Dân Chúa Âu Châu

Thiên Chúa đã truyền cho Thánh tiên tri Mose 10 điều răn, từ hằng ngàn năm trước đây như giao ước của Ngài với dân Israel, khi họ trên đường từ Ai Cập trở về quê hương Thiên Chúa hứa ban cho. (Sách Xuất Hành 20, 1-17).

 

10 điều răn của Thiên Chúa là kim chỉ nam, là gương soi chiếu vào cho đời sống con người trong chiều tương quan với Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ, sự sống mọi loài, và trong chiều tương quan đời sống xã hội giữa con người với nhau, cùng trong tương quan với công trình tạo dựng thiên nhiên.

 

Xưa nay khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải, hay còn gọi là xưng tội, người tín hữu Công giáo căn cứ dựa lần theo bảng 10 điều răn để xét mình hầu nhận ra tội lỗi mình đã vấp phạm.

 

Thánh hóa ngày ca Chúa

 

Người Do Thái trong tương quan với Giavê Thiên Chúa, họ tuân giữ điều răn: Con phải thánh hóa ngày Sabat rất chặt chẽ bảo thủ từng chi tiết. Với họ ngày Sabbat là ngày thánh dành riêng cho Thiên Chúa Giave mà thôi.

 

Ngày Sabbath là ngày thứ Bẩy trong tuần lễ, trong ngày này họ ngưng mọi công việc hoạt động kể cả việc nấu nướng nhà bếp. Và bây giờ họ cũng vẫn giữ như vậy. Họ căn cứ trên 6 ngày Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, như Kinh thánh viết thuật lại: Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ bẩy Ngài nghỉ ngơi (Sách Sáng Thế 1, 1-31)

 

Với người Công Giáo việc tuân giữ giới răn Thiên Chúa: thánh hóa ngày Sabbath thì khác.

 

Đạo Công giáo do Chúa Giêsu Kitô thành lập dựa trên căn bản đạo cũ Do Thái. Chúa Giêsu Kitô sinh ra là người Do Thái, sống tuân giữ lề luật đạo Do Thái. Và khẳng định ngài không bài trừ xóa bỏ luật lệ đạo cũ, nhưng kiện toàn. Từ căn bản đó Ngài thành lập Hội Thánh Công giáo cho nhân loại từ hơn hai ngàn năm nay.

 

Chúa Giêsu sống lại, như Kinh thánh thuật lại, vào ngày thứ nhất trong tuần.

 

Ngay từ lúc khởi đầu Hội Thánh sau khi Chúa Giêsu trở về trời, các người tín hữu Chúa Giêsu đã tụ họp vào ngày thứ nhất trong tuần đọc kinh thánh cầu nguyện tưởng nhớ đến sự chết và phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Đó là nếp sống đạo đức tâm linh của Hội Thánh Công giáo.

Nhưng mãi đến thời hoàng đế Constantino từ năm 313 sau Chúa giáng sinh, đạo Công giáo mới được công nhận chính thức cho được to do thực hành không bị theo dõi bắt bớ cấm cách trong toàn thể đế quốc Roma thời đó.

 

Cách đây 1.700 năm, ngày 03.Tháng Ba năm 321 sau Chúa giáng sinh, hoàng đế Constantino ra chiếu chỉ công nhận ngày thứ nhất trong tuần là ngày nghỉ ngơi theo luật pháp trong toàn thể đế quốc Roma dựa trên chu kỳ dương lịch một tuần lễ có bẩy ngày.

 

Hoàng đế Constino theo tương truyền trở lại đạo theo đạo Công giáo. Ông ra chiếu chỉ công nhận ngày thứ nhất trong tuần là ngày nghỉ theo luật pháp đế quốc dành thờ thần Mặt Trời - Solis trong tôn giáo Roma đã có từ trước.

 

Từ căn nguyên đó có tên gọi ngày thứ nhất tuần lễ là Sonntag, Sunday. Ngôn ngữ các nước Ý , Tây ban Nha là Dominica, tiếng Pháp là Dimanche bắt nguồn từ căn rễ tiếng latinh mang ý nghĩa: Ngày ca Thiên Chúa.

Trong chiều tương quan với Thiên Chúa, người Công giáo xưa nay có nếp sống đạo đức luật buộc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật. Họ dành ngày này để nghỉ ngơi lấy lại sức lực cho thể xác cùng tinh thần.

 

Ngày chúa nhật là ngày nghỉ lao động dưỡng sức dành cho Thiên Chúa, cho gia đình.

 

Nhưng để phòng tránh bệnh đại dịch vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm cùng phù hợp với luật Lockdown trong xã hội lúc này,  từ hơn một năm qua (2020) , Hội Thánh Công giáo miễn trừ cho các tín hữu không bó buộc giữ điều răn tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật ở thánh đường. Thay vào đó có thể tham dự thánh lễ qua màn ảnh trực tuyến.

 

Tham dự thánh lễ như vậy, tuy được phép, nhưng không thay thế cho việc tham dự thánh lễ qua hiện diện cả thể xác lẫn tinh thần. Vì thiếu bầu khí thánh thiêng, thiếu bầu khí cộng đoàn chung hợp, cùng không được tiếp nhận tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô, là lương thực cho đức tin cùng là sự hiệp thông với Thiên Chúa và con người với nhau.

 

Bổn phận đạo đức giữ điều răn tham dự thánh lễ thánh hóa ngày chúa nhật được nới lỏng miễn trừ vì hòan cảnh gặp khó khăn, bị đe doạ, thể hiện tinh thần cung cách sống kính trọng sức khoẻ sự sống do Thiên Chúa ban cho con người.

Nhưng luật miễn trừ lúc này không xóa bỏ bổn phận đời sống thiêng liêng tinh thần cùng nếp sống đạo đức truyền thống. Nó chỉ là tạm thời giới hạn trong thời gian cùng không gian, bao lâu hoàn cảnh khó khăn đe dọa còn hiện hữu.

 

Thảo kính cha mẹ

 

Điều răn thứ bốn của Thiên Chúa dạy : Con phải thảo hiếu cha mẹ con!

 

Giới răn này nói lên tình tự khía cạnh sâu thẳm cùng là điểm son cao trọng đời sống con người: kính trọng và biết ơn người sinh thành, đào tạo giáo dục ta nên người.

Trong hoàn cảnh bệnh đại dịch vi trùng Corona lúc nầy đặt ra nhiều lo nghĩ sâu xa lo âu áy náy cho các người làm con đối với cha mẹ mình. Tất cả sống trong Lockdown giới hạn không thể hiện diện thể lý thăm nom săn sóc cha mẹ mình như mong muốn. Có chăng chỉ gặp nhau qua điện thoại hoặc qua màn hình thôi.

 

Một đàng để bảo vệ sức khoẻ sự sống cha mẹ tránh không để bị vi trùng lây nhiễm. Nên con cháu không được đến gần, phải xa cách cha mẹ mình. Nhưng đàng khác lại tạo nên bất ổn áy náy lo lắng sâu đậm cho nhau: họ nhớ nhau, sống trong cô đơn buồn tủi thiếu vắng hình ảnh thể lý tình cảm cha mẹ con cái.

 

Nhất là có những trường hợp cha mẹ gìa qua đi trong cô đơn, con cháu không thể đến từ biệt tiễn đưa được, hoặc có cũng chỉ giới hạn đứng xa xa nhau thôi.

 

Hay ngược lại con cháu nào chẳng may qua đời vào dịp này, ông bà cha mẹ chỉ ngậm ngùi trong dòng nước mắt hướng lòng nhớ đến thôi. Họ không thể đi đến tham dự tang lễ được.

 

Thật qúa khủng khiếp và qúa thương tâm đau lòng!

 

Cha mẹ con cái sống gần nhau, mà lại xa nhau về thể lý. Nhưng trái tim tinh thần họ vẫn luôn hằng gắn bó gần bên nhau.

 

Vi trùng nguy hiểm bệnh đại dịch Corona không chỉ phá hủy sức khoẻ đời sống con người. Mà còn phá đổ đời sống cộng đoàn xã hội tôn gíao nữa. Tất cả hầu như trở nên xa lạ. Vì bị đình trệ gián đọan mọi sinh hoạt, giới hạn không còn gặp gỡ giao tiếp thông thương nữa.

 

Vì thế cung cách nếp sống nhớ đến nhau, nhớ đến qúa khứ giúp củng cố giữ vững tinh thần hướng về ngày mai, sống giữ lòng hiếu thảo.

 

Bảo vệ môi trường sự sống thiên nhiên

Đời sống trong xã hội không chỉ trong vòng tương quan chiều thẳng đứng hướng lên trời cao với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, giữa con người với nhau theo chiều ngang đường chân trời, nhưng còn cả chiều sâu với môi trường sự sống trong thiên nhiên nữa.

 

Môi trường sinh sống vũ trụ được trao vào tay con người. Họ được quyền xử dụng vào việc xây dựng cho phù hợp với hoàn cảnh sống.

 

Và môi trường sinh sống cũng có thể bị lợi dụng hay xử dụng vô trách nhiệm, khiến gây nên tình trạng phá hủy gây ô nhiễm môi sinh.

 

Thiên nhiên là do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá dựng nên ban cho nhân loại, như quê hương xứ sở, nơi sự sống Thần linh Thiên Chúa tác dụng vào và đổi mới. Như thế con người không thể dùng thiên nhiên theo ý nghĩa xử dụng được.

 

Con người có bổn phận kính trọng thiên nhiên, và họ luôn luôn khám phá ra những công trình sáng tạo mới trong đó. Những công trình này gây ngạc nhiên, mang lại hạnh phúc niềm vui, mang nguồn cảm hứng cho con người.

 

Và vì thế phải biết cúi mình tạ ơn Đấng là chủ thiên nhiên, là chủ nguồn sự sống trong thiên nhiên. Thiên Chúa răn bảo con người:‘‘ Con không được phép giết hại!‘‘ ( Sách xuất hành 20, 13; Đệ nhị luật 5,17). Ngài có ý nhắn nhủ con người:

 

  1. Con chỉ là người quản lý thiên nhiên Cha trao ban cho. Nhưng không là chủ thiên nhiên.
  2. Con phải kính trọng sự sống do Cha tạo dựng trong thiên nhiên.
  3. Con không được phép phá huỷ môi trường sinh thái của con người, của thảo mộc cây cối cùng của mọi thú động vật trong đó.
  4. Con không được coi trái đất này là sở hữu của riêng con.
  5. Con không được vì quyền lợi riêng mình gây đau khổ cho các công trình sáng tạo của Cha trong thiên nhiên.
  6. Vui hưởng thiên nhiên. Nhưng con phải gìn giữ bảo vệ thiên nhiên cho tất cả mọi thế hệ kế tiếp sau nữa.

 

Khi kính trọng hay ngạy nhiên bỡ ngỡ những kỳ công, sự sống trong thiên nhiên, là nhận ra dấu vết Đấng là chủ, là nguồn sự sống, nguồn tình yêu của thiên nhiên: Đức Chúa Thánh thần.

 

Càng ngày nhân loại càng nhận ra ý nghĩa sâu thẳm cùng cần thiết của thiên nhiên. Vì thế chính phủ các quốc gia và cả Hội Thánh cũng đặt lên hàng quan trọng việc gìn giữ bảo vệ môi trường sinh sống thiên nhiên.

Đã có suy tư phỏng đoán cho rằng bệnh đại dịch đang xảy ra lúc này là hậu qủa của việc lạm dụng phung phí làm ô nhiễm phá hủy nguồn sự sống trong thiên nhiên!

 

Đã có thống kê đo đạc quan sát đưa ra từ ngày bệnh đại dịch vi trùng Corona bùng nổ, khắp nơi phải sống trong Lockdown giới hạn ít di chuyển. Nên môi trường không khí cũng như nước thiên nhiên trở nên trong lành hơn, bớt bị ô nhiễm do ít khí độc hại do xe cộ, tàu bay, tàu thủy, nhà máy biến chế thải ra.

 

Bệnh đại dịch vi trùng Corona là cơn ác mộng đe dọa cho đời sống nhân loại vô tiền khoáng hậu, gây khủng hoảng hoang mang lo sợ trong mođi lãnh vực đời sống.

 

Phải, đó là một thử thách sâu rộng nặng nề. Nó thúc đẩy con người một mặt phòng chống dịch trong hiện tại, một mặt hướng về tương lai cần phản tỉnh suy nghĩ cung cách sống trong tương quan với thiên nhiên.

 

Vì môi trường thiên nhiên có trong lành khoẻ mạnh, đời sống con người mới được lành mạnh có được bằng an thể xác cũng như tinh thần.

 

Sự thằng bằng quân bình đời sống trong tương quan với Thiên Chúa, với con người và với thiên nhiên luôn là điều quan trọng cần thiết cho đời sống con người hôm nay và ngày mai.

 

Điều răn của Thiên Chúa là kim chỉ nam hướng dẫn giúp con người có nếp sống như vậy.

 

Chúa nhật 3. mùa chay 2021

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long