Dân Chúa Âu Châu

Thu5TuanThanhTheo kinh thánh viết thuật lại Ông Giuse, người Do Thái là con Tổ phụ Giacop, khi còn thanh thiếu nên bị anh em gia đình vì lòng ghen tức bán cho con buôn sang nước AiCập. Lớn lên may mắn Giuse được vua Pharao nước Ai cập trọng dụng cho làm Thủ Tướng thay vua lo việc quốc sự kinh bang tế thế lo cho dân.

Nhờ tài trí thông minh cùng tâm trí khôn ngoan được Thiên Chúa phú ban cho, Thủ tướng Giuse đã lo liệu cho thu góp thóc lúa tích trữ vào kho dự trữ của những năm bội thu được mùa trong cả nước Ai Cập.

Sau bảy năm liên tiếp bội thu được mùa, tiếp theo sau bảy năm xảy ra hạn hán mất mùa. Dân chúng thiếu lương thực, Thủ tướng Giuse cho mở kho dự trữ bán phân phát cho dân.

Nạn mất mùa đói kém hoành hành không chỉ nước Ai cập, mà lan tràn cả nơi những vùng đất nước lân cận. Thế là dân các xứ nước lân cận đổ xô sang Ai cập xin mua thóc lúa lương thực ăn cho qua khỏi nạn đói kém thiếu thóc lúa lương thực.

Thủ Tướng Giuse xa cha mẹ từ lúc còn trẻ không còn liên lạc gì với gia đình từ hằng chục năm trời. Nhưng nay bỗng hay tin cha mẹ mình còn sống đang lâm vào tình trạng thiếu thốn thóc lúa lương thực. Ông không an tâm, liền âm thầm cho mời cha mẹ gìa và anh em sang để báo hiếu chu cấp thóc lúa lương thực cho khỏi bị đói. 

Cùng đi với gia đình Tổ phụ Giacop sang Ai cập còn có nhiều người dân Do Thái nữa. Sau những năm tháng định cư, người Do Thái làm ăn sinh sống thịnh vượng phát triển sinh sản thêm ra nhiều.

Những vị Vua Pharao mới lên sau thời đại thủ tướng Giuse đã quên những việc làm xưa kia của Giuse cho đất nước Ai cập. Họ suy nghĩ nhận thấy nguy cơ, nếu người Do Thái ở đây cứ đà này phát triển, họ sẽ lớn mạnh hơn người dân bản xứ. Và biết đâu họ có thể trở thành người nội thù, khi có chiến tranh xảy ra!

Vì suy nghĩ như vậy, nên vị tân vương Pharao ra chiếu chỉ bắt người Do Thái lao động làm những việc nặng nhọc như người nô lệ xây dựng nhà cửa, đền đài cho nhà vua, và còn hành hạ họ nữa.

Dân Do Thái kêu cầu cùng Thiên Chúa Giave xin thương cứu giúp họ sao thoát khỏi cảnh nô lệ bị hành hạ. Thiên Chúa Giave đã sai Mose, người từ lúc còn thơ bé được chính con gái vua Pharao cứu vớt từ dòng sông Nil đem về nuôi trong triều đình cho tới khi khôn lớn thành người trưởng thành, đến yêu cầu vua Pharao xứ Aicập tha cho dân Do Thái, và cho phép họ trở về quê hương đất nước Do Thái.

Bắt đầu vua Pharao không bằng lòng. Nhưng sau cùng ông đành chấp nhận lời yêu cầu của Mose, để cho dân Do Thái lên đường xuất hành trở về quê hương đất nước như Thiên Chúa hứa ban cho họ.

Vào chiều tối trước ngày xuất hành, theo luật truyền của Thiên Chúa nói với Mose, mọi gia đình Do Thái phải sửa dọn bữa ăn sau cùng trên đất Ai cập, mỗi gia đình giết một con chiên còn non trẻ, nướng ăn với bánh và rau đắng. Khi ăn họ phải buộc dây thắt lưng, và ăn cho hết không để dư lại. Rồi sau đó theo hiệu lệnh của Mose lên đường xuất hành trở về quê cũ nước Do Thái.

Cuộc xuất hành trở về của họ mở tiến sang giai đoạn thời đại mới. Từ nay không còn sống trong cảnh làm nô lệ, bị hành hạ phải lao động cực nhọc sợ hãi nữa. 

Xuất hành trở về quê hương được sống trong tự do theo nề nếp văn hóa của dân tộc, sống giữ gìn niềm tôn giáo kính thờ Thiên Chúa Giavê của dân tộc từ ngàn xưa.

Bữa ăn cuối cùng trên đất nước Ai Cập trước khi lên đường xuất hành trở về đất hứa đánh dấu mốc chốt chấm dứt thời gian cũ, và khởi đầu một thời gian mới, một đời sống mới của dân Do Thái.

Tập tục kỷ niệm biến cố bữa ăn cuối cùng này được người Do Thái ghi chép thành bản văn luật lệ căn bản trong kinh thánh cựu ước, và bắt buộc phải tuân giữ như lề luật thánh trong đạo.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, được sai đến làm người trên trần gian. Sứ mạng thần thánh của Ngài là rao truyền lề luật mới, lề luật tình sự tha thứ , tình yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa cho con người.

Vì tội nguyên tổ ngày xưa Ông Bà tổ phụ Adong Eva đã lỗi phạm. Nên các thế hệ con người không chỉ phải chết về thân xác, nhưng cả linh hồn sau khi chết cũng phải chịu án phạt nữa. Như thế con người sống trong vòng thành nô lệ cho tội lỗi.

Ba năm rao giảng ơn tha thứ cứu chuộc của Thiên Chúa, kêu gọi con người ăn năn từ bỏ con đường tội lỗi cũ trở về với Thiên Chúa, nguồn đời sống, nguồn tình yêu thương.

Và trước khi kết thúc đoạn đường đời sống trên trần gian giữa con người, Chúa Giêsu Kitô đã để lại dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa cho con người, cho Giáo hội Chúa ở trần gian. Dấu chứng tình yêu đó Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập bí tích Thánh Thể, chức thánh Linh mục trong bữa ăn sau cùng, còn gọi là bữa tiệc ly, với các Môn Đệ của ngài.

Trong bữa ăn sau cùng, thay vì dùng thịt con chiên như bữa ăn ngày xưa trước đêm xuất hành khỏi cảnh nô lệ của người Do Thái bên Ai Cập, Chúa Giêsu Kitô đã dùng tấm bánh và chén rượu làm thịt máu của chính mình, Ngài truyền phép biến đổi thành lương thực nuôi dưỡng tinh thần đức tin con người. Và trối lại cho các Môn đệ, cho Giáo Hội: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!

Trong bữa ăn sau cùng đó, Chúa Giesu Kitô cũng đã thắt lưng lấy nước lần lượt rửa chân cho các môn đệ mình, để nói lên cử chỉ tình yêu thương Thiên Chúa cúi hạ mình xuống phục vụ con người.

Bữa ăn sau cùng này của Chúa Giesu với các Môn Đệ trên trần gian mở ra một giai đoạn thời đại mới cho con người: Tình yêu thương của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu mang lương thực cho tinh thần đức tin con người.


Lương thực tình yêu thần thánh đó tuy qua hình tấm bánh và chén rượu nho, nhưng chính là Mình Máu Chúa Giêsu Kitô, Đấng hy sinh dấn thân chịu chết với khổ hình thập tự để sinh hiệu qủa cứu rỗi phần linh hồn con người khỏi hình phạt nô lệ tội lỗi.

Trong dòng lịch sử thời gian, người Do Thái hằng năm mừng bữa ăn sau cùng ngày xưa vào ngày lễ Pascha – lễ Vượt qua- để kỷ niệm nhớ lại biến cố xuất hành khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập trở về quê hương cũ đánh dấu mốc bước tiến sang một giai đoạn thời đại mới, thời đại thoát khỏi cảnh nô lệ tiến vào nếp sống tự do.

Cũng vậy, người Kitô hữu mừng kính bữa ăn sau cùng- bữa tiệc ly, bí tích Thánh Thể- của Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện, để sống mầu nhiệm đời sống mới, linh hồn được Thiên Chúa cứu độ cho khỏi hình phạt nô lệ tội lỗi, mà Chúa Giesu Kitô đã hy sinh làm con chiên chết thay cho mọi người.

Bữa tiệc ly sau cùng và sự chết của Chúa Giesu Kitô chấm dứt thời đại nô lệ tội lỗi. Và thời đại mới sống trong tự do được giải thoát khỏi án phạt mở ra cho linh hồn con người.

Thứ Năm tuần thánh kỷ niệm Bữa tiệc ly.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long