Dân Chúa Âu Châu

Tấm thể căn cước trong đời sống là giấy tờ tùy thân căn bản cần thiết của mọi người công dân các nước trên thế giới. Thẻ căn cước được cơ quan hành chính của chính phủ mỗi nước cấp phát cho mỗi công dân nước mình.

Tấm thẻ căn cước căn cứ dựa trên tấm giấy khai sinh của mỗi người đã được cấp phát từ ngày mở mắt chào đời. Khi đã thành người trưởng thành, tấm thẻ căn cước xác định người công dân đó là ai, thuộc về quốc gia đất nước nào, với hình ảnh cùng những lý lịch cá nhân của người đó.

Căn cứ theo tấm thẻ này những dịch vụ giấy tờ công dân khác trong đời sống hằng ngày là giấy chứng minh chỉ dẫn được thực hiện tiếp theo.

Đó là trong đời sống xã hội con người. Nhưng trong đời sống đạo giáo tinh thần có tấm thẻ căn cước không, và hình ảnh tấm thể căn cước đạo giáo tinh thần như thế nào?

Người tín hữu Công giáo từ khi nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội, được ghi tên trong sổ rửa tội của giáo xứ nơi được rửa tội. Cùng được cấp cho giấy chứng nhận rửa tội với tên ngày tháng năm sinh, cùng ngày tháng năm rửa tội ở nơi nhà thờ nào.

Giấy chứng nhận này tựa như tấm giấy khai sinh chứng minh người đó là người tín hữu Công giáo. Và căn cứ theo giấy chứng minh thư đó, họ sẽ được tiếp tục nhận lãnh các Bí tích khác trong Giáo hội, như Bí tích Giải tội, Mình Thánh Chúa, Thêm xức, Hôn phối, Chức thánh linh mục, Khấn Dòng, Xức dầu bệnh nhân, an táng theo nghi lễ Công giáo.

Giấy chứng minh thư là người đã được rửa tội Công giáo này, như thế có thể cũng được gọi là “ tấm giấy thẻ căn cước”

Ngoài ra các vị linh mục, từ ngày nhận lãnh bí tích sứ vụ chức linh mục, họ cũng được cấp phát cho “tấm thẻ căn cước linh mục” với hình và những chi tiết cá nhân của vị đó. Theo luật lệ, khi đến dâng thánh lễ nơi đâu xa lạ, như các nơi hành hương, vị linh mục cần phải xuất trình thẻ căn cước linh mục cho những người hữu trách nơi đó kiểm soát.

Cần có giấy thẻ căn cước chứng minh thư. Vì đời sống văn hóa trong xã hội đòi hỏi như thế. Và điều này càng ngày càng cần thiết cho đời sống có trật tự cùng minh bạch rõ ràng.

Nhưng trong thực hành nếp sống đạo đức, như đọc kinh, dâng thánh lễ, làm việc bác ái… không cần phải có giấy hay thẻ căn cước chứng minh là đã làm việc này. Người tín hữu Chúa Kitô thực hiện nếp sống đạo đức trên căn bản nhu cầu lòng tin yêu cậy trông vào Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa biết đời sống đạo đức của họ là đủ.

Từ khi mở mắt chào đời, đời sống con người  trong nếp sống xã hội cần phải có giấp khai sinh rồi tấm thẻ căn cước chứng mỉnh mình là ai, thuộc về đâu. Nhưng chưa phải là tất cả. Vì ngoài đời sống trong nếp sống văn hóa xã hội, con người còn có đời sống tinh thần đạo giáo nữa. Nếp sống đạo giáo tinh thần này không cần phải có thể căn cước giấy chứng minh thư.

Ngày sau cùng đời sống, theo niềm tin Công giáo, thân xác tan rã trở về bụi đất. Nhưng linh hồn con người trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống cùng là Đấng Thẩm Phán chí công cho mỗi người.

Trước Ngài, con người không ai mang theo được giấp tờ khai sinh hay thẻ căn cước của mình. Ngài không cần đến những thứ giấy tờ đó. Nhưng Ngài chỉ căn cứ theo nếp sống lòng bác ái khi xưa mỗi người đã sống thực hành mà xét xử luận phạt.

 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Bấy giờ, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”

Bấy giờ, những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”

Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” ( Mattheo 25, 31-40).

Tấm thẻ căn cước của mỗi người trước Thiên Chúa là cung cách nếp sống lòng bác ái với tha nhân đồng loại khi xưa trên trần gian.

Cung cách nếp sống tình yêu bác ái của mỗi người chứng minh bản chất con người của mỗi người, cùng có gía trị cao cả tuyệt đối trước Thiên Chúa, Đấng là  nguồn sự sống và tình yêu thương.

 

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long