Dân Chúa Âu Châu

HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỀ VIỆC HÁT CỘNG ĐỒNG?

328991739 1181251999193514 172466189959178798 n01Trong đời sống phụng vụ thực tế của Giáo Hội, chúng ta thường hay thấy hai thái độ chủ trương hai thái cực trái ngược nhau: hoặc là đề cao ca đoàn đến mức chỉ có ca đoàn độc diễn phần âm nhạc trong phụng vụ, hoặc là đề cao cộng đồng đến mức cho rằng không cần đến ca đoàn, chỉ cần hát cộng đồng là được. Có những thánh lễ, chỉ có ca đoàn hát vì chọn các bài hát đều mới lạ với cộng đoàn, thêm bộ lễ cũng lạ. Nó làm giảm thiểu khả năng tham dự hiệu quả của cộng đoàn. Ngược lại, có những nơi vì nhiều lý do, chỉ có cộng đoàn hát mà không có ca đoàn. Việc hát cộng đồng được đề cao tới mức xóa bỏ vai trò của ca đoàn. Hai thái cực đó, cái nào là đúng?

1. Trong phụng vụ, việc hát cộng đồng được đề cao và ưu tiên:

Giáo Hội luôn đề cao việc hát cộng đồng trong Thánh Lễ. Trước Công Đồng Vatican II, người ta có thể cảm nhận nét thiêng thánh của Phụng Vụ trong khi sử dụng tiếng latin và các cử chỉ nghiêm trang kính cẩn của phụng vụ thánh, nhưng cũng chính việc sử dụng latin - thứ ngôn ngữ mà chỉ một số thành phần như giáo sĩ hay tu sĩ có thể hiểu được còn đại đa số giáo dân lại chẳng hiểu gì - lại dễ dẫn tới thái độ thụ động, thậm chí thờ ơ của người tham dự nếu không biết tiếng Latin. Chính vì vậy, việc cải cách và canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II, cụ thể là việc cho sử dụng tiếng bản xứ trong phụng vụ đã cho phép toàn thể dân Chúa tham dự “cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực”. Chính vì thế, việc tham gia bằng việc ca hát trong phụng vụ của toàn thể cộng đoàn không gì khác hơn là một diễn tả chân thực, sống động và rõ ràng nhất của một niềm vui của toàn thể dân Thiên Chúa đang cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa luôn ở với mình trên đường lữ hành, niềm vui ấy không thể giữ nổi trong lòng mà bật lên thành lời ca tiếng hát, ngay cả khi hân hoan lẫn khi phải gặp gian nan trong đời.

Hướng dẫn Mục vụ Thánh Nhạc của Ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGMVN nói về việc hát cộng đồng ở nhiều nơi, cụ thể nơi số 29: "Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng phải luôn cổ vũ các ca đoàn, đồng thời bảo đảm sao cho “tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tích cực tham dự với những phần dành riêng cho họ…” Ca đoàn không được phép giảm thiểu việc tham gia ca hát của cộng đoàn tín hữu. Thông thường, cộng đoàn hát những giai điệu chỉ có một bè vốn dĩ thích hợp với việc hát cộng đồng không cần phải tập dượt. Hát cộng đồng là ưu tiên trong phụng vụ. Trái lại, ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn, vừa có khả năng âm nhạc cần thiết vừa biết hy sinh tập dượt theo thời khóa biểu cố định và sẵn sàng có mặt trong những cử hành phụng vụ. Vì vậy, họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn tới được."

Thật là hạnh phúc và xúc động vì cả cộng đoàn cùng vang tiếng ngợi khen Chúa khi cùng nhau hát trong Thánh Lễ. Tâm tình của người nhạc sĩ không còn đơn thuần là tiếng lòng của cá nhân nữa, nhưng đã trở thành tâm tình của toàn thể cộng đoàn. Lòng sốt sắng của cộng đoàn đã nâng đỡ đức tin của rất nhiều thế hệ Kitô hữu, và cảm xúc của rất nhiều người khi nghĩ về đức tin rất thường là khung cảnh của một cộng đoàn với những bài thánh ca quen thuộc đã nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ. Cách cụ thể, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma đề nghị những lúc này cần phải hát cộng đồng: phần đáp của Thánh vịnh đáp ca (số 61), câu Alleluia trước Tin Mừng (số 131), Kinh Tin Kính (số 68), Kinh Thánh Thánh Thánh (số 79), Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa (số 83), Ca Hiệp Lễ (số 178 HDMVTN) và bài ca sau Hiệp Lễ (số 88).

Dầu vậy, việc gây ý thức cho cộng đoàn phụng vụ cùng góp lời ca tiếng hát không phải là chuyện dễ dàng. Rất nhiều nơi đã xúc tiến và duy trì việc tập hát cộng đồng với những bài hát rất quen thuộc nhưng dễ nản lòng hay thậm chí phải bỏ dần vì đại đa số sự thờ ơ lạnh nhạt của những người tham dự Thánh Lễ không buồn mở miệng để hát. Cuộc sống cuốn quay và việc mưu sinh đã làm họ mệt nhoài, nếu không có một đức tin sống động, thì nhiều người tín hữu chỉ đến nhà thờ vì thói quen, để khỏi lỗi luật rồi phải đi xưng tội mà thôi, chứ họ không thấy được sự cần thiết của việc tham gia vào một cộng đoàn một cách tích cực, trọn vẹn và hữu hiệu. Có những người khác thì vì tính tình, tâm tình của họ, họ thích hiện diện một cách lặng lẽ và trầm mặc trong cử hành phụng vụ hơn, trái ngược với một số người khác rất nhiệt tình trong việc đóng góp khả năng ca hát của mình cho cộng đoàn. Các ca đoàn cũng cần chọn bài làm sao để cộng đoàn quen thuộc thì việc hát cộng đồng mới thực hiện được. Trong một Thánh Lễ mà tất cả đều lạ hết thì sao người ta hát được! Cần phải nhớ rằng, dù sao, việc cổ võ hát cộng đồng vẫn là điều Giáo Hội luôn đề cao và ưu tiên.

2. Tuy nhiên, hát cộng đồng không phải là cách hát duy nhất trong phụng vụ:

Dầu hát cộng đồng là một việc rất đáng khuyến khích và được ưu tiên, nhưng nó không phải là cách hát duy nhất trong phụng vụ. Một số người có quan điểm là chỉ cần cộng đoàn hát, không cần ca đoàn. Trừ trường hợp một cộng đoàn không thể thành lập một ca đoàn, thiếu nhân sự (ca trưởng, ca viên...), hay có vấn đề gì trục trặc đặc biệt liên quan tới việc tổ chức một ca đoàn, thì việc hát cộng đồng mà thôi là một chuyện bất đắc dĩ. Cần phải có ca đoàn, vì một ca đoàn với những người có chuyên môn đặc biệt về mặt âm nhạc và ca hát, sẽ hỗ trợ rất tốt cho cộng đoàn.

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma nói ở số 103 và 104 rằng: “Trong hàng tín hữu, ca đoàn có phận vụ của họ trong phụng vụ, họ phải lo chu toàn cách thích đáng các phận vụ riêng của mình, tùy theo các loại ca khúc khác nhau; họ lại phải lo giúp tín hữu tham dự cách linh động vào việc ca hát. Những điều nói về ca đoàn cũng có giá trị đối với các nhạc công khác, nhất là đối với người sử dụng phong cầm, trừ những gì phải giữ riêng. Nên có ca viên hay ca trưởng để điều khiển và trợ giúp cộng đoàn khi họ hát. Hơn nữa, nếu không có ca đoàn, ca viên sẽ điều khiển các bài hát, còn cộng đoàn sẽ tham dự hát phần dành cho họ.”
Cụ thể, có những phần mà Giáo Hội cho phép ca đoàn có thể hát riêng theo Hướng dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc: Bài ca trước Ca Nhập Lễ (số 31), Ca nhập lễ (số 48), Kinh Vinh Danh (số 53), câu Tung Hô Tin Mừng (số 62), Ca Tiến Lễ (số 74), Ca Hiệp Lễ (số 31).

Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc nói rõ hơn về vai trò của ca đoàn:

"30. Ca đoàn phục vụ bằng nhiều cách khác nhau. Việc phục vụ quan trọng của ca đoàn trong Thánh lễ là chia hai bè hát đối đáp với nhau hoặc với cộng đoàn. Nhiều phần trong Thánh lễ có tính đối đáp, như Kinh Thương xót và Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Rõ ràng Hội Thánh muốn những phần này được hát theo cung cách đối đáp. Những phần khác của Thánh lễ cũng có thể được hát bằng cách ca đoàn tự đối đáp hoặc ca đoàn đối đáp với cộng đoàn, nhất là Kinh Vinh danh, Kinh Tin Kính, và ba bài ca: Ca nhập lễ, Ca tiến lễ và Ca hiệp lễ. Cách hát này thường như sau: cộng đoàn hát điệp khúc, ca đoàn hát câu riêng (phiên khúc). Ca đoàn cũng có thể hát thêm bè hòa âm để làm phong phú tiếng hát của cộng đoàn.

31. Có khi ca đoàn hát riêng một mình. Trong kho tàng thánh nhạc, ca đoàn có thể chọn ra những tác phẩm do các nhạc sĩ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau sáng tác theo nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Cũng có thể chọn những bài diễn tả đức tin của nhiều nền văn hóa khác nhau vốn là nét đa dạng phong phú của Hội Thánh. Những lúc thích hợp cho ca đoàn hát riêng là: bài ca trước Ca nhập lễ, Ca hiệp lễ. Phần hát riêng của ca đoàn phải luôn hợp với phụng vụ; hoặc hát bản văn phụng vụ của đúng ngày lễ, hoặc hát bài có chủ đề sát với phụng vụ của ngày hôm ấy.

32. Khi không hát riêng, ca đoàn cùng hát với cộng đoàn. Trong trường hợp này vai trò của ca đoàn không phải là hướng dẫn cộng đoàn hát, nhưng là cùng hát với cộng đoàn đang tự hát hoặc đang hát nương theo tiếng đàn."

3. Một vài đề nghị thực tiễn:

Chúng ta đã thấy, Giáo Hội đề cao và ưu tiên việc hát cộng đồng. Giáo Hội cũng cho phép có những lúc ca đoàn hát riêng. Như vậy, những lúc ấy (cụ thể rõ nhất là bài ca trước Ca Nhập Lễ và bài Ca Hiệp Lễ), nếu ca đoàn có chọn một bài thánh ca hợp xướng, thánh ca đa âm, hay một bài thánh ca không quen thuộc với cộng đoàn thì vẫn được phép. Thêm vào đó, tâm lý chung của cộng đoàn sau khi rước lễ là không muốn hát cho bằng thinh lặng cám ơn Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong lòng mình. Tránh dựa vào việc ưu tiên hát cộng đồng để luôn bắt họ không được hát bài hát mới và lạ so với cộng đoàn, miễn là những tác phẩm ấy phù hợp với bầu khí của phụng vụ và giúp người nghe nâng tâm hồn lên để cầu nguyện. Nhiều người dựa vào lý do cộng đoàn sẽ bị cản trở không được tham gia ca hát để phản đối việc ca đoàn chọn bài mới và lạ để hát, nhưng chúng ta cần nhớ rằng có nhiều cách tham gia và cầu nguyện trong phụng vụ. Nếu mở miệng cùng ca ngợi Chúa là tham gia rất rõ ràng vào việc cầu nguyện trong phụng vụ, thì thinh lặng lắng nghe và suy ngẫm bài ca mà ca đoàn đang hát lên cũng là một cách để cộng đoàn tham gia và cầu nguyện thôi. Có lúc hát, có lúc thinh lặng, tất cả đều là cầu nguyện. Thêm vào đó, bài nào cũ mà trước đó đã không mới? Ngược lại, tránh thái cực lúc nào cũng hát bài mới. Trong một Thánh Lễ mà tất cả các bài hát đều mới lạ, họ sẽ không thể tham gia vào việc ca hát chung được. Vậy, cần phải hát bài cũ để cộng đoàn hát nhuần nhuyễn, nhưng cũng cần bài mới để tránh cho phụng vụ trở nên một kiểu nhai lại mỏi mệt và cộng đoàn lắng nghe nhiều tâm tình khác lạ và mới mẻ. Tránh lúc nào cũng tập bài mới vì cộng đoàn sẽ khó cảm, và cũng tránh lúc nào cũng hát bài cũ sẽ nhàm chán. Tuy nhiên, ngay cả những lúc Giáo Hội cho phép ca đoàn hát riêng, vẫn có thể hát cộng đồng nếu muốn. Cách chung, trong buổi cử hành, ca đoàn không được lấn át cộng đoàn trong những phần thuộc về họ. Nhưng nếu có dịp (“làm được” và “được làm”), ca đoàn hoàn toàn có thể chọn hát riêng những bài thánh ca theo khả năng và sự tập dượt của mình.

Con Chiên Nhỏ
01/02/2023