Dân Chúa Âu Châu

Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay ai cũng buồn vì không được đến hôn chân Chúa, không được đến chiêm ngắm Chúa. . . Đây là thứ sáu Tuần Thánh của chia ly, ly biệt, của ngăn cách không gian bởi sự dữ như đang chiến thắng. Thứ sáu hôm nay sao giống với thứ Sáu khổ nạn của Chúa năm xưa quá!

Thứ Sáu trên đồi Calve năm đó dường như các môn đệ Chúa đã không thể đến với Chúa, và cũng không dám đến với Chúa. Cả một bầu khí tang tóc, sợ hãi, lo âu bao trùm khiến các ông chỉ ở trong bóng tối sợ hãi. Thương Thầy, quý Thầy nhưng “lực bất tòng tâm”, con người vẫn sợ hãi trước sự dữ quá lớn và nguy hiểm.

Dầu vậy, Chúa Giê-su vẫn thản nhiên bước lên thập giá. Ngài không lùi bước trước sự dữ. Với thân phận con người ai mà không sợ hành hạ, hành hình quá đau đớn nhưng Ngài đã vượt qua vì niềm tin chiến thắng. Vì Ngài biết rằng đây là chén đắng mà Chúa Cha muốn Ngài uống để cứu độ nhân gian, để chuộc lại cho tội bất trung của Adam.

 Chúa Giê-su khi bước lên Thánh giá dường như Ngài đã nghĩ tới nhân loại, vì yêu nhân loại mà Ngài chấp nhận cái chết đền tội cho nhân loại. Ngài biết sự dữ rất mạnh nhưng chỉ có cách đối đầu và chiến thắng sự dữ mới mang lại bình an cho nhân loại.

Có lẽ, chỉ mình Chúa mới nhìn thấy hết nỗi thống khổ của nhân loại khi sự dữ thống trị con người. Có lẽ, chỉ mình Chúa trên thập giá mà lại khóc thương nhân loại khi thấy nhân gian chìm trong đoạ đầy.

Trong đại dịch Covid 19, khi Đức Thánh Cha mang cây thánh giá Chúa để nhân loại tôn kính và phó dâng thì bỗng lúc ấy trời cũng đổ mưa! Cơn mưa đã làm cho mọi ống kính nhạt nhoà thấm nước trời cao.

Vâng, buổi chiều thứ Sáu, 27.03.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức ban phép lành Urbi et Orbi cho toàn thế giới trong cơn mưa chiều buồn bã của thành Rôma.

Tuy nhiên, chính trong khung cảnh có vẻ lạnh lẽo ấy, một “hình ảnh sống động” được trang Vaticannews ngay sau đó đưa bản tin với tiêu đề: “Il Crocifisso bagnato dalle lacrime del Cielo” – tạm dịch: THẬP GIÁ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO.

Phải chăng, Trời cao đã khóc?

Vâng, có lẽ thế!

– Trời cao đã khóc vì một thế giới đang khổ đau đối mặt với tai ương, dịch bệnh.

– Trời cao đã khóc cho một nhân loại đang oằn mình chiến đấu với hậu quả từ lỗi lầm của một ai đó, hay từ những bất toàn của thế gian này.

– Trời cao đã khóc như một lời đáp trả của Cha Nhân Từ với lời van xin thống thiết của người đứng đầu Dân Ngài là Đức Thánh Cha Phanxicô, và của hàng triệu tín hữu gần xa tham dự trực tuyến: “LẠY CHÚA, XIN HÃY THỨC DẬY”.

– Nước mắt Trời cao hòa lẫn với nước mắt của những bệnh nhân vẫn đang gồng mình chống chọi tìm sự sống trong cô đơn, hay trong những khoảnh khắc hấp hối cuối đời, mà không có một cái nắm tay an ủi của người thân kề cạnh.
– Nước mắt Trời cao chan hòa trên bờ mi đẫm lệ của những người còn ở lại, bất lực nhìn những chiếc xe quân đội chở quan tài người thân của mình đi chôn cất qua ống kính truyền hình, mà không thể chạm vào, tiễn đưa, đồng hành, đặt một nhành hoa hay thắp một ngọn nến từ biệt.

– Nước mắt Trời cao vẫn luôn chực tràn trên đôi mắt của những người không biết người thân mình giờ đang ở đâu, hay trong tình trạng thế nào, chỉ thấy được qua vài hình ảnh lượm lặt, hay trong một video clip nào đó trôi nổi trên mạng; bởi có một người con sống tại Bergamo – Italia, khi thấy đoàn xe tang đi qua nhà mình, cô ấy đã thốt lên rằng: “Có lẽ, Bố tôi giờ đang nằm trong những chiếc xe tải đó. Cả một đời ông ấy đã sống cho tôi, vậy mà giờ ông ấy phải ra đi lạnh lẽo một mình”.

– Nước mắt Trời cao cảm thấu với hy sinh cao cả của biết bao con người, đang trực tiếp dấn thân chống chọi đại dịch; trong đó, không thể không nhắc đến những anh hùng đã tử nạn vì hy sinh phục vụ người khác: Linh mục người Ý Berardelli, – 72 tuổi đã chết vì nhường máy thở cho bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Bác sĩ trẻ Hadio Ali Khazatsin người Indonesia, về thăm nhà sau những ngày chăm sóc bệnh nhân Covid, chỉ dám đứng ở cổng nhìn vào nhà, ngắm hai con và người vợ mang bầu một chút, sau đó trở lại bệnh viện, rồi ra đi mãi mãi…

– Nước mắt Trời cao cũng đã hòa lẫn với nước mắt của các Kitô hữu trong Thánh lễ cuối cùng, trước khi lệnh tạm ngưng các Thánh lễ với đông người tham dự chính thức có hiệu lực.
– Nước mắt Trời cao cũng cuộn trào trong lòng các Linh mục khi cử hành Thánh lễ không còn giáo dân như một Linh mục chia sẻ: “Khi giang tay đọc: Chúa ở cùng anh chị em, không một lời thưa, chẳng một lời đáp… mà lòng muốn khóc!” (trich Vat new)

Đúng là trời cao đã khóc, bởi vì Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi chúng ta, thế nên, trên cây thập giá Ngài luôn nghĩ đến nhân loại khốn khổ của chúng ta. Chính vì yêu nhân loại mà Chúa Giê-su đã dùng cái chết của mình mà tặng ban cho nhân loại chúng ta món quà sự sống đời đời. Món quà Thập Tự Giá là biểu tượng cho tình yêu trọn vẹn dành cho chúng ta. Khi tặng cho chúng ta món quà ấy, Ngài đã luôn nghĩ đến chúng ta. Trong tâm tưởng Ngài luôn nhớ đến chúng ta, và hằng ao ước món quà này sẽ được trao tặng đến từng người chúng ta qua mọi thời đại.

Ngài rất đau buồn khi nhìn thấy những khổ đau của nhân loại. Và Ngài vẫn đang chờ mong con cái Ngài hãy đừng quên trên thập giá Chúa đang nghĩ đến chúng ta. Chúng ta không cô đơn. Hãy tin tưởng và tín thác vào tình thương của Thiên Chúa.

Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh không đơn thuần là chúng ta tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà quan yếu là sống lại tâm tình tri ân về tình yêu quá cao vời mà Ngài đã dành tặng cho chúng ta. Tri ân món quá thập giá mà Ngài đã tặng vì yêu chúng ta. Ngài đã yêu chúng ta đến nỗi bằng lòng chết trên cây Thập Tự. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng để rồi tình yêu của Ngài sẽ mãi muôn đời bất diệt vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu dám chết cho người mình yêu”.

Ước gì chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết trân trọng quà tặng tình yêu của Chúa bằng việc trung thành với giao ước của Chúa, và biết noi gương Chúa mà tận hiến hy sinh cho tha nhân.

Và nhân loại ơi hãy nhớ : trời cao đã khóc vì thương nhân loại khổ đau, thì con người cũng hãy biết thương yêu nhau, đừng đoạ đầy, gây oán hờn với nhau.

  Lạy Chúa, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Xin giúp chúng con luôn sống trong ân nghĩa của Chúa. Amen

  Lm.Jos Tạ Duy Tuyền