Dân Chúa Âu Châu

suy ton thanh giaNhân loại từ hơn hai năm nay sống trong khủng hoảng chao đảo. Vì bệnh đại dịch Covid 19 lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người.

Thời sự lúc này cảnh chiến tranh bên Ukraina đang xảy ra đe đạo khốc liệt đời sống con người, nền hoà bình thế giới trở nên mong manh, đời sống kinh tế khủng hoảng đình trệ…

Và còn thêm tình trạng biến đổi khí hậu, làm cho trái đất nóng lên, hạn hán lũ lụt…khiến đời sống bị đe dọa thêm nữa.

Những cảnh tiêu cực chao đao đảo, khốn khó đau khổ đó là những bước đường “thập gía giăng ngang lối cuộc đời” con người.

Trong đời sống mỗi người đều có thập gía đau khổ. Nhưng không mấy ai muốn nói về thập gía đau khổ. Con người ai cũng mến chuộng mong muốn sự bình an xuôi chẩy hạnh thông cho đời sống mình.

Hầu như nơi mỗi người, từ khi biết nhìn nhận suy nghĩ, đều đã có lần thắc mắc về ý nghĩa của thập gía. Thập gía ẩn hiện trong đời sống. Thập gía có nhiều bộ mặt khác nhau. Thập gía gắn liền trong đời sống dưới nhiều hình thức trong nhiều giai đoạn đời sống.

Người Công giáo tôn thờ suy tôn thập gía Chúa Giêsu. Thập gía Chúa Giêsu là Logo biểu hiệu của đức tin người Công giáo.

Thánh Phaolô đã viết nói lên tâm tư của mình về thập gía với niềm xác tín: “ Thật thế, lời rao giảng về thập gía là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại lại sức mạnh của Thiên Chúa.” ( 1 cr 1, 18)

Nhưng đâu là hình ảnh ý nghĩa thập gía Chúa Giêsu?

Trong dòng lịch sử Giáo Hội Công giáo, ngày 13.09.335 ngôi đền thờ ở Giêrusalem xây trên phần mộ an táng Chúa Giêsu ngày xưa, được khánh thành để suy tôn Thập gía Chúa Giêsu.

Ngày 13.09. cũng là ngày tìm thấy Thập gía Chúa Giêsu đã vác ra pháp trường chịu tử hình. Và ngày 14.09. cây Thập gía Chúa Giêsu Kitô được dựng dương cao trong ngôi đền thờ ở Jerusalem để cho toàn dân chiêm ngưỡng suy tôn.

 

Từ thế kỷ thứ 05. bên Konstantinopel, rồi thế kỷ thứ 07. bên Roma mừng ngày lễ suy tôn Thập gía Chúa Giêsu.

Khi nói đến dâng nâng một vật gì lên cao, ta nghĩ ngay đến vật đó đã bị hạ nằm xuống dưới mặt đất, và được cất dựng lên khỏi mặt đất.

Kinh nghiệm cảm nghiệm này, con người chúng ta hầu như cũng đều đã có, khi tinh thần hay thân xác mệt mỏi yếu đau, ta ngồi nằm xuống ghế, xuống tận mặt đất nền nhà. Và lúc bừng tỉnh khoan khoái trong người ngồi bật đứng dậy lên cao.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng trước khi được Thiên Chúa Cha nâng lên cao, ngài đã bị hạ xuống từ trời cao xuống trần gian làm người với những đau khổ yếu hèn của một con người. Và sau cùng bị vật nằm đóng đinh trên thập gía cho tới chết. Vào thời Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm thập gía là nhục hình cho người bị kết án, như người Do Thái “ coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.”( 1 cor 1, 23)


Chúa Giêsu đã bằng lòng chấp nhận khổ hình thập gía thay cho mọi tội lỗi. Vì thế ngài đã có thể giaỉ thoát con người tội lỗi khỏi hình phạt sự chết.

Sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía trở thành nơi chốn của vinh quang. Thập gía là dấu chỉ của chết chóc đã trở thành biểu tượng của sự sống.

Thập gía trong đời sống con người chúng ta không vì được Chúa Giêsu cứu độ khỏi hình phạt sự chết mà không còn nữa. Trái lại, thập gía gắn liền trong đời sống mỗi người. Vì thế, trong dân gian có câu nói: “Mỗi người đều có thập gía riêng phải vác!”. Nhưng niềm tin nói cho biết, đàng sau những đau khổ thập gía đó có niềm hy vọng sự sống mới vươn lên.

Phải, hầu như ai cũng đều có kinh nghiệm, đời sống con người chúng ta không dừng lại nơi chặng đau khổ, khó khăn thập gía. Nhưng trái lại con đường đời sống tiếp tục đi tới phía trước.

Thiên Chúa, Đấng tạo thành sự sống, nuôi dưỡng đời sống con người, không để cho đời sống bị lún xuống chìm sâu. Nhưng Ngài muốn cứu độ giải thoát khỏi tội lỗi hình phạt. Điều này thể hiện nơi Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, đã vác thập gía và chịu chết trên đó mang trao tặng sức lực và niềm hy vọng cho con người sống trong đau khổ bệnh tật yếu hèn, trong bơ vơ chao đảo…phải vác thập gía lần bước đi trong đời sống.

Mừng kính suy tôn thập giá Chúa Giêsu cùng suy tư về ý nghĩa thập gía muốn nói lên tâm tình Chúa Giêsu ở giữa chúng ta trong đời sống.

Qua cảm nghiệm cùng kinh nghiệm về thập gía Chúa Giêsu cùng của mỗi người, chúng ta nhận ra đời sống con người có hai chiều mặt khác nhau, cũng tựa như một tấm huy chương có hai mặt. Hai chiều mặt khắc ghi trong đời sống. Con người chúng ta không thể chỉ mừng vui, và cũng không thể chỉ vác thập gía chịu đựng đau khổ . 

Chính vì thế, hằng ngày hay vào ngày Chúa Nhật chúng ta tụ họp dâng thánh lễ mừng kính mầu nhiệm đức tin vào Đấng đã cùng với con người vác thập gía, và không để con người cô đơn lạc lõng trong lúc vui cũng như khi gặp đau khổ vác thập gía.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long