngài, và tất cả mọi người theo những cách khác nhau hãy cộng tác vào công việc vĩ đại này. Mọi người đều đóng góp bằng cách thực hiện công việc hàng ngày của mình với sự cam kết và đức tin, bởi vì đức tin và lời cầu nguyện giống như muối cho thức ăn, chúng mang lại hương vị".
Xây dựng sự hiệp nhất bằng cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày
Ngài nhắn nhủ thêm: "Nếu chúng ta phải cùng hợp tác vì mục tiêu cao cả là hiệp nhất và yêu thương, trước hết chúng ta hãy cố gắng thực hiện điều đó bằng cách cư xử trong các tình huống hàng ngày, bắt đầu từ nơi làm việc. Mọi người đều có thể trở thành người xây dựng sự hiệp nhất bằng thái độ đối với đồng nghiệp, vượt qua những hiểu lầm không thể tránh khỏi bằng sự kiên nhẫn và khiêm nhường, đặt mình vào vị trí của người khác, tránh định kiến và cũng bằng một chút hài hước, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta".
Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng nhau cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ ban phước cho Giáo triều Roma và Thành Vatican, cũng như gia đình của mọi người, đặc biệt là các trẻ em, người già, người bệnh và người đau khổ.