Dân Chúa Âu Châu

Trên tường nhà nguyện Sixtin ở bảo tàng viện Vatican có bức tranh vẽ cảnh Chúa Giêsu trao chìa khóa quyền hành cho Thánh Phero. Hình ảnh nổi bật này qủa quyết xác nhận không chỉ về quyền hành cho Thánh Phero khi xưa, mà cho cả Giáo hội Công giáo Vatican trong suốt dòng thời gian lịch sử từ hơn hai ngàn năm nay trên trần gian  : 

 

„Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời: dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.“ ( Mt 16,19)

 

Trên vòm cung thánh đền thờ Thánh Phero bên Vatican có dòng chữ bằng tiếng latinh: „Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam. - Phero , con là đá, trên đá này Ta sẽ xây dựng Giáo Hội của Ta“ ( Mt 16,18).

 

Dòng chữ này là những lời của Chúa Giêsu khi xưa phong chức cắt cử Thánh Phero làm người đứng đầu Giáo hội Chúa ở trần gian.

 

Và một hình ảnh khác nổi bật về Thánh Phero là hình ảnh Ông bị đóng đinh ngược vào thập gía, như lời ông xin, lúc bị hành quyết thời cấm đạo bên Roma vào khỏang giữa những năm 64 đến 67. 

 

Hình ảnh này diễn tả lòng yêu mến và sự trung thành của Thánh Phero với sứ mệnh Chúa Giêsu trao cho tới hơi thở cuối cùng.

 

Đó là những hình ảnh đẹp về thánh Phero. Nhưng cuộc đời của Thánh nhân, như phúc âm viết thuật lại, còn có hai pha cảnh diễn tả thâm sâu trái ngược về mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Thánh Phero.

 

Tôi không biết người đó là ai. ( Mt 26, 69-74)

 

Thánh Phero là một trong những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu tuyển chọn kêu gọi. Là môn đệ ông theo sát cạnh bên Chúa Giêsu suốt ba năm trường.  Ông được nghe trực tiếp lời Chúa giảng dậy, được chứng kiến những việc thầy mình làm, được cùng thông phần sống trải qua những giai đoạn vinh quang khi Thầy mình thành công có những đoàn người kéo đến nghe Chúa Giêsu giảng dậy, tung hô vạn tuế như một vị Vua, và chứng kiến cả những hoàn cảnh thất bại những khi Thầy mình bị dân chúng nghi kỵ chất vấn hay xua đuổi nữa.

 

Ông còn được Chúa Giêsu ưu đãi cho chứng kiến cảnh vinh quang lúc ngài biến hình trên núi Tabor với tổ phụ Mose và Tiên trí Elia. Nhưng dẫu vậy Ông vẫn còn là con người sống chao đảo không trung thành với Thầy mình.

 

Đau đớn thay, lúc Thầy mình bị bắt, bị tra hỏi lấy khẩu cung lại là lúc môn đệ Phero tỏ ra bản tính hèn nhát tìm cách lẩn tránh bỏ rơi Thầy mình. Và tệ hơn nữa còn chối bỏ Thầy mình tới ba lần, khi bị người đầy tớ gái nhận ra ông và vặn hỏi.  

 

Bên đống lửa than củi cháy rực ông đã phủ nhận: Tôi không biết người đó là. Tôi không thuộc về Ông ấy.

 

Lời chối bỏ Thầy mình của Phero nói lên Ông đánh mất căn cước tính người môn đệ của Chúa Giêsu. Căn cước tính này Chúa Giêsu đã ban tặng cho ông, nuôi dưỡng cho căn cước tính đó lớn lên là nhân vị đời Ông. Vì sợ hãi, Ông phủ nhận đánh mất nó.

 

Lẽ ra ánh lửa rực sáng của than hồng cháy không chỉ tỏa hơi sức nóng sưởi ấm thân xác và tâm hồn con người trong đêm tối lạnh gía, mà còn soi sáng cho thấy rõ đường đi lối bước. Nhưng đàng này ngược lại, đêm hôm đó bên đống than củi cháy sáng rực, Phero đã chối bỏ Thầy mình, đã đánh mất chính mình. Phero đã không cảm nhận được hơi nóng ấm của than hồng tỏa ra, cùng đã không nhìn thấy ánh sáng của ngọn lửa chiếu sáng cho tâm trí mình.

 

Sự sợ hãi thấy Thầy mình bị bắt đã làm Phero lúng túng chao đảo lại càng làm thêm bối rối hơn nữa, khi bị chất vấn vặn hỏi, vì sợ bị liên lụy vào. Nên mới đưa đẩy Ông vào bước đường chọn cách đơn giản là nói tôi không biết cho yên chuyện.

Một cách thế sống nước đôi. Nhưng vô tình lại tỏ lại bản tính hèn nhát thiếu can đảm dứt khoát, thiếu trách nhiệm cùng tình yêu lòng trung thành với Thầy mình.

 

Cung cách như thế, theo luân lý tình tự con người cùng luật pháp xã hội bị lên án cho là lối sống phản bội.

 

Dấu vết lịch sử địa lý nơi Phero ngày xưa bên đống củi than cháy rực chối Thầy mình vẫn còn được gìn giữ duy trì cho những người hành hương đến kính viếng tham khảo. Có tpượng Thánh Phero bằng đồng nói lời chối Chúa với người đầy tớ phụ nữ vặn hỏi ông. Điạ điểm này tọa lạc ở vùng Gallicanu bên ngòai thành Jerusalem. 

 

Phải chăng Phero chỉ là như thế?

 

Không, ông Thánh  Phero của chúng ta còn có mặt khác nữa. Cũng bên đống củi than hồng cháy rực nơi bờ hồ Tiberias ( Ga 21, 9-18), Phero đã biểu lộ tình tự lòng yêu mến Thầy Giêsu của mình.

 

Người hỏi Phero lần này là chính Thầy Giêsu Kiô của Ông đã sống lại từ cõi chết, mà trước đó Ông đã phản bội chối bỏ bên đống củi cháy rực trong đêm xử án.

 

Chúa Giêsu phục sinh cũng hỏi Phero ba lần, và câu hỏi theo chiều hướng về tình yêu mến: Con có yêu mến Thầy không?

 

Lần này Phero không chối, và đều ba lần đã qủa quyết: Vâng con yêu mến Thầy!

 

Lần chối bỏ nơi sân xử án ngày trước đó, có tiếng gà gáy sáng đâu đó vang lên đã thức tỉnh lương tâm Phero ăn năn hối lỗi vì tội phản bội Thầy mình, đánh mất căn cước tính của mình. Và ánh mắt Chúa Giêsu chiếu tới Phero ban ơn tha thứ cho tội lỗi cho Ông.

 

Lần biểu lộ tâm tình lòng yêu mến này bên bờ hồ Tiberias không có tiếng gà gáy vang lên. Lần biểu lộ tâm tình lòng yêu mến này nói lên Phero tìm lại căn cước tính là môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Và liền tiếp theo vang lên lời tin tưởng của Chúa Giêsu phong chức trao ủy quyền cho Phero là Giáo hoàng trong Giáo hội Chúa ở trần gian: Hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy!

 

Thánh Phero theo phúc âm thánh Mattheo được Chúa Giêsu phong cho là tảng đá nền Giáo hội ( Mt 16, 18) . Nhưng sau đó Thánh Phero lại trở thành như hạt cát mềm mỏng rờ rạc trôi chảy tan rã, vì đã chối phản bội Chúa Giêsu thầy mình ba lần, đánh mất căn cước tính của mình. Dẫu vậy Chúa Giêsu Kitô vẫn trung thành tin tưởng Phero.

 

Dấu vết hình thể địa lý bên bờ hồ Tiberias nơi Phero ngày xưa bên bếp than cháy rực nướng cá nói lời : Thưa Thầy con yêu mến Thầy, bây giờ có ngôi nhà nguyện Mensa Christi được xây dựng để ghi nhớ biến cố lịch sử đó.

 

Phero là tảng đá cứng to lớn, nhưng cũng là hạt bụi cát bé mỏng. Hai hình ảnh trái ngược nhau, nhưng lại diễn tả thâm sâu ý nghĩa đời sống con người loài thụ tạo do Thiên Chúa tạo dựng nên là như vậy.

 

Hình ảnh đời sống Thánh Phero, vị Giáo hoàng của Giáo hội với hai khuôn mặt như thế cũng diễn tả đời sống Giáo hội ở trần gian xưa nay trong dòng lịch sử có mặt sáng thánh thiện, và cũng có cả bóng tối tội lỗi khủng hoảng che phủ làm lu mờ.

 

Nhưng Chúa Giêsu, đấng thiết lập Giáo hội ở trần gian, không chấp nhất đến mặt bóng tối tội lỗi, và không bỏ rơi Giáo hội: Anh em là nhân chứng cho Thầy đến khắp cùng mọi biên giới trái đất.( Cv 1,8).

 

Lễ kính Thánh Phero Tông Đồ, 29.06.2020

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long