Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ

Vatican News
Hội nghị với chủ đề “Các Phật tử và các Kitô hữu cùng làm việc vì hoà bình thông qua hoà giải và kiên định”, có sự cộng tác của các trường đại học, tu viện Phật giáo của Campuchia và Hội đồng Giám mục Campuchia.
Trong một thông báo, Bộ của Toà Thánh cho biết, khoảng 150 tham dự viên đến từ châu Á và các nơi khác, gồm các đại diện của 16 quốc gia và Liên Hội đồng Giám mục Á châu, cùng tụ họp để suy tư, đối thoại và hợp tác thúc đẩy hoà bình trong thời đại chúng ta. Trong một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và bạo lực, cuộc gặp gỡ này là một lời nhắc nhở kịp thời về khả năng của tôn giáo không chỉ trong việc ngăn ngừa bạo lực nhưng còn trong việc thúc đẩy hòa giải và khả năng phục hồi.
Cuộc gặp gỡ quốc tế này sẽ khám phá cách các bản văn thánh thiêng, giáo lý và trải nghiệm sống có thể mang lại sự chữa lành và hy vọng. Hội thảo tiếp tục một truyền thống thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường sự cộng tác giữa các Phật tử và Kitô hữu trong việc phục vụ hoà bình.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Đức Hồng Y George Jacob Koovakad, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn nói rằng trong một thế giới bị tổn thương bởi bạo lực, xung đột, bất công, nghèo đói và suy thoái môi trường, cuộc họp của các lãnh đạo tinh thần và các tham dự viên là một dấu hiệu mạnh mẽ của hy vọng.
Ngài nói: “Cuộc thảo luận của chúng ta mang lại những cơ hội quý giá để lắng nghe và lan tỏa những câu chuyện tích cực về xây dựng hòa bình. Các truyền thống tâm linh của chúng ta không chỉ mang lại tầm nhìn mà còn là sứ vụ, mời gọi chúng ta từ chối sự thờ ơ và đảm nhận nhiệm vụ khó khăn của việc kiến tạo hòa bình, thách đố chúng ta lựa chọn sự hòa giải thay vì trả đũa, và kiên định thay vì buông xuôi”.
Theo Đức Hồng Y, hoà giải và kiên định như một phương thuốc giải độc cho nền văn hoá chia rẽ và huỷ diệt. Những kho báu tâm linh này mời gọi các Phật tử và Kitô hữu trở thành những nghệ nhân chữa lành, sửa chữa các quan hệ và gieo rắc sự hoà hợp vượt qua các ranh giới tôn giáo, văn hoá và xã hội.
Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn kết thúc bài tham luận bằng cách nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong buổi gặp gỡ các đại diện tôn giáo, ngày 19/5. Vào dịp đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự đóng góp của các tôn giáo cho hòa bình bằng cách nói “không” với chiến tranh, với chạy đua vũ khí, với nền kính tế làm con người và Trái đất nghèo đi; nói “có” với hòa bình, với giải trừ vũ khí, với sự phát triển toàn diện. Đức Hồng Y chúc hội thảo đem lại kết quả trong sự cộng tác mới, củng cố mối quan hệ và hành động cụ thể vì một thế giới hoà bình và hoà giải hơn.

Vatican News
Hàng chục ngàn người đã tham dự sự kiện “Đêm các Nhà thờ” lần thứ 17. Khi viếng các nhà thờ, họ có thể gặp gỡ các nam nữ tu sĩ, giáo dân và các tình nguyện viên giáo dân đã hỗ trợ chương trình.
Chương trình cũng bao gồm một số sáng kiếnvăn hóa như các buổi hòa nhạc, triển lãm và gian hàng ẩm thực và rượu vang.
Được tràn ngập bởi Tình yêu không gì có thể tách rời
Tổng giám mục Praha, Đức Cha Jan Graubner, đã viết trong thư gửi đến các du khách: “Mục tiêu của mỗi chúng ta là hạnh phúc. Chúng ta cần hạnh phúc đến từ tình yêu tràn ngập trong lòng chúng ta, để chúng ta có thể nói: Tôi được yêu, vì vậy tôi là. Và tôi sẽ luôn ở trong Tình yêu, một Tình yêu không lừa dối và không điều gì và không ai có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu đó”.
Bộ trưởng Văn hóa Cộng hòa Séc, Martin Baxa, cũng hoan nghênh sáng kiến này và cho biết nó mang lại "trải nghiệm độc đáo và riêng tư".
Ý nghĩa của sự kiện
Ở vùng đất Bohemia và Moravian, "Đêm các nhà thờ" có ý nghĩa rất đặc biệt. Trong khi một mặt, các cuộc xung đột liên tôn đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến ký ức chung của những dân tộc này – đầu tiên là với Chiến tranh Hussite và sau đó là giai đoạn Bohemien của Chiến tranh Ba mươi năm – thì mặt khác, sự đóng góp tích cực trong nhiều thế kỷ của đời sống cộng đồng Kitô giáo địa phương đã bị cản trở mạnh mẽ bởi cuộc đàn áp tôn giáo dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã và trong thời kỳ Cộng sản. Hơn nữa, theo một cuộc khảo sát năm 2017, Cộng hòa Séc là quốc gia có nhiều người theo thuyết bất khả tri nhất trong số những quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Theo điều tra dân số năm 2021, 7% dân số tự nhận mình là người Công giáo. Do đó, những sáng kiến như thế này thúc đẩy sự hiểu biết về di sản nghệ thuật của đất nước và các cộng đồng Kitô giáo đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước, trong một bầu không khí thanh bình và mang tính xây dựng.
Sáng kiến "Đêm các Nhà thờ" bắt nguồn từ Frankfurt, Đức, vào năm 1995, sau đó lan sang các địa điểm khác ở Đức, đến Áo từ năm 2005 và gần đây hơn là đến một số trung tâm ở vùng Nam Tyrol, Cộng hòa Séc, Slovakia và Estonia. (Fides 26/5/2025)

Elias D. Mallon - CNEWA
Năm nay, Giáo hội trên toàn thế giới kỷ niệm 1.700 năm diễn ra Công đồng chung đầu tiên - Công đồng Nixêa. Được tổ chức tại thành phố Nixêa của đế quốc Roma ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 325, khóa họp này của các giám mục và lãnh đạo Giáo hội là khóa họp đầu tiên được xác định là khóa họp "đại kết". Định nghĩa về "đại kết" đã phát triển trong 1.700 năm qua. Rất nhiều điều, tốt đẹp và đáng tiếc, đã xảy ra trong cuộc sống của Giáo hội trong 17 thế kỷ đó.
Công đồng trùng hợp với những thay đổi sâu sắc trong thế giới Hy Lạp-Roma cổ nói chung và trong thế giới Kitô giáo nói riêng. Vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, hoàng đế Roma Diocletiano đã phát động một trong những cuộc đàn áp tàn bạo nhất trong lịch sử của đế chế đối với những người theo Kitô giáo — mặc dù mức độ tàn bạo khác nhau tùy theo từng nơi. Ngoài việc xóa bỏ mọi thách thức đối với quyền lực của mình và củng cố thêm quyền lực cũng như bảo vệ biên giới của đế chế rộng lớn của mình, trải dài từ Ba Tư đến Anh, ông đã tái tổ chức đế chế thành bốn đơn vị tự quản do hai hoàng đế cấp cao, được gọi là "các augusto", và hai đồng nghiệp cấp dưới được hiểu là những người kế nhiệm được chỉ định của họ, được gọi là "các xê-da".
Năm 306, một năm sau khi Diocletiano thoái vị, Constantino được quân đội của ông tuyên bố là hoàng đế tại Eboracum, ngày nay là thành phố York của Anh. Cuối cùng, ông đã giành chiến thắng trong các cuộc nội chiến chống lại những người đồng cấp của mình, Maxentius và Licinius, để trở thành người cai trị duy nhất của Đế chế Roma vào năm 324.
Trong thời kỳ này, Constantino cho rằng chiến thắng của mình là nhờ mối quan hệ đặc biệt mà ông cảm thấy với Chúa của các Kitô hữu, "nhờ dấu chỉ của Người mà ông đã chinh phục", bao gồm cả chiến thắng của ông trước Maxentius tại Cầu Milviano vào ngày 28 tháng 10 năm 312.
Vì vậy, trong khoảng thời gian khoảng 20 năm, Kitô giáo đã nổi lên như một tôn giáo được hoàng đế và cả đế chế yêu quý. Cũng giống như Diocletiano, củng cố quyền lực và bảo vệ biên giới được xếp hạng cao trong số các ưu tiên của Constantino. Khi đó, các lĩnh vực chính trị và tôn giáo không tách biệt, và sự chia rẽ và hỗn loạn, dù là chính trị hay tôn giáo, đều phải được tránh và vượt qua bằng mọi giá.
Tuy nhiên, có một số thách thức phá vỡ sự hiệp nhất của các Kitô hữu trong vương quốc của ông. Thách thức quan trọng nhất liên quan đến linh mục Ariô: giáo lý của linh mục này phủ nhận toàn bộ thiên tính của Chúa Kitô. Đây không phải là lần đầu tiên Constantino phải giải quyết các vấn đề trong nội bộ của Kitô giáo. Năm 314, ông triệu tập Thượng hội đồng Arles để giải quyết cuộc tranh cãi của Donatists, một giáo phái dị giáo ở Bắc Phi. Cuối cùng, chính Constantino, không tham khảo ý kiến của giám mục Roma, đã quyết định và triệu tập công đồng đầu tiên được tổ chức tại Nixêa.
Constantino là người chưa được rửa tội nhưng lại triệu tập và chủ trì Công đồng chung đầu tiên. Điều này đã gây nên một số bất đồng nhận thức về mặt triết học và thần học giữa Kitô giáo Đông phương và Kitô giáo Tây phương. Sự bất đồng này có lẽ rõ ràng nhất trong các hình ảnh biểu tượng mô tả công đồng. Trong Kitô giáo Đông phương, nơi Constantino được tôn kính như một vị thánh cùng với mẹ của ông, Thánh Helen, hoàng đế được mô tả ở trung tâm của biểu tượng như là người chủ trì công đồng. Ngồi ở hai bên của ông, không theo tiền lệ theo kiểu công đồng, là các giám mục, được mô tả trong phẩm phục truyền thống Byzantine, mỗi người cầm sách Phúc Âm. Còn linh mục Ariô bị đánh bại nằm dưới chân các nghị phụ Công đồng.
Trong nghệ thuật của Kitô giáo phương Tây, đại biểu của Giáo hoàng được hai Hồng y đứng hai bên và chủ trì công đồng. Các giám mục trong lễ phục nghi lễ La tinh lắng nghe và trao đổi với nhau khi những tà thuyết của Ariô, người đứng như thể đang bị xét xử, được đọc to. Constantino thường được miêu tả ở phía cạnh ngoài của hình ảnh, được thông báo về các thủ tục tố tụng thay vì chỉ đạo chúng. Miêu tả của phương Tây áp dụng cách hiểu sau này của phương Tây về các công đồng chung.
Điều quan trọng là phải hiểu sự phát triển của các công đồng chung trong một thế giới Kitô giáo không ngừng chia rẽ. Hầu như mọi công đồng, bao gồm cả Công đồng Vatican II (1962-1965), đều tạo ra những người bất đồng chính kiến, một số người trong số họ đã trở thành ly giáo và bị loại trừ - thường là tự loại trừ - khỏi sự hiệp thông với Giáo hội Roma.
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến một Công đồng chung, nhưng việc Đức Giáo hoàng và Thượng phụ phạt vạ tuyệt thông lẫn nhau vào năm 1054, được gọi là Đại ly giáo, bắt đầu sự chia rẽ chính thức giữa Công giáo Tây phương và Chính Thống giáo Đông phương, đã khiến Chính Thống giáo từ chối xem tất cả các công đồng chung của Công giáo sau năm 1054 là công đồng chung vì Chính Thống giáo không tham gia. Về mặt kỹ thuật và thần học, đây là một điểm quan trọng.
Từ ngữ “đại kết” ban đầu ám chỉ đến việc bao gồm tất cả Kitô từ “thế giới con người” (“oikumene” trong tiếng Hy Lạp), những người hiệp thông hoặc đồng thuận về đức tin. Thật đáng buồn, mỗi công đồng “đại kết” lại làm cho ý nghĩa của từ “đại kết” trở nên hạn chế hơn và ít bao hàm hơn.
Vào thế kỷ 19, các nhóm truyền giáo Tin Lành bắt đầu nhận ra rằng sự chia rẽ gần như lan tràn của Kitô giáo đã khiến thông điệp của Phúc Âm trở nên kém tin cậy hơn. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu không phải là tình trạng cần phải chịu đựng, mà là tội lỗi cần phải vượt qua. Dần dần, một phong trào khôi phục sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu bắt đầu.
Hai cuộc thế chiến khủng khiếp của thế kỷ 20, chủ yếu do các Kitô hữu tiến hành, mặc dù không phải là hoàn toàn, đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho phong trào mới nổi. Trong số các sáng kiến khác, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới được thành lập vào năm 1948. Với việc ban hành Sắc lệnh về Đại kết của Công đồng Vatican II năm 1964, “Unitatis redintegratio”, Giáo hội Công giáo đã cam kết tìm kiếm sự thống nhất của các Kitô hữu. Nhưng một hiện tượng thú vị đã xảy ra.
Với các Kitô hữu dấn thân tìm kiếm sự hiệp nhất, ý nghĩa của từ “đại kết” đã mang một ý nghĩa mới, trái ngược với cách sử dụng ban đầu của nó. Nếu trong nhiều thế kỷ, một cuộc họp đại kết là cuộc họp giữa những người tin Chúa hiệp thông với nhau, thì giờ đây nó có nghĩa là một cuộc họp giữa những người tin Chúa và không chia sẻ sự hiệp thông nhưng hy vọng khôi phục lại sự hiệp thông đó. Công đồng “đại kết” Nixêa không phải là “đại kết” theo cùng một cách mà từ ngữ đại kết được các Kitô hữu thế kỷ 21 hiểu ngày nay.
Mục tiêu của Công đồng Nixêa — sự hiệp nhất trong đức tin giữa những các Kitô hữu — vẫn còn, nhưng phương pháp luận đã thay đổi gần 180 độ và, nếu chúng ta nhìn nhận cách thành thật, nó vẫn tiếp tục phát triển. Đức Giáo hoàng Phanxicô và Thượng phụ Bartolomeo của Constantinople đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển đó.
Chúng ta nghe nói về phong trào đại kết của tình bạn. Rõ ràng là hai vị đều tôn trọng nhau. Không ai trong hai vị giảm thiểu những khác biệt thần học chia rẽ họ. Không ai trong số các ngài phủ nhận tầm quan trọng của cuộc đối thoại thần học đang diễn ra. Tuy nhiên, cả hai vị đều nhận ra rằng mọi người có thể khác nhau, thậm chí đáng kể, nhưng vẫn có tình bạn và tình cảm sâu sắc dành cho nhau. Đức Phanxicô và Đức Bartolomeo cho chúng ta thấy rằng chúng ta không cần phải đạt được "sự hiệp nhất hoàn hảo" — có lẽ là một mục tiêu cánh chung — trước khi chúng ta có thể yêu thương nhau và cùng nhau làm việc để đạt được nhiều điều mà chúng ta trân trọng và là mục đích chung.
Một ví dụ về hình thức gặp gỡ đại kết mới hơn này là các chuyến thăm hàng năm của hai nhà lãnh đạo Giáo hội. Vào ngày 29 tháng 6, lễ thánh Phêrô và Phaolô, các Thánh bổn mạng của Giáo hội Roma, Đức Thượng phụ cử một phái đoàn đến tham dự Thánh lễ do Giám mục Roma - Đức Giáo hoàng - chủ sự. Vào ngày 30 tháng 11, lễ Thánh Anrê, Thánh quan thầy của đế quốc Byzantine (được Constantino tái lập thành Roma mới, nhưng thường được gọi là Constantinople cho đến khi đổi tên tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thành Istanbul vào năm 1930), Giám mục Roma cử một đặc sứ đến để tham dự lễ bổn mạng của Tòa Thượng phụ Constantinople, hiện tọa lạc tại một khu phức hợp khiêm tốn ở thủ đô văn hóa, kinh tế và lịch sử nhộn nhịp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo bất kỳ thước đo nào, 1.700 năm là một khoảng thời gian dài. Gánh nặng của lịch sử rất lớn, và có một cám dỗ để cho nó chi phối việc tuân giữ các quy định. Công đồng Nixêa chắc chắn là một sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, giống như nhiều nghi lễ tôn giáo khác, đây không chỉ là sự kiện được để trong văn khố. Công đồng Nixêa là về quá khứ, nhưng không chỉ là quá khứ, như sự thay đổi trong cách hiểu của Kitô giáo về ý nghĩa của từ "đại kết" đã chứng minh. Công đồng có thể chỉ ra một con đường mới và cung cấp cho các Kitô hữu ngày nay một động lực và công cụ mới cho giai đoạn tiếp theo trên con đường hướng đến sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Thông điệp của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô về chuyến viếng thăm Constantinople vào năm 2024 rất đặc biệt ở chỗ ngài đề xuất hai Giáo hội tuân giữ và kỷ niệm ngày kỷ niệm này. Ngài viết: “Lễ kỷ niệm 1.700 năm sắp diễn ra của Công đồng chung đầu tiên Nixêa sẽ là một cơ hội khác để làm chứng cho sự hiệp thông ngày càng phát triển vốn đã tồn tại giữa tất cả những người được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Đây không chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng, mặc dù nó là một biểu tượng mạnh mẽ. Đây là một hành động thiết thực không chỉ cho thấy mối liên kết tình cảm thực sự, mà còn là sự cụ thể hóa sự hiệp nhất vốn đã tồn tại giữa hai Giáo hội — một điều thực sự đáng để cử hành.

Vatican News
Luật nhân đạo phải được tôn trọng ở Gaza
Trước hết về chiến sự tại Dải Gaza, với việc nhiều trẻ em đang chết đói, người dân kiệt sức, và bom thì rơi xuống trường học và bệnh viện, nhưng dường như không có sự quan tâm nào ngăn chặn các vụ đánh bom, Đức Hồng Y nói: “Những gì đang diễn ra tại Gaza là không thể chấp nhận được. Luật nhân đạo quốc tế phải luôn được tôn trọng, và áp dụng cho tất cả mọi người. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt các cuộc ném bom và viện trợ cần thiết cho người dân: tôi tin rằng cộng đồng quốc tế phải làm mọi điều có thể để chấm dứt thảm kịch này. Đồng thời, chúng tôi mạnh mẽ lặp lại lời kêu gọi Hamas ngay lập tức thả tất cả các con tin còn đang bị giam giữ, và trao trả thi thể của những người đã bị sát hại sau vụ tấn công tàn bạo ngày 7/10/2023 nhằm vào Israel”.
Đối với vụ tấn công gần đầy ở Washington, làm cho hai nhân viên đại sứ quán Israel thiệt mạng, Đức Hồng Y kêu gọi mọi người cảnh giác với căn bệnh ung thư bài Do Thái, và phải cương quyết diệt trừ thái độ này.
Vai trò trung gian của Toà Thánh
Với câu hỏi liên quan đến việc Nga nói “không” với khả năng cuộc đàm phán giữa Nga và Ucraina diễn ra tại Vatican, Quốc vụ khanh Toà Thánh trả lời: “Đức Thánh Cha Lêô đã bày tỏ sự sẵn sàng của Tòa Thánh trong việc tiếp đón bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra, với lời đề nghị cung cấp một địa điểm trung lập và được bảo vệ. Do đó, đây không phải là một sự trung gian, vì một sự trung gian chỉ có thể diễn ra khi được các bên yêu cầu. Trong trường hợp này, chỉ đơn thuần là một lời đề nghị công khai về việc sẵn lòng tiếp nhận một cuộc gặp gỡ có thể xảy ra”.
Theo ngài, hiện nay cũng đang có những đề xuất về các địa điểm khác, như Genève. Trong mọi trường hợp, điều quan trọng không phải là cuộc đàm phán giữa Nga và Ucraina - điều tất cả chúng ta đều mong muốn - sẽ diễn ra ở đâu. Điều thực sự quan trọng là cuộc đàm phán đó có thể bắt đầu, bởi vì chấm dứt chiến tranh là một điều rất cấp bách.
Không để máy móc quyết định về sự sống và cái chết của con người
Trong cuộc phỏng vấn, đề cập đến thông điệp Rerum Novarum được công bố vào cuối thế kỷ XIX với cuộc cách mạng công nghiệp hoá, và cuộc cách mạng kỹ thuật số ngày nay, với những thách đố mà trí tuệ nhân tạo đặt ra, Tổng Biên tập Vatican News đã đặt câu hỏi “Làm thế nào để ứng phó với những thách đố này?”. Đức Hồng Y trả lời: “Chúng ta đang chờ đợi những suy tư mà Người Kế Vị Thánh Phêrô sẽ muốn thực hiện về điều này. Tôi tin rằng con đường đúng không phải là sự chấp nhận vô điều kiện, cũng không phải là thái độ lên án cực đoan. Những khả năng ngày càng tinh vi và hiệu suất cao mà công nghệ mang lại cho chúng ta vẫn phải là công cụ, và phải được sử dụng cho mục đích tốt, không bao giờ được quên rằng chúng ta không thể ủy thác cho máy móc quyền đưa ra những quyết định liên quan đến sự sống và cái chết của con người”.
Quốc vụ khanh Toà Thánh kêu gọi mọi người cần phải cảnh giác để tránh kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo bị sử dụng như một công cụ tuyên truyền nhằm thao túng dư luận bằng những thông tin sai lệch.
Ngài kết luận: “Khi nhắc đến các nhà báo bị bỏ tù, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nói đến lòng can đảm của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền của các dân tộc được tiếp cận thông tin, bởi chỉ khi được thông tin đầy đủ, các dân tộc mới có thể đưa ra những lựa chọn tự do”.

Vatican News
Cuộc hành hương Năm Thánh có chủ đề là “Hy vọng hòa bình ở Châu Phi” và được tổ chức nhân Ngày Quốc tế Châu Phi lần thứ 62. Sự kiện này có sự tham dự của khoảng 500 người.
Đức Thánh Cha đã đến gặp gỡ đoàn hành hương vào cuối Thánh lễ do Đức Hồng y Peter Turkson cử hành tại Bàn thờ Ngai tòa trong Đền thờ Thánh Phêrô.
Được kêu gọi trở thành dấu chỉ hy vọng
Trong bài phát biểu tự phát bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói rằng Năm Thánh này mời gọi tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội “tìm kiếm hy vọng, nhưng cũng trở thành dấu chỉ hy vọng” cho nhân loại. Ngài nói thêm: “Thật quan trọng biết bao khi mỗi người đã chịu phép rửa tội đều cảm thấy mình được Thiên Chúa kêu gọi trở thành dấu chỉ hy vọng trong thế giới ngày nay". Và theo nghĩa này, “lục địa châu Phi mang đến cho toàn thế giới” một “chứng tá vĩ đại”.
Sống đức tin mỗi ngày
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “chính đức tin mang lại cho chúng ta sức mạnh” và “giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống của mình và hiểu được tầm quan trọng của việc sống đức tin, không chỉ vào các ngày Chúa Nhật, không chỉ trong các cuộc hành hương, mà là mỗi ngày”.
Nhờ đức tin, chúng ta hiệp nhất và dùng ơn Chúa để phục vụ tha nhân
Theo ngài, đức tin giúp chúng ta được “tràn đầy hy vọng mà chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể ban cho chúng ta”, để có thể tiếp tục bước đi cùng nhau “hiệp nhất như anh chị em để ngợi khen Thiên Chúa của chúng ta” và “nhận ra rằng mọi thứ chúng ta có và mọi thứ chúng ta là đều là món quà từ Thiên Chúa và dùng những món quà này để phục vụ người khác”.
Đức Thánh Cha cũng cám ơn các đại sứ, những người cộng tác và toàn thể gia đình họ, cảm ơn họ đã sống đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.
Cuối cùng, ngài mời gọi mọi người hiệp với ngài trong lời cầu nguyện cho nhóm hành hương: "Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa và xin cho Danh Chúa được ngợi khen".
Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa Chúa nhật ngày 25 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV nhắc đến tình trạng khó khăn của các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha nói rằng:
“Hôm qua, ngày 24 tháng Năm, lễ kính nhớ Đức Mẹ Maria Phù hộ các tín hữu Kitô, có cử hành Ngày cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc, do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thiết lập năm 2007. Trong các nhà thờ và đền thánh của Trung Quốc và toàn tế giới, kinh nguyện được dâng lên Thiên Chúa như dấu chỉ mối quan tâm và lòng quý mến đối với các tín hữu Công giáo Trung Hoa và sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Ước gì sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria chí thánh đạt được cho họ và chúng ta ơn trở nên những chứng nhân mạnh mẽ và vui tươi của Tin mừng, cả trong những lúc thử thách, để luôn thăng tiến hòa bình và sự hòa hợp”.
(Sala Stampa 25-5-2025)
Hôm 26 tháng Năm vừa qua, hãng tin Công giáo Asia News của Hội Giáo hoàng Truyền giáo hải ngoại Milano, cho biết các linh mục hầm trú tại Trung Hoa ngày càng bị sức ép của nhà nước đòi phải đăng ký gia nhập Hội Công giáo yêu nước.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hãng tin Asia News đã nhận được thư của một linh mục hầm trú, nhân ngày cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo tại Trung Hoa, ngày 24 tháng Năm, do Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI thiết lập hồi năm 2007 để liên đới với Giáo hội Công giáo tại nước này. Sức ép này càng mạnh mẽ hơn tại những miền ở Trung Quốc, nơi có các cộng đoàn Công giáo hầm trú đông đảo.
Trong thư, vị linh mục hầm trú giải thích rằng việc đăng ký gia nhập Hội Công giáo yêu nước không phải là một hành vi hình thức, nhưng là một vấn đề rất cụ thể đối với việc thi hành mục vụ. Những khó khăn này cũng liên hệ tới cuộc sống của linh mục.
Sau đây là một số vấn đề được linh mục này kể lại trong bức thư dài:
Khi một giáo sĩ chính thức đăng ký gia nhập hội này, một cơ quan được nhà nước chính thức nhìn nhận, thì được công nhập “quy chế hợp pháp” trên bình diện mục vụ cũng như lương tâm”, nhưng về phương diện này, linh mục phải đương đầu với một loạt các thách đố phức tạp.
Trước tiên là xung đột trong lương tâm. Giáo hội Công giáo nhấn mạnh “tự do lương tâm” và sự “trung thành” với đức tin. Gia nhập Hội yêu nước, có nghĩa là chấp nhận sự lãnh đạo của một tổ chức bị Giáo hội hoàn vũ nghi ngờ.
Đối với một số linh mục, đăng ký gia nhập hội yêu nước là một thỏa hiệp với quyền bính chính trị, tạo nên một cảm thức tội lỗi vì phản bội đức tin, sự phản bội này tích lũy với thời gian.
Sự mơ hồ trong việc hiệp thông với Đức Thánh cha
Mặc dù Đức Giáo hoàng Phanxicô, vì những lý do mục vụ, đã chấp nhận sự hợp pháp của một số “giám mục có đăng ký”, hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không buộc các linh mục phải đăng ký gia nhập Hội Công giáo yêu nước.
Sau khi đăng ký, một số linh mục có thể bị hiểu lầm là “không còn trung thành với Tòa Thánh”, và tình trạng này tạo nên một vùng “tranh tối tranh sáng” trong căn tính Giáo hội của họ.
Tiếp đến, với sự đăng ký, không gian mục vụ được mở rộng, nhưng có rất nhiều hạn chế.
Các buổi cử hành công cộng đều bị kiểm soát. Các linh mục ấy có thể cử hành thánh lễ, giảng và cử hành các bí tích trong các thánh đường được nhà nước phê chuẩn. Nhưng nội dung các bài giảng phải tránh những đề tài nhạy cảm, như quyền bính của Đức Thánh cha, Giáo hội hoàn vũ, những cuộc bách hại tôn giáo và tình trạng Giáo hội hầm trú.
Các thánh đường thường bị gắn máy thu hình và nhân viên nhà nước có thể chứng kiến hoặc thậm chí can thiệp trong lúc linh mục giảng dạy.
Tự do hành chánh bị giới hạn: Tổ chức các biến cố, các khóa huấn luyện, bồi dưỡng, các lớp giáo lý cho người trẻ, đều phải xin phép nhà nước.
Không thể tự do thành lập các chủng viện hoặc các nhóm huấn luyện ơn gọi. Các tín hữu phải được phép chính thức để thi hành vai trò giảng thuyết hoặc thuyết trình, giới hạn sự cộng tác mục vụ với giáo dân.
Cần liên tục gia hạn những giấy chứng nhận, và điều này tạo nên sự căng thẳng tinh thần cho giáo sĩ.
Một vấn đề khác nữa là sự mất tín nhiệm của cộng đoàn tín hữu: Các tín hữu hầm trú có thể coi các linh mục gia nhập Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc là những người thỏa hiệp, là những người thất bại. Mạng các tín hữu thân tín có thể bị tan vỡ, làm thương tổn sự liên tục mục vụ.
(Asia News 26-5-2025)
gala.fr, Lena Saint Jalmes, 2025-05-21
Về vấn đề Ukraine, Đức Lêô ngược với người tiền nhiệm của ngài. Là người bảo vệ hòa bình, ngày thứ hai 19 tháng 5, ngài đưa ra một đề xuất bất ngờ cho Tổng thống Donald Trump.
Giáo hoàng Lêô không muốn mất thì giờ. Ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì để mang lại hòa bình cho thế giới. Đứng đầu Vatican kể từ ngày thứ năm 8 tháng 5 năm 2025, chưa đầy hai tuần, ngài đã bất đồng quan điểm với Đức Phanxicô về vấn đề Ukraine. Ngài chưa bao giờ công khai nói về cuộc chiến ở Ukraine, nhưng ngài có quan điểm khác. Đức Phanxicô ngần ngại cho nước Nga là kẻ xâm lược, nhưng Đức Lêô không muốn đứng nhìn và không làm gì, vì thế ngài đề nghị Vatican là nơi thương thuyết để ngừng bắn, như thế Tòa Thánh chuyển từ vị thế quan sát viên qua vị thế địa chính trị. Với đề xuất này, ngài có một người ủng hộ bất ngờ: Tổng thống Donald Trump, ông đã thất bại trong cuộc thương thuyết ở Istanbul vài giờ trước đó. Sau cuộc điện đàm với Vladimir Putin ngày thứ hai 20 tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố các cuộc thương thuyết sẽ bắt đầu “ngay lập tức” và nêu Vatican là địa điểm họp có khả năng diễn ra.
Đức Lêô đã hành động nhanh chóng, ngài “gặp các nhà lãnh đạo Ukraine, kêu gọi thương thuyết trực tiếp và đặt Ukraine vào trung tâm lời kêu gọi hòa bình của ngài”, hãng tin TVP World đưa tin và nhắc lại, khi Nga xâm lược năm 2022, Đức Phanxicô đã chọn gặp đại sứ Nga trước khi gọi điện thoại đến Kyiv, ngài còn nói “tiếng sủa” của NATO đã khiêu khích Matxcơva và trong một thời gian, ngài từ chối chỉ định Vladimir Putin là kẻ xâm lược. Ngay từ những giây phút đầu tiên ở cương vị Giáo hoàng, Đức Lêô XIV đã đặt Ukraine vào trọng tâm sứ mệnh của ngài. Cuộc gọi điện thoại đầu tiên của ngài là với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và cuộc gặp đầu tiên của ngài là với Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp của Ukraine. Chúa nhật 18 tháng 5 trong thánh lễ nhậm chức, ngài cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh và gọi Ukraine là “tử đạo”. Một từ mạnh mẽ mà Đức Phanxicô chưa bao giờ nói. Sau thánh lễ, ngài đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn

Vatican News
Vào tháng 6/2024, dự luật ủng hộ "tử" gần được thông qua tại Paris, nhưng sau khi tổng thống Macron giải tán Quốc hội, tiến trình thông qua dự luật bị dừng lại.
Vào tháng 1 năm nay, thủ tướng mới François Bayrou đã yêu cầu Quốc hội xem xét các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ và trợ tử, vốn trước đây đã được hợp nhất trong cùng một dự luật "cuối đời", trong hai văn bản riêng biệt. Do đó, kể từ ngày 9/4/2025, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã xem xét hai dự luật riêng biệt.
Trong khi dự luật ủng hộ chăm sóc giảm nhẹ - đảm bảo mọi bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc như vậy khi cuối đời - nhận được sự đồng thuận rộng rãi, thì dự luật ủng hộ việc hợp pháp hóa hỗ trợ y tế để chết, hay là "trợ tử" - đang gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong các đảng phái chính trị của Pháp.
Trong một năm qua, các Giám mục Pháp đã vận động mạnh mẽ để phản đối vấn đề "trợ tử". Trong những tuần gần đây, các ngài đã gia tăng nỗ lực kêu gọi các nghị sĩ phản đối việc đưa ra dự luật "quyền được chết".
"Giết người không thể là lựa chọn của tình huynh đệ hay phẩm giá"
Vào ngày 6/5/2025, đáp lại bình luận của tổng thống Macron về dự luật "trợ tử", điều mà ông gọi là "cái ác nhỏ hơn", Đức Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort của Reims viết trên mạng xã hội X rằng "lựa chọn giết người và giúp giết người không phải là cái ác nhỏ hơn". Ngài nói rằng nó rõ ràng là cái chết và phải được nói ra mà không nói dối và không che dấu. Ngài nói: "Giết người không thể là lựa chọn của tình huynh đệ hay phẩm giá. Đó là lựa chọn của sự bỏ rơi và từ chối giúp đỡ cho đến cùng. Sự vi phạm này sẽ đè nặng lên những thành viên dễ bị tổn thương và cô đơn nhất trong xã hội của chúng ta".
Cần những chính trị gia can đảm
Về phần mình, trong tuyên bố ngày 12/5/2025, Tổng giám mục Olivier de Germay của Lyon đã kêu gọi các thành viên của Quốc hội: "Chúng ta cần những chính trị gia có đủ can đảm đi ngược lại xu hướng" và "có đủ can đảm để nói không với sự liên đới giả tạo khi nói với những người già rằng chúng ta có thể giúp họ biến mất".
Tuyên bố chung của các tôn giáo
Vào ngày 15/5/2025, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Pháp, bao gồm Công giáo, Do Thái, Hồi giáo, Tin lành, Chính thống giáo và Phật giáo, đã đưa ra tuyên bố phản đối chung đầu tiên của họ đối với đề xuất này. Tuyên bố chung lên án "những hành vi lạm dụng nghiêm trọng" và "sự thay đổi triệt để" mà việc đưa ra dự luật "trợ tử" sẽ kéo theo.
Đồng hành cùng người bệnh đến cuối đời
Ngày 16/5/2025, trên tờ báo Công giáo hàng ngày La Croix, Tổng giám mục Vincent Jordy của Tours, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã giải thích lý do khiến Giáo hội phản đối dự luật "trợ tử": "Chúng ta thực sự giúp mọi người đối diện với cái chết khi chúng ta đồng hành cùng họ đến cuối đời. Có sự thiếu hụt rõ rệt về người chăm sóc, và cứ hai người Pháp thì một người có thể khiếu nại vẫn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc giảm đau, điều mà chúng tôi biết là làm giảm các yêu cầu được chết trong phần lớn các trường hợp".
Vào ngày 17/5/2025, các nhà lập pháp đã thông qua một sửa đổi cho dự luật sẽ được bỏ phiếu vào ngày 27/5/2025, khi tạo ra một quyền mới, "quyền được chết với sự hỗ trợ". Họ từ chối sử dụng các thuật ngữ "an tử" - bởi vì "nó đã được Hitler và Đức Quốc xã sử dụng từ tháng 10/1939 trở đi" - và "tự tử", để tránh nhầm lẫn với việc ngăn ngừa tự tử như vẫn thường được hiểu cho đến nay.
Nói không với việc hợp pháp hóa an tử và trợ tử
Vào ngày 18/5/2025, các giáo xứ trên khắp nước Pháp đã phân phát áp phích và tờ rơi trong các Thánh lễ Chúa Nhật, cũng được đăng trên các tài khoản mạng xã hội của các giáo phận và giáo xứ, củng cố chiến dịch của các Giám mục phản đối dự luật.
Các Giám mục đã yêu cầu các tín hữu Công giáo liên hệ trực tiếp với đại diện của họ. Các ngài nhấn mạnh: "Chúng ta đừng im lặng. Chúng ta hãy nói không với việc hợp pháp hóa an tử và trợ tử. ... Nếu được thông qua vào ngày 27/5, dự luật này, một trong những dự luật dễ dãi nhất trên thế giới, sẽ đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất và đặt ra câu hỏi về sự tôn trọng đối với mọi sự sống con người".
Tuy nhiên, ba ngày sau, vào ngày 21/5/2025, các đại biểu Quốc hội đã thông qua điều khoản xác định các điểm về thủ tục yêu cầu trợ tử, và yêu cầu này sẽ được chấp nhận ngay cả cho những người chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.
Tối cùng ngày 21/5/2025, 12 giám mục của khu vực Paris đã tham gia một buổi cầu nguyện và lắng nghe những chứng tá về sự sống tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Tại Quốc hội, cuộc tranh luận sẽ tiếp tục cho đến ngày 25/5/2025, trước khi bỏ phiếu chính thức vào ngày 27/5/2025.

Vatican news
Kolwezi trước đây từng được bao phủ bởi rừng và là nơi lưu giữ khoảng một phần tư trữ lượng cobalt trên thế giới, loại khoáng chất dùng để chế tạo pin điện thoại di động. Nhưng giờ đây, hoạt động khai thác cobalt của các công ty Trung Quốc khiến đất đai bị biến dạng với rừng cây bị san phẳng, và tạo nên nhiều hố sâu.
Về mặt con người, đây là thành phố có nhiều nô lệ nhất hành tinh, gần như toàn bộ 800.000 cư dân, trong đó có cả trẻ em, đều làm việc trong các công trường khai thác mỏ với điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, nhưng lại không được hưởng trọn thành quả lao động. Ví dụ một bao 40 kg đá heterogenite, trong đó có chứa khoảng 1% cobalt, được bán ra ngoài với giá 4 đô la Mỹ, nhưng người lao động chỉ nhận được 2,8 đô la. Để khai thác 40 kg đá cần 12 giờ làm việc.
Ông Henri Kasongo, Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên của Giáo phận Kolwezi nói rằng ở đây có một sự nghịch lý rất lớn giữa sự giàu có của thiên nhiên và sự đói nghèo của người dân do bị trục xuất khỏi các các vùng lãnh thổ, nhưng không được bồi thường, không được hưởng trọn thành quả lao động do mình làm ra, mặc dù luật có quy định và được các tổ chức phi chính phủ như Pact của Hoa Kỳ giám sát.
Theo ông Kasongo, một trong những điều khác biệt giữa các tổ chức phi chính phủ và Giáo hội là các tổ chức phi chính phủ hoạt động từ bên ngoài, trong khi Giáo hội Công giáo hoạt động từ trong nước. Việc giám sát phải được thực hiện thường xuyên.
Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên của Giáo phận giải thích: "Ủy ban là một cơ cấu góp phần thức tỉnh cộng đồng để họ nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Vai trò của chúng tôi là giúp đỡ các gia đình của những người làm việc trong mỏ đòi lại các quyền lợi của họ, được quy định trong Bộ luật để doanh thu từ hoạt động khai thác mỏ có thể đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Ngoài ra, Uỷ ban còn tổ chức các khoá học nhằm tăng cường nhận thức cho các nhà lãnh đạo cộng đồng và các doanh nghiệp”.