Dân Chúa Âu Châu

Đức cha Antoine Audo, Giám mục giáo phận Aleppo thuộc Giáo hội Công giáo Canđê bên Siria, tố giác xu hướng ém nhẹm các vụ chà đạp nhân quyền từ phía chính phủ cũng như phiến quân tại nước này từ 10 năm qua.

Trong những ngày qua, một phúc trình của Ủy ban quốc tế độc lập của Liên Hiệp Quốc điều tra về các tội ác trong 10 năm chiến tranh tại Siria đã được công bố, dựa trên 2.650 cuộc phỏng vấn các cựu tù nhân tại hơn 100 trung tâm giam giữ, do chính phủ Siria và các nhóm thánh chiến Hồi giáo quản trị. Phúc trình cho thấy hàng chục ngàn thường dân đã bị mất tích, sau khi bị bắt cóc hoặc bắt giam trái phép trong 10 năm chiến tranh tại Siria. Hàng ngàn người khác đã bị tra tấn hoặc bị giết trong khi bị giam cầm trong tù, giữa những tội ác chống lại nhân loại từ mọi phía.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Asia News, truyền đi ngày 5/3/2021 vừa qua, Đức cha Antoine Audo, từng là Chủ tịch Caritas Siria, cho biết: “Tại nước này người ta có xu hướng không nói gì và giữ im lặng về những bạo lực, như được trình bày trong phúc trình, thái độ này đến từ mọi phía, vì đây là vấn đề rất tế nhị, và ai mà nói ra thì có nguy hiểm đến tính mạng... Ngoài ra, cũng rất khó tìm được những bằng chứng để xác nhận bạo lực và bạo lực được lạm dụng như một võ khí chính trị và tuyên truyền”.

Cuộc xung đột tại Siria bắt đầu hồi tháng Ba năm 2011, như một cuộc nổi dậy của dân chúng trong bối cảnh những cuộc biểu tình, xuống đường trong Mùa Xuân Arập, xảy ra tại một số nước Bắc Phi và Trung Đông. Từ cuộc xung đột nội bộ, nó đã biến thành một chiến tranh đánh thay, do các cường quốc tranh giành nhau giật dây. Trong 10 năm qua, cuộc chiến tại Siria đã làm cho hơn 400.000 người chết, hàng chục thành phố bị san bình địa, và một nửa dân số Siria phải di tản nội địa hoặc tị nạn ra nước ngoài”.

Đức cha Audo giải thích thêm rằng: “Trên bình diện miền và quốc tế, có quá nhiều lợi lộc khiến người ta không muốn làm sáng tỏ về những vụ vi phạm và lạm dụng. Thêm vào đó, có não trạng dựa trên bạo lực và trả thù rất thịnh hành trong toàn vùng, Đó là một vấn đề rộng lớn và cần được nghiên cứu trong bối cảnh phức tạp của nó cũng như bối cảnh chính xác”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu