Dân Chúa Âu Châu

LUCERNE VALLEY, Califonia (NV) – Câu chuyện một linh mục từ Việt Nam sang Mỹ du học, rồi ở lại xây một đan viện trên một mảnh đất khô cằn rộng 80 mẫu, nằm trong vùng sa mạc, quả là một chuyện khó tin.

Đức Giáo Hoàng Francis chúc lành cho công trình Đan Viện Thánh Guise. Bên cạnh là Linh Mục Phạm Sĩ Hanh. (Hình: saintjosephmonasteryca.org)

Càng khó tin hơn, khi trong tay ông không có một đồng nào, và các mối quan hệ xã hội, chỉ gói gọn từ linh mục bề trên, những người bảo lãnh ông du học, và một vài giáo dân thương mến ông.

 

Khởi đầu của Linh Mục M. Anthony Phạm Sĩ Hanh chỉ có thế!

Hành trình tìm mảnh đất xây dựng Đức Tin

Linh Mục Phạm Sĩ Hanh thuộc dòng Xitô (O.Cist) Hà Tĩnh, Việt Nam. Năm 2001, ông nhận được một học bổng năm năm từ nhà dòng chiêm nghiệm Biển Đức ở tiểu bang Pennsylvania.

Ông kể: “Bắt đầu bề trên cho tôi học đan tu để hướng dẫn cho các thầy sau này hiểu được nguồn gốc đời sống đan tu, hướng đi, đánh giá của giáo hội. Sau một năm, bề trên kêu tôi đổi sang học chuyên về Kinh Thánh. Học Kinh Thánh được một năm thì đổi sang học làm nhà dòng.”

Học được gần hai năm, môt số giáo dân ở Mỹ gợi ý ông mở trung tâm tĩnh tâm. Đó là nhu cầu về tâm linh, họ muốn có nơi đến để tìm lại mình qua lời kinh cầu, qua suy ngẫm, để gội rửa vẩn đục tâm hồn.

“Giáo dân biết tôi ở dòng chiêm niệm, nên mới đề nghị như thế. Đó vừa là nhu cầu của họ, vừa là tình yêu mến giáo dân dành cho tôi. Chính gợi ý đó, bề trên của tôi họp, bàn tính, hỏi han. Thực sự tôi được đi du học để về nước làm thầy giáo. Theo đức tin, những chuyện tôi làm ở đây, đều là sự an bài từng bước của Chúa.”

Nếu có “sự an bài của Chúa” như tâm tình của Linh Mục Phạm Sĩ Hanh, thì chắc chắn, “sự an bài đầu tiên” là cuộc gặp gỡ giữa ông và hai gia đình Công Giáo, anh chị Bằng-Hằng, và anh chị Hải-Hồng, tại Pennsylvania. Hai gia đình không chỉ “hối thúc” ông mua đất, mà còn sẵn sàng tặng ông 20% số tiền đặt cọc để làm thủ tục sang nhượng.

Không tìm được đất ở Pennsylvania, họ tiếp tục về California tìm tiếp, để rồi “sự an bài cuối cùng” về miếng đất xây đan viện xuất hiện.

Linh Mục Phạm Sĩ Hanh tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

Linh Mục Phạm Sĩ Hanh kể: “Tháng Mười, năm 2004, tôi về Quận Cam (California) tham dự ‘Hành Trình Emmaus’ lần đầu tiên được tổ chức tại đây. Hai gia đình chị em Hồng và Hải cũng về đây chở tôi đi tìm đất. Ba ngày trời tìm mệt mỏi vẫn không có miếng đất nào phù hợp để mở đan viện. Tôi quyết định mai bay về Pennsylvania. Chuyện mua đất cứ để Chúa lo.”

Buổi chiều cuối cùng ở California, trên đường xem đất về, cả nhóm ghé vào một văn phòng địa ốc chào tạm biệt cô Teresa, người đã giúp đỡ họ rất nhiều trong thời gian qua. “Dù không mua được miếng đất nào, nhưng phải cảm ơn cô ấy vì sự nhiệt tâm đáng quý,” Linh Mục Phạm Sĩ Hanh nói.

“Đúng lúc chúng tôi đến, cô Teresa đang tiếp hai vợ chồng muốn bán miếng đất 80 mẫu của họ ở sa mạc.”

Linh Mục Hanh nghĩ “như một phép lạ,” vì đúng lúc gần như tuyệt vọng, ông lại nhận được “ánh sáng cuối đường hầm.” Ông quyết định dời ngày về Pennsylvania, để đi xem đất. Miếng đất nằm ở đằng sau đường cao tốc 247, “tuyệt đẹp” như ước muốn của ông: Rộng rãi, có núi, không bị ồn vì tiếng xe cộ, không một bóng nhà. vì chẳng có ai ở, nên không có hệ thống điện, nước.

“Tôi tin đây là cách Chúa đặt trách nhiệm vào tôi, bắt tôi khởi đâu bằng một nơi nắng gió, không điện, không nước. Chúng tôi bắt đầu tạo dựng đan viện như vậy đấy.”

Khó khăn chưa hết cho người “không đồng xu dính túi” như Linh Mục Hanh. Khó khăn đến, không từ người bán đất, mà từ cộng đoàn người Mỹ ở Pennsylvania, nơi bảo lãnh ông qua Mỹ du học.

“Họ không chấp nhận cho tôi mua đất vì tôi làm gì có tiền. Luật sư của họ giải thích rất rõ, rất có lý rằng, tôi mới qua Mỹ không người thân thích, tiếng Mỹ không rành, lại không làm ra tiền, nên rất phiền toái nếu sau này có chuyện gì liên quan đến pháp luật.”

“Ngày cả Cha Viện Phó Pier, cũng dùng thành ngữ ‘you’re dead meat’ để cảnh báo rằng tôi đang gặp một rắc rối nghiêm trọng.” Linh Mục Phạm Sĩ Hanh nói tiếp: “Tôi phải thuyết phục cha viện phó rằng hai gia đình giúp tôi qua Mỹ với hai bàn tay trắng. Giờ họ là triệu phú nhờ cố gắng làm việc cật lực. Họ cho tôi 20% tiền đặt cọc mua đất, tôi không nghĩ là họ ‘ngu ngốc.’”

Toàn cảnh Đan Viện Thánh Giuse tại vũng sa mạc Lucerne Valley, California. (Hình: saintjosephmonasteryca.org)

Cuối cùng Linh Mục Hanh cũng thuyết phục được Viện Phó Pier đồng ý. Ông như trút được gánh nặng, dù “ngài không cho tôi đứng tên mua, vì nếu có chuyện gì sẽ ảnh hưởng đến nhà dòng của ngài.”

Cuộc hành trình thực hiện Đức Tin của Linh Mục Phạm Sĩ Hanh trên đất Mỹ chỉ mới bắt đầu. Còn hàng ngàn khó khăn trước mắt, đang đợi ông.

“Dấu chỉ của Chúa qua Thánh Lễ Di Cư”

Linh Mục Phạm Sĩ Hanh chịu chức vào Tháng Năm, 2004, tại Pennsylvania. Tháng Mười, ông mua được miếng đất nằm giữa thung lũng Lucerne thuộc vùng sa mạc quận San Bernardino, California.

Để có tiền trả góp mua đất mỗi tháng $486, ông xin cha bề trên ở Việt Nam cho phép giữ lại tiền xin lễ của giáo dân, khoảng hơn $200 mỗi tháng. Giáo dân biết tin ông mua đất xây đan viện, họ không chỉ đóng góp tiền xin lễ, mà còn gởi thêm vào đó, mỗi lần năm ba chục đô la, để giúp ông đủ tiền trả nợ hàng tháng.

Trả được hơn một năm, qua hai gia đình hai chị em Hồng-Hải, ông quen một gia đình giáo dân ở Florida. Biết ông đang vất vả trả tiền mua đất hàng tháng, họ tặng ông $50,000, giúp ông trả hết tiền đất.

“Năm 2006, để chuẩn bị đón thêm các linh mục từ Việt Nam qua, tôi phải chắc chắn chỗ đó có nước.”

Linh Mục Phan Sĩ Hanh nhớ lại: “Tôi mướn người đến khoan tìm, hai tuần sau mới tìm ra nguồn nước. Còn điện thì tôi mướn hệ thống điện solar. Thế là xong hai việc quan trọng nhất trước khi bắt đầu kế hoạch xây dựng.”

Đầu năm 2007, Linh Mục Phạm Sĩ Hanh và bốn linh mục khác từ Việt Nam qua, về vùng đất “sa mạc” Lucerne Valley, California, “phó thác vào Chúa, và Thánh Giuse” như đức tin của ông, quyết tâm biến mảnh đất khô cằn thành nơi mọi người muốn tìm về để tĩnh tâm, khai sáng tâm trí.

Đài Thánh Guise (phải) và Thánh Giá Nguyện Đường (trên cao, bên trái) tại Đan Viện Thánh Giuse. (Hình: saintjosephmonasteryca.org)

Ông kể: “Hai gia đình đã giúp tôi từ trước đến nay, lại thêm một lần nữa thể hiện tấm lòng của họ. Họ mua một căn nhà ở thành phố Vitorville, rồi cho chúng tôi ở 14 tháng, trong thời gian xây dựng đan viện. Mỗi ngày, 7 giờ sáng chúng tôi ra khỏi nhà đến ‘sa mạc’ làm việc đến 7 giờ tối.”

Họ mướn hai xe máy ủi, nhờ người lái, cùng nhau san đất, chặt cây, dọn dẹp mọi thứ để miếng đất thật quang đãng, sạch đẹp trước khi bắt tay vào xây dựng.

“Chúng tôi làm tất cả mọi việc có thể làm. Việc không làm được, tìm cách nhờ người giúp. Việc ngoài tầm tay thì mới đành chịu bỏ tiền đi mướn. Thứ nhất, chúng tôi không có tiền; thứ hai, nếu có tiền, chúng tôi vẫn phải tiết kiệm để xây đan viện sau này.”

Tháng Mười, năm 2007, nhờ sự giúp đỡ của một số giáo dân Nam California, Linh Mục Phạm Sĩ Hanh tổ chức được một buổi tiệc gây quỹ. Công việc của ông, được cộng đồng công giáo vùng Orange County biết đến, nhờ đó cũng có thêm phần hỗ trợ đáng quý.

Năm 2008, ông mượn được $250,000 không phải trả tiền lời, mua hai căn mobile home, mỗi căn rộng 1,700 sqft. Một nhà là nơi các đan sĩ ở, một nhà dành cho khách đến tĩnh tâm.

Ngày 22 Tháng Ba, năm 2009, Đan Viện tổ chức lễ mừng Bổn Mạng Thánh Giuse, được Giám Mục Mai Thanh Lương làm chủ tế. Hai tuần trước, các đan sĩ đã chuẩn bị mọi thứ tươm tất, đắp đất, trồng cỏ, làm khán đài,… chuẩn bị cho ngày lễ trọng đầu tiên.

Linh Mục Phạm sĩ Hanh kể: “Hai giờ sáng ngày 22, trời bỗng nổi gió. Lạnh không thể tưởng. Rồi có mưa đá. Gió giật sập cả khán đài làm lễ. Tôi lo lắng vô cùng, nên ra chỗ tượng Thánh Giuse cầu nguyện. Lúc đó còn bức tượng nhỏ, chứ không lớn như bây giờ. Tôi nói với ngài rằng tại sao cả tuần nay trời đẹp, mà sao hôm nay lại như thế này? Rồi tôi thấy cuộc đời Thánh Giuse, như những thước phim chiếu trong đầu. Tôi như được soi sáng từ cuộc đời khổ hạnh của ngài, và hiểu rằng không có gì đạt được một cách dễ dàng cả. Tôi nói với ngài là nếu như đó là ý Chúa và ý Thánh Giuse, con chỉ xin một điều duy nhất là giữ cho tất cả những ai lên đây được bình an. Còn con thì Chúa muốn làm gì thì làm.”

Bản vẽ thiết kế hội trường tĩnh tâm tại Đan Viện Thánh Giuse. (Hình: saintjosephmonasteryca.org)

Dự tính khai mạc lễ lúc 10 giờ, nhưng 12 giờ trưa, trời mới bớt gió, buổi lễ mới được bắt đầu. Vẫn chưa hết khó khăn, khi Giám Mục Mai Thanh Lương đọc xong bài đọc thứ nhất, thì gió lại bắt đầu thổi mạnh. Những cột cây chống bạt bị nhổ lên, những tấm bạt bay như diều đứt dây, khiến mọi người phải chạy vào nhà trốn gió.

“Chúng tôi tiếp tục làm lễ trong phòng khách của một căn nhà, sau buổi lễ mới đi tìm giáo dân tản mát các phòng để cảm tạ họ,” Linh Mục Hanh tiếp tục câu chuyện.

“Đức Cha Mai Thanh Lương đặt tên cho buổi lễ có một không hai này là ‘Thánh Lễ Di Cư.’ Khi nói lời cảm tạ các cha, tôi chia sẻ suy nghĩ như thế này: ‘Con không biết đây có phải là dấu chỉ mà Chúa qua Thánh Giuse muốn mình phải xây nhà thờ ở dây không?’ Ngay sau Thánh Lễ, rất nhiều người gọi điện thoại, gởi thư về đề nghị chúng tôi quyên tiền xây nhà thờ.”

Theo Linh Mục Phạm Sĩ Hanh, việc xây nhà thờ không nằm trong kế hoạch của ông lúc đó, nhưng vì qua sự việc xảy ra trong Thánh Lễ, giáo dân ủng hộ “dấu chỉ của Chúa” nên ông nghĩ đó chính là thời điểm thuận lợi nhất thực hiện “ngôi nhà thờ Chúa” này.

“Tháng Mười, năm 2009, chúng tôi chính thức tổ chức quyên tiền xây nhà thờ. Cuối năm 2011 bắt đầu xây, và đến năm 2013 thì xong.”

Tiếp tục “chặng đàng Thánh Giá,” xây nhà cho người tĩnh tâm

Ngôi nhà thờ được xây dựng bằng sự cộng hưởng niềm tin của những đan sĩ và mọi người, bằng tình yêu thương, vì họ tin vào “dấu chỉ của Chúa.”

Nhớ lại những ngày khó khăn, Linh Mục Phạm Sĩ Hanh cho biết: “Đó là công trình chung của mọi người. Từ việc mua đất, cho đến những công trình đã được xây dựng ở vùng đất sa mạc này, nếu tôi có ‘7 đầu, 14 tay’ cũng không chẳng làm nổi. Tôi cực thật, nhưng qua đó tôi thấy mình được Chúa chọn để thực hiện công trình của ngài. Thành quả như thế vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi.”

“Giờ tôi đang quyên tiền xây hội trường để có chỗ cho người đến tĩnh tâm.”

Mô hình tổng thể Đan Viện Thánh Guise khi hoàn thành. (Hình: saintjosephmonasteryca.org)

Ông chia sẻ suy nghĩ nhẹ nhàng về công trình có trị giá xây dựng khoảng $4 triệu như thế. Bởi đó là việc phải làm, nếu không muốn nói đó là công trình chính để Đan Viện Thánh Giuse thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Cái mobile home chỉ tiếp được một lúc 15 người thôi. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm chúng tôi tiếp đón 2,700 đến 3,500 người đến lễ giữa sa mạc này, trong khi sức chứa của nhà thờ theo quy định, chỉ được 100 người. Chính vì vậy chúng tôi phải xây hội trường, để đáp ứng nhu cầu tĩnh tâm của rất nhiều người.”

Theo thiết kế, công trình rộng 24,000 sqft., trong đó 13,000 sqft được dùng làm hội trường, phần còn lại là phòng ở, bếp, nhà vệ sinh, có khả năng tiếp đón cả ngàn người một lúc.

“Nếu tính theo giá bình thường, công trình này phải dự trù tới $9 triệu, nhưng theo dự định ban đầu của chúng tôi thì chỉ tốn khoảng $4 triệu mà thôi.”

Vẫn theo Linh Mục Hanh, sở dĩ ông tiết giảm được hơn một nửa giá trị xây dựng vì nhờ nhiều yếu tố: Người kiến trúc sư từng thiết kế không công nhà thờ nay tiếp tục giúp thiết kế hội trường trên tinh thần tự nguyện, các kỹ sư xây dựng cũng nhận đóng góp công sức, nhiều người có tay nghề tới giúp không lương, một số chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng sẵn sàng bán giá vốn… và “sự đóng góp quý báu đó không thể quy ra tiền được.”

Hiện công trình đang thực hiện xong phần móng, do tình hình đại dịch COVID-19, nên công việc xây dựng chậm lại.

Linh Mục Hanh cho biết thêm, kinh phí vẫn còn thiếu khoảng 30%.

“Cái khó của chúng tôi là không có nguồn thu thường xuyên như các giáo xứ khác. Điều vui mừng là các giáo dân đến đây cầu nguyện hay tĩnh tâm, dù không có bổn phận đóng góp nhưng họ vẫn gởi tiền về. Chính điều này, tôi xem đây là công trình của bề trên, Chúa an bài cho chúng tôi. Và chắc chắn, nó sẽ tạo được rất nhiều lợi ích tâm linh cho mọi người, không chỉ là người Công Giáo.”

Tìm hiểu thêm về Đan Viện Thánh Giuse: http://www.saintjosephmonasteryca.org/ [kn]

Vũ Đình Trọng/Người Việt

Nguồn:  Báo Người Việt