Tin Cộng Đoàn
Tin Cộng Đoàn
- Viết bởi Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo Borsum
Ông Dr. Ernst Albrecht, cựu thủ hiến tiểu bang Niedersachsen - ân nhân của những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam - đã qua đời vào thứ bảy, 13.12.2014, hưởng thọ 84 tuổi. Từ năm 1975 cả thế giới đều rất bình thản nhìn về Biển Đông với bao thảm cảnh thuyền nhân bị chết chìm trong lòng biển sâu. Tại Ðức chỉ có một mình thủ hiến của tiểu bang Niedersachsen là ông Dr. Ernst Albrecht động lòng trắc ẩn và đã quyết định đơn phương vào ngày 21.11.1978 đón nhận 800 thuyền nhân của con tàu "Hải Hồng" vào tiểu bang Niedersachsen, từ đó nước Ðức mới mở rộng cửa cho người tỵ nạn Việt Nam. Sau đó hơn một tháng, vào dịp lễ Giáng Sinh 1978 khoảng 1.200 người Việt Nam đã cùng mừng lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên trên nước Ðức lúc bấy giờ. Chỉ trong khoảnh khắc này người Ðức tại tiểu bang Niedersachsen đã quyên góp hơn 1 triệu Ðức Mã để giúp đỡ người Việt Nam tỵ nạn hội nhập tốt vào xã hội Ðức.
Hành động tiên phong mở cửa đón thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam vào tiểu bang Niedersachsen đã là một hiệu ứng mạnh làm phát sinh ra con tàu Cap Anamur sau này và làm cho dân tộc Đức mở rộng lòng đón tiếp người tỵ nạn Việt Nam vượt biển.
Nhìn như thế chúng ta nhận ra công lao to lớn của cựu thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, Ông Dr. Ernst Albrecht đã làm cho người Việt Nam chúng ta tại tiểu bang Niedersachsen nói riêng và cho toàn nước Đức nói chung.
Mọi người Viêt Nam chúng ta được mời gọi qua cách này hoặc cách khác hãy nhớ đến vị đại ân nhân Dr. Ernst Albrecht qua một nén hương hoặc một lời cầu kinh.
Nghi lễ an táng và tiễn đưa ông Dr. Ernst Albrecht được tổ chức tại Burgdorf gần Hannover vào thứ bẩy, 20.12.2014 lúc 14g tại nhà thờ Tin Lành der St. Pankratius-Kirche - Spittaplatz 1, 31303 Burgdorf
- Ngày an táng và tiễn đưa này, ai đến tham dự cũng được, không cần vé mời. Những thuyền nhân Việt Nam có thể đến tiễn đưa và nói lời tạm biệt.
Tiếp theo ngày tưởng nhớ và vinh danh của chính quyền tiểu bang Niedersachsen dành cho cựu thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, Ông Dr. Ernst Albrecht được tổ chức vào thứ hai, 22.12.2014 lúc 14g tại Staatsoper Hannover - Opernplatz 1, 30159 Hannover - Người tham dự phải có vé mời riêng.
Vị đại ân nhân của con tàu Hải Hồng, ông Dr. Ernst Albrecht - cựu thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, đã một lần phát biểu trên tờ báo nổi tiếng "Hannoversche Allgenmeine Zeitung": „Người tỵ nạn Việt Nam chính là quà tặng cho dân tộc Ðức chúng tôi.“
- Lạy Chúa xin cho linh hồn Ernst Albrecht được nghỉ yên muôn đời.
- Và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn Ernst Albrecht.
Nguồn:Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo Borsum
- Viết bởi Liên Ðoàn Công giáo Việt Nam tại Đức.
Ngạn ngữ dân gian chúng ta có câu khôn ngoan: „Ăn trái nhớ kẻ trồng cây“.
Người Việt Nam tị nạn cộng sản hiện đang định cư tại Đức luôn nhớ mãi công ơn Ông Dr. Ernst Albrecht, người đã tích cực ủng hộ việc đón nhận người Việt Nam tị nạn cộng sản vào định cư ở nước Đức.
Dr. Albrecht là Thủ hiến tiểu bang Niedersachen từ 1976 đến 1990. Trong thời gian sau năm 1975 làn sóng nười Việt Nam tị nạn cộng sản vượt biển bằng tầu thuyền trên vùng biển Đông càng ngày càng nhiều và có nhiều cảnh bị hải tặc hảm hiếp, cướp bóc, bị bỏ rơi cho đói khát, đắm chìm tầu thuyền giữa lòng đại đương. Thật là cảnh hãi hùng thảm thương.
Những hình ảnh đó gây xúc động mọi người trên thế giới. Các nước giầu có tại xã hội Âu Mỹ đã có những chương trình trợ giúp nhân đạo cho làn sóng người Việt tị nạn cộng sản: ''Boat people''. Nhưng số người được nhận cho vào định cư ở những nước thứ ba chỉ nhỏ giọt.
Nhiều phóng viên, những nhà hảo tâm, chính trị gia tại Cộng Hoà Liên Bang Tây Đức đã lên tiếng bàn về việc thu nhận ''Thuyền Nhân'' vào định cư theo diện nhân đạo. Ông Dr. Albrecht, khi đó đang là Thủ Hiến Tiểu bang Niedersachen đã ủng hộ chương trình nhân đạo này cách mạnh mẽ và tiên phong nhận người Việt Nam tị nạn cộng sản vào định cư trong Tiểu bang Niedersachen của Ông.
Có thể nói, lòng nhân đạo, quảng đại và can đảm có tính cách chính trị yêu thương của Ông đã là bước khởi đầu thúc đẩy Chính phủ Tây Đức nhập cuộc chính thức đưa ra chương trình thu nhận nhân đạo người Việt Nam tị nạn cộng sản vào sinh sống định cư tại Quốc gia này.
Nay Vị Đại Ân Nhân của chúng ta, Dr. Albrecht, sau 84 năm sống trên trần gian nay đã ra đi về nơi vĩnh cửu ngày 13.12.2014.
Chúng ta ngậm ngùi nhớ đến Vị Đại Ân Nhân Dr. Albrecht với lòng biết ơn sâu xa, như ngạn ngữ dạy „Ăn trái nhớ kẻ trồng cây“
Chúng ta người Việt tị nạn cộng sản luôn nhớ đến vị Đại Ân Nhân Dr. Albrecht với tâm tình niềm tự hào. Vì Ông qua quyết định nhân đạo đã khai sáng mở ra con đường cho chúng ta, con cháu và các thế hệ kế tiếp
có cơ hội tiếp xúc, học hỏi kho tàng nền văn hóa, khoa học văn minh của nước Đức và cũng nhờ đó cùng chung tay với dân tộc Đức xây dựng một quốc gia dân chủ, tự do và phú cường.
Vị Đại Ân Nhân Dr. Albrecht đã ra đi về đời sau. Nhưng hình ảnh công ơn lòng từ tâm nhân ái của Ông luôn sống động trong trái tim, tâm tưởng lòng yêu mến biết ơn của chúng ta.
Chúng ta cúi đầu thắp nén hương, nguyện xin Chúa từ nhân đón nhận linh hồn Vị Đại Ân Nhân Dr. Ernst Albrecht về hưởng vinh quang của Chúa trên nước Thiên Đàng.
„Nhục thể ly trần lưu cát bụi,
Hồn thiêng thoát tục nhập thiên cung.“
Thành kính phân ưu.
Liên Ðoàn Công giáo Việt Nam tại Đức.
- Viết bởi Mỹ Nga phỏng dịch
Cựu Thống đốc bang Niedersachsen, ông TS Ernst Albrecht, một ân nhân lớn của người tị nạn VN tại Đức - người chủ xướng con tàu nhân đạo Cap Anamur cứu người vượt biển, đã qua đời vào ngày 13.12.2014.
Chúng tôi đã được hân hạnh làm quen với ông trong công tác cứu độ và đánh giá ông rất cao. Bởi vì ông ta không giống như những ông thủ hiến khác, tuy công việc của ông rất bề bộn nhưng ông vẫn muốn tự chính tay mình sắp xếp mọi việc trong vấn đề cứu giúp Thuyền Nhân hơn là chỉ ngồi nghe các cuộc bàn thảo dai dẳng đầy lý thuyết.
Một nhóm người Đức khi nghe tin ông qua đời chắc chắn sẽ rất hụt hẫng và buồn bã: đó là nhóm người Đức gốc Việt. Vì chính ông là người đã thâu nhận 1.000 người VN, một quyết định đã xảy ra cả vài tháng trước khi ý định thành lập một con tàu cứu vớt thuyền nhân ở biển Đông ra đời. Thuyền nhân VN ngày đó đã nhồi nhét chật cứng trên con tàu Hải Hồng, một loại tàu dài cổ điển chỉ dùng để đi trên sông. Con tàu này đã từng ngừng lại ở mỗi hải cảng thuộc vùng biển Nam Hải để xin phép đưa người tỵ nạn lên đất liền, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được sự chối từ. Biết được tin đó, không chờ đợi phê chuẩn của quốc hội liên bang, ông đã đơn phương quyết định, thâu nhận 1000 Thuyền nhân VN đang mỏi mòn tuyệt vọng. Năm 2008, trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm tái ngộ của thuyền nhân VN, chúng tôi rất vui mừng khi được gặp lại ông, mặc dầu sức khỏe của ông ngày ấy cũng đã không lấy gì làm khả quan cho lắm.
Cho đến năm 1985, ông Albecht luôn luôn chứng minh cho chúng tôi, những người có trách nhiệm cho tổ chức Cap Anamur, thấy một điều, rằng chính trị không những chỉ có trách nhiệm phê duyệt và cho phép, mà chính trị còn có thể trực tiếp nhúng tay vào công tác trợ giúp nhân đạo. Ông đã thâu nhận người tỵ nạn nhiều hơn cả con số mà tiểu bang của ông bắt buộc phải thi hành. Vào một ngày Chúa Nhật nào đó của năm 1981, ông đã mời chúng tôi đến nhà của ông ở Beinhorn gần Hannover để kể cho ông nghe tường tận về hoạt động cứu trợ của con tàu Cap Anamur. Có mặt ngày hôm đó gồm Dr. Franz König, vị BS lâu đời nhất của con tàu, ông Franz Alt, người bạn đồng hành trong công cuộc cứu trợ trên phương diện truyền hình trên TV và tôi. Trong 35 năm vừa qua, tôi chưa bao giờ chứng kiến một nhà chính trị tầm cỡ nào lại tha thiết quan tâm lo lắng đến số phận con người cũng như những môi trường sống bấp bênh nguy hiểm nhất, từ hiểm nguy do hải tặc, do hãm hiếp hay do những hiểm nguy cận kề khác của biển cả… như Dr. Ernst Albrecht.
Một năm rưỡi trước đây tôi có dịp gặp lại ông trong căn nhà của ông ở Beinhorn - Hannover, căn nhà lúc này đã được con gái ông, bà Ursula von der Leyen, quán xuyến săn sóc. Ông rất mừng khi có cuộc viếng thăm, ông có vẻ như nhận ra khi nghe nhắc đến hai chữ „Việt Nam“. Một vài người Việt Nam cũng đã kịp đến viếng thăm vị ân nhân của họ.
Lòng tưởng nhớ đến Ernst Albrecht không chỉ là một tưởng nhớ suông rồi đem cất vào bảo tàng viện. Thật là quý báu khi chúng ta có lại một ai đó giống như ông, cũng có lòng can đảm, biết thương giúp người trong cơn khốn khó hoạn nạn, thâu nhận một ngàn người hay năm ngàn người vào tiểu bang của mình. Làm thế nào ư?
Có một câu chuyện thật hay mà tôi nghĩ cần phải kể lại nhân ngày ra đi vĩnh viễn của Ernst Albrecht. Ông đã dành cho Cap Anamur thật nhiều chỗ để thâu nhận người tỵ nạn, nhiều hơn cả con số mà cá nhân ông và tiểu bang của ông phải đứng ra đảm nhận. Ông thông báo cho nội các của ông như thế trong một buổi họp nội bộ. Ông bộ trưởng nội vụ Möcklinghoff nghe thế bèn viết vội vào mảnh giấy con “nhưng mà chúng ta không còn chỗ. Möcklinghoff” rồi chuyền mảnh giấy con cho ông Albrecht. Albrecht liếc nhanh vào mảnh giấy rồi viết trả lời không chần chừ, “thì ông hãy kiếm cho ra chỗ ! Albrecht.”
Câu nói đó vẫn luôn được xem như là một di sản, một chúc thư cho những ai lên thay thế ông trong vai trò thủ hiến một tiểu bang của nước Đức. Hunc meminisse iuvabit. Trong công cuộc đấu tranh dành nhiều chỗ tạm dung cho Syrer, cho Iraker, Jeziden, Eriträer, cho con chiên của Kitô giáo, của Kurden… chúng ta sẽ mãi mãi tưởng nhớ đến Ernst Albrecht.
Rupert Neudeck
Mỹ Nga phỏng dịch
- Viết bởi Diệp Hải Dung
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Vọng 14/12/2014 Sau những tháng ngày học hiểu về Giáo Lý, Kinh Thánh 12 Anh Chị Em Tân Tòng thuộc các Giáo đoàn trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ St.Luke Revesby Sydney tham dự Thánh lễ và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Bí tích Thánh Thể để chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa.
Trước khi Thánh lễ, Cha Paul Văn Chi đã cử hành nghi thức Xức Dầu Thánh cho các anh chị em Tân Tòng và Cha với Cha Mai Đào Hiền cùng hiệp dâng Thánh lễ.
Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi có hỏi trắc nghiệm một vài anh chị em Tân Tòng về niềm tin vào Chúa. Các anh chị em cho biết là tin vào Chúa và muốn theo Chúa và hôm nay chúng ta hãy vui lên hãy yêu thương và chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng Sinh. Xin Chúa cũng chúc lành cho 12 anh chị em Tân Tòng…
Và sau bài giảng ông Hoàng Văn Long Trưởng Ban Truyền Giáo đọc danh sách các anh chị em Tân Tòng lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, đồng thời nhận Khăn Trắng và Ánh Nến Phục Sinh của Chúa Kitô. Sau đó các anh chị em đón nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Cha Paul Văn Chi Đặc trách Ban Truyền Giáo chúc mừng 12 anh chị em Tân Tòng và mọi người cùng vỗ tay chúc mừng. Ngoài ra, trong Thánh lễ hôm nay có sự hiện diện của Nữ Ca sị Mai Thiên Vân và Nữ Ca Sĩ Ngọc Huệ từ Hoa Kỳ cùng tham dự.
Kết thúc Thánh lễ Ông Trần Văn Hòa Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby thay mặt Giáo đoàn ngỏ lời chúc mừng các anh chị em Tân Tòng gia nhập vào Giáo Hội. Cha Paul Văn Chi cũng ngỏ lời chúc mừng các anh chị em Tân Tòng đã được chính thức gia nhập vào Giáo Hội.
- Viết bởi Lm. Giuse Nguyễn Kim Long
Trong dòng đời nhộn nhịp và hối hả của những ngày cuối Năm Duơng lịch và Lễ Giáng sinh đã gần kề, người ta vất vả lo kiếm tiền và đi mua quà cho những người thân trong gia đình. Hoà chung niềm vui đó, giáo dân Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Tgp Miami, hân hoan mừng ngày Lễ Thánh Hiến Lại Nhà thờ sau những tháng ngày vất vả sửa chữa vào CN 14-12 lúc 5:30pm
Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thập niên 80, một số gia đình Công Giáo Việt Nam định cư tại miền Nam Florida đã được cha Pedro, trước đây đã từng dạy tại Giáo hoàng chủng viện Đàlạt, và sau này là Giám mục của địa phận Browsvill, Texas, qui tụ lại và chính thức thành lập Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam. Sau đó cha Trần công Vang, Dòng Chúa Cứu Thế, đến hướng dẫn. Rồi cha Isidore Nguyễn bá Kỳ tiếp nối cha Vang trong trách nhiệm Quản nhiệm cho đến khi Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang sát nhập vào giáo xứ Thánh Helen ở Ft. Lauderdale. Cha Kỳ nghỉ hưu sau hơn 22 năm ở với cộng đoàn và cha Giuse Nguyễn kim Long từ California đến thay thế.
Cộng đoàn đã có ước mơ gây quĩ mua nhà thờ riêng trong quá khứ nhưng vì hoàn cảnh nên giấc mộng chưa thành. Sau hơn 2 năm đồng hành với cộng đoàn và nhận thấy đã đến lúc cần phải làm sống lại ước vọng này, cha Quản nhiệm và một số đại diện đã viết thư và xin gặp Đức TGM vào ngày 7-11-2013 để trình bày nguyện vọng. Đức TGM, một người cha nhân từ, đã lắng nghe, tìm hiểu và chấp nhận trên nguyên tắc. Tuy nhiên, thời gian dần trôi qua và có lúc giấc mộng tuởng chừng như đã thành mây khói. Cha QN mời gọi anh chị em giáo dân đọc Kinh MC nối kết và cầu nguyện liên tục cho công việc quan trọng này. Thật vậy, lời cầu nguyện chân thành đã được Đức Mẹ La Vang chuyển cầu và Thiên Chúa đã nhậm lời.
Vào cuối tháng 2-2014, Toà GM đã báo cho cha QN là Đức TGM muốn bán cho Cộng doàn VN một nhà thờ Công Giáo tên Thánh Charles Borromeo đã bị đóng cửa và đang cho nhóm Tin lành thuê với giá 2 triệu. Sau khi đến xem, cha QN và các vị đại diện đã đồng ý mua vì khu đất rất đẹp rộng gần 4 mẫu với nhà thờ, nhà xứ và hội trường. Khu đất này trên thị trường là 5 triệu.
Sau khi nhận chìa khoá nhà thờ, cha Quản xứ và anh chị em giáo dân đã bắt tay vào sửa chữa và chuẩn bị cho ngày Thánh Hiến lại vào Chúa Nhật 14-12-2014.
Ngày Chúa Nhật 14-12 đã đến khi mọi người từ khắp nơi qui tụ về ngôi nhà thờ thân yêu này. Khoảng trên 1,000 người người ngồi chật kín trong nhà thờ và bên ngoài. Có cả những vị khách từ California, Texas và những nơi khác đến tham dự. Điều đặc biệt hơn nữa mà ít khi xảy ra là trong Thánh Lễ có sự hiện diện của cả hai vị chủ chăn Tổng giáo phận: Đức TGM Thomas Wenski, Đức Cha phụ tá Phêrô Baldacchino, 1 Đức ông và 11 Linh mục đồng tế, cả Việt Nam và Mỹ.
Thánh Lễ bắt đầu với đoàn rước từ nhà xứ và có kiệu Đức Mẹ La Vang đi cùng do quí vị TTV/TT khiêng và các bà Mẹ CG tháp tùng. Đến cửa nhà thờ, Đức TGM và cha QX cắt băng khánh thành trong tiếng vỗ tay của Cộng đoàn. Trong bài giảng, Đức TGM đặc biệt nói về niềm vui khi có nhà thờ mới, sự hy sinh không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa, nhưng còn là hy sinh sống đạo, làm chứng cho Thiên Chúa. Ngài cũng kể ra tấm gương hy sinh của Đức cố HY Thuận, trong nhà tù đã dâng lễ với chén thánh là bàn tay và giọt rượu do bà cố gởi vào trong lọ thuốc.
Sau bài giảng là nghi thức thánh hiến bàn thờ mới, xức dầu bàn thờ và các tường nhà thờ. Thánh Lễ diễn ra thật sốt sắng và long trọng lồng trong tiếng hát điêu luyện của anh chị em ca viên liên Ca đoàn: Terêsa, Đức Mẹ MC và Thiên Thần (ca đoàn Thiếu nhi). Thánh Lễ kết thúc vào lúc 7:00pm và mọi người được mời ra Hội trường mới ăn tối và thưởng thức chương trình văn nghệ ngắn gọn.
Cảm tạ Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ La Vang và Thánh cả Giuse, đã ban cho Giáo xứ chúng con một ngày tràn đầy niềm vui. Xin giúp chúng con, khi đã có ngôi nhà thờ vật chật, một "Ước mơ đã thành sự thật" thì cũng biết cùng nhau xây dựng ngôi nhà thờ thiêng liêng qua sự hiệp nhất, yêu thương và giúp đỡ người nghèo. Xin cho chúng con luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa vì "Tất cả là hồng ân".
- Viết bởi Nguyễn Ngọc Sáng
Để đón mừng đại lễ Giáng Sinh, tối Chúa Nhật 14 tháng 12 năm 2014, giáo xứ thánh Philipphê Phan Văn Minh Orlando, Florida đã tổ chức một đêm “Thánh Ca Giáng Sinh”.
Khán giả là những giáo dân, những người quen thuộc trong giáo xứ. Ca viên là những người đã từng góp mặt trong các ca đoàn của giáo xứ. Người hát là ta, mà người nghe cũng là ta. Đời nào ta lại chê ta. Do vậy, sau khi mỗi bài hát được trình bày xong, tiếng hoan hô vang dậy.
Tuy các bài hát đều rất là quen thuộc như: Bên Hang Đá Bê Lem, Kìa trông huy hoàng vì sao, Ba Vua hành khúc, Linh hồn tôi, Bê Lem ơi, Tiếng ru trong đêm, … nhưng nhờ các anh chị ca viên đã khổ công luyện tập, bài nào nghe cũng hay, cũng thấy … tuyệt vời!
Trời đang se sẽ lạnh. Người bên người thấy ấm. Trời đêm thanh vắng, yên lặng. Tiếng hát vang tưng bừng.
- Viết bởi Bài: Nhã Uyên & Ảnh: Nhật Thành
WGPSG -- "Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đấy ân sủng lại càng chứa chan" (Rm 5,20).
Vào lúc 18g Chúa nhật 14.12.2014, chương trình Đại hội Giới Trẻ mùa Vọng của giáo hạt Hóc Môn đã được khai mạc tại giáo xứ Chợ Cầu với chủ đề "Tội Lỗi và Ân Sủng".
Đến tham dự đại hội có cha Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng - quản hạt, cha Đaminh Nguyễn Văn Minh - Đặc trách Giới Trẻ giáo hạt, cha Grogiô Nguyễn Đức Phùng - Giám đốc Cộng thể dòng Don Bosco Cầu Bông, quý cha trong giáo hạt, đông đảo các bạn trẻ của 19 giáo xứ trong và ngoài giáo hạt.
Sau phần khởi động bằng các vũ khúc, cha chánh xứ Giuse Trần Thanh Công đã có lời chào mừng cha quản hạt, quý cha và các bạn trẻ đã về tham dự. Tiếp theo, với tâm tình sám hối, dọn tâm hồn đón chờ đón Chúa đến, các bạn trẻ đã nhìn lại bản thân trong phần diễn nguyện: “Quyền lực và Sự dữ” dưới sự thể hiện của các bạn trẻ giáo xứ Chợ Cầu. Từ những ham muốn của bản năng, từ những sự ích kỷ của cái tôi, chúng ta đã để cho Satan có cơ hội xúi giục, điều khiển chúng ta vào con đường tội lỗi. Nhưng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn tràn, Người luôn dang cánh tay ấm áp chờ đợi chúng ta ăn năn trở về.
Diễn nguyện kết thúc, cha Giuse Vũ Trọng Tài - dòng Don Bosco - đã chia sẻ Tin Mừng với những ý nghĩa đích thực của đời sống Đức tin. Ngài nhấn mạnh: Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật màu hồng, là màu ửng hồng của tình yêu nhưng không phải là tình yêu của con người mà là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Sau bốn trăm năm, bỗng xuất hiện vị siêu ngôn sứ ăn châu chấu, ở trong rừng: Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đã mang một niềm vui mới lớn lao cho dân Do Thái. Để có thể đạt đến đỉnh điểm của con đường hạnh phúc, các bạn trẻ hãy mở lòng ra, bước theo con đường mang tên Giêsu. Tất cả Kitô hữu chúng ta chỉ có một con đường mang đến niềm tin và hy vọng đó là con đường Giêsu. Những gì thỏa mãn thân xác, những dục vọng trần gian, sao ta cứ mải mê đắm chìm? Tại sao khi gặp hoạn nạn, đau khổ đến cùng đường, ta mới nhớ đến Thiên Chúa? Tại sao ta cứ bế tắc trong cái vòng luẩn quẩn? Coi chừng cái vòng luẩn quẩn đó khiến ta không kịp làm lại cuộc đời! Ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa địa cầu. Ngài cho ta biết sẽ đi về đâu khi ta luôn nhớ đến Ngài, gần gũi Ngài. Cuộc đời có bao lâu mà ta cứ xa lánh Ngài, cứ đấu đá nhau? Hạnh phúc hay đau khổ, ta sẽ chọn cái nào khi gặp Ngài trong ngày sau hết? Ngày ấy, Đức Kitô sẽ không hỏi ta có mấy cái nhà lầu, mấy cái xe hơi, nhưng Ngài sẽ hỏi ta cường độ tình yêu ta trao cho nhau trong cuộc đời này là bao nhiêu? Hơi thở của Chúa trong đêm Giáng Sinh đang đến ngay bên nhà rồi, Chúa Hài Đồng viếng thăm ta rồi đó, ta có biết không? Các bạn trẻ thân mến! Mỗi người chúng ta đều có những người bạn rất thân thiết, những người bạn đó là: tiền bạc vật chất, anh em bằng hữu, nghĩa cử bác ái yêu thương. Nhưng các bạn trẻ hãy nhớ rằng: tiền bạc vật chất sẽ lạnh lùng bỏ rơi ta, anh em bằng hữu đưa ta đến phần mộ rồi cũng bỏ ta đi, còn nếu ta thân thiết với nghĩa cử bác ái yêu thương bao nhiêu thì được Chúa thưởng bấy nhiêu trong ngày sau hết. Vì vậy, các bạn trẻ chúng ta hãy chăm sóc kỹ lưỡng hoa trái bác ái yêu thương để được về bến yêu thương.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Đặc trách đã có đôi lời tri ân đến quý cha trong hạt Hóc Môn, quý cha dòng Don Bosco, cha xứ Chợ Cầu, và dâng lên các ngài những bó hoa tươi thắm để bày tỏ lòng tri ân và kính yêu. Đặc biệt, không quên những vị ân nhân cùng tất cả quý anh chị em đã đóng góp cho chương trình đại hội được diễn ra thành công tốt đẹp. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cảm ơn nhau.
Nguồn: TGP Sài Gòn
- Viết bởi Vũ Đình Binh
Giáo điểm Krông Nô là một vùng rừng núi đại ngàn phía Đông-Nam tỉnh Đak Lak, nằm giáp ranh với huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng và huyện Đắk G’Long, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông.
Vào khoảng thập niên 60, các vị thừa sai đã vượt suối băng rừng mang ánh sáng Đức Tin đến vùng đất hoang sơ này. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ánh sáng Đức Tin ấy có đôi lúc tưởng chừng như tắt lịm, giáo dân bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, nhưng Ơn Chúa Thánh Thần tác động, ngày hôm nay lại bừng lên mạnh mẽ.
Xem Hình
Giáo điểm Krông Nô hiện có hơn 1.800 giáo dân, hầu hết là người M’nông, sống rải rác trong các buôn làng xa xôi hẻo lánh: Buôn Ba Yang, Buôn Gung Dang, Buôn Plôm, Buôn Lách Dơng, Buôn Dơng Blang, Buôn Đắk Tro, Buôn Phi Dih Ja A, Buôn Phi Dih Ja B, Buôn Đắk Rơ Mứt, Buôn Rơ Cai A, Buôn Rơ Cai B, Buôn Yong Hắt, Buôn Trang Yôk, Buôn Liêng Krăc và một số người kinh từ các tỉnh miền Bắc đến lập nghiệp.
Cũng như các Giáo điểm khác thuộc huyện Lăk như Giáo điểm Nam Ka, Yang Tao, Bông Krang, Đăk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, Đăk Phơi, Đăk Nuê, Ea R’bin, Liên Sơn, Giáo điểm Krông Nô vẫn chưa có nhà nguyện. Giáo dân muốn tham dự Thánh lễ phải vượt qua đoạn đường dài trên 60 cây số mới đến được Nhà thờ Giáo xứ Giang Sơn.
Thấu hiểu nỗi khổ đó, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Banmêthuột đã bổ nhiệm cho Giáo xứ Giang Sơn thêm 2 Cha Phó trẻ, nhiệt thành để cộng tác với Cha Sở chăm sóc mục vụ cho mảnh đất truyền giáo rộng lớn này.
“Hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16). Ngày 15.12.2014, đích thân Đức Giám Mục đã đến Giáo điểm Krông Nô ban phép thêm sức cho 194 người lớn và trẻ em ngay tại mái lều tạm bợ rách nát giữa vùng ngoại biên xa xôi, nghèo khó. Hôm nay là ngày hạnh phúc của Giáo điểm Krông Nô cùng với niềm vui tuyệt diệu, vỡ òa. Đức Giám Mục đến, không chỉ trao ban ngọn lửa ân sủng của Thánh Linh, mà còn trao ban sức sống mới, một sức sống thánh thiêng, tin yêu và phó thác. Thánh lễ đầu tiên của Giám mục hôm nay, đã mở ra một trang sử mới cho vùng đất hẻo lánh này, là điểm tựa để công cuộc loan báo Tin Mừng phát triển và khởi sắc.
Trong Thánh lễ, Đức Giám Mục kêu gọi cộng đoàn biết mở lòng ra, đón nhận Chúa Thánh Thần để Thánh Linh hướng dẫn để chúng ta sống Đức Tin mạnh mẽ và tích cực xây dựng đời sống trong gia đình, trong xã hội, trong buôn làng mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Trước khi ban bí tích Thêm Sức, Đức Giám Mục dùng lời lẽ đơn sơ, mộc mạc cắt nghĩa đoạn Phúc Âm (Ga 14,15-21): “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” Sau đó, ngài khuyên cộng đoàn giữ vững niềm tin Công Giáo, sống đẹp lòng Chúa, sống tích cực với trách nhiệm của người Kitô hữu. (Mời nghe BÀI GIẢNG)
Sau Thánh lễ, những chóe rượu đặc biệt của người M’Nông được bày ra, các Già làng mời Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản và Cha Sở Phêrô Bùi Văn Thục uống rượu cần khai hội. Đức Cha hòa mình trong niềm vui của cộng đoàn, Ngài ân cần thăm hỏi các cụ già, chúc phúc cho những em nhỏ, lắng nghe tâm tình của mọi người, tặng quà, chụp hình lưu niệm với mỗi buôn làng. Ngài nhận được sự kính trọng, yêu thương và rất nhiều xâu chuỗi hạt cườm là kỷ vật kết nghĩa theo tập tục cổ truyền của người M’Nông.
Trước khi chia tay, Đức Giám Mục cùng cầu nguyện với cộng đoàn: Xin Chúa ban bình an cho toàn Thế giới, cho nước Việt Nam, cho buôn làng và bình an trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ước mong Ngày Hạnh Phúc của Giáo điểm Krông Nô còn kéo dài mãi và lan rộng đến khắp vùng truyền giáo giáp biên xa xôi này của Giáo phận Banmêthuột.
- Viết bởi Martha Kim Ngân
VRNs (16.12.2014) – Sài Gòn – Nắng!!! Vừa đặt chân xuống xe, ánh nắng chói chan của Tây Ninh làm tôi nheo mắt lại. Người ta nói Tây Ninh vào mùa khô, nóng nung người với ánh nắng chói chang, nhưng đến mùa mưa vùng đất này lại đón những cơn mưa kéo dài không dứt. Trước mắt chúng tôi là Giáo xứ Tân Hội, huyện Tân Châu, địa phận Phú Cường. Nhà xứ Tân Hội đơn sơ bé nhỏ, được lợp hoàn toàn bằng tôn, nền đổ ximăng hiện ra. Bụi, gió và nắng vàng rực , tất cả quyện lại làm tôi liên tưởng đến những bước chân đầu tiên rao giảng Tin Mừng của Chúa Yê-su, khi đến những vùng đất của dân ngoại, như làng Samari, thành Tia và Xi-dôn năm xưa. Cha Cha xứ GB Lê Trung Ân, Cha Phó Bằng và Thầy Sáu Giàu đã đứng trước cổng nhà thờ để chờ đợi cả đoàn chúng tôi đến viếng thăm.
Chúa nhật III Mùa Vọng ngày 14.12.2014, nhóm Chúa Yê-su Yêu Bạn đã đến giáo xứ Tân Hội này với sứ vụ Bác ái trong mùa Vọng. Đồng hành với nhóm trong sứ vụ này có Cha An-tôn Lê Ngọc Thanh (C.S.s.R), là người Cha tinh thần, Cha Linh hướng của nhóm. Ngoài ra còn có bạn Giuse Nguyễn Kiệt, đại diện cho VRNs , các bạn trẻ thành viên của lớp Kỹ năng Công giáo, các anh chị em (ACE) nhóm Thánh Kinh cầu nguyện tại các giáo xứ ở Sài Gòn. Cả đoàn chúng tôi có gần hơn 90 anh chị em đã đăng ký tham gia đi phục vụ trong Chúa nhật này.
Gx Tân Hội cách biên giới Việt Nam-Camphuchia hơn 10 km, đi suốt quốc lộ 22 khoảng 2giờ là tới. Hai xe của chúng tôi khởi hành lúc 05:00 sáng từ nhà thờ Kỳ Đồng ( DCCT) và đi đến giào xứ Tân Hội lúc 08:15. Vì đặc sủng riêng của nhóm là Ca ngợi tôn vinh Chúa nên trên cả hai chuyến xe trên đường đến Gx, không ngớt lời ca tiếng hát của tất cả ACE phục vụ. Cả nhóm cùng cầu nguyện trên xe với Mẹ Maria, xin Đức Mẹ bảo trợ chuyến đi và đọc Lời Chúa, sau đó chúng tôi tập hát cho Thánh Lễ Chúa nhật ngay trên xe.
Đến với giáo xứ Tân Hội, một giáo xứ nhỏ bé trên vùng đất Tây Ninh đầy nắng gió, thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, thuộc giáo phận Phú Cường. Đức Cha Giuse Nguyễn Tân Tước ( ĐGM Phú Cường) đã nâng giáo họ Tân Hội thành giáo xứ vào ngày 07.09.2012 và cử hành Thánh Lễ Tạ ơn. Theo lời của bà Maria Ánh Liên, Trưởng khu Tân Đông cho biết: “Giáo xứ có 4 khu, bao gồm khu Tân Đông, Tân Hội, Tân Hà, và Bổ Túc. Bà Liên cho biết đất ở đây là đất xám bạc màu, dễ rửa trôi, khó trồng trọt. Mình chỉ có thể trồng được khoai mỳ, mía và cao su. Đời sống bà con khó khăn, quanh năm chỉ đi làm công cho những người giàu. Bà con nói bà đã chuẩn bị và đem mấy đứa cháu của bà đến đây từ sáng sớm lúc 6giờ như bao đứa trẻ trong xứ khác. Và ngay chính cháu bà cũng háo hức muốn đến nhà thờ sớm. Vì nó nghe nói nó sẽ được nhận quà từ Sài Gòn…” bà Liên mỉm cười nhìn tôi.
Mà quả thật theo lời bà Liên cũng như lời của Quý Cha Quý Thầy, từ 6h sáng, thiếu nhi có đạo trong xứ cũng như từ các nơi lân cận đều đến nhà thờ từ rất sớm, mà theo lời thầy Sáu Giàu: “Là 6giờ sáng mấy đứa nhỏ đã lấp lo đứng trước cổng nhà thờ, nhìn thấy thương gì đâu!..” Lúc 08:20, nhóm chúng tôi đã có mặt đầy đủ ở nhà thờ chuẩn bị máy móc và bắt đầu chương trình. Sau lời giới thiệu thân thương của Cha Ân về mục đích của chương trình, Cha An Thanh của chúng tôi đã ra hướng dẫn và linh hoạt các em nhỏ, để chúng tôi bước vào giờ ca ngợi Chúa đúng 08:30. Nhìn các em thiếu nhi ngồi đầy chật hết các dãy ghế nhà thờ. Đứa nào cũng đen nhẻm, còm nhom, đã vậy thêm mái tóc cháy nắng, nhưng những đôi mắt thơ ngây này thì mở rất to, chúng đang háo hức chờ đợi những món quà và niềm vui mà chúng nó sắp được nhận.
Nhưng với số lượng gần hơn 800 em này mà chúng tôi chỉ chuẩn bị có 500 phần quà cho thiếu nhi bao gồm tập trắng và bút. Con nít ở đâu ra mà đông thế không biết, nghe một bà già người trong khu Tân Hà nói, là không chỉ có con cái có đạo trong xứ, mà con có người Miên và người Cam-pu-chia ở các làng lân cận kéo về. Và các em không có đạo hầu như ngồi chật kín hết những hàng ghế đầu tiên.
Những bài hát ca ngợi của nhóm hôm nay diễn ra xuyên suốt và tốt đẹp. Tuy nhiên các em người ngoại vẫn chưa bắt kịp, vì các em còn nhỏ và chưa hề tiếp xúc với các bài hát Ca ngợi Chúa, nên các em vẫn chưa dám hòa mình và còn rụt rè ở những bài hát đầu tiên.
Tuy nhiên, những bài hát gần sau, các em bắt đầu được mở lòng hơn và bắt đầu giơ cao tay theo sự hướng dẫn của anh Trưởng Nhóm, anh Đa-minh Hiển. Bài hát Con tôn cao danh Yê-su đã khép lại phần ca ngợi, đúng 09h00, được sự điều động của Quý Cha trong Dòng, chúng tôi đã làm thành hai con đường để cho các em nhỏ đi đến nhận quà là những quyển tập trắng và cây bút viết. Điều làm quý Cha ngạc nhiên là có nhiều em học lớp hai mà vẫn chưa biết chữ, chưa đọc chữ được. Nhìn các em thấy thương nên Quý Cha quyết định chia nhỏ những món quà cuối để có thể đủ cho số lượng từ 700-800 em nhỏ.
Đến 10:00, chúng tôi chuẩn bị các phần quà dành cho người lớn, mỗi phần gồm có một phần gạo 10 kg, nước mắm, mắm nêm, mỳ gói và đường. Theo sự hướng dẫn của Quý Cha Quý Thầy, những người nghèo bao gồm giáo dân lẫn những người ngoại, người Miên và người Cam-pu-chia đều được phát quà. Mọi việc diễn ra trong trật tự, không chen lấn và không ồn ào. Đến 10:30 sáng, sau khi phát quà xong, chúng tôi chuẩn bị các bài hát để chuẩn bị vào Thánh Lễ.
Trong Thánh Lễ Đồng Tế sáng hôm ấy, Cha An-tôn Lê Ngọc Thanh Chủ tế và giảng lễ. Chúa nhật III mùa Vọng, Chúa nhật hồng của sự mừng vui mong chờ Chúa Yê-su đến. Cha An Thanh đã kể lại câu chuyện cho thiếu nhi, một câu chuyện mà Cha đã nghe được cách đây mười năm, về món quà Giáng sinh, một người Cha có ba người con. Trong đêm Giáng sinh, người Cha và các con tặng quà cho nhau. Riêng cậu con trai út tặng cho ông bố món quà làm ông bố tức giận, đó là một món quà lớn, nhưng bên trong toàn là những chiếc hộp lớn gói những cái hộp nhỏ, và bên trong cái hộp nhỏ cuối cùng là một mẫu giấy vụn nhỏ. Người Cha nổi giận và hỏi tại sao đứa con út bốn tuổi của mình lại làm như vậy. Đứa bé mếu khóc và nói: “ Con nghe cô giáo nói, khi mình hôn ai, thì đó là cách mình yêu thương người đó nhất và là món quà quý nhất, nên con đã hôn vào mảnh giấy vụn nhỏ đó và gói vào những hộp quà, vì con nghĩ đó là món quà quý nhất.” Người Cha cảm động và ôm con trai của mình vào lòng vì em đã yêu Bố mình nhiều nhất và đó là món quà Giáng sinh ý nghĩa nhất.
Cha An Thanh nhấn mạnh đến việc truyền giáo cho những anh chị em lương dân chưa nhận biết Chúa. Cha đặt câu hỏi cho các em: “ Các con làm thế nào để nói cho những người ngọai giáo sống xung quanh mình, được biết đến Chúa Yê-su.” Các em thiếu nhi rất giỏi, có em cho rằng, phải làm dấu Thánh giá trước khi ăn, phải sống tốt và giúp đỡ mọi người, và siêng năng đọc kinh cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ, học hỏi Giáo lý… Cha An Thanh nhấn mạnh đến việc cầu nguyện để mời Chúa Yê-su đến viếng thăm người ngoại , Cha nói: “ Chí ít, ra, chúng ta sẽ bắt đầu bằng những công việc nhỏ bé nhất. Cụ thể, các con có thể đến với một người bạn chưa biết Chúa của mình, khi bạn ấy đang có chuyện buồn. Con nắm lấy tay của bạn ấy và nói: “ Mình biết bạn đang buồn, nhưng mình không giúp gì được cho bạn. Nếu bạn muốn, mình sẽ cầu nguyện cho bạn ngay lúc này để xin Chúa Yê-su đến với bạn và ban cho bạn niềm vui.” Sau đó các con có thể bắt đầu cầu nguyện cho bạn mình. Đối với người lớn cũng vậy, ACE có thể đến với những gia đình nghèo, những gia đình của người ngoại xung quanh. Họ đang gặp những gian nan thử thách, đang nỡ nần hay tai nạn. ACE hãy đến bên họ và nói: “ Tôi biết gia đình anh chị đang gặp khó khăn, gia đình tôi còn nghèo hơn anh chị, tôi biết tôi không thể giúp được anh chị nhưng tôi có Chúa Yê-su, và chỉ có Chúa Yê-su mới có thể giúp được anh chị. Nếu anh chị muốn , tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa đến với anh chị ngay lúc này, để người ban cho anh chị niềm vui.” Và sau đó anh chị nắm lấy tay người bạn của mình vả cầu nguyện cho họ…”
Theo Cha An Thanh, rao giảng Tin Mừng bắt đầu từ những việc rất đơn giản, là can đảm nói về Chúa Yê-su cho anh chị em đang sống xung quanh với mình. Cha An Thanh thay mặt nhóm Chúa Yê-su Yêu Bạn để cảm ơn Cha chánh xứ cũng như quý Cha quý Thầy đã tạo điều kiện cho các bạn nhóm Yê-su Yêu Bạn đến viếng thăm, chia sẻ những món quà bé nhỏ đến cho các anh chị em ở đây. Tuy là đến làm sứ vụ bác ái nhưng thật ra là để nhóm Yê-su Yêu Bạn có thêm trải nghiệm về việc ra đi rao giảng Tin Mừng, đến với các anh chị em lương dân ở những vùng đất xa xôi, cũng như được học hỏi kinh nghiệm truyền giáo của Quý Cha quý Thầy tại nơi miền đất Tây Ninh này, nơi mà những người biết Chúa còn quá ít, và nơi cánh đồng truyền giáo còn rộng lớn và mênh mông.
Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng trang nghiêm, cả cộng đoàn Phụng vụ đều hát hết mình. Cô Ánh Liên nói với tôi: “ Hôm nay cô nghe các bài hát trong Thánh lễ cô rất thích, thích nhất là mấy bài lúc lên rước lễ.” Riêng các bạn trẻ trong lớp Kỹ năng Công giáo, thì rất thích bài hát Mây ơi mưa xuống trong lúc hiệp lễ, các bạn nói tôi cho biết tựa đề bài hát và trên xe, các bạn cũng hát đi hát lại bài hát này : “ Trời xanh ơi, xin đổ mưa xuống, từ trời cao, tuôn tràn nguồn Thánh ân… Mây mây ơi, gieo mưa đi, trần đời khấn xin…”
Sau Thánh lễ, Cha GB Lê Trung Ân cảm ơn Cha An-tôn và các anh chị em phục vụ đã từ Sài Gòn đến Gx Tân Hội để chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho các anh chị em Công giáo cũng như không Công giáo tại giáo xứ Tân Hội. Cha cũng chia sẻ tâm tình hiệp thông với Nhà Dòng Mẹ , tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế thân yêu cũng như tất cả anh em trong Nhà Dòng, đã luôn nâng đỡ, chia sẻ những khó khăn trên những bước đường Truyền giáo. Cha GB cũng nhấn mạnh Hiến Pháp và Tu luật của người Tu sĩ Dòng Chúa cứu thế là đến và sống với những người nghèo, những người bị lãng quên hơn hết, đem Chúa Cứu Thế Yê-su đến với họ. Cha xin tất cả ACE tiếp tục nâng đỡ Cha và các Nhà Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế trong lời cầu nguyện và những hy sinh mỗi ngày.
Thánh Lễ kết thúc trong niêm vui và hy vọng vào lúc 11h45’, tất cả chúng tôi thay phiên nhau dọn bàn ăn và cùng dùng cơm trưa, chia sẻ huynh đệ cùng nhau. Bữa cơm hôm nay do các cô chú giáo dân khu Tân Hà nấu nướng phục vụ. Cô Anh Liên cho biết: “ Giáo xứ thay phiên mỗi tuần một khu để nấu ăn cho Quý Cha Quý Thầy. Hôm nay, cô và mọi người đi chợ mua cá của Thượng nguồn sông Mê Kông về nấu canh chua, chiên cho các anh chi em ở Sài Gòn dùng, vì ở Sài Gòn chắc là ăn thịt nhiều rồi.” Riêng đối với tôi, bữa cơm hôm nay rất ngon, vì tuy thanh đạm, nhưng đó là kết quả của biết bao công khó của các cô chú trên vùng đất nóng bỏng này. Món ăn của người nghèo thường là kết tinh của tình yêu thương và mồ hôi nước mắt, quý giá không gì sánh kịp.
Sau khi dùng cơm trưa xong, đại diện nhóm Chúa Yê-su Yêu Bạn, anh Trưởng nhóm Đa-minh Vũ Văn Hiển cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế đã luôn yêu thương, nâng đỡ và tạo điều kiện cho nhóm được có kinh nghiệm ra đi và làm chứng cho Tin Mừng. Xe chúng tôi chuyển bánh và rời khỏi giáo xứ Tân Hội lúc 13h00 trưa, dưới cái nắng gay gắt đặc trưng của Tây Ninh. Tôi nhìn thấy những dấu chân hằn sâu xuống làn mặt đường gió bụi , bước chân củả Quý Cha quý Thầy- những Nhà Thừa sai không mỏi mệt. Tôi cũng nhìn thấy những dấu chân ấy, đã tiếp nối dấu chân của Thầy Chí Thánh Yê-su. Suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã không ngừng nghỉ, ra đi khắp nơi, đến tận những vùng đất ngoại biên, để tìm và cứu những con chiên lạc.
Lạy Chúa Yê-su Cứu Thế, nhiệm vụ của người Ki-tô hữu là phải ra đi, loan báo Tin Mừng cho đến tận trời cuối đất, Chúa Yê-su đã nhắn nhủ cuối cùng như vậy. Làm thế nào để con và tất cả người Ki-tô hữu được can đảm như Gioan Tẩy Giả, là tiếng người hô trong hoang địa, là người giới thiệu Chúa Yê-su cho trần gian này. Xin Chúa Yê-su sống trong con, xin cho con không ngăn cản những công việc Chúa làm trong con, để Chúa Yê-su trong con có thể đến được với tất cả những anh chị em đau khổ xung quanh, vì chưa được biết Chúa Yê-su là nguồn hạnh phúc đích thực. Amen.
Martha Kim Ngân
Nguồn; DCCT VN
- Viết bởi Bài: tocngank1 & Ảnh: Vĩnh Thân
WGPSG -- Nhằm giúp các ca đoàn và các ca viên chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, cũng như để đáp ứng nhu cầu học hỏi tài liệu “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” (HDMVTN) của các ca đoàn và cộng đoàn, Lm. Rôcô Nguyễn Duy - Trưởng ban Mục vụ Thánh Nhạc - đã tổ chức một buổi gặp gỡ mùa Vọng tại Trung tâm Mục vụ (Hội trường Gioan Baotixita), số 6 bis Tôn Đức Thắng – Quận 1 – Sài Gòn vào lúc 8g30, sáng thứ Bảy, ngày 13 tháng 12 năm 2014.
Thành phần tham dự gồm có: cha Anrê Đỗ Xuân Quế, cha Rôcô Nguyễn Duy, cha Giuse Đào Nguyên Vũ (Dòng Tên), quý cha, quý thầy, quý soeur, các thành viên Ban Thánh Nhạc, và các vị phụ trách ca đoàn các giáo xứ, dòng tu.
Mở đầu chương trình là phần chia sẻ Lời Chúa do cha Giuse Đào Nguyên Vũ hướng dẫn. Cha đã công bố bài Phúc Âm tường thuật việc Con Chúa giáng trần và giúp cộng đoàn suy niệm hai câu sứ thần chúc tụng Chúa: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương." Hát là ca ngợi, là vinh danh Chúa. Ai cũng biết hát, hát đúng phụng vụ thì dễ, nhưng hát đúng tâm tình thì khó. Chúng ta là ca viên của Chúa, hát cùng cộng đoàn để Chúa nghe. Nếu chúng ta không đặt Chúa trên hết và hát với mục đích ca ngợi Ngài, thì chúng ta dễ mệt mỏi, chán chường sau những dịp lễ lớn; hoặc dễ có sự cạnh tranh giữa các ca viên, các ca đoàn và các giáo xứ với nhau. Chúng ta sẽ mất bình an khi dùng tiếng hát như khí cụ để tôn vinh mình. Muốn được hạnh phúc, chúng ta phải làm việc nhỏ với tình yêu lớn. Hát vinh danh Chúa bằng cả con người, với từng nhịp thở thì niềm vui của Chúa sẽ đến với chúng ta, cả cộng đoàn và cả giáo xứ. Việc tham gia ca hát phải là bổn phận cần và phải làm. Hát để cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có dịp và có giờ để dấn thân phục vụ. Ca hát nhắc chúng ta sống phù hợp với Tin Mừng, yêu thương, tha thứ, quảng đại hơn. Cầu cho từng người chúng ta nhớ mỗi lần hát là chúng ta vinh danh Chúa, đón nhận bình an từ Ngài và đem bình an đến cho người khác.
Qua phần hai lúc 9g00 với đề tài "Chọn bài hát phù hợp với cử hành Phụng vụ", cha Rôcô Duy đã giúp cho cộng đoàn hiểu một bài hát tiêu chuẩn phải bao gồm: Phụng vụ, Mục vụ và Âm nhạc. Phù hợp với phụng vụ là làm theo những tiêu chuẩn Giáo hội hướng dẫn trong tài liệu HDMVTN: Bài hát có đáp ứng những đòi hỏi về bản văn cấu trúc mà sách Phụng vụ đã xác lập không? Về Mục vụ, bài hát có lôi kéo những con người cụ thể đến với Đức Kitô là cử hành phụng vụ này không? Bài hát có đúng nghệ thuật không? Thánh nhạc là trợ tá cho Phụng vụ nên phải phù hợp với những tiêu chuẩn đòi hỏi. Bài ca nhập lễ, ca dâng lễ và hiệp lễ phải hợp với đối tượng và bật lên tâm tình của cộng đoàn.
Cha Anrê Quế đã giải thích thêm về những bài hát không được hát trong nhà thờ: bài hát mà đối tượng không phải là Chúa Giêsu, những bài nhạc vào đời, nhạc chiến đấu, nhạc đi săn... (Xem thêm trong tài liệu HDMVTN). Phần ca dâng lễ, không buộc phải hát, để có phút "yên lặng Thánh", hoặc đệm nhạc nhẹ để cộng đoàn hướng lòng lên Chúa. Đáp ca nên hát hoặc đọc đúng lời Thánh Vịnh, chúng ta có 150 bài Thánh Vịnh. Ca hiệp lễ, có thể không hát để cộng đoàn thờ phượng, kết hiệp với Chúa đang ngự trong lòng.
Sau 15 phút nghỉ giải lao, cộng đoàn trở lại hội trường lúc 10g00 với phần thảo luận, đặt câu hỏi để cha Rôcô và các thành viên Ban Thánh Nhạc lần lượt giải đáp: Về ca dâng lễ, bài hát đi kèm động tác, phải ngưng khi cha chủ tế đã dâng lễ xong, nên người soạn bài hát phải biết tiên liệu. Việc soạn sách hát cũng phải do những nghệ sĩ Kitô giáo chân chính. Cử hành các bí tích là cử hành phụng vụ nên các bài hát không liên hệ đến bí tích thì sai về thần học. Về đáp ca có hai thể loại: Đối ca (ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ) và Đáp ca. Hát đáp ca phải là các ca viên, phần Điệp khúc phải không cao, không cầu kỳ để mọi người cùng hát được. Thánh Vịnh đáp ca không buộc phải hát. Hát kết lễ dù không cần thiết nhưng cũng nên chọn bài phù hợp. Mùa Chay nên thinh lặng ra về. Chầu Thánh Thể và Ngắm 15 Sự Thương Khó là việc đạo đức nên có thể hát bài Đức Mẹ hoặc lần chuỗi. Còn năm Phụng vụ là để kính Chúa, dù là lễ nào đi nữa cũng hướng về Chúa, lễ Truyền Tin cũng vậy; Mùa nào nên chọn bài theo tinh thần của Mùa đó. Muốn tìm những bài phù hợp có thể tìm trong sách "Thánh ca Việt Nam" Tập 1 do Ban Thánh Nhạc biên soạn. (Tập 2 sắp phát hành). Để tìm hiểu thêm về tài liệu HDMVTN, cộng đoàn có thể gởi email đến Ban Thánh Nhạc, hoặc đọc mỗi ngày một ít để hiểu rõ vấn đề.
Phần thảo luận khép lại lúc 11g15. Trước khi ban phép lành kết thúc, cha Rôcô Nguyễn Duy cảm ơn quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn đã hiện diện trong buổi gặp gỡ. Nguyện cho những lời ca tiếng hát vì lòng yêu mến Chúa và anh chị em sẽ luôn mang lại bình an cho mọi người. Cha mời cộng đoàn đến tham dự buổi Thánh ca Giáng Sinh vào ngày 19.12.2014, thơ mời đã được gởi đến các giáo xứ. Sau ngày Tết Tây, sẽ có một buổi trình diễn những bài hát Giáng sinh cổ điển bất hủ với thời gian. Ban Tổ chức sẽ gởi thơ mời đến cộng đoàn.
Nguồn: TGP Sài Gòn
- Thánh hoá tượng Thánh Giuse tại Đại chủng viện Sài Gòn
- Đêm thánh ca Giáng Sinh tại xứ Bến Sắn Phú Cường
- Giáo hạt Tân Sơn Nhì: Tĩnh huấn mùa Vọng 2014
- Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hạt Xóm Mới: Suối nguồn ấm áp
- Giáo xứ Tân Định: Hiến máu nhân đạo
- Giáo xứ Hà Nội: Đón nhận và trao ban
- Giới trẻ hạt Hố Nai hành hương Năm Thánh
- ĐCV Vinh Thanh: Đêm tri ân, đêm huyền diệu
- Giáo xứ Bắc Hải mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
- Cảm nhận về cuộc hội diễn thánh ca ''Vui ca tin yêu bên máng cỏ Giêsu tại xứ Châu Me Quảng Ngãi