Dân Chúa Âu Châu

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ NĂM 2004 LIỆU TỔNG THỐNG GEORGE W. BUSH CÓ THẮNG CỬ KHÔNG?

 

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

 

"Huynh đệ chi binh", 


TT. Bush tự bưng thức ăn tới binh lính Mỹ trong cuộc viêùng thăm bất ngờ Iraq vào dịp Giáng Sinh 2003

 

Mỗi khi có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hầu như cả thế giới đều chăm chú theo dõi. Lý do: sự thay đổi một tổng thống Mỹ có ảnh hưởng tới cục diện của thế giới. Thực tế cho thấy chính sách của bất cứ tổng thống Mỹ nào cũng nhằm dành quyền lợi tối hậu cho Hoa Kỳ. Cái khác biệt, nói theo quan niệm về kinh tế, thì tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa đem lợi về cho Hoa Kỳ bằng sức mạnh của một siêu cường quốc; còn tổng thống thuộc đảng Dân Chủ thì vuốt ve và tỏ vẻ hòa hoãn với các quốc gia khác, kể cả địch thù, theo mánh khóe "mật ngọt chết ruồi!" 
Để có nhận định khách quan về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004, chúng tôi lần lượt giới thiệu hai ứng cử viên tổng thống. Trong bài này, chúng tôi giới thiệu tổng thống đương nhiệm, George W. Bush


I- ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ


TT. Bush tên thực là George Walker Bush, sinh ngày 6.7.1946, tốt nghiệp đại học Yale (1968) và Harvard (1975). Về binh nghiệp, ông từng phục vụ trong Không Quân Phòng Vệ Quốc Gia (Air National Guard) trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ông là sáng lập viên công ty dầu hỏa và khí đốt CEO (1975-1987), thành viên trong ban tổng quản trị đội bóng rổ tiểu bang Texas (1989-1998). Thắng cử Thống đốc tiểu bang Texas (1994-2000) và Tổng thống năm 2000. TT. Bush có vợ là Laura và hai người con gái song sinh Jenna (đại học Texas) và Barbara (đại học Yale).


II- SỰ THÀNH CÔNG CỦA TT. BUSH


Qua thành quả của hai cuộc chiến tại A Phú Hãn và Iraq, chính phủ Bush đã tạo được ảnh hưởng trực tiếp đối với các ‘quốc gia sỏ lá’ Iraq, Iran, Bắc Hàn mà TT. Bush đã cảnh cáo sau vụ khủng bố ngày 9.11.2001. Những thành công điển hình gồm:
2.1- Thành công trong chiến tranh chống đạo sĩ độc tài Mohammed Omar của Taliban và phá tan căn cứ địa khủng bố của Osama bin-Laden và Al Qaeda tại A Phú Hãn.
2.2- Thành công trong cuộc chiến lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq.
2.3- Thành công trong việc cưỡng bức Bắc Hàn chịu ngồi vào bàn hội đàm bốn bên gồm Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Cộng và Bắc Hàn, nhằm thảo luận việc hủy bỏ chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử.
2.4- Thành công trong việc làm áp lực Iran phải cộng tác với toán thanh tra của Cơ Quan Năng Luợïng Nguyên Tử Quốc Tế ‘IAEA’ (International Atom Energy Agency) về việc kiểm soát chương trình phát triển điện năng nguyên tử và kế hoạch chế tạo vũ khí giết người hàng loạt của nước này.
2.5- Thành công trong việc giảm thuế qua quyết định 51-49 của Thượng Viện chấp thuận giảm thuế 350 tỷ Mỹ-kim so với đề nghị của Hạ Viện là 550 tỷ.
2.6- Thành công trong chính sách trường kỳ chống khủng bố, qua các biện pháp cứng rắn gồm:
Thứ nhất: không bao giờ nhượng bộ hay thỏa hiệp với quân khủng bố. 
Thứ hai: bằng bất cứ giá nào tìm bắt và đưa quân khủng bố ra trước công lý để đền tội. 
Thứ ba: cô lập và gây sức ép đối với các nước bảo trợ quân khủng bố để buộc họ phải thay đổi chính sách. Bảy quốc gia được Hoa Kỳ xếp vào tội bảo trợ quân khủng bố là: Cuba, Iran, Iraq, Libya, Bắc Hàn, Sudan và Syria.
Thứ tư, trợ giúp và nâng cao khả năng chống khủng bố của những nước đang hợp tác với Hoa Kỳ và thỏa mãn các yêu cầu của họ.
Để khuyến khích, Hoa Kỳ sẽ trao thưởng 5 triệu Mỹ-kim cho những người cung cấp tin giúp ngăn chặn hoặc hóa giải các hành động khủng bố quốc tế chống người dân và tài sản của Hoa Kỳ trên thế giới, và 25 triệu đô-la cho ai cung cấp tin tức để tóm cổ Osama bin-Laden cũng như các thủ lãnh đầu sỏ của al-Qaeda.
2.7- Thành công trong việc bảo vệ nền móng gia đình bằng nghị định chống những người đồng tình luyến ái kết hôn. Quyết định của TT. Bush được 37 tiểu bang ủng hộ và duy trì luật lệ cấm đoán này.


III- PHẢN CHIẾN VÀ ĐỐI LẬP

 
3.1- TT. Bush bị chống đối ngay trong nội bộ. 
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Paul O’ Neill sau khi bị sa thải, đã sử dụng tài liệu mật viết sách chỉ trích chính quyền qua quyển sách có tựa đề ‘Cái giá của lòng trung thành’. Sách này được viết bởi cựu phóng viên Ron Suskind. O’ Neill chỉ trích Tổng thống Mỹ cùng các cựu đồng nghiệp trong các cuộc phỏng vấn. Cựu bộ trưởng Ngân khố tố cáo TT. Bush đã hoạch định chương trình chiếm Iraq, chỉ ít ngày sau khi lên nắm chính quyền. Ông cũng khẳng định với tư cách một thành viên trong ban an ninh quốc gia của tổng thống, ông chưa từng thấy một bằng chứng nào chứng minh Iraq đã hay đang tiến hành chương trình sản xuất vũ khí giết người hàng loạt. O’ Neill chỉ trích tư cách lãnh đạo của TT. Bush và miêu tả một cách quá đáng là trong cuộc họp nội các, Tổng thống chẳng khác gì như người mù giữa phòng toàn người điếc.
3.2- Michael Moore, Nhà Sản Xuất Phim Tài Liệu Chứng Minh Quyền Lực Truyền Thông Thời Nay Thật Đáng Kiêng Nể
Cả thế giới không lạ gì cuốn phim tài liệu "Fahrenheit 9.11" của Michael Moore đã đoạt giải ‘Nhành Dương Liễu Vàng’ tại đại hội điện ảnh Quốc tế ở Cannes, Pháp Quốc. Thực ra, các tài liệâu thời sự mà Moore trình làng không có gì mới mẻ. Nhưng các chi tiết về hành động và thái độ của TT. George W. Bush đã được nhà đạo diễn nhìn với góc cạnh sắc bén và moi móc một cách tinh quái hơn. Từ các bằng chứng này, người ta nhận ra được thái độ yếu kém của TT. Mỹ trước cuộc khủng bố vô tiền khoáng hậu tại Nữu Ước ngày 9.11.2001 và về các chính sách của ông trong thời gian qua. Chúng tôi xin nêu ra một trong các chi tiết nhỏ chứng minh cho nhận định trên. Ngày 9.11 theo chương trình thì TT. Bush đi thăm một vườn trẻ vào lúc 9 giờ sáng. Trong thời gian thăm vườn trẻ, nhân viên an ninh tới nói nhỏ vào tai TT. Bush là quân khủng bố đã tấn công Trung tâm Thương Mại Nữu Ước. Thay vì có phản ứng cấp thời, TT. Bush vẫn ngồi tỉnh bơ như không có chuyện gì xẩy ra. Chi tiết này đã không được các báo chí và đài truyền hình đề cập. 


3.3- Các Ca Sĩ Nhạc Rock


 Các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ như: Bruce Springsteen, Dixie Chicks và hàng lô các ban nhạc thượng thặng khác như: Pearl Jam, R.E.M, Dave Mathews, the E Street, Bonnie Raith, Death Cab for Cutie, Johen Mellencamp, James Taylor và Jackson Browne… của Hoa Kỳ đã công khai chống lại TT. Bush qua các buổi Đại Nhạc Hội với khẩu hiệu "Bầu cử cho sự thay đổi" được trình diễn tại các Tiểu bang kể từ ngày 1.10.2004. 


Các hoạt động của giới văn nghệ sĩ, truyền thông trên đây và các cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq, chẳng khác gì phong trào phản chiến thời chiến tranh Việt Nam, mà Janne Fonda là một biểu tượng. Nhìn bề ngoài nó ôn hòa, nhưng tiềm ẩn một mãnh lực bộc phát bất ngờ có thể thay đổi chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ và ‘quật ngã’ một chế độ. Việt Nam Cộng Hòa là một chứng tích đáng ghi nhớ muôn đời và đau buồn muôn thuở! Trải qua các dữ kiện trong quá khứ, một số nhà bình luận thời cuộc ngày nay không ngần ngại cho rằng: "quyền lực" của giới truyền thông và báo chí đóng vai trò khá quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách của chính phủ.


IV- MỘT SỐ THẤT BẠI CỦA TT. BUSH


Bên cạnh những thành công đáng kể nêu trên, TT. Bush không tránh khỏi những thất bại trong thời gian cầm quyền. Những thất bại từ một số sai lầm trong quyết định tấn công Iraq và từ chính sách đối ngoại của một số quốc gia Đồng Minh được ghi nhận như sau:
 - Không được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủng hộ cuộc chiến xâm lăng Iraq. Đặc biệt Đức, Pháp, Nga và Trung Cộng chống lại các quyết định của chính phủ Mỹ và Anh Quốc.
 - Không tìm ra vũ khí giết người hàng loạt tại Iraq. Đây là nguyên nhân căn bản mà Hoa Kỳ và Anh Quốc tiến hành cuộc lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Một số nhà bình luận cho rằng sự chậm trễ của Liên Hiệp Quốc trong quyết định trừng phạt Iraq, đã giúp cho Saddam Hussein có đủ thời gian tiêu hủy hoặc chuyển các loại vũ khí này sang các nước đồng minh Ả Rập hoặc Hồi giáo Phi Châu.
 - Không được đa số các quốc gia Đồng Minh gửi lực lượng quân sự bảo đảm an ninh và giúp đỡ tài chánh cho chương trình tái thiết Iraq.
 - Không giảm thiểu được số lượng lính Mỹ chết tại Iraq. Tính đến khi bài này được viết, số lượng binh sĩ Mỹ bị giết tại Iraq đã lên tới cả ngàn người, lớn sấp sỉ 8 lần so với số tử thương trong cuộc hành quân lật đổ Saddam Hussein. 
 - Không vãn hồi an ninh trật tự sau hơn một năm giải phóng Iraq khỏi chế độ độc tài đảng trị Saddam Hussein.
 - Không ngăn chận được sự thâm thủng ngân sách năm 2003, hụt tới 455 tỷ Mỹ-kim. TT. Bush đưa lý do là chương trình chống khủng bố và an ninh lãnh thổ đòi hỏi phải sử dụng nhiều tiền, kể cả chi phí cho chương trình tái thiết Iraq khoảng 100 tỷ Mỹ-kim, một ngân khoản lớn nhất kể từ sau Thế Chiến II. Đó là chưa kể trước đây Iraq còn nợ ngoại quốc khoảng 60 tới 100 tỷ Mỹ-kim, nay Hoa Kỳ phải tìm cách giải quyết và đề nghị các nước chủ nợ hủy bỏ hoặc giảm bớt số nợ này bằng cách nhận dầu xuất cảng của Iraq. Trong khi ngân sách đang thâm thủng, TT. Bush lại không ngần ngại cung cấp 800 triệu Mỹ Kim cho chương trình thám hiểm không gian và tái gửi người lên mặt trăng vào năm 2013
 - Bị một số quốc gia Đồng Minh phản bội đầu hàng khủng bố bằng quyết định rút quân khỏi Iraq, để các nạn nhân bị bắt cóc không bị chặt đầu! Điển hình là hai nước Tây Ban Nha và Phi Luật Tân.
 - Bị giảm uy tín tại chính trường quốc nội và trên thế giới. Lý do: binh lính Mỹ hành hạ các tù nhân người Iraq tại nhà lao Abu Ghraib. Hành động này vị phạm Hiệp định Genève 1954 về tù hàng tù binh.


V- TỔNG THỐNG GEORGE W. BUSH BỊ ÁM SÁT HỤT!


 Sau chiến tranh xâm chiếm Kuwait và bị Đồng Minh đánh tả tơi không còn manh giáp vào năm 1992, Saddam Hussein phục hận bằng cách ra lệnh cho tình báo Iraq bằng bất cứ giá nào phải ám sát TT. George Bush cha. Tuy vậy, kế hoạch không thành công. Nay tới lượt TT. Bush con phải trả giá cho hai cuộc tấn công xâm lăng A Phú Hãn và Iraq. Theo tin tổng hợp mới được tiết lộ, ngày 8.2.2002, trùm khủng bố Osama bin-Laden và thủ lãnh Moham-med Omar cầm đầu nhóm Taliban của A Phú Hãn đã hai lần ra lệnh cho Mohammed Happani ám sát TT. George W. Bush.


 - Lần thứ nhất: Thiếu tướng Hải quân Eugene Carrol, thuộc Ủy ban Tình báo Quốc hội Hoa Kỳ, tiết lộ kế hoạch mưu sát được tiến hành vào cuối tháng 7 năm 2001, khi TT. Bush tham dự Hội nghị các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến G.8 tại thành phố Genova của Ý Đại Lợi. Theo kế hoạch thì ngày 27.7, khi phi cơ ‘Air Force One’ chở TT. Mỹ cùng phái đoàn đáp xuống phi trường, một máy bay loại nhỏ chứa đầy chất nổ sẽ cất cánh từ một phi trường kế cận, bất ngờ lao vào Air Force One. Tuy nhiên, số mạng của TT. Bush còn lớn. Trước đó 24 giờ, phi cơ tình báo B-707 AWACS của Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NSA) đã thu nhận thông điệp của trùm khủng bố Osama bin-Laden gửi cho các thành viên khủng bố Al-Qaeda, ra lệnh tiến hành vụ ám sát cảm tử này. Nhận được tin khẩn, lập tức chính phủ Ý ban lệnh báo động cấp thời trên toàn lãnh thổ. Các phi cơ cất cánh hay hạ cánh trong vòng bán kính 200 cây số quanh phi trường Genova bị cấm chỉ, cho tới lúc phi cơ chở TT. Bush đã đáp xuống an toàn.


 - Lần thứ hai: Osama bin-Laden cùng Mohammed Haqqani soạn thảo kế hoạch ám sát khi TT. Bush đến Trung Quốc dự Hội nghị APEC, được tổ chức trong hai ngày: 20 và 21.10.01. Kế hoạch này rút kinh nghiệm từ cuộc ám sát thành công Tướng Ahmed Shah Masood, Tư lệnh Liên Minh Phương Bắc A Phú Hãn vào ngày 9.9.01. Kế hoạch được thực hiện do một số tên khủng bố cải trang thành phóng viên truyền hình, mang sẵn chất nổ chứa trong máy thâu hình. Khi TT. Bush tới thăm Trung Cộng và xuất hiện để trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo, các máy thâu hình này sẽ được phóng thẳng vào TT. Mỹ. Tuy nhiên, âm mưu bị bại lộ. Tình báo Trung Cộng ‘GBU’ và phi cơ cùng nhân viên tình báo Mỹ phát giác kịp thời và giải mã được các tin tức trao đổi giữa nhóm khủng bố giả dạng phóng viên với trung tâm Al-Qaeda tại A Phú Hãn.
 Lệnh báo động cấp tốc được ban hành khắp Thượng Hải, nơi Hội nghị APEC diễn ra. Trung Cộng tung tất cả nhân viên an ninh của mình kiểm soát gắt gao bất cứ cá nhân nào khả nghi và phụ tùng của họ mang theo tới Hội nghị. Sau hai cuộc ám sát TT. Bush bị thất bại, Osama bin-Laden đành treo giải thưởng 50 triệu Mỹ-kim cho bất cứ ai giết được TT. Bush.


VII- TỐN PHÍ TRANH CỬ


 Không muốn làm Tổng thống một nhiệm kỳ như cha mình, TT. Bush con đã bất kể tốn phí, tung tiền vào ván bài tranh cử một ngân khoản lớn lao mà ít có ứng cử viên nào sánh bằng. Tính cho tới khi bài này được đúc kết, chi phí cho cuộc tranh cử của TT. Bush được ghi nhận như sau:
 - Quỹ vận động tranh cử của TT. Bush gia tăng từ: 35.148.846,97 Mỹ-kim trong đệ nhị tam cá nguyệt năm 2003 lên 227.961.347,54 Mỹ-kim tính tới tháng 6/2004. Ứng cử viên John F. Kerry chỉ đạt tới 186.196.360,47 Mỹ-kim. TT. Bush đã tiêu hết 163.673.400,69 Mỹ-kim, so với John F. Kerry 148.940.592,91. Ngoài số tiền trợ giúp của các công ty và xí nghiệp, nếu so sánh sự ủng hộ từ các hiệp hội tư nhân thì số lượng hội cũng như tiền ủng hộ TT. Bush cao hơn, 1310 (1.837.244 MK) so với John Kerry chỉ có 442 (520.227 MK).


 Theo Ủy ban Đăïc nhiệm Bầu cử Liên Bang thi quỹ của hai đảng gia tăng đáng kể so với các cuộc vận động bầu cử trước đây. Quỹ của Đảng Cộng Hòa tăng lên tới 464,7 triệu Mỹ-kim, tức 64%, trong thời gian từ tháng 1/1/2003 tới 30/6/2004. Quỹ của đảng Dân Chủ tăng 278,2 triệu Mỹ-kim, tức 112%. Nếu so với cuộc bầu cử năm 2000 thì quỹ của đảng Cộng Hòa tăng 96% và Dân Chủ 113%. Nếu cộng tất cả số tiền của hai đảng và hai ứng cử viên Tổng thống, người ta thấy một con số khổng lồ: "trên dưới 1 tỷ Mỹ-kim". Bằng chứng này xác định một điều: "không giầu, đừng hòng tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ!"


KẾT LUẬN


 Liệu TT. George W. Bush có thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 này không?


 Chống khủng bố và an ninh quốc gia là hai vấn đề cốt lõi trong cuộc tranh cử của TT. Bush. Vì thế, một sự thành công nào đó về chống khủng bố, hay vấn đề an ninh lãnh thổ được bảo vệ cho tới ngày bầu cử… hoặc một tin tức bất ngờ bắt được trùm khủng bố Osama bin-laden và các thủ lãnh của tổ chức Al-Qaeda… sẽ gia tăng uy tính cho TT. Bush, người được gọi là Tổng thống chiến tranh. Ngoài ra, với phương tiện tài chánh dồi dào của cá nhân TT. Bush cũng như của đảng Cộng Hòa và với tài vận động tranh cử, TT. Bush vẫn còn hy vọng sẽ đạt thắng lợi cuối cùng. 


 TT. Bush cha được coi là anh hùng trong trận chiến giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Iraq. TT. Bush con được coi là anh hùng qua hai cuộc chiến lật đổ nhóm cầm quyền Taliban tại A Phú Hãn và Saddam Hussein, nhà độc tài của Iraq.
 Tuy nhiên, thực tế cho thấy TT. Bush cha đã thất bại trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai (1992-1996). Lý do: chiến tranh tạo nên tổn thất nhân mạng và các bệnh xẩy ra cho binh lính Mỹ sau chiến tranh, kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng trì trệ, vấn đề y tế và an sinh xã hội không được cải tiến, thành thử dân nghèo dồn phiếu cho Bill Clinton, ứng cử viên Dân Chủ. Nay tới lượt TT. Bush con có rơi vào tình trạng giống cha như xưa không? Câu hỏi này, chúng tôi sẽ phân tích và nhận định trong bài viết tháng 10.2004 về đối thủ John F. Kerry.