Dân Chúa Âu Châu

virus-zika-012Nguyễn, Văn Ta ( Dịch lược từ thông tin tổng quát của bệnh viện tại Frankfurt ( CHLB Đức)

Nguyên nhân gây bệnh:
Virus Zika được lây truyền từ muỗi, đặc biệt loại muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) rất nhỏ có nguồn gốc từ Châu Phi, có thể đốt người vào ban ngày mà không gây đau và không có nọc độc, song lại chuyên truyền bệnh sốt xuất huyết rất cao.

Người mắc bệnh nhiễm Virus Zika này thường có các triệu chứng như phát ban, đau đầu, đau khớp, đau cơ và sốt. Tuy nhiên nếu so sánh với các bệnh lây truyền từ muỗi ở vùng nhiệt đới khác thi Virus Zika được mô tả nhẹ hơn, không nguy hiểm gây tử vong, song Virus này được nghi ngờ có khả năng gây dị tật bẩm sinh, teo não ở trẻ sinh ra từ người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai, được cho là có liên quan tới hội chứng rối loạn có khả năng làm tê liệt thần kinh (Guillain-Barre). Trong khi Virus Zika lại chưa có thuốc điều trị và thuốc tiêm phòng ngừa. ( Người Việt trong nước gọi là „vắc xin“ phát âm theo từ vaccine của Pháp ngữ).

Virus Zika được phát hiện đầu tiên trong một con khỉ vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Từ đó chúng bùng phát ra nhiều nước ở khu vực Châu Phi, rồi sang Châu Á . Đến năm 2014, Virus Zika bắt đầu xuất hiện tại Châu Mỹ, đầu tiên là tại đảo Easter, sau đó dần dần tiến tới Ba Tây (Brazil) và ở các khu vực biên giới của Hoa Kỳ.

Bệnh được lây truyền qua vết chích (đốt) của muỗi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên còn có một số bằng chứng gợi ý Virus Zika có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, song sự ghi nhận là rất hiếm.

Những biểu hiện nhiễm bệnh Virus Zika xảy ra thường trong khoảng thời gian 3-12 ngày sau khi bị muỗi chích (đốt) lây nhiễm và kéo dài đến một tuần. Ít người phải nhập viện vì Virus Zika, và các trường hợp tử vong vì Virus Zika là rất hiếm, do vậy bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc giảm đau và hạ sốt cũng như uống nước đầy đủ.

Vào thời điểm này, tuy ở Đức chưa ghi nhận ca bệnh do Virus Zika, nhưng bệnh có nguy cơ xâm nhập, đặc biệt những du khách đi, đến hoặc về từ quốc gia vùng nhiệt đới có biểu hiện dịch bệnh, do vậy những du khách này cần được tư vấn và theo dõi chặt chẽ.

Phòng ngừa và điều trị tùy chọn:
Liên quan đến công tác phòng chống các bệnh do muỗi gây ra thì nên sống trong khu vực có điều hòa hoặc được che chắn bởi cửa kín để muỗi không thể xâm nhập. Mặc quần áo dài và sáng khi đi ra ngoài. Tránh dùng các mỹ phẩm có mùi hương. Sử dụng các chất đuổi và lưới chống muỗi.

Trước khi đi công tác hoặc du lịch các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, du khách nên tìm hiểu về tình trạng hiện tại của Virus Zika trong khu vực của mình đến. Riêng du khách trở về lại Đức từ một khu vực có dịch bị nhiễm trùng cần tới gặp bác sĩ, trong nỗ lực nếu cần thiết có thể thực hiện chẩn đoán và xét nghiệm.

Viện Y học Nhiệt đới „Bernhard-Nocht-Institut“ ở Hamburg (CHLB Đức) hiện đang cung cấp xét nghiệm, chuẩn đoán Virus Zika, cũng như hướng dẫn du khách đi du lịch đến Ba Tây (Brazil), đặc biệt đối với phụ nữ mang thai muốn đi du lịch ở các vùng nhiệt đới đã được công bố trên mạng của Bộ Ngoại Giao và Hội Y học Nhiệt đới của Đức.

Hiện nay các thông tin tổng quát về Virus Zika đã được biên soạn chung trên cơ sở có sẵn, được cập nhật trực tuyến liên tục trên trang chủ của Viện Robert Koch.

Lời kết:
Theo người dịch lược bài này thì nguy cơ Virus Zika xâm nhập vào Việt Nam là khá cao, vì muỗi Aedes albopictus (muỗi vằn hay muỗi hổ) ở Việt Nam không hiếm, lại thích tung hoành chích (đốt) vào ban ngày hơn là ban đêm. Vả lại Thái Lan lại là nước đang trong danh sách có người nhiễm Virus Zika, nên việc xâm nhập bệnh này vào Việt Nam qua đường khách du lịch là rất cao. Mặc dù các cơ quan y tế thế giới khẳng định con đường phổ biến nhất để lây lan Virus Zika là thông qua muỗi, song một số nghiên cứu cũng đã cho thấy Virus Zika có thể lây nhiễm qua đường tình dục và qua đường máu, do vậy cũng giống như các bệnh lây lan qua đường tình dục khác, việc sử dụng bao cao su là một biện pháp phòng ngừa an toàn nhất trên xa lộ Biên Hòa!!!

Nguyễn Văn Tạ soạn dịch ( Mùng 1 Tết Bính Thân 2016)