Dân Chúa Âu Châu

TỔNG THỐNG RONALD REAGAN, NGƯỜI HÙNG CHỐNG CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, NGƯỜI PHỤC HỒI DANH DỰ VÀ SỨC MẠNH CHO HOA KỲ ĐÃ TỪ TRẦN!

 

Ngày 5.6.2004, cả nhân dân Mỹ xúc động khi nghe tin cựu TT. Ronald Reagan từ trần và hàng triệu người trên thế giới đã thương tiếc người anh hùng chống cộng số một của Hoa Kỳ đã ra đi vĩnh viễn vào lòng đất mẹ. Để tìm hiểu tại sao cố TT. Reagan lại được mọi người cảm mến như vậy, chúng tôi xin trình bày một số dữ kiện về vị Tổng thống thứ 40 của Hiệp Chủng Quốc.


I- ĐÔI DÒNG VỀ CỐ TỔNG THỐNG RONALD WILSON REAGAN


Cố TT. Ronald Reagan sinh ngày 6.2.1911, tại Tampico, tiểu bang Illinois. Năm 1932, sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế và xã hội tại trường Eurika, sinh viên Reagan theo nghề báo chí và thể thao. Năm 1937, nhà báo Reagan được hãng phim nổi tiếng Warner Bros mời ký hợp đồng đóng phim và ông đã đóng khoảng 50 cuốn phim. Năm 1940, tài tử Reagan kết hôn lần thứ nhất với nữ minh tinh Jane Wyman, nhưng đến năm 1947, mối tình đầu tan vỡ. Không để cho tình cảm bẽ bàng chi phối đời mình, tài tử Reagan quyết tâm tiến bước trong lãnh vực điện ảnh và trở thành Chủ tịch Hiệp hội Tài tử Điện ảnh. 
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, vì mắt yếu, tài tử Reagan không phải phục vụ trong các đơn vị chiến đấu. Ông được bổ sung vào đơn vị làm phim huấn luyện quân sự và xuất ngũ năm 1945 với cấp bậc Đại úy. Ngày 4.3.1952 tài tử Reagan kết hôn lần thứ hai với nữ minh tinh Nancy Davis (tên thực là Anne Frances Robbins). Nàng Nancy bước vào nghề điện ảnh năm 1949 do sự giới thiệu của người bạn cũ của mẹ là Spencer Tracy. Cha Nancy chuyên nghề bán xe cũ và mẹ cũng là một nữ tài tử. Cuộc tình xẩy ra giữa nam tài tử Reagan nổi tiếng chống phát xít, cộng sản và nữ minh tinh Nancy phản chiến, thân cộng là một sự kiện khó tin nhưng có thật! Hai người gặp nhau năm 1950, do môi giới của người bạn già là giám đốc Mervyn LeRoy. Khi tài tử Reagan làm chủ tịch Hiệp hội Tài tử Điện ảnh, thì Nancy yêu chàng. Vì vậy, Nancy đã nhờ người yêu sửa lại lý lịch của mình. Kể từ ngày "chiêu hồi về với chính nghĩa quốc gia", nàng Nancy luôn sát cánh và có ảnh hưởng khá nhiều đến sự nghiệp chống cộng của chồng. Họ yêu nhau say đắm và thường dùng tên gọi ngọt ngào. Chàng gọi nàng bằng "Mammy = má nó", nàng gọi chàng bằng "Ronnie"(tiếng lóng của Ronald). Tài tử Reagan có hai con với người vợ trước là Maureen và Mike. Nàng Nancy sinh cho chồng cũng hai người con là Patti (Patricia Ann) và Ron (Ronald Prescott). Hai người từng đóng chung trong phim "Hellcats of the Navy" vào năm 1957. 


II- SỰ THÀNH CÔNG TRONG CÁC CHÍNH SÁCH CỦA CỐ TT. RONALD REAGAN


2.1- Về lãnh vực kinh tế 


Khi TT. Reagan lên nhậm chức thì kinh tế Mỹ đang bị rơi vào tình trạng lạm phát gia tăng gấp hai, thất nghiệp nhiều và tiền lời vay mượn trong ngân hàng khá cao. Do đó, TT. Reagan đã thực hiện chương trình giảm thuế và giảm thiểu chi phí công quỹ. Thuế sẽ giảm 25% trong vòng 3 năm. Nhờ vậy tình trạng lạm phát ngưng lại. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ còn bị trì trệ khiến cho nạn thất nghiệp tiếp tục gia tăng và chương trình giảm thuế không thực hiện được ngay trong thời gian đầu. Để trấn an dư luận, TT. Thống Reagan đã phải kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh. Để tạo nên một ấn tượng tốt về tương lai, TT. Reagan đã đưa ra khẩu hiệu "Bình minh lại về trên đất Mỹ" (It’s morning again in America). Tới năm 1983 kinh tế Mỹ bắt đầu từ từ phục hồi và là nguyên nhân của sự thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, của ông già đã 73 tuổi, trên khắp các tiểu bang, ngoại trừ tiểu bang Min-nesota nơi cư trú của ứng cử viên Mondale.


2.2- Về lãnh vực chính trị và ngoại giao 


Trước sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản vào thập niên 1940, một phần do ảnh hưởng của cha là đảng viên Dân Chủ, một phần được khích lệ bởi cái "anh hùng tính" của người trai thời chiến mà Tổng thống Franklin Delano Roosevelt là một biểu tượng; tài tử Reagan ngày càng có khuynh hướng thiên hữu, chống Phát-xít và Cộng-sản. Trong môi trường điện ảnh, tài tử Reagan đã khám phá ra khuynh hướng thiên tả và thân cộng ngay trong hiệp hội tài tử màn bạc của mình từ năm 1947. 
Năm 1960, tài tử Reagan, nguyên là đảng viên Dân Chủ, nhưng đã vận động cho ứng cử viên tổng thống Richard Nixon thuộc đảng Cộng Hòa. Năm 1962 thì ông bỏ đảng Dân Chủ sang Cộng Hòa và liên tiếp thắng Pat Brown hai lần trong chức vụ Thống đốc tiểu bang California. Từ California, Thống đốc Reagan chuẩn bị con đường tiến vào Tòa Bạch Ốc bằøng chương trình cải tổ thiết thựïc nhất là: Giảm thuế và cắt giảm chi phí cũng như số lượng nhân viên trong guồng máy chính phủ. Một trong các hành động ưu tiên hàng đầu ngay sau khi lên nhậm chức của TT. Reagan là việc can thiệp cho các người Mỹ bị Iran bắt làm con tin. Họ được phóng thích sau khi chính quyền Iran được Hoa Kỳ thỏa mãn yêu sách mua vũ khí để chống Iraq. Một trong các hành động anh hùng chống cộng sản của TT. Reagan có thể chứng minh qua bức thư gửi Leonid Breznev, Tổng Bí thư Sô Viết, một lãnh tụ cộng sản sừng sỏ và hiếu chiến. Tháng 4/1981, sau khi bị ám sát và thoát chết, TT. Reagan đã gửi cho trùm cộng sản quốc tế một bức thư với lời lẽ cảnh cáo đanh thép mà chúng tôi xin tóm tắt ý chính như sau:
-Để cảnh cáo về cuộc xâm lược A Phú Hãn của Sô Viết, TT. Reagan viết: "…Liệu một gia đình trung bình người Nga có cuộc sống sung sướng hơn trong khi họ có hay biết gì chính phủ đã áp đặt ý đồ của mình lên nhân dân Afghanistan?"
-Để trả lời cho sự cáo buộc Hoa Kỳ cũng xâm lăng các nước khác, TT. Reagan đã trả lời Breznev một cách thẳng thắn: "…Trong thư của mình, ngài muốn nói rằng hành động của Sô Viết trở nên cần thiết vì mưu đồ và tham vọng đế quốc Mỹ là mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ, vì vậy, nó là sự đe doạ nền an ninh của Sô Viết... Nhưng, không bằng chứng nào chứng minh cho lời cáo buộc này, mà chỉ có bằng chứng rõ ràng rằng, Hoa Kỳ trong khi có khả năng bá chủ thế giới, dù không gặp nguy hiểm gì, đã không theo đuổi nỗ lực nào như Sô Viết... Khi Thế chiến II kết thúc, nước Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có nền công nghiệp không bị phá hủy. Sức mạnh quân sự đạt tới đỉnh cao và chúng tôi có cả vũ khí mạnh nhất, bom nguyên tử, cùng khả năng không cần phải tranh luận là có thể đem loại vũ khí này tới bất kỳ nước nào trên thế giới. Nếu chúng tôi muốn làm bá chủ thế giới, ai có thể chống lại chúng tôi? Nhưng nước Mỹ đã đi theo đường hướng khác - con đường độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại là chúng tôi sử dụng sức mạnh và sự phồn vinh của mình để xây dựng lại các nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, gồm cả các quốc gia đã từng là kẻ thù của chúng tôi…" 


-Để nhấn mạnh về quyền làm người, TT. Reagan đã viết: "…Quả thật, các dân tộc trên thế giới, dù có dị biệt về chủng tộc và nguồn gốc sắc tộc, nhưng họ có nhiều điểm tương đồng. Họ muốn được quyền kiểm soát số phận mình. Họ muốn theo đuổi ngành nghề mình chọn và được trả công một cách công bằng. Họ muốn chăm lo gia đình trong hoà bình, không làm hại ai và cũng không muốn ai làm tổn hại mình. Các chính phủ thực tế có nhiệm vụ phục vụ lợi ích của dân chứ không phải ngược lại..."
Tuy vậy, dưới thời Leonid Breznev và Yuri Andropov vấn đề chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây vẫn còn căng thẳng. Mãi tới năm 1985, TT. Reagan mới gặp được lãnh tụ cộng sản có tinh thần hòa bình Mikhail Gorbachev. Quan hệ Mỹ-Nga được cải tiến qua cuộc họp thượng đỉnh tại Geneva. Thành quả của hội nghị đưa tới việc TT. Reagan và Chủ tịch Gorbachev ký kết hiệp ước tài giảm binh bị và hủy bỏ các loại hỏa tiễn tầm trung vào năm 1987. 


Người ta còn nhớ trước đây TT. Reagan đã không ngần ngại gọi Sô Viết là "Đế quốc quỉ quái" (The Devil Empire); nay trong bài diễn văn lịch sử đọc tại cổng Brandenburg tại Bá Linh ngày 12.6.1987, ông lại nói: "Nếu ngài muốn mưu tìm hòa bình, nếu ngài muốn Liên Bang Sô Viết và Đông Âu phú cường, nếu ngài muốn tìm sự giải phóng thì hãy đến cổng này, mở cổng này và phá hủy bức tường này đi…" Lời kêu gọi này đã trở thành sự thực vào năm 1989 và nó đi vào lịch sử giống như lời tuyên bố lừng danh nói lên quyết tâm bảo vệ Tây Đức của TT. John F. Kennedy vào thập niên 1960: "Chỉ có một Bá Linh" (Es gibt nur ein Berlin). 


2.3- Về lãnh vực quân sự


 - Chính sách chính yếu trong nhiệm kỳ hai của TT. Reagan là chấm dứt chiến tranh lạnh. Mở đầu cho trận cuồng phong làm sụp đổ các chế độ cộng sản Đông Âu là: cuộc chiến tranh tâm lý qua hệ thống truyền thanh của "Đài Phát Thanh Tự Do Âu Châu" (Radio Free Europe), rồi đến chương trình chiến tranh các vì sao (Star Wars). Lực lượng chủ yếu có ảnh hưởng chính trị lan ra toàn khu vực là cuộc cách mạng của Công đoàn Đoàn kết (Solidarity) của Lech Waleza ở Ba Lan có tác động mạnh trong toàn khối cộng sản Đông Âu và đưa tới sự sụp đổ của bức tường Bá Linh ngày 9.11.1989. Sự kiện này xẩy ra sau nụ hôn cuối cùng của Tổng Bí thư Gorbachev dành cho Thủ tướng Đông Đức Erich Honecker. 


Để đạt thành quả trong chính sách chống cộng của mình, TT. Reagan đã sử dụng hàng trăm triệu Đô-la cho chương trình chiến tranh tâm lý bằng hệ thống phát thanh hướng về Đông Âu. Đài "Tiếng Nói Hoa Kỳ" (Voice of America = VOA), "Đài Tự Do Âu Châu" (Radio Free Europe) hay "Đài Tự Do" (Radio Liberty) đã truyền thanh các chương trình khuyến khích dân chúng dưới các chế độ cộng sản thành lập các phong trào đòi tự do dân chủ. Song song với chương trình phát thanh, TT. Reagan khuyến khích công dân, chính trị gia, doanh thương Mỹ viếng thăm Tiệp Khắc và các nước cộng sản Đông Âu để tiếp xúc với những người tranh đấu cho tự do và các tổ chức đối lập. Jiri Dienstbier, người tù lương tâm của Tiệp Khắc trước đây đã kể lại cho hãng thông tấn AP rằng, nhờ có sự hỗ trợ từ bên ngoài các phong trào đấu tranh đòi dân chủ tự do mới tự tin và mạng sống của họ được bảo đảm hơn.


Cùng với chương trình đánh địch bằng chiến tranh tâm lý, TT. Reagan không ngần ngại trực tiếp can thiệp vào cuộc chống khủng bố ở Lebanon năm 1983, dẹp tan các cuộc bạo động do cộng sản gây ra ở Grenada, Nicaragua, El Salvador; oanh kích thủ đô Libya vì TT. Muammar Quadhafi chứa chấp và hỗ trợ khủng bố giết lính Mỹ ở Tây Đức vào năm 1986 và làm nổ phi cơ dân sự ở Scotland năm 1988.

 
 Để phát triển quốc phòng, TT. Reagan phải giảm bớt ngân sách dành cho các lãnh vực xã hội, giáo dục và y tế. Muốn mạnh, Hoa Kỳ cần nhiều loại vũ khí tối tân hơn Sô-viết. Tuy nhiên, dân chúng Mỹ lại sợ một cuộc thi đua vũ trang sẽ đưa tới thảm họa chiến tranh. Nhiều cuộc biểu tình đã xẩy ra. Nhưng TT. Reagan vẫn cứng rắn. Ngân sách dành cho chương trình phát triển quốc phòng gia tăng lên tới 35%. Chiến lược phòng thủ bằng các màn chắn phi đạn địch hay còn gọi là "chiến tranh các vì sao" được nghiên cứu và thực hiện. 
 Để khống chế Sô Viết trên thế thượng phong về sức mạnh quân sự, TT. Reagan đã ban hành nghị định cho phép sử dụng một ngân sách lớn lao chưa từng có, hơn một ngàn tỷ Đô-la, nhằm phát triển chương trình phòng thủ chiến lược "SDF" (The Strategic Defense Initiative) hay (Star Wars) và đưa ra hai kế hoạch:


- Thành lập màn chắn hỏa tiễn tại Âu Châu. 


 Để thực hiện kế hoạch này, Hoa Kỳ sẽ xây dựng một số đài Radar tối tân tại Âu Châu. Hệ thống Radar này sẽ khám phá các hỏa tiễn của Sô Viết ngay từ khi thoát ra khỏi giàn phóng và tự động điều chỉnh hỏa tiễn chống hỏa tiễn của Mỹ phá hủy các hỏa tiễn địch ngay trên vùng trời địch. Như vậy chẳng khác nào Sô Viết tự hủy diệt bằng chính vũ khí nguyên tử của mình. (Nguyên tắc này đang được TT. George W. Bush quan tâm đối với Trung Cộng tại Á Châu. Dù Trung Cộng có mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự và dù có hàng ngàn hỏa tiễn mang đầu nổ nguyên tử đi chăng nữa, cũng sẽ rơi vào tình trạng tự hủy diệt, nếu nước này dở trò khiêu khích Hoa Kỳ và thế giới.)


- Thiết trí các dàn phóng hỏa tiễn nguyên tử tại Âu Châu.

 
 Kế hoạch này có lợi điểm là rút ngắn một nửa thời gian tấn công từ Hoa Kỳ vào lãnh thổ Sô Viết. Sô Viết muốn tấn công trả đũa Hoa Kỳ sẽ không kịp, vì: -các vị trí chiến lược và chiến thuật quân sự của Sô Viết bị phá hủy trước tiên -thời gian bay của các hỏa tiễn tấn công Hoa Kỳ kéo dài gấp đôi và đa số các hỏa tiễn bị chặn đánh ngay sau khi thoát ra khỏi giàn phóng. Đúng là đòn thượng sách "Gậy ông đập lưng ông!" Dù chương trình Star Wars chưa được thực hiện toàn vẹn, nhưng TT. Reagan đã thắng Sô Viết mà không cần bắn một hỏa tiễn nào. Lý do rất dễ hiểu: Đế quốc Đỏ không đào đâu ra cả ngàn tỷ Đô-la để thi đua vũ trang với Hoa Kỳ, trong khi Mikhail Gorbachev đang chủ trương xét lại về kinh tế và xã hội để chống đói giảm nghèo. Kinh nghiệm lịch sử này chứng minh cho một thực tế là "nếu không mạnh hơn cộng sản", người ta không thể nói chuyện hòa bình với họ được.


III- NHỮNG CHỐNG ĐỐI


 Thời nào cũng vậy: "nhân vô thập toàn". Chính sách cắt giảm trong lãnh vực xã hội, y tế và thi đua vũ trang là nguyên nhân đưa tới sự chống đối trong nước. Có thể vì thế mà khi xuất hiện trước khách sạn Washington, TT. Reagan đã bị John Jr. bắn gần trúng tim, nhưng thoát chết. Khi tỉnh, ông vẫn không quên cái tính khôi hài nói với bác sĩ, người đã gắp viên đạn ra khỏi lồng ngực mình, rằng: "tôi hy vọng bác sĩ sẽ là một đảng viên Cộng Hòa." Kẻ ám sát TT. Reagan sau đó khai rằng, hắn bắn ổng vì muốn được nữ minh tinh màn bạc kiều diễm Jodie Foster để ý tới mình! 
-Năm 1982, TT. Reagan ban hành đạo luật Garn-St German nhằm điều chỉnh việc tiết kiệm và vay mượn trong lãnh vực kỹ nghệ, ngưng sử dụng số tiền thuế khoảng 8 tỷ Mỹ-kim vào các dự tính đầu tư. Theo một số chuyên gia thì đây là một quyết định không có lợi trong lãnh vực kinh tế.


-Năm 1985, bất chấp lời phê bình của Elie Eiesel, người được đề cử giải thưởng Nobel, TT. Reagan đến thăm Tây Đức và vẫn đặt vòng hoa tại nghĩa trang Bitburg, nơi chôn 2.000 binh lính Đức, trong đó có 49 mật vụ Đức Quốc Xã.
-Theo tường trình của ủûy ban điều tra dưới quyền thượng nghị sĩ John Tower thì TT. Reagan đã ra lệnh cho Trung tá Olivier North bán vũ khí cho Iran. Tiền lời sẽ dùng vào việc trợ giúp phong trào kháng chiến chống chính quyền thân cộng tại Nicaragua. Việc bán vũ khí cho Iran là bất hợp pháp, mặc dù để đổi lấy con tin người Mỹ.


IV- HAI LÃNH TỤ ĐỒNG MINH TRI KỶ NHẤT CỦA CỐ TT. REAGAN


4.1- ĐGH Gio-an Phao-lô II 


TT. Reagan cùng với Đức Giáo Hoàng được kể là kiến trúc sư của chương trình xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản Đông Âu và ngăn chặn sự bành trướng của Sô Viết. Đức Giáo Hoàng với chiến thuật nổi dậy của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan và TT. Reagan với chiến lược "Chiến Tranh Các Vì Sao" đã thực sự chôn vùi các chế độ phi nhân và tàn bạo tại Đông Âu.


4.2- Nữ Thủ Tướng Anh Quốc


 Bà Magret Thatcher, một lãnh tụ Đồng Minh tri kỷ của TT. Reagan đã chân thành phát biểu: 
 "TT. Reagan đích thực là một anh hùng vĩ đại của Hoa Kỳ. Ông sẽ không chỉ được những người quen biết nhớ thương, vì tình yêu tổ quốc sâu xa và hãnh diện phục vụ đất nước mình, mà hàng chục triệu người ngày nay đang được sống trong tự do vì chính sách của ông. Ông có sách lượïc cao hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào trong việc đánh bại cuộc chiến tranh lạnh dành tự do mà không phải bắn một phát súng! ".


V- TT. RONALD REAGAN VÀ VIỆT NAM


 TT. Reagan đã từng phê bình chính quyền Johnson lúc đó không cố gắng giải quyết vấn đề Việt Nam theo tinh thần bảo vệ tự do của Hoa Kỳ. Với ông, tự do của VN hay HK là một, và kẻ thù cộng sản VN hay Sô Viết cũng là một. Vì thế cuộc chiến chống CSVN cũng là cuộc chiến chống cộng sản toàn cầu. Ông không đồng ý leo thang chiến tranh theo kế hoạch đơn phương tấn công chầm chậm vào đối phương. Ông muốn giải quyết cuộc chiến dứt khoát từ đầu não Trung Cộng và Sô Viết. Ông cũng phàn nàn là giới truyền thông Mỹ đã phản bội cuộc chiến VN. Sau khi chứng kiến ký giả Walter Crokite tường thuật về chiến tranh VN trên đài truyền hình CBS vào tháng 12.1972, ông nói với TT. Nixon rằng: "nếu ở vào hoàn cảnh của thời Đệ Nhị Thế Chiến, đài này đáng bị truy tố về tội phản quốc". Đến khi TT. Gerald Ford tiếp đón người tị nạn VN thì đảng Dân Chủ chống lại bằng luận điệu "đón gà nhà!" Mãi tới khi phong trào "thuyền nhân tị nạn" bộc phát mạnh nhất vào năm 1979, người Mỹ mới động lòng trắc ẩn. Với quyền lực trong tay, TT. Reagan đã ra lệnh cho Bộ trưởng Ngoại giao George Shultz tiếp nhận người VN với mức độ nhiều hơn và cứu giúp các sĩ quan QLVNCH bị cải tạo. Sau đó chương trình "Ra Đi Trong Trật Tự"(ODP) và chương trình "Nhân Đạo" (HO) dành cho quân, cán, chính của VNCH được thực hiện có hiệu quả. Vì thế, đối với các sĩ quan QLVNCH thì TT. Reagan là một vị cứu tinh đáng ghi nhớ. Thực tế chứng minh rằng, nếu TT. Reagan cầm quyền trong thời kỳ chiến tranh VN thì có lẽ cục diện sẽ thay đổi theo chiều hướng chiến thắng cho Hoa Kỳ và VNCH!


VI- VĨNH BIỆT TỔNG THỐNG RONALD REAGAN


 Trong các ngày 11, 12, 13.6.2004, hàng triệu người Mỹ đã ngậm ngùi thương tiếc cố TT. Ronald Reagan, khi viếng linh cữu tại tòa nhà Quốc hội, khi trực tiếp tham dự lễ cầu hồn tại Vương cung Thánh đường Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn hay chứng kiến lễ hạ huyệt tại Bel Air, California hoặc theo dõi các nghi thức tang lễ trên màn ảnh truyền hình. Những lời ca tụng sự nghiệp của cố Tổng thống Reagan nghe thật cảm động. Những điệu nhạc ai oán ngân nga trong thánh đường nghe xót xa. Những loạt đạn đại bác vĩnh biệt ròn rã vang dội trên bầu trời thủ đô Hoa Thịnh Đốn và ở khắp các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên thế giới nghe não lòng. Những giòng lệ tuôn rơi trên gò má phu nhân Nancy, của thân nhân và quần chúng chứng kiến cảnh bi ai, đã nói lên tâm tình thương mến sâu đậm đối với vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Cả trăm triệu người trên thế giới được hít thở không khí "tự do" trong lành không khỏi ngậm ngùi nhớ thương vị anh hùng đã giải thoát họ khỏi chủ nghĩa cộng sản. TT. Ronald Reagan chắc chắn sẽ sống mãi trong tâm trí của những người chống cộng, những người yêu chuộng tự do và tôn trọng nhân quyền.