Dân Chúa Âu Châu

"Bỏ thì Vương, thương thì tội!" Iraq là khúc xương khó nuốt

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

 

Sau một năm xâm chiếm Iraq, 09.04.2003-09.04.2004, chương trình ổn định tình hình và dân chủ hóa Iraq của chính phủ Hoa Kỳ đang gặp những khó khăn bất ngờ vì các lý do sau đây:

-An ninh lãnh thổ Iraq vẫn chưa được phục hồi
-Lính Mỹ và Đồng Minh bị phục kích và bị giết ngày một nhiều. 
-Các đồn cảnh sát của Iraq thường xuyên bị tấn công bằng bom tự sát hay súng cối và hỏa tiễn. 
-Người Tây phương bị bắt cóc làm con tin và bị thủ tiêu có khuynh hướng gia tăng.
-Phong trào đánh đuổi quân đội Mỹ và Đồng Minh ra khỏi lãnh thổ Iraq đang lên tới cao điểm.
Trước tình trạng khủng hoảng này, người ta không khỏi lo ngại về sự thất bại của Hoa Kỳ trong chương trình tái thiết và xây dựng một quốc gia Iraq tự do dân chủ theo cơ cấu tổ chức chính trị của Tây phương. 
Ngày 6.4.2004, trong cuộc vận động cho ứng cử viên John F. Kerry thuộc đảng Dân Chủ tại Brookings Institution, Thượng Nghị sĩ Edward Kennedy, em ruột của cố Tổng thống John F. Kennedy, đã tuyên bố: “ Iraq là Việt Nam của Bush” (Iraq is George Bush ‘s Vietnam)
Để tìm hiểu nguyên nhân đưa tới tình trạng căng thẳng ngày nay tại Iraq, chúng tôi sẽ trình bày một số điểm sau đây:
I- ĐƠN PHƯƠNG QUYẾT ĐỊNH TẤN CÔNG IRAQ KHÔNG CÓ BẰNG CHỨNG XÁC THỰC LÀ SỰ THẤT BẠI VỀ CHÍNH TRỊ CỦA HOA KỲ
Khi quyết định tấn công Iraq, chính phủ Anh-Mỹ đã dựa vào các nguyên nhân sau:
- Iraq không tôn trọng các thỏa hiệp và hợp tác với phái đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc sau cuộc chiến xâm lăng Kuwait năm 1991-1992.
- Chế độ độc tài Saddam Hussein có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda của Osama bin-Laden và cố tâm thi hành chính sách phát triển vũ khí giết người hàng loạt. Chương trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, cho tới nay thì chính phủ Mỹ và Anh hầu như thất bại hoàn toàn trong việc tìm kiếm cơ sở sản xuất và kho chứa vũ khí bom nguyên tử, bom hóa học và bom vi trùng tại Iraq. Các tài liệu của C.I.A liên quan tới cơ sở sản xuất và dự trữ vũ khí giết người hàng loạt mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Colin Powell, trình bày trước Hội Đồng Bảo An LHQ vào tháng 11.2002 là những tài liệu không trung thực.
Không có bằng chứng và không được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận, quyết định xâm chiếm Iraq của chính phủ Anh-Mỹ, với sự hỗ trợ của một số quốc gia Đồng Minh, trở thành bất hợp pháp. Nhiều bất đồng đã xẩy ra giữa Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ. Sự rạn nứt này là kẽ hở để tổ chức khủng bố al-Qaeda có cơ hội khai thác triệt để và tấn công vào Đồng Minh. Vụ khủng bố lớn nhất ở Âu Châu xẩy ra tại Tây Ban Nha vào ngày 11.3.2004 là một bằng chứng điển hình. Nhằm chia rẽ Hoa Kỳ và Đồng Minh, trùm khủng bố quốc tế Osama bin-Laden đã gửi thông điệp có nội dung hòa hoãn kiểu thỏa hiệp hòa bình với Âu Châu. Cuốn băng video này được đài truyền hình Ả Rập Al-Arabia chiếu ngày 15.4.2004. Ở đây chúng tôi xin ghi nhận một vài ý chính như sau:
- Osama bin-Laden chủ trương chia rẽ các chính quyền Âu Châu ủng hộ Hoa Kỳ với cử tri của họ. Vụ khủng bố các tuyến xe lửa ngày 11.3.2004 tại Tây Ban Nha là sự cảnh cáo đầu tiên đối với Âu Châu.
- Osama bin-Laden lên án Âu Châu im lặng trước cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestina.
- Osama bin-Laden ve vãn cử tri và các chính quyền Âu Châu bằng đề nghị “sẽ chấm dứt toàn bộ các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu nào rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan.”
 - Osama bin-Laden lên án Hoa Kỳ và Do Thái đã ám sát thủ lãnh nhóm Hamas là Giáo Sĩ Sheik Ahmed Yassin ngày 22.3 vừa qua; và cảnh cáo rằng: “Hoa Kỳ sẽ bị trả đũa bằng nhiều cuộc khủng bố.”
II- TÌNH TRẠNG BẤT AN VÀ SỰ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ LÀ CỚ ĐƯA TỚI KHỦNG BỐ.
 Nhìn vào tình trạng bất an tại Iraq ngày nay, người ta thấy nó phát sinh từ các yếu tố sau đây:
- Sự bất mãn của cả triệu binh lính, đảng viên Baath của Saddam Hussein và gia đình họ. Thành phần này bị thất nghiệp mà không được hưởng trợ cấp xã hội, nên trở thành lực lượng chủ động trong các cuộc tấn công quân Mỹ và Đồng Minh ở khu vực tam giác phía Tây Bắc thủ đô Baghdad. Đặc biệt nhất là tại thành phố Falluja, các tên khủng bố đã ném lựu đạn và bắn vào hai xe dân sự Mỹ. Kết quả là xe bốc cháy và 4 nhân viên bị thiêu sống trong khi đó một đám đông bu quanh chiếc xe đang bốc cháy reo hò mừng chiến thắng. Một vài tên cố lôi xác cháy đen của người Mỹ ra khỏi xe, rồi đem treo tòng teng trên thành cầu sông Eufrat. Một cảnh tượng trông dã man chưa từng có ở Trung Đông. Hình ảnh này gợi lại trong đầu óc mọi người về biến cố lính Mỹ bị giết và xác bị kéo lê trên mặt đường ở Somalia vào năm 1993. Cảnh tượng man rợ đó đã làm chấn động dư luận Hoa Kỳ đến mức Tổng thống Bill Clinton phải ra lệnh rút quân bảo vệ an ninh đồ cứu trợ của Liên Hiệp Quốc ra khỏi đất nước này.
- Một số thành phần quá khích của Lực lượng Shia Muslim muốn cướp quyền cai trị Iraq chứ không chịu đoàn kết trong Hội đồng Cai trị lâm thời do Mỹ thành lập. Điển hình cho nhóm này là đạo sĩ trẻ tuổi Moqtada al-Sard. Ông ta đã qui tụ được khoảng 6.000-10.000 tay súng cảm tử và hô hào toàn dân Iraq nổi lên đánh đuổi quân xâm lược Mỹ và Đồng Minh ra khỏi lãnh thổ. Vì thế, các cuộc bạo động, phục kích, bắt cóc dân sự ngoại quốc ngày một gia tăng. Tính đến ngày 14.04.04 đã có một số người ngoại quốc bị bắt cóc được ghi nhận như sau:
Ngày 4.4.2004: 3 người Nhật bị quân khủng bố bắt cóc và đưa lên truyền hình với lời cảnh cáo là nếu chính phủ Nhật không rút 300 lính khỏi Iraq, các con tin sẽ bị thiêu sống. Tuy vậy, 3 con tin này đã được thả ngày 15.4.04, mặc dù chính phủ Nhật không thỏa mãn yêu sách rút quân ra khỏi Iraq.
Ngày 8.4.04: 01 người Palestin và Gia Nã Đại bị bắt, vì quân khủng bố tình nghi họ làm gián điệp cho Do Thái.
Ngày 8.4.2004: 7 thày tu người Nam Hàn bị bắt cóc, nhưng được thả ra trong cùng ngày.
Ngày 9.4.2004: 01 người Mỹ bị bắt cóc.
Ngày 10.4.2004: 2 nhân viên an ninh dân sự Đức bị bắt cóc trên đường từ Jordan tới Iraq.
Ngày 11.4.2004: 
- 01 kỹ sư người Anh bị mất tích, nhưng được phóng thích ngày 8.4.2004.
-8 tài xế xe vận tải gồm: 3 Pakistan, 2 Đức, 1 Ấn Độ, 1 Népal, 1 Phi Luật Tân được phóng thích.
- 7 người Tàu bị bắt cóc 
- 2 người Tiệp Khắc trên đường đi Jordan bị bắt cóc ở phía Bắc Baghdad.
Ngày 12.4.2004: 7 nhân viên xây cất Mỹ được ghi nhận mất tích. 
Ngày 13.4.2004: 4 người Ý bị nhóm “Tiểu đoàn Xanh” bắt cóc và được chiếu trên đài truyền hình al-Jazeera. Quân khủng bố đòi chính phủ Ý phải rút 3.000 lính khỏi Iraq. Sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi nhất quyết không thoả mãn yêu sách của chúng, nhân viên đài truyền hình cho biết 01 người đã bị giết hết sức dã man. Cảnh tượng máu me kinh hoàng đến nỗi họ không dám chiếu xác chết trên màn ảnh.
Ngày 15.04.2004: 
-Vì tình hình bất ổn, chính phủ Nga ra lệnh rút tất cả công nhân viên khỏi Iraq. 
-Một người Đan Mạch được thông báo mất tích ở Iraq.
Sau khi được tăng cường bằng chiến xa và phi cơ trực thăng, quân đội Mỹ chuẩn bị mở cuộc tổng tấn công vào sào huyệt Najaf, nơi đạo sĩ al-Sadr đang trú ẩn. Binh lính Mỹ được lệnh bắt sống hoặc giết chết đạo sĩ này, vì chính ông ta là kẻ chủ mưu tấn công quân đội Đồng Minh và chống lại chương trình tái thiết và xây dựng dân chủ cho Iraq.
Để tránh thiệt hại lớn lao cho dân chúng, chính phủ Mỹ đã liên lạc ngoại giao với các nhà lãnh đạo Iran nhằm thuyết phục đạo sĩ al-Sadr giải giới. Với sự khuyến cáo của đạo trưởng Ayatollah Ali al-Sistani, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với cộng đồng Shia Muslim tại Iraq, người đã từng phản đối việc chống Mỹ bằng bạo lực; hy vọng đạo sĩ al-Sadr sẽ đồng ý thương thuyết vô điều kiện với Mỹ. Trước đây al-Sadr chỉ đồng ý ngưng chiến và thương thuyết với điều kiện là quân Mỹ phải rút khỏi khu dân cư Najaf, đồng thời thả tất cả các thành viên của Sadr. Tới khi bài này được viết, ngày 16.4.2004, đạo sĩ al-Sadr tuyên bố không chịu giải giới lực lượng quân sự của mình và cảnh cáo nếu Hoa Kỳ bắt hoặc giết ông ta, toàn dân Iraq sẽ trả đũa khốc liệt.
Phía Hoa Kỳ cho biết chỉ đồng ý không bắt hoặc giết chết đạo sĩ al-Sadr, nếu ông ta nhận tội tạo nên khủng hoảng và tấn công giết hại quân lính Mỹ trong những ngày vừa qua. Phía Hoa Kỳ muốn đưa đạo sĩ al-Sadr ra tòa án về tội giết chết một thủ lãnh cấp tiến của Shia Muslim vào năm ngoái. Theo cố vấn của đạo sĩ này thì al-Sadr chịu ra tòa, nhưng phải là tòa án hợp pháp và dân chủ của Iraq. Có hơn 2.500 binh lính Mỹ đang bao vây chặt chẽ thành thánh Najaf và sẽ tấn công nếu các cuộc thương thuyết không đạt được kết quả.
III- MOQTADA AL-SADR LÀ AI?
Moqtada al-sadr là một đạo sĩ trẻ, nay mới 30 tuổi. Không như các đạo sĩ Shia-Muslim khác, al-Sadr chủ trương bất cộng tác với Hội Đồng Cai Trị lâm thời, vì hội đồng này do Hoa Kỳ dựng nên. Al-sadr hô hào toàn dân chống lại cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ và khích động tấn công vũ trang vào quân đội Mỹ và Đồng Minh. Lực lượng chính của al-Sadr là vùng dân cư Shia-Muslim tại Baghdad và một số tỉnh phía Nam 
Al-Sadr là con út của đạo sĩ Muhammed Sadiq Sadr, một đạo sĩ cao cấp của Shia-Muslim bị ám sát năm 1999. Trước cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào tháng ba năm ngoái, al-Sadr chỉ là một đạo sĩ bình thường. Khi đảng cầm quyền Baath bị tan rã, al-Sadr trở thành người có quyền lực nhờ tiếng tăm của cha mình đã sáng lập Hội Từ thiện Shia. Thành phố Saddam được đổi tên là thành phố Sadr, nhằm mục đích vinh danh ông chú của al-Sadr là Muhammed Bakir al-Sadr, một thánh tử đạo chống lại Saddam Hussein. Vào tháng 6.2003. Al-Sadr đã thành lập một nhóm quân sự có tên “Quân đội Mehdi” để bảo vệ và kiểm soát các khu hành chính của thành thánh Najaf. Ông ta cũng tuyên bố thành lập một chính quyền đối lập với Hội Đồng Cai Trị Iraq do Hoa Kỳ chỉ định. Al-Sadr ra tờ tuần báo có tên al-Hawza, nhưng bị nhà cầm quyền Mỹ đóng cửa vào ngày 28.3.2004. Lý do: tờ báo có chủ trương bạo động chống Mỹ, đề cao luật Islam và niềm tự hào của Iraq.
Ngay sau khi thủ đô Baghdad bị thất thủ vào tháng 4.2003, thuộc hạ của al-Sadr bị tố cáo đã ám sát Abdul Majid al-Khoei, một thủ lãnh cấp tiến Shia, người đã từng cộng tác với Anh quốc và Hoa Kỳ trong thời gian tị nạn ở ngoại quốc. Moqtada al-Sadr cực lực phủ nhận bất cứ vai trò nào trong vụ ám sát. Thủ hạ của al-Sadr cũng xung đột với nhóm ủng hộ đạo trưởng Ayatollah Sistani, người giữ vai trò trọng yếu trong kế hoạch Mỹ trao lại quyền hành cho Iraq vào ngày 30.6.2004. Al-Sadr còn bị tố cáo có dính líu trong vụ khủng bố văn phòng Trung ương của Liên Hiệp Quốc tại Baghdad vào tháng 8.2003.
Sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, đạo sị al-Sadr đã qua thăm Iran và gặp gỡ các viên chức cao cấp của nước này. Al-Sadr tự coi mình là một nhà lãnh đạo quốc gia của đa số Shia-Muslim và muốn đạo trưởng Sistani phải rời khỏi Iraq. Theo quan chức Mỹ thì thuộc hạ của al-Sadr theo khuynh hướng Ayatollah Kazem al-Haeri, thủ lãnh dân Shia-Muslim từ căn cứ tị nạn của dân Iraq tại Iran.
Tuy nhiên, al-Sadr tự tin là mình sẽ phải được xếp vào hàng Mirjah, một danh vị quyền lực tối cao về tôn giáo và luật pháp của Shia-Muslim. Tên tuổi của cha, chú và al-Sadr được kể vào hàng tử đạo và được hát trong cuộc hành hương tới thánh địa Karlaba trong tháng ba vừa qua. Al-Sadr không nghĩ mình quá trẻ để nhận lãnh quyền lãnh đạo tinh thần. Ông ta cho rằng cha mình cũng đạt tới chức vụ Mujtahid vào năm 25 tuổi. Một học giả và thân nhân quan trọng khác là Muhammed Bakir al-Sadr đạt tới chức vị Mirjah vào năm 22 tuổi. Al-Sadr nói rằng: “Tôi không phải là một mujtahid, nhưng không còn bao lâu nữa tôi sẽ trở thành một mujtahid”
Theo giới chức Mỹ thì đạo sĩ al-Sadr có tham vọng trở thành một Saddam Hussein của dân Shia-Muslim và Iraq. Người ta lo ngại rằng, nếu kế hoạch dân chủ hóa Iraq của Hoa Kỳ không thành công, Iraq biết đâu lại trở thành một Iran thứ hai, có nghĩa quyền hành chính trị sẽ nằm trọn trong tay các đạo sĩ Shia-Muslim. Tuy nhiên, muốn độc chiếm quyền lực, al-Sadr phải loại được hai đạo sĩ cao cấp có nhiều uy tín với dân chúng Iraq là Ayatollah Ali al-Sistani và Abdul-Aziz al-Hakim, một thành viên có uy quyền trong Hội đồng Cai trị lâm thời. Đạo sĩ này đã tự ý liên kết với đạo trưởng al-Sistani và đứng đầu trong Hội Đồng Tối Cao Cách Mạng Hồi Giáo chống Saddam Hussein từ trung tâm tị nạn tại Iran. Đạo sĩ al-Hakim được hỗ trở bởi lực lượng quân sự riêng của mình có tên “Binh đoàn Sadr” đang giữ an ninh tại một số tỉnh phía Nam và thành thánh. Anh cả của al-Hakim là Ayatollah Mohammed Baqir al-Hakim bị thuộc hạ của a-Sadr ám sát năm ngoái.
Vì thế, sự tranh dành quyền lực giữa các đạo sĩ sẽ còn căng thẳng và có thể phát sinh nhiều cuộc đụng độ đẫm máu trong tương lai. Một cuộc nội chiến Iraq có thể xẩy ra vào bất cứ vào lúc nào. Nhận định này được dựa trên biến cố khích động người Sunni-Muslim chống Shia-Muslim của thủ lãnh Musab al-Zarqawi. 
Musab al-Zarqawi mang quốc tịch Jordan đã bị kết án tử hình sau vụ giết chết một công dân Mỹ làm việc thiện nguyện vào năm 2002. Chính phủ Mỹ đã treo giải thưởng 10 triệu Đô-la cho ai cung cấp tin tức để bắt tên khủng bố này. Al-Zarqawi được coi là cánh tay đắc lực của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại khu vực Trung Đông. Trong cuốn băng video dài 33 phút được chiếu trên đài truyền hình Ả Rập, al-zarqawi tuyên bố “người Iraq theo hệ phái Shia không phải là các tín đồ Islam thực sự. Người Sunni-Muslim hãy nhận chìm kẻ xâm lăng”. Al-zarqawi cũng xác nhận đã chủ động các cuộc tấn công đẫm máu vào quân đội Mỹ tại Iraq trong thời gian vừa qua. 
IV- TẠI SAO CÓ NẠN BẮT CÓC NGƯỜI NGOẠI QUỐC LÀM CON TIN?
Chiến dịch bắt cóc ở Trung Đông không mới mẻ gì. Nó đã được thực hiện trong những năm vừa qua tại nhiều khu vực như:
-Tại Li-băng (Libanon) vào thập niên 1980, khi quân khủng bố tại nước này bắt nhiều người Do Thái, Tây phương và Mỹ với yêu sách đòi quân đội Mỹ phải rút khỏi khu vực và Do Thái phải rút khỏi đồi Golan.
-Tại Iran: sau cuộc cách mạng Hồi Giáo do dạo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo thành công trong việc lật đổ Vương quyền Shah vào ngày 1.2.1979, các sinh viên và lực lượng cách mạng đã bắt cóc hàng chục nhân viên viên Mỹ và đòi chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt việc ủng hộ lực lượng phản cách mạng.
-Tại Iraq: trong cuộc chiến Bão Tố Sa Mạc năm 1991-1992, Saddam Hussein cũng đã bắt giữ nhiều người ngoại quốc, kể cả trẻ em, để làm bia đỡ đạn và bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng trước các cuộc không tập của phi cơ Mỹ và Đồng Minh.
Ngày nay chiến thuật bắt cóc lại được quân du kích và khủng bố áp dụng để làm áp lực đòi quân đội Mỹ và Đồng Minh rút khỏi Iraq. Tuy vậy, phản ứng của dân Mỹ và Tây phương không còn quá khủng hoảng như trong những thập niên vừa qua. Người dân Mỹ hiểu được rằng trong chiến tranh chống độc tài và khủng bố, dĩ nhiên sẽ có những người bị hy sinh. Người ta phải chấp nhận rằng, hàng trăm chiến sĩ đã phải ngã gục vì lý tưởng tự do dân chủ, thì một số con tin không thể làm cản trở hay hủy hoại cả một công trình xây dựng dân chủ ở bất cứ quốc gia nào. 
Nếu người dân của bất cứ quốc gia nào cũng quan niệm như vậy, thì chính sách bắt cóc người ngoại quốc làm con tin của quân khủng bố sẽ không đạt được kết quả mỹ mãn. Sự thực cho thấy: chả lẽ siêu cường Hoa Kỳ và các cường quốc Âu Châu lại phải quì gối trước bạo lực khủng bố?
V- LẬP TRƯỜNG CỦA CHÍNH PHỦ HOA KỲ
Dù tình hình Iraq vẫn còn bất ổn, nhưng hôm 6 và 15.4.2004, Tổng thống Mỹ, George W. Bush, đã tái xác nhận sẽ trao quyền hành cho Hội Đồng Cai Trị vào ngày 30.6.2004. TT. Bush cũng hứa hẹn sẽ đập tan tổ chức làm loạn của al-Sadr. Bộ trưởng Quốc phòng Ronald Rumsfeld tuyên bố quân đội Mỹ sẽ tiếp tục giữ an ninh thêm 3 tháng nữa, kể từ sau ngày bàn giao quyền lực.
Để chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống vào tháng 11.2004, và để bảo đảm chương trình tái thiết và xây dựng Iraq không bị trì trệ và phá hoại, trong cuộc họp báo bất thường ngày 15.4.2004, TT. George W. Bush tuyên bố cần có một quyết định mới của Liên Hiệp Quốc về Iraq. Lời tuyên bố này chứng tỏ chính phủ Mỹ chịu nhượng bộ và dành vai trò chủ động cho Liên Hiệp Quốc về vấn đề Iraq.
Ngày 16.4.2004, Thủ tướng Anh Tony Blair đã gặp Tổng Thư ký LHQ, Annan Kofi, để bàn về vai trò của LHQ sau ngày chuyển giao quyền lực cho Iraq vào 30.6.2004. Thủ tướng Anh đã hội đàm với TT. Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 16.4.2004, hai nhà lãnh đạo cám ơn sự nhận lãnh trách nhiệm của LHQ trong việc điều hành và ổn định tình trạng chính trị của Iraq trong tương lai. 
Tuy nhiên, trước sự khủng bố, tấn công và bắt cóc người ngoại quốc đang xẩy ra tại Iraq, người ta lo ngại không biết có bao nhiêu quốc gia sẽ tình nguyện đưa quân tới đất nước này, dù dưới cờ Liên Hiệp Quốc? 
Thực tế cho thấy vấn đề Iraq là một bài học “xương máu” của chính phủ Mỹ và cũng là tấm gương soi chung cho các quốc gia về lãnh vực tôn giáo, khi hướng về một trật tự mới của thế giới và chương trình “Toàn Cầu Hóa” của nhân loại.