Như truyện thần tiên từ đảo Tasmania, Úc Châu
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG
MARY ELISABETH DONALDSON BỖNG TRỞ THÀNH HOÀNG HẬU TƯƠNG LAI CỦA VƯƠNG QUỐC ĐAN-MẠCH.
Trong những ngày qua, tình hình Iraq tiếp tục bất ổn và Hoa Kỳ bị mất uy tín trên chính trường thế giới vì binh linh Mỹ đã hành hạ và làm nhục tù binh Iraq tại nhà lao Abu Ghraib. Hành động này vi phạm hiệp định Genève 1954 về tù binh chiến tranh. Từ đó, bọn khủng bố Al-Qaeda bắt cóc Nick Berg, một công dân Mỹ và bị trả thù bằng cách cắt cổ công khai trên màn ảnh truyền hình!
Để quên đi những hình ảnh hãi hùng và man rợ trong thời gian qua, chúng tôi mời quí độc giả hướng về cuộc hôn nhân vương giả đã diễn ra tại Vương quốc Đan Mạch ngày 14.5.2004.
I- ĐÔI DÒNG VỀ LỊCH SỬ VƯƠNG QUYỀN ĐAN MẠCH
Vương quyền Đan Mạch được coi là một trong các triều đại vua chúa lâu đời trên thế giới. Ngược giòng lịch sử, người ta có thể lấy mốc điểm năm 958, năm mở đầu triều đại Gorm den Gamle. Điểm đặc biệt của thời kỳ này là vua chúa được tuyển chọn. Mãi tới năm 1660-61 tập quán này bị hủy bỏ để thay thế bằng chế độ cha truyền con nối. Hoàng-tử trưởng nam được quyền kế vị. Tới năm 1665 thì công chúa trưởng nữ cũng có cơ hội được nối nghiệp vua cha. Chế độ Quân chủ coi như không còn toàn quyền lãnh đạo kể từ ngày 5.6.1849, khi Luật Căn Bản hay Hiến Pháp của Vương Quốc Đan Mạch chính thức ra đời sau cuộc cách mạng dân quyền không đổ máu giữa quần chúng và nhà vua. Tới năm 1953 Luật Căn Bản được sửa đổi để bảo đảm quyền kế vị vua cha của các Công-chúa, nếu Hoàng-hậu chỉ sinh toàn con gái. Nữ Hoàng Margrethe II hiện nay là người phụ nữ tiên khởi mở đầu cho truyền thống mới này. Vương quyền Đan Mạch nếu tính từ giòng họ Gorm den Gamle (936-958) đến thời Nữ-hoàng Margrethe II hiện nay (1972-...) đã có tất cả 53 triều đại.
II- ĐÔI HÀNG VỀ HOÀNG GIA ĐAN MẠCH
2.1- nữ hoàng Margrethe II
Vua Frederik IX, sinh ngày 11.3.1899, là Hoàng tử trưởng nam của vua Christian X và Hoàng hậu Alexandrine. Ngày 24.5.1933, Vua kết hôn cùng Công chúa Ingrid (1910), con gái của Hoàng Thái tử Gustav Adolf, sau trở thành vua Gustav 6. Adolf (1882-1973) của Thụy Điển. Vua Frederik IX và Hoàng hậu Ingrid sinh được 3 Công chúa là: Margrethe (II), Benedikte và Anne-Marie.
a- Công-chúa Margrethe Ale-xandrine Þorhildur Ingrid, trưởng nữ, sinh ngày 16.4.1940. Bà đã theo học các khoa: -triết học tại đại học Kobnhavn, -chính trị tại đại học Aarhus và Sorbone, Pháp quốc; -khảo cổ tại đại học Cambridge, -kinh tế tại trường kinh tế Luân Đôn, Anh quốc. Bà nói được các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Thụy Điển và Đức.
Ngày 10.6.1967, Công chúa Margrethe kết duyên cùng Henri Marie Jean André greve de Laborde de Monpezat, nguyên là thư ký của toà đại sứ Pháp ở Luân Đôn. Cha mẹ của Henri là người Pháp, đạo Công giáo, có dinh thự tại Hà-nội. Cuộc tình giữa thư ký Pháp và Công chúa Đan Mạch xẩy ra trong thời kỳ Margrethe du học ở trường nội trú North Foreland Lodge tại Hampshire, Anh quốc. Công chúa Margrethe sinh được 2 Hoàng tử là: -Frederik André Henrik Christian, sinh 26.5.1968 và Joachim Holger Waldemar Christian, sinh 7.6.1969. Ngày 14.1.1972, sau khi vua cha Frederik IX băng hà, Công chúa Margrethe lên kế vị với tước hiệu Margrethe II.
b- Công chúa Benedikte Astrid Ingeborg Ingrid, thứ nữ, sinh ngày 29.4.1944, kết hôn với Hoàng tử Richard Zu Sayn-Wittgenstein Berleburg ngày 3.1.1968, sinh được Hoàng tử Gustav Zu-Sayn-Wittgenstein-Berleburg, Công chúa Alexandra Zu Sayn-Wittgenstein-Berleburg và Công chúa Nathalie Zu Sayn-Wittgenstein-Berleburg
c- Công chúa út, Anne-Marie Dagmar Ingrid, sinh ngày 30.8.1946, Công chúa kết hôn với vua Constantin II của Hy Lạp ngày 18.9.1964, sinh được Công chúa Alexia (1965), Hoàng tử Pavlos (1967), Nikolaos (1969) và Hoàng tử Philippos (1986). Vua Constantin bị nhóm Đại tá lật đổ vương quyền vào ngày 21.4.1967 và cả Hoàng gia phải sống đời tị nạn tại Anh quốc cho tới ngày nay.
2.2- phò mã Henri Marie Jean André greve de Laborde de Monpezat.
Ông Hoàng thực dân Pháp có cái tên dài 9 chữ lòng thòng sinh ngày 11.6.1934 tại Talence, Gironde, Pháp Quốc. Cha là André de Laborde de Monpezat (chết:1998) và mẹ là Renée de Mon-pezat (chết 2002). Thời gian 5 năm đầu cậu bé Henri đã được nuôi dưỡng tại Việt Nam, khi cha đưa gia đình đến để tiếp nối các hoạt động về kỹ nghệ do ông nội đã tạo dựng. Năm 1939 Henri trở về Pháp, ở Cayrou, Cahors và tiếp tục học trong trường nội trú của các thày Dòng Tên ở Bordeaux cho tới năm 1947. Năm 1948-1950 Henri học Trung học. Năm 1950 trở qua Hà-nội và tốt nghiệp Tú Tài Pháp năm 1952. Từ năm 1952-1957, Henri tiếp tục học luật và khoa học chính trị tại đại học Sorbone. Sau đó Henri học ngôn ngữ Á Đông về tiếng Tàu năm 1957 và tiếng Việt năm 1958 tại Sài Gòn. Cuộc đời trôi nổi đã đưa Henri tới Luân Đôn và làm thư ký trong tòa đại sứ Pháp ở Anh quốc. Tại nơi đây, với tài “galant” của một chàng trai 33 tuổi, Henri bất ngờ tán tỉnh được Công chúa Margrethe và hai người thành hôn ngày 10.6.1967. Henri thuộc gia đình Công giáo ngoan đạo, nhưng đã phải chấp nhận đạo vợ, Tin Lành, để trở thành Hoàng thân Henrik. Với cương vị “phò mã”, Hoàng thân Henrik không làm gì khác hơn là đỡ đầu cho khoảng 80 tổ chức và lẽo đẽo tháp tùng Nữ Hoàng công du ngoại quốc hay tham dự các nghi lễ tại quốc nội. Mỗi năm Hoàng thân Henrik lãnh lương khoảng 6 triệu Koner, tức 10% số tiền (58 triệu) mà Nữ Hoàng được chính phủ tài trợ. “Ăn no bò cỡi” như vậy mà Hoàng thân Henri chưa thỏa mãn lại còn sinh tật. Nguyên do xẩy ra vào ngày 4.1.2002, Nữ Hoàng Margrethe bị đau chân buốt đầu gối không thể chủ tọa nghi thức tiếp đón ngoại giao đoàn đến chúc mừng năm mới. Theo tập quán chính trị thì Hoàng Thái tử kế vị Frederik sẽ thay mặt Nữ Hoàng tiếp đón quan khách và Hoàng thân Henri phải đứng sau con mình. Nhưng cậy mình là chồng Nữ Hoàng và “bố vua tương lai”, Hoàng thân Henri bất mãn và than trách bị “coi rẻ!”. Thế là báo chí được dịp dậy cho Henri một bài học chính trị và chê bai ông Phò Mã đã ở Đan Mạch 37 năm mà tiếng Đan nói “mỏi tay!”. Cuối cùng Nữ Hoàng đành phải chiều lòng ông chồng già hay giở chứng. Sau vụ khủng hoảng nội bộ, bà đã phải chấp nhận để Hoàng thân Henri được đứng trước con trong nghi thức tiếp đón quan khách khi bà không thể có mặt.
III- TÌNH YÊU ĐẾN BẤT NGỜ
3.1- Hoàng Thái Tử Frederik (Frede - Pingo)
Không như các Hoàng tử của thời xa xưa, Hoàng Thái tử Frederik đã chuẩn bị cho mình một cuộc sống cân bằng giữa vương quyền và quần chúng. Vì thế, Frederik đã học chung với các học sinh và sinh viên ở trường Trung học Øregaard (1986), chính trị học tại đại học Aarhus (1990) của Đan Mạch, du học tại đại học Harvard Hoa Kỳ, tốt nghiệp cao học chính trị năm 1995. Ngoài ra, Frederik đã tham dự chương trình huấn luyện quân sự trong 3 quân chủng: Hải quân (đại úy năm 2002), Lục quân (cao đẳng quân sự năm 2001, thiếu tá trừ bị năm 2002) và Không quân (phi công đại úy trừ bị năm 2000). Từ khóa học người nhái (1995) Frederik có cái tên “Pingo” (ám chỉ loài chim Pingvin (Penguin) có thể lặn sâu dưới biển để bắt cá).
Cuộc sống tình cảm của Frederik: “Pingo” đã bắt được nhiều “nữ nhân ngư” Đan Mạch theo tục ngữ VN “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Nhưng than ôi! Pingo đã quậy đục 7 cái ao nhà mà duyên nợ không thành!
1- Mie Egmont Petersen, cô bạn gái cùng học Trung học đệ nhị cấp (Øregaard Gymnasium). Chàng gặp nàng trong lễ hội của trường được tổ chức tại TIVOLI, một Disney Land của Đan Mạch. Như bao mối tình học trò khác, Frede và Mie đã lặng lẽ từ giã nhau.
2- Birgitte Vollerlev: người đẹp kiểu mẫu đầu tiên đã len lỏi vào cuộc đời tình ái của Hoàng tử. Nhưng sau chuyến du học về rượu vang ở California của Frede, chàng và nàng cũng nhẹ nhàng “bye-bye” nhau.
3- Nina Klinker Jorgensen, người điều khiển chương trình truyền hình rất ăn khách tuổi trẻ, “HUGO” và “Elevaren” của đài TV2, đã chiếm được cảm tình của Frede khi nàng đang học đại học luật ở Aarhus và tiếng sét ái tình đã xẩy ra trong quán cà-phê của trường. Dù đã từng chụp hình chung và chia vui sẻ buồn trong những đêm dài lạnh lẽo; nhưng rồi tình yêu của cô sinh viên luật cũng không chinh phục được hoàn toàn trái tim của Hoàng tử hào hoa.
4- Malou Aamund: người con gái một lần ly dị đã gặp Frede vào mùa Thu 1990. Mối tình bất ngờ bị cắt ngang. Nguyên nhân: đêm Giao thừa 1992, sau khi cùng Hoàng tử uống rượu quá tiêu chuẩn (1,13), Malou không có bằng lái đã lái xe đưa người yêu cũng đã say mèn về nhà. Vì đi trong đêm tối và không có hộ tống nên xe của Frederik bất ngờ bị cảnh sát công lộ chận lại để kiểm soát. Nội vụ uống rượu say lái xe bị đổ bể và báo chí đã không ngớt lời phê bình Hoàng gia. Sau đó mối tình bị chìm vào bóng tối.
5- Katja Storkholm: người đẹp kiểu mẫu cho loại quần áo tắm đã làm Hoàng Thái tử ngất ngây, khi chàng học đại học Aarhus năm 1994. Năm 1995, báo Berlingske Tidende đã đăng hình hai người cùng nhau xuất hiện ở bãi biển nổi tiếng Mauritius. Trong lễ thành hôn của Hoàng tử Joachim và Alexandra nàng Katja cũng được mời tham dự. Vì thế, nhiều người nghĩ là Katja sẽ trở thành Hoàng hậu trong tương lai. Nhưng tới năm 1996, có lẽ Nữ Hoàng không muốn ngắm cái thân hình kiểu mẫu quá hở hang, nên qua luật sư, Katja tuyên bố “đường anh anh đi...” và hiện vẫn còn sống “đơn côi” tại thủ đô.
6- Bettina Louise Ødum:
Năm 1996, khi Frede đang tập sự ngành ngoại giao tại tòa đại sứ Đan Mạch ở Ba-lê, Bettina đón gặp chàng trong một quán cà-phê. Nàng làm việc tại Luân-đôn và cha mẹ có biệt thự ở miền Nam Pháp quốc, nơi Hoàng tử đã hơn một lần dừng chân. Sau cuộc cuộc thám hiểm Sirius ở Greenland, chàng và nàng đã xuất hiện tại bãi biển Costa Rica năm 2000. Nhưng sau đó nàng âm thầm từ giã vì biết mình không thể đứng đầu trong danh sách tuyển thê!
7- Maria Montell, ca sĩ nhạc POP với 2 bản nổi danh là “Svaert At Vaere Gudinde” và “Di Da Di”, và 2 bản tương đối ăn khách: “Think Positive” và “Børn har Ret”. Riêng bản Di Da Di đã bán cả triệu dĩa ở Trung quốc và được nghe nhiều trên các đài phát thanh và truyền hình Âu Châu trong những năm trước đây. Hoàng tử đa tình gặp nàng ca sĩ trong buổi nhạc hội ở Frederikberg và hai người đã “dung giăng dung giẻ” tại Việt Nam vào tháng 5.1997, khi Frede tới thăm ngôi nhà xưa của ông nội và cha mình tại Hà-nội. Lúc này Maria tiết lộ là hai người đã yêu nhau một năm rưỡi rồi. Nàng được Frede mời tới thăm biệt thự và vườn nho của cha mẹ ở Cahors miền Nam nước Pháp. Nữ Hoàng mua lâu đài và vườn nho này là do quà của toàn dân Đan Mạch tặng nhân dịp lễ thành hôn của bà. Maria Montell cũng một lần được Frede dẫn thăm Hoàng gia Tây Ban Nha. Nhưng cũng như các người đẹp trước đây, Maria Montell đã không có mặt trong tiệc mừng sinh nhật 30 tuổi của Hoàng tử và bản nhạc “Ôi chia ly từ đây...” đã ngân vang vào tháng 9.1998.
8- Mary Van Schuyler: Ngoài các người tình Đan Mạch, trong thời gian du học tại đại học Hardvard, Hoa Kỳ, Frederik cũng say mê Mary Van Schuyler, người đẹp làm việc tại Tòa Bạch Ốc, khi chàng vào thăm xã giao Tổng thống Bill Clinton.
Sau nhiều mối tình nửa tan vỡ, nửa lặng lờ trôi qua, và Frederik sắp bước vào cái tuổi 35, chắc chắn ai trong Hoàng gia cũng muốn cho Pingo phải chấm dứt cuộc phiêu du tình cảm. Cơ hội đã đến bất ngờ. Tháng 9.2000, Frederik cùng em là Joachim du-thăm Thế Vận Hội ở Sydney, Úc Châu. Trong một khách sạn gần biển, Frede được giới thiệu với người đẹp Mary Donaldson. Sự quen biết khu vực này một phần cũng vì trong thời gian học nông nghiệp, Hoàng tử Joachim đã chọn nơi đây để thực tập. Nhờ đó Joachim quen địa danh và dẫn anh mình tới đây vừa du chơi vừa tìm tiên hạ giới. Trong số 3 Hoàng tử hiện diện, Mary đã trao ánh mắt và nụ cười của mình cho Hoàng tử Đan Mạch. Thế rồi cuộc tình chớm nở và hai người đã được Lãnh sự Đan Mạch tại Úc khoản đãi nhân dịp kết thúc Thế Vận Hội ngày 1.10.2000 và đội bóng ném nữ của Đan Mạch đoạt được huy chương vàng. Tháng 11.2001 hai người chính thức xuất hiện trước công chúng và tháng 12.2000, Mary xin nghỉ việc, di chuyển về Luân Đôn và sau đó được Frede kín đáo đưa về thăm Đan Mạch mà báo chí không biết. Mãi tới tháng 1.2002, người ta mới thấy Mary ăn Tết với Frederik, đi tắm biển Mallorca và ra mắt vua Juan Carlos của Tây Ban Nha vào tháng 8.2002. Tháng 9.2002, để chuẩn bị cho Mary sống hợp pháp, nàng được sắp xếp làm cố vấn công trình cho hãng điện tử Navision của Microsoft ở Vedbaek và địa chỉ là căn phòng ở khu chung cư sang trọng tại cảng Langelilie. Tháng 1.2003, Frede chính thức tuyên bố Mary là người yêu và hôn má nàng công khai lần đâu tiên tại Tasmania. Tháng 9.2003, Nữ Hoàng Margrethe công bố lễ hứa hôn của Frederik và Mary sẽ cử hành ngày 24.9.2003.
3.2- Mary Elizabeth Donaldson
Mary từ đảo Tasmania đến Đan Mạch như một giấc mơ mà đa số các thiếu nữ đều mong ước. Đảo Tasmania do thương gia Hòa Lan, Abel Janszoon Tasman, lần đầu tiên khám phá vào ngày 24.11.1642. Thời gian đó dân bản xứ ở đây chỉ có khoảng dưới 10.000 người. Sau đó Anh quốc chiếm làm thuộc địa vào năm 1803. Năm 1804, chính quyền Anh dùng nơi đây làm chốn tù đày các phạm nhân có thành tích phạm pháp nghiêm trọng. Với thời gian, mảnh đất tù đày phát triển thêm dân cư và được tự trị năm 1856. Ngày 1.1.1901 Tasmania trở thành một Tiểu bang của Úc Đại Lợi. Tasmania có diện tích khoảng 68.330 km2 với số dân gần 500.000 người.
Cha mẹ của Mary nguyên gốc Scotland tới lập nghiệp tại Úc năm 1963 và trở thành công dân Úc 1965. Mary sinh ngày 5.2.1972 tại thủ đô Hobart của Tiểu bang Tasmania, mẹ là Henrietta Clark Donaldson (1942- chết 1997); cha là John Dalgleish Donaldson (1941), giáo sư toán và phụ tá viện trưởng Đại học Tasmania. Ông tái giá với nữ văn sĩ Susan Moody Donaldson. Mary có 2 chị: Jane Alison Stephens (1965), Patricia Anne Woods (1968) và người anh: John Stuart Donaldson (1970). Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật và thương mại (1994) tại đại học Tasmania, Mary rời bỏ nơi đây để làm cố vấn trong ngành quảng cáo tại Melbourne.
Trước khi thành hôn với Hoàng Thái Tử Frederik, Mary phải chấp nhận một số qui định theo luật lệ của vua Frederik IX đã ban hành:
- Điều 1: Vương quyền được thừa kế chỉ trong giòng tộc của vua Frederik X và Hoàng Hậu Alexandrine. --
Điều 5: Chỉ con cái sinh ra bởi vợ chồng hợp pháp mới được hưởng quyền kế vị. Ngoài ra, Mary cũng phải chấp nhận không được quyền thừa kế tài sản thuộc về vương quyền từ ngày thành hôn trở về trước và cả quyền chiếm con, nếu xẩy ra một cuộc ly dị. Lý do: con của Frederik sẽ nối nghiệp vua cha. Nếu Mary bắt con về Úc theo luật Đan Mạch dành ưu tiên cho người mẹ, thì một cuộc khủng hoảng vương quyền sẽ xẩy ra. Sau ngày cưới Mary sẽ hưởng lương khoảng 10% trong số 13 triệu kroner dành cho Frederik.
IV- LỄ THÀNH HÔN
Một tuần trước ngày hôn lễ các cuộc vui và những buổi trình diễn âm nhạc đã được tổ chức linh đình như sau:
-Ngày 5.5.2004: cuộc diễn hành và biểu diễn phi cơ tàu thủy của Hải, Lục, Không quân được tổ chức để chúc mừng Frederik và Mary. Ngày 7.5.2004: Chương trình đại nhạc hội Rock’n Royal vừa đề chào mừng Frede và Mary; vừa gây quỹ cho tổ chức cứu trợ nhi đồng “Red Barnet” được tổ chức tại sân vận động FCK. Có 40.000 người mua vé tham dự. Ngày 9.5.2004: một cuộc đua thuyền giữa Frede và Mary được tổ chức tại cửa cảng Kþbenhavn có quần chúng tham dự. Kết quả Mary đã thắng “oanh liệt”. Ngày 10.5.2004: chương trình ca nhạc với các loại nhạc cụ bằng gỗ được tổ chức tại Tivoli. Tối là tiệc do tòa lãnh sự Úc tổ chức để chúc mừng Frede và Mary -Ngày 11.5.2004: tiệc khoản đãi các nhân viên cao cấp trong chính phủ và quốc hội do Nữ Hoàng khoản đãi tại tòa nhà Christiansborg -Ngày 12.5.2004: Frede và Mary được tiếp đón nồng hậu tại Tòa Đô Chánh Kþbenhavn
-Ngày 13.5.2004: Tiệc chào mừng Frede và Mary tại Quốc hội -Ngày 14.5.2004: Lễ thành hôn được cử hành tại Vương cung Thánh đường Vor Frue Kirke.
Qua hình ảnh trước và trong lễ thành hôn, người ta cho rằng Mary Donaldson đã đánh bại tất cả các tình nhân trước đây của Frederik cả về tài năng, thân hình và sắc đẹp. Chính vì thế mà Hoàng Thái tử đã quá cảm động thành rướm lệ trong lúc chờ cha của Mary dẫn nàng tiên kiều diễm lên bàn thánh để cử hành hôn lễ.
Tốn phí và quà cưới
Để cưới được Mary, Frederik nói riêng và toàn dân Đan Mạch đã phải trả cái giá khá cao:
-Tốn phí các tiệc tùng, lễ hội: 153.000.000 Kroner, chưa kể sự tự nguyện - 3.000 cảnh sát giữ an ninh trật tự.
-Quà cưới do Quốc hội, chính phủ và các tỉnh tặng: 2.080.000 kr. -Quà của giới kinh doanh tặng: 1 xe Toyota Landcruiser trị giá 1.000.000 kroner -1 xe Mitsubishi Lancer Evolution VII 716.999 kr., 1 xe Mitsubishi Outlander 400.000 kr., 1 xe KIA Picanto 300.000 kr., 1 xe SAAB 9-3 Cabriolet 670.000 kr. -1 du thuyền trị giá 1.300.000 kr. -1 con ngựa cho Mary v.v...
V- CHỐNG ĐỐI VƯƠNG QUYỀN
Đa số dân chúng Đan Mạch vẫn còn muốn duy trì chế độ quân chủ và coi Hoàng Gia là biểu tượng quyền quý của dân tộc. Ngược lại, giới trẻ, các tổ chức đảng phái khuynh tả và người vô gia cư muốn hủy bỏ vua chúa để thay thế bằng Tổng thống. Những khẩu hiệu “Ikke en kroner til Frede & Mary = không một đồng cho Frederik và Mary”, “Eva+Ali = ulovlig” (ám chỉ 2 người ngoại quốc lấy nhau khi chưa đủ điều kiện là bất hợp pháp), còn “Mary+ Frederik =?” (thì sao) đã được nhìn thấy bất ngờ trong ngày lễ hứa hôn. Đêm 12.4.2004, trên đường Mary và Frede tới dự buổi đại nhạc hội dành cho các bạn bè thân thích thuộc giới trẻ dân sự và các Hoàng tử và Công chúa láng giềng, có một thanh niên đã uống rượu, ăn cắp xe và lái đâm thẳng vào xe chở Frederik và Mary. May mắn cảnh sát đã chặn kịp thời. Nếu không, ngày hôn lễ biết đâu trở thành ngày tang lễ? Trước giờ cử hành hôn lễ, một binh sĩ mang túi xách có chứa lựu đạn khói và đầu đạn súng cối bén bảng tới Vương cung Thánh đường. Cảnh sát khám xét và bắt giữ anh lính khả nghi này chỉ cách nơi hành lễ khoảng 100 mét. Cùng ngày cũng có khoảng 40 người biểu tình ở Trianglen, Þsterbro.
Ngày 14.5.2004, chuông thánh đường đổ vang từng hồi, cô dâu chú rể tiến lên bàn thánh tuyên hứa yêu nhau suốt đời. Nhẫn cưới trao cho nhau trong khung cảnh rừng người chào đón và hàng ngàn tiếng nhạc du dương. Chiếc vương-xa do 8 bạch mã kéo cùng với 88 kỵ binh danh dự đã đưa đôi tân hôn diễn hành qua trung tâm thủ đô, rồi tiến về khu lâu đài Hoàng gia Amalienborg. Không chỉ hàng triệu dân chúng Đan Mạch chăm chú theo dõi hôn lễ mà hàng chục triệu người trên thế giới cũng được các đài TV CNN (Mỹ), BBC (Anh), ABC, Channel Nine, Channel Ten (Úc), EU-TV; TF.1 (Pháp), APU + TV.1 + YLE (Phần Lan), ARD + Pro Sieben + NRD + RTL + ZDF (Đức), New Tang Dynasty (Trung Cộng), NHK + Nippon TV Network (Nhật), NRK + TV.2 + TV Norge (Na-uy), NTV (Nga), RAI (Ý), SVT + TV.4 (Thụy Điển), Tele.5 + TV Valencia + TVE (Tây Ban Nha), trực tiếp truyền hình đám cưới được coi là lớn và sang trọng thứ nhì, sau đám cưới của Hoàng Thái tử Charles và Diana vào năm 1981.
Sau khi vẫy tay chào và trao nhau nụ hôn ngày cưới trước biển cờ Đan-Úc và hàng chục ngàn người đã chờ đợi hàng giờ trước Hoàng cung, đôi tân hôn tiến về lâu đài Fredensborg tham dự tiệc cưới. Những thức ăn ngon từ Pháp, Úc và Đan Mạch, những chai rượu quí do cơ sở sản xuất rượu của Nữ Hoàng và Hoàng thân Henrik cung cấp, những lời chúc tụng đầy tình yêu đã diễn ra trong căn lều vương giả. Sau vũ điệu “valse”, ánh sáng của hàng trăm pháo bông đẹp lộng lẫy chiếu tỏa cả khung trời vào nửa đêm 14.5.2004. Những lời chúc thiết tha và điệu nhạc du dương đã thực sự tô điểm cho tình yêu của đôi tân hôn thêm thắm nồng. Nhưng có ai biết trong những căn phòng nhỏ, những tấm lòng thổn thức nghẹn ngào của Mie, Birgitte, Nina, Malou, Bettina, đặc biệt của Maria Montell mà âm thanh bản tình ca “Di Da Di” (nay có thể hiểu cách khôi hài là “Đời Đi Đái” rồi) của nàng đang ngân vang? Có ai biết được Katja ngồi tư lự bơ vơ than tiếc mối tình tan vỡ, như bức tượng “Nữ Nhân Ngư”, tại cảng Kþbenhavn, ngồi trông chờ trong tuyệt vọng hoàng tử của lòng mình đã bỏ rơi nàng đi cưới Công chúa láng giềng, mà 200 năm trước đây đại văn hào H.C. Andersen đã viết cho tuổi trẻ! Thế mới biết trong tình yêu “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.” như Hồ Xuân Hương, nữ thi sĩ tài danh số một về “dâm thi” của VN đã hơn một lần than thở!