Dân Chúa Âu Châu

 
sacredsacramenthqdefault
TÌM HIỂU Ý NGHĨA BÀI HÁT LA-TINH “TANTUM ERGO”
 
🌿 GIỚI THIỆU
Lời ca của bài thánh ca “Tantum ergo” là hai khổ thơ cuối trong bài thánh thi “Pange lingua”, bằng tiếng La-tinh, được cho là do Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) trước tác. Theo truyền thống, trọn bài thánh ca “Pange lingua” thường được hát trong Kinh Chiều ngày lễ kính Mình Máu Thánh, còn bài “Tantum ergo” là bài hát chính trong các giờ Chầu Thánh Thể.
 
🌿 “TANTUM ERGO” NGHĨA LÀ GÌ?
Xin nói dạo đầu trước một chút. Có một bài thánh ca nước ngoài được đặt lời Việt mà đôi khi được in trong sách với nhan đề rất tối nghĩa: “Thực tối ngày”. Thật ra, đây là ba từ đầu tiên của lời ca như sau: “Thực tối ngày hôm nay Chúa hiển vinh bỏ ngai vàng sinh xuống trần cứu thế…”
Tương tự, “Tantum ergo” là hai từ đầu tiên của bài “Tantum ergo”, cũng rất tối nghĩa nếu không đi với trọn vẹn câu văn. “Tantum” là cao quý, cao diệu, cao vời, vĩ đại, diệu kỳ…, còn “ergo” là vì thế, vì vậy, do đó, vậy, do vậy… Nếu dịch sát nghĩa, “Tantum ergo” nghĩa là “Vì thế, thật là cao quý”.
Để cho rõ nghĩa, người ta còn gọi bài hát này là “Tantum ergo Sacramentum”, trong đó “Tantum” bổ nghĩa cho “Sacramentum” (Nhiệm Tích).
 
🌿 TÌM HIỂU TỪNG CHỮ LA-TINH
Tantum ergo Sacramentum
Veneremur cernui;
Et antiquum documentum
Novo cedat ritui;
Praestet fides supplementum
Sensuum defectui
Genitori, Genitoque
Laus et jubilatio,
Salus, honor, virtus quoque
Sit et benedictio;
Procedenti ab utroque
Compar sit laudatio.
Amen.
Dưới đây là bản tạm dịch sát nghĩa toàn bài hát, dựa theo
Vì thế (ergo), với tư thế phủ phục / cúi mình (cernui),
chúng ta hãy tôn kính (veneremur) Nhiệm Tích (Sacramentum) rất cao quý (Tantum)
Và (Et) nghi lễ / tập tục / hình bóng (documentum) cổ xưa / của đạo cũ (antiquum)
hãy nhường bước (cedat) cho nghi lễ (ritui) mới (novo) này.
Hãy để cho đức tin (fides) đem đến (Praestet) sự bổ trợ / sự bù đắp thêm (supplementum)
cho sự khiếm khuyết (defectui) của giác quan (sensuum).
Đối với Đấng Sinh Ra [= Chúa Cha] (Genitori) và Đấng Được Sinh Ra [= Chúa Con] (Genitoque),
hãy (Sit) dâng lên lời ngợi khen (Laus) và (et) lời ca mừng (jubilatio),
lời tung hô (salus), vinh dự (honor) và (quoque) uy quyền (virtus),
cùng (et) lời chúc tụng (benedictio).
Hãy (sit) dâng sự ca khen (laudatio) tương tự (Compar)
lên Đấng nhiệm xuất (Procedenti) từ (ab) Hai Đấng kia (utroque).
Amen.
🔹 Bản dịch của Sách Lễ Rôma (1962), còn gọi là Sách Lễ Hiện Tại:
Vậy chúng tôi phải thờ lạy phép Rất Thánh Rất Trọng dường ấy, vì các phép trong đạo cũ chẳng bằng phép này, thì chúng tôi phải có lòng tin cho bền, thay vì con mắt chúng tôi xem thấy, chúng tôi phải ngợi khen Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần, cùng thờ lạy kính mến ngợi khen và hát mừng sự mầu nhiệm Rất Thánh này đời đời chẳng cùng. Amen.
🔹 Bản dịch chính thức cho đến nay là bản dịch trong Sách Lễ Rôma do Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xuất bản năm 1969:
Vậy chúng ta hãy sấp mình thờ lạy
bí tích cao cả nhiệm mầu;
mà nghi thức của ngày xưa
phải nhường chỗ cho nghi thức mới:
là đức tin phải bù lại
việc mắt trần không trông thấy.
Dâng lên Chúa Cha và Chúa Con
muôn lời hân hoan ca hát,
vinh dự, tán dương, quyền năng và chúc tụng,
cùng dâng lên Chúa Thánh Thần,
Đấng bởi Chúa Cha và Chúa Con,
muôn lời ngợi khen chúc tụng.
Amen.
🔹 Bản dịch của linh mục An-sơn Vị:
Đây Nhiệm Tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ. Và dấu tích ngàn xưa lưu ký, phải kính nhường nghi lễ mới đây. Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.
Dâng về Chúa Cha và Con Chúa, lời tán dương mừng chúc vang hòa. Cùng vinh phúc quyền uy danh giá, tựa khói trầm bay tỏa ngát hương. Để tiến Chúa Thánh Linh nhân hậu, khúc tán dương cảm tạ suốt đời. A-men.
🔹 Bản dịch của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
Ôi bí tích thật cao vời khôn sánh,
Ta bái thờ Chúa đang ngự nơi đây,
Nghi lễ xưa đâu sánh bí tích này,
Niềm tin thế cho giác quan cảm nghiệm.
Lòng hớn hở, cùng tán dương trìu mến
Cha uy quyền và Con Một từ nhân,
Cùng tôn vinh ca ngợi Chúa Thánh Thần
Xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn muôn thuở. Amen.
Nhiều nhạc sĩ Công giáo (như Kim Long, Phạm Liên Hùng, Mỹ Sơn…) đã dệt nhạc cho những bản dịch này.
 
🌿 CÓ THỂ THAY THẾ BÀI “TANTUM ERGO” BẰNG MỘT BÀI THÁNH CA KHÁC VỀ THÁNH THỂ
Trong giờ Chầu Thánh Thể, bài “Tantum ergo” được hát lên trước khi linh mục hoặc thầy phó tế đọc lời nguyện và ban phép lành.
Năm 1967, Tòa Thánh ban hành Huấn thị “Eucharisticum Mysterium” trong đó có cho phép thay thế bài “Tantum ergo” bằng một bài thánh ca khác: “Nếu dùng ngôn ngữ địa phương, thay vì hát “Tantum ergo” trước phép lành, có thể hát một bài thánh ca khác về Thánh Thể, theo quy định của Hội đồng Giám mục" (số 62).
Năm 1970, Hội đồng Giám mục Việt Nam (với Thông báo đăng trong SACERDOS, số ra tháng 1 và 2-1970) đã quy định dùng 7 bài ca Thánh Thể sau đây để thay thế nếu không hát bài “Tantum ergo”:
1. Thờ lạy (“Thờ lạy tin yêu Chúa từ nhân…”) của Thiện Cẩm
2. Đền tạ Thánh Thể (“Chúa ngự trên bàn thờ, chỉ bởi vì…”) của Hoài Chiên
3. Con muốn
chúc mừng
(“Con muốn
chúc mừng
mầu nhiệm Máu Thịt…”) của Kim Long - Hoàng Khánh
4. Con quỳ gối (“Con quỳ gối thờ lạy Chúa…”) của Tâm Bảo
5. Thờ lạy Chúa (“Thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa uy quyền khả ái…”) của Hoài Chiên
6. Lòng Chúa ái tuất (“Đây lòng Chúa ái tuất không bến bờ…”) của Nguyễn Bang Hanh
7. Trước Thánh Thể (“Con thờ lạy Chúa Giêsu, đang hiến thân…”) của Thăng Ca.
 
🌿 GHI CHÚ VỀ MỘT BÀI “TANTUM ERGO” LỜI VIỆT
Đó đây trên các mạng xã hội có một bài “Tantum ergo” với phần nhạc bình ca cổ truyền và phần lời bằng tiếng La-tinh có kèm theo lời Việt. Bên cạnh nhan đề “Tantum ergo” có thêm nhan đề Việt: “Tôn vinh Danh Giêsu”. Có hai điều khác thường: môt là không có tên tác giả của lời Việt, nghĩa là lời Việt không có nguồn gốc rõ ràng; hai là lời Việt này là lời sáng tác mới chứ không phải lời dịch cho bản văn “Tantum ergo” La-tinh của Thánh Tôma Aquinô - việc sáng tác lời Việt mới vào cung điệu “Tantum ergo” cổ truyền là điều xưa nay có lẽ chưa có ai làm.
Đây là lời ca của bài “Tôn vinh Danh Giêsu”:
Tantum ergo
(Tôn vinh Danh Giêsu)
Tôn vinh Thánh Danh Giêsu Chí Thánh.
Ẩn thân trong tấm hình rất nhỏ mọn.
Này là của ăn, lương thực thiên thần.
Ðây chính thật Ngôi Lời ẩn náu mình.
Ðể ban lương thực nuôi dưỡng nhân loại.
Ôi kính lạy Thánh Thể Tình Yêu.
Giêsu Chúa ôi, con tôn kính Chúa.
Chúa yêu con trao Mình Máu bánh rượu.
Vì thương chúng con nên đành hạ mình.
Ðem hiến dâng nuôi hồn chúng tử hèn.
Tình Yêu bao la nào ai đã báo đền.
Ôi kính lạy Chúa cả trời cao. Amen.
Vì không phải là bài “Tantum ergo” đúng nghĩa, và vì không có trong nhóm 7 bài thánh ca Việt được thay thế cho “Tantum ergo”, nên bài “Tôn vinh Danh Giêsu” không thể được hát ở thời điểm dành riêng cho bài “Tantum ergo” trong giờ Chầu Thánh Thể, tức trước khi linh mục hoặc thầy phó tế đọc lời nguyện và ban phép lành.
Ngoài ra, theo thiển ý, lời ca Việt này không có vẻ đẹp và không phản ảnh được nội dung bản văn gốc của bài “Tantum ergo”, vì thế chưa tương xứng với vẻ diễm lệ của cung điệu “Tantum ergo” cổ truyền. Riêng câu “Chúa yêu con trao MÌNH MÁU BÁNH RƯỢU” xem ra có sự mơ hồ về tín lý bí tích Thánh Thể; và cụm từ mơ hồ MÌNH MÁU BÁNH RƯỢU có lẽ chưa hề có trong bất cứ bài hát hoặc bản kinh hay bản văn Công giáo nào.
🔹 Bài viết trong những ngày phong tỏa, quẩn quanh mãi trong nhà, vì Covid-19, ước mong được quý Cha cùng quý độc giả chỉ giáo và góp ý thêm. Xin cảm ơn.
Chúa nhật Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, 6-6-2021
Pxc