Dân Chúa Âu Châu

Tây Ban Nha bạo lực khủng bố Al-Qaeda đã lật đổ một chính quyền?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

 

Ngày thứ năm, 11.3.2004, 

hàng loạt bom nổ trên các toa xe lửa tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, đã giết chết 200 người và khoảng 1.500 người bị thương. Cuộc khủng bố làm cho dân chúng Tây Ban Nha vô cùng xúc động và kinh hoàng. Cả thế giới đều hướng về Madrid và nhiều câu hỏi được đặt ra: 
- Nếu đây là hành động của tổ chức al-Qaeda nhằm trả đũa Hoa Kỳ và Đồng Minh Tây Phương can thiệp vào Iraq, thì quốc gia nào sẽ là mục tiêu kế tiếp của Osama bin-Laden và đồng bọn?
Để trả lời cho thắc mắc này, mời quí độc giả cùng hướng về Tây Ban Nha.
I- ĐÔI DÒNG VỀ TỔ CHỨC KHỦNG BỐ “ETA”
Ngay từ đầu, Thủ tướng Aznar đổ tội ngay cho tổ chức khủng bố ETA chủ mưu trong các vụ nổ ngày 11.3.2004. Tại sao?
Để quí độc giả có thể hiểu rõ hơn về lời cáo buộc của Thủ tướng Juan Maria Aznar, chúng tôi xin trình bày qua về tổ chức ETA.
-1937: Tướng Francisco Franco lên nắm chính quyền và chiếm đóng xứ Basque, phần đất phía Bắc Tây Ban Nha và phía Nam nước Pháp. Các cuộc đấu tranh đòi độc lập của người dân miền Basque đều bị trừng trị thẳng tay. Dưới thời cai trị của Francisco Franco, ngôn ngữ Basque bị cấm, trí thức và chính trị gia có tinh thần đấu tranh bị bắt giam, tra tấn và thủ tiêu.
-1959: ETA, một tổ chức ly khai có vũ trang do sinh viên thành lập đã tiến hành chiến dịch đòi độc lập 4 tỉnh lớn ở miền Bắc Tây Ban Nha: Vizcaya, Guipuzcoa, Alava, Navarra và 3 tỉnh miền Tây Nam Pháp: Labourd, Basse-Navarra, Soule. 
ETA là chữ viết tắt của tiếng địa phương “Euskadi Ta Azkatasuna”, có nghĩa “Tổ Quốc Basque Tự Do”. Để đạt được mục đích, ETA đã phát động một chiến dịch với các hành động khủng bố như đánh bom, ám sát, bắt cóc tống tiền... 
Tổ chức ETA có một bộ phận đại diện về chính trị của mình là đảng Herri Batasuna, cơ quan ngôn luận của ETA ra đời vào năm 1986. Muốn đạt được mục tiêu, ETA đã thực hiện các cuộc khủng bố trên toàn Tây Ban Nha. Những cuộc khủng bổ điển hình được ghi nhận như sau:
-1961: ETA mở cuộc khủng bố đầu tiên vào xe lửa chở các cựu chiến binh Tây Ban Nha.
-1968: ETA ám sát cảnh sát trưởng tại Villabora thuộc tỉnh San Sebastian.
-1973: Thủ tướng Luis Carrevo Blanco, người sẽ kế nghiệp Franco bị giết chết trong vụ xe cán lên mìn nổ ở Madrid.
-1974: ETA đặt bom nổ tại quán cà phê ở thủ đô khiến cho 12 người chết.
-1975: Nhà độc tài Franco từ trần. Tây Ban Nha bước qua giai đoạn tự do dân chủ. 
Cái chết của tướng Franco đã đem lại những biến chuyển tốt đẹp cho hơn hai triệu dân Basque. Đó là những qui chế chính trị ưu đãi dành cho dân tộc này như: vùng Basque được hưởng quy chế tự trị: có nghị viện, lực lượng cảnh sát, hệ thống giáo dục và thuế khóa riêng. Tuy vậy, tổ chức ETA và những người ủng hộ tổ chức này vẫn đòi độc lập hoàn toàn cho xứ sở của mình. 
-1980: ETA thực hiện một trong các vụ khủng bố bằng bom lớn nhất khiến cho 118 người chết.
-1986: Một Phó Đô đốc bị ETA giết ở Madrid bằng lựu đạn tay. Trong cùng thời gian, 12 cảnh sát bị tử thương vì xe chứa bom nổ tại Zaragora.
-1987: ETA đặt bom nổ ở siêu thị ở Barcelona gây cho 21 người chết.
-1991: ETA đặt bom nổ ở một đồn lính khiến cho 9 chết, 45 bị thương.
-1995: José Maria Aznar, năm đó là thủ lãnh Quốc Dân đảng thoát chết trong vụ ETA đặt bom dưới xe. Cùng năm này, vua Juan Carlos thoát chết trong một cuộc ám sát.
-1996: 9 bom nổ tại các khu du lịch và 35 du khách Anh bị thương vì bom nổ ở phi trường Tarragona.
-1997: Một nhân viên trong Hội Đồng thành phố vùng Basque bị bắt cóc và sau hai ngày bị giết, vì yêu cầu di chuyển tù nhân về vùng Basque của ETA bị từ chối.
-1998: ETA đặt chất nổ trong xe giết chết luật sư biện hộ Manuel Zamarreno. Cùng năm này ETA tuyên bố ngưng chiến.
-1999: Tháng sáu, Chính phủ tuyên bố muốn thảo luận với ETA về ngưng chiến. Tháng tám ETA cắt đứt cuộc dàm phán và tuyên bố hủy bỏ việc ngưng chiến vào tháng 12. 
-2000: 18 ký giả, chính trị gia và nhân viên chính phủ bị tử thương vì ám sát và bom nổ. Cùng trong năm, ETA khủng bố bằng 4 xe chứa chất nổ đưa tới kết quả: 4 người chết và 30 bị thương.
-2001: 2 chính trị gia và một quan tòa bị giết. Cùng thời gian này xẩy ra nhiều vụ bom nổ khiến cho 100 người bị thương. 
- 2002: Đảng Batasuna bị cấm hoạt động vì dính líu tới các cuộc khủng bố của ETA
-2003: ETA đặt 2 bom nổ ở Anicante vài xe chứa bom nổ tại Sanguesa và Benidorm khiến cho 13 người bị thương.
-2004: ETA tuyên bố ngưng chiến tại Catalonia. Ngày 29.1.2004, cảnh sát bắt được một xe chở 500 ký thuốc nổ. Đây là dữ kiện mà chính phủ Tây Ban Nha không ngần ngại qui trách cho ETA nhúng tay vào vụ khủng bố lớn nhất ngày 11.3.2004.
II- TẠI SAO CHÍNH PHỦ TÂY BAN NHA CỨ NHẤT QUYẾT ĐỔ TỘI CHO ETA?
- Vì các hoạt động trong quá khứ của ETA
Như đã trình bày ở trên, các hoạt động khủng bố đã tạo nên ấn tượng xấu về ETA đối với chính phủ và dân chúng Tây Ban Nha trong suốt 30 năm qua. Chính vì vậy mà bất cứ cuộc khủng bố nào xẩy ra trên lãnh thổ, ETA luôn bị lên án là kẻ chủ mưu.
- Vì chính sách ủng hộ Hoa Kỳ của chính phủ Aznar trong cuộc chiến tranh Iraq.
Cuộc khủng bố xẩy ra vào ngày thứ năm, 11.3.2004, ba ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội của Tây Ban được tổ chức vào ngày Chúa Nhật, 14.3. 2004. Trước cuộc chiến Iraq, đa số dân chúng không tán thành quyết định của chính phủ Mỹ về vấn đề Iraq. Sau cuộc chiến, dân chúng cũng chống lại quyết định của Thủ tướng Aznar đưa quân tới Iraq, vì Al Qaeda từng cảnh cáo sẽ trả thù các quốc gia ủng hộ Hoa Kỳ. 
Để tránh bị thất bại trong cuộc bầu cử và bào chữa cho quyết định đứng chung chiến tuyến với Mỹ, chính phủ Aznar đã lái dư luận và sự phẫn nộ của quần chúng về phía ETA. Mặc dù ngay ngày 11.3.2004, đảng Herri Batasuna của ETA, qua Arnold Ortegi đã tuyên bố với đài phát thanh, truyền hình và nhật báo Gara là ETA không nhúng tay vào vụ khủng bố trên các tuyến xe lửa ở Madrid. Ortegi cũng quả quyết là ETA luôn báo trước về hành động của mình. Lỗi ở đây có thể tìm ra nơi mạng lưới của người Ả-rập. 
Kế hoạch chuyển hướng dư luận và sự thiếu thành thật của chính phủ trong các vụ điều tra nhằm đưa ra ánh sáng các thủ phạm là nguyên nhân đưa tới sự bất mãn của cử tri. Kết quả cuộc bầu cử ngày 14.3.2004 đã chứng tỏ dân chúng, vì sợ bị khủng bố, đã “khai tử”õ đảng Bảo Thủ (PP) cầm quyền và dồn phiếu cho đảng Xã hộI (PSOE).
Kết quả bầu cử Quốc hội ngày 14.3.2004 được ghi nhận như sau:
-Đảng Xã Hội (PSOE): 43% = 163 ghế
-Đảng Nhân Dân (PP): 38% = 148 ghế (mất 37)
-Đảng xứ Calatan (CiU ): 3%
-Đảng Cánh Tả Cộng Hòa Catalonia (ERC): 2,5%
-Đảng Cánh Tả Đoàn Kết (IU): 5%
Số ghế trong Quốc hội: 350 
Muốn đạt được đa số trong Quốc hội, đảng muốn nắm chính quyền phải chiếm được 176 / 350 ghế, hoặc liên kết với các đảng khác để có đủ số phiếu ấn định.
III- CÓ PHẢI AL-QAEDA LÀ THỦ PHẠM?
3.1- Nguồn tài liệu từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Na Uy 
Dựa vào một tài liệu bằng tiếng Ả-rập trên Internet đầu năm 2004 của tổ chức Truyền Thông Islam Toàn Cầu (Global Islamisk Medier), Brynjar Lia, trưởng ban nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, cho biết cuộc khủng bố Tây Ban Nha sẽ xẩy ra vào dịp bầu cử quốc hội. Khủng bố sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả bầu cử, đảng Xã hội sẽ thắng và rút quân khỏi Iraq. Lý do của sự nhận định là Tây Ban Nha có nhiều yếu điểm so với các Đồng Minh khác của Hoa Kỳ tại Âu Châu. 
3.2- Nguồn tin của chính phủ Tây Ban Nha
 Ngày 11-13.3.2004, trong khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện 7 kíp nổ cùng một cuốn băng ghi âm kinh Koran trên một chiếc xe tải tại Alcala, nơi xuất phát của 3 trong số 4 chuyến tàu bị đặt bom. Bằng chứng này chứng tỏ tổ chức al-Qaeda chủ mưu trong vụ khủng bố.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nội vụ Angel Acebes vẫn khẳng định tổ chức ETA là đối tượng tình nghi số một. “ETA lâu nay vẫn tìm cách gây ra cuộc thảm sát, lần này không may chúng đã thành công”. Theo Acebes, sự kiểm chứng cho thấy thuốc nổ dùng trong vụ tấn công là loại dynamite thường được ETA sử dụng. 
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng tuyên bố cảnh sát đã tìm được một bom không nổ tại khu chứa hành lý của xe lửa. Nguồn tin từ văn phòng thủ tướng còn cho hay, những kẻ đánh bom đã sử dụng titadine, một loại thuốc nổ dynamite nén. Đây cũng là chất nổ tìm thấy trong một xe vận tải chứa bom trên đường tới Madrid bị chặn bắt hồi tháng trước. ETA đã bị quy trách nhiệm cho vụ tấn công bất thành đó.
Ngày thứ sáu 12.3.2004, đài phát thanh Cadena Ser lại cho rằng các bom nổ được điều chỉnh bằng điện thoại lưu động (mobil) và một bộ phận kích nổ không phải là loại mà ETA thường dùng.
 Sau nhiều cuộc điều tra có sự phối hợp với cơ quan an ninh của Ma-rốc, Do Thái và Âu Châu, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết nhóm quá khích Islam gây ra vụ khủng bố ở Cassablanca, Ma-rốc, là thủ phạm. Vụ khủng bố bằng bom tự sát vào mùa Xuân năm ngoái ở Cassablanca nhằm vào người Tây phương và Do Thái, đã gây cho 44 người chết, trong số này có cả 13 tên khủng bố.
Theo báo El Mundo thì tên chủ chốt người Ma-rốc có liên quan tới tổ chức khủng bố thế giới al-Qaeda. Khi cảnh sát lục soát tư gia của các nghi can, họ đã tìm thấy điện thoại và phim video khuyến khích thánh chiến (Jihad). Ngày 16.3.2004, do sự nhận diện của hai nạn nhân sống sót trong cuộc khủng bố, cảnh sát đã bắt được Jamal Zougam, tên chủ chốt thuộc nhóm khủng bố Salafia Jihadia. Qua kế hoạch kiểm soát hệ thống truyền thông, cảnh sát Tây Ban Nha biết thêm được Yazkas, thủ lãnh của nhóm này ở Tây Ban Nha, từng liên lạc bằng điện thoại cho đồng bọn ở Aarhus và Greve, Đan Mạch, nhằm quyên tiền và tuyển mộ thanh thiếu niên Islam tình nguyện vào đoàn quân “Thánh chiến”.
3.3- Nguồn tin của tổ chức khủng bố Al-Qaeda
Báo al-Quds ở thủ đô Luân Đôn nhận được bức thư dài 5 trang được coi là của al-Qaeda xác nhận họ đã chủ động trong vụ khủng bố. Trong thư bọn khủng bố nói là để trả đũa các cuộc “Thập Tự Chinh”õ và Đồng Minh Hoa Kỳ trong chiến tranh chống lại Islam. Thư được ký tên dưới danh hiệu “Binh đoàn Abu Hafs al-Masri”õ. Binh Đoàn lấy tên của thủ lãnh al-Qaeda bị phi cơ Mỹ oanh kích chết tại A Phú Hãn vào năm 2001. Trong thư có đoạn cảnh cáo trực tiếp thủ tướng Juan Maria Aznar:
“Aznar, giờ người Mỹ đâu rồi. Ai sẽ bảo vệ các ngươi khỏi tay chúng ta, Anh quốc, Úc, Ba Lan, Ý Đại Lợi và các nước khác...?”
 Tòa báo này cũng nhận được các thư tương tự của Binh Đoàn liên quan tới các vụ bom nổ giáo đường của Do Thái ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 11.2003 và cuộc khủng bố văn phòng chính của Liên Hiệp Quốc tại Iraq trong tháng 8.2003. 
IV- LÃNH ĐẠO ÂU CHÂU LÊN ÁN VỤ ĐÁNH BOM MADRID
-Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định rằng: “ Cuộc tấn công không thể biện minh, là sự xúc phạm tới Thiên Chúa “.
-Bertrand Ramcharan, quyền chủ tịch Cao ủy LHQ về nhân quyền, nhấn mạnh: bọn khủng bố cần biết rằng, với những cuộc tấn công chết chóc như vụ đánh bom Madrid không thể hủy hoại luật pháp quốc tế và quyền con người mà cộng đồng quốc tế đã xây dựng từ bấy lâu nay. 
 -Thủ tướng Anh Tony Blair nhận định: “Cuộc tấn công khủng khiếp này làm nổi bật mối nguy cơ bị khủng bố mà chúng ta phải đối diện tại nhiều quốc gia. Đó là lý do khiến tất cả chúng ta cần phải hợp tác trên bình diện quốc tế, để bảo vệ dân chúng trước những cuộc tấn công tương tự, và đánh bại chủ nghĩa khủng bố”.
 -Tổng thống Pháp Jacques Chirac khẳng định: “Không gì có thể biện minh cho hành động vô trách nhiệm này và dù dựa trên bất cứ quan điểm nào, nó vẫn bị lên án.”
-Tổng thống Bồ Đào Nha Jorge Sampaio gửi lời chia buồn tới vua Juan Carlos và cho rằng hành động khủng bố là chống lại dân chủ và nền hòa bình của thế giới.
-Tổng thống Mỹ, George W. Bush, tuyên bố là quân khủng bố giết hại dân lành với mục tiêu làm cho thế giới co cụm lại vì sợ hãi. Đồng Minh của Hoa Kỳ hãy đoàn kết chống khủng bố và tân chính phủ của Tây Ban Nha hãy tiếp tục duy trì lực lượng quân sự tại Iraq. 
V- CUỘC BIỂU TÌNH VĨ ĐẠI TẠI THỦ ĐÔ MADRID NHẰM PHẢN ĐỐI QUÂN KHỦNG BỐ
Vào ngày thứ bẩy, 13.3.2004, có tới hơn 2 triệu người tham gia vào cuộc biểu tình chống khủng bố tại các quảng trường của thủ đô Madrid và khu vực xung quanh nhà ga Atocha. Dẫn đầu đoàn biểu tình có Hoàng gia Tây Ban Nha gồm thái tử Felipe, công chúa Elena và Cristina, Thủ tướng Jose Maria Aznar.
Chia sẻ niềm đau của dân chúng và chính quyền Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo châu Âu gồm Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Bertie Ahern, Chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm Liên hiệp Âu Châu Romano Prodi, Phó thủ tướng Anh John Prescott và các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước trong Liên Hiệp đã cùng tham dự cuộc biểu tình nhằm nói lên sự đoàn kết và quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố. 
VI- ẢNH HƯỞNG TAI HẠI SAU CUỘC KHỦNG BỐ Ở TÂY BAN NHA
6.1- Chính phủ George W. Bush mất một Đồng Minh
Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 14.3.2004, đảng Xã Hội chiếm đa số, sẽ thành lập chính phủ. Chính sách của tân Thủ tướng José Luis Rodriguez Zapatero đã được xác định trước cuộc bầu cử và tái khẳng định sau cuộc bầu cử với đài phát thanh Cadena Ser là: “Lực lượng Tây Ban Nha sẽ rút về nước, nếu Liên Hiệp Quốc không đảm nhiệm việc kiểm soát Iraq từ ngày 1.7.2004”õ.
Sự kiện này có ảnh hưởng bất lợi cho Tổng thống Bush trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2004. Nó cũng ảnh hưởng phần nào tới sự liên kết giữa các quốc gia Đồng Minh Tây phương và Hoa Kỳ.
6.2- Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Đồng Minh có thể bị rơi vào một cuộc khủng hoảng.
Ngoài đảng Xã Hội Tây Ban Nha, các đảng Cánh Tả của Đan Mạch, điển hình là Holger K. Nielsen, đảng trưởng đảng Dân Xã cũng đòi rút ngay 500 lính Đan Mạch về nước. Nhìn vào sinh hoạt chính trị của Liên Hiệp Âu Châu, người ta nhận thấy các đảng phái có chiều hướng hợp tác hoặc liên minh xuyên quốc gia, đặc biệt là hai khối Dân Chủ Xã Hội và Bảo Thủ. Sự kiện này có thể kiểm chứng qua cuộc chiến Iraq vừa qua. Đảng Xã Hội Tây Ban Nha thắng cử có ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử khác và chính sách của các chính phủ trong Liên Hiệp Âu Châu, đặc biệt về lãnh vực đối ngoại.
Người ta thấy cái nực cười của nhiều quốc gia là họ chống Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq. Nhưng khi Sađam Hussein bị lật đổ và bị bắt, họ lại hân hoan chúc mừng chính phủ Mỹ và chắc chắn không nước nào muốn thả nhà độc tài này ra.
6.3- Tổ chức al-Qaeda thắng lợi và sẽ làm chủ tình hình thế giới trong tương lai, nếu Đồng Minh chia rẽ và nhiều người sợ bị khủng bố.
Sự kiện Tây Ban Nha đưa tới hậu quả khá nguy hại sau đây:
-Người dân Anh, Ba Lan và Ý Đại Lợi, 3 Đồng Minh lớn của Mỹ ở Âu Châu, bị rơi vào tình trạng lo sợ không biết bao giờ đến lượt mình bị khủng bố?
-Chương trình tiến đến một trật tự mới của thế giới, nhiều hay ít, có thể sẽ bị cản trở. Thay vì hợp tác, người ta lại có khuynh hướng sợ chết, “đèn nhà ai nấy rạng! “õ. 
- Nếu vì một sự bất mãn nào đó, Hoa Kỳ không trực tiếp can dự vào nhiều chương trình vãn hồi hòa bình và trật tự trên thế giới, liệu Liên Hiệp Quốc có đủ tài chánh và quyền lực khuất phục các nhà độc tài và tổ chức khủng bố không?
 
Qua biến cố Tây Ban Nha, người ta thấy hậu quả gì đã xẩy ra ngay sau vụ khủng bố? Phải chăng đó là:
- sự giảm giá trên thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và nhiều quốc gia Á Châu. 
- sự khủng hoảng tài chánh của các hãng hàng không dân sự và du lịch. 
- sự bất ổn trong chương trình phục hồi kinh tế và đầu tư.
-sự sợ hãi bị khủng bố của những người yếu bóng vía làm phát sinh phong trào phản chiến “đầu hàng khủng bố!”
- sự bất tuân lệnh của Liên Hiệp Quốc có thể xẩy ra. Trong tuần qua, Iran vừa từ chối sự kiểm soát của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Thế giới là một bằng chứng điển hình.
Chính vì vậy mà Hoa Kỳ và Đồng Minh phải xét lại chính sách ngoại giao và chống khủng bố. Nếu không, một cuộc chiến tranh tôn giáo trong tương lai sẽ không thể tránh khỏi. 
Nếu vấn nạn khủng bố dựa vào tôn giáo không thể giải quyết được, đến một lúc nào đó người ta phải khoanh vùng cho các tôn giáo và một cuộc trục xuất hàng triệu người biết đâu sẽ chẳng xẩy ra.