Dân Chúa Âu Châu

Trong một cuộc bán đấu giá ở New York, ông Dmitry Muratov, chủ bút  báo độc lập tiếng Nga Báo Mới, Novaya Gazeta đã bán giải Nobel của ông được 103,5 triệu đô la. Số tiền này sẽ được tặng cho quỹ Unicef để giúp các trẻ em Ukraine phải di tản kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

la-croix.com, La Croix (với AFP),2022-06-22

Giải Nobel Hòa bình Dmitry Muratov tại buổi đấu giá huy chương giải thưởng danh giá của ông ở New York vào ngày 20 tháng 6 năm 2022.

Năm 2021, cùng với nhà báo Phi Luật Tân Maria Ressa, ông Dmitry Muratov đã giành được giải thưởng Nobel danh giá vì những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Ông vinh danh cho tờ báo Novaya Gazeta của ông và các cộng tác viên “những người đã hy sinh để bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho mọi người”.

Tiền thu được sẽ tặng cho Quỹ Nhi đồng Quốc tế Unicef

Cuộc bán đấu giá diễn ra sôi động ở New York với những tràng pháo tay vang dội và được kích thích bởi những người đặt giá để bán được cao hơn. Nhà báo đã ghi lại những đoạn phim về màn đấu giá và không khí trong phòng.

Theo Heritage Auctions, đơn vị phụ trách bán đấu giá thì số tiền thu được, của một người ẩn danh đấu giá qua điện thoại đã trả 100 triệu frank Thụy Sỹ tương đương với 103,5 triệu đô la, sẽ được tặng cho Quỹ Nhi động Quốc tế Unicef dành giúp trẻ em Ukraine bị di tản vì chiến tranh. Khi lần trả giá cuối cùng xong, tăng hàng chục triệu đô la so với lần trước, cả khán phòng sửng sốt, kể cả ông Muratov, chủ nhân của giải Nobel. Chỉ một vài phút sau khi phiên đấu giá kết thúc, Unixef thông báo đã nhận được khoản tiền này.

Theo ông, việc ông chọn cơ quan Unicef là vì “chúng tôi biết tổ chức này không thuộc bất kỳ chính phủ nào và có thể hoạt động ở trên và không có biên giới”.

Điều tra tham nhũng và vi phạm nhân quyền

Ông Dmitry Muratov là một trong những người sáng lập tờ báo Novaya Gazeta, được thành lập vào năm 1993 sau khi Liên Xô sụp đổ. Kể từ đó, ông điều khiển tờ báo gần như liên tục. Được biết đến đặc biệt với các cuộc điều tra về tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở Chechnya, tờ báo đã trở thành tờ báo lớn cuối cùng chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin và các chiến thuật của ông trong và ngoài nước.

Vào cuối tháng 3, báo Novaya Gazeta thông báo họ sẽ đình chỉ các ấn phẩm trực tuyến và báo giấy ở Nga cho đến khi kết thúc cuộc can thiệp vào Ukraine, trong bối cảnh Điện Kremlin cứng rắn chống lại những tiếng nói bất đồng. Ông viết trong thư gởi độc giả: “Ở đây chúng tôi không có giải pháp nào khác. Đối với chúng tôi, và tôi biết đối với quý độc giả, đây là một quyết định khủng khiếp và đau đớn. Nhưng chúng ta phải bảo vệ lẫn nhau.”

Sáu nhà báo bị giết từ những năm 1990

Theo ông, kể từ khi Nga tấn công Ukraine, ban biên tập đã tiếp tục làm việc trong 34 ngày “trong điều kiện kiểm duyệt quân sự”. Tờ báo đã phải trả một cái giá đắt cho dấn thân của họ: kể từ những năm 1990, có 6 nhà báo hoặc cộng tác viên của họ bị giết trong đó có nữ ký giả nổi tiếng, bà Anna Politkovskạa, người nổi tiếng với những chỉ trích về cuộc chiến đẫm máu của Điện Kremlin ở Chechnya và bị ám sát ngày 7 tháng 10 năm 2006.

Ông tâm sự với hãng tin AFP tháng 3 năm 2021, rúng động trước vụ giết người này, đã có thời gian ông cân nhắc đóng cửa tờ báo mà theo ông là nguy hiểm cho tính mạng, nhưng ông đã quyết định tiếp tục khi đối diện với quyết tâm của ban biên tập của ông.

“Được lắng nghe”

Ngày thứ hai, ông ca ngợi sự kiên trì của các nhà báo, những người tạo  trở ngại quan trọng cho các chính phủ và là phương tiện ngăn chặn chiến tranh. Ông nói với hãng tin AFP: “Dù đã không biết bao nhiêu lần, mỗi người trong chúng tôi đã muốn thông báo và xin từ chức, nhưng chúng tôi phải tiếp tục công việc của mình”.

Trong một đoạn video được tổ chức Heritage Auctions đăng, ông cho biết việc có được giải Nobel “mang lại cho chúng tôi cơ hội được lắng nghe”. Ông nói: “Thông điệp quan trọng nhất ngày hôm nay là mọi người hiểu có một cuộc xung đột đang xảy ra và chúng ta phải giúp đỡ những người đang đau khổ nhất, đặc biệt là các trẻ em trong các gia đình tị nạn”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn