Dân Chúa Âu Châu

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm ba việc là: lập Bí Tích Thánh Thể, Truyền Chức Linh mục và Rửa Chân cho các môn đệ. Ngài đã căn dặn các môn đệ: “Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19); và “Với dấu chỉ này, mà người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Quả thật, Yêu thương là căn tính của người môn đệ Chúa. Căn tính này được rõ nét trong cuộc đời mục tử của Môsê. “Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Chúa lại bảo con hãy bồng nó vào lòng như vú nuôi bồng trẻ thơ mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? …” (Ds 11,12-15).

Cưu mang, sinh ra, bồng bế…là những từ ngữ diễn tả hình ảnh người mẹ và làm nổi bật tình mẫu tử. Các nhà lãnh đạo Dân Chúa được mời gọi thi hành quyền lãnh đạo bằng tình yêu, và đó chính là cốt lõi của Đức Ái Mục tử: “Là những vị cai quản và chăn dắt Dân Chúa, các linh mục được tình yêu của Chúa chiên lành thúc đẩy hiến mạng sống cho đoàn chiên và sẵn sàng hi sinh mạng sống đến cùng, theo gương nhiều linh mục, ngay cả trong thời hiện tại, không quản ngại hiến mạng sống mình” (P.O, số 13). Đức Ái mục tử được coi như nguyên lý thống nhất đời sống linh mục và trong thời đại chúng ta, được coi như phương thế cần thiết để lôi kéo mọi người đến với Chúa.

Đối nghịch với Đức Ái mục tử là lối sống ích kỷ, kiêu căng: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34, 2-3). Một trong những biểu hiện của lối sống này cần được cảnh giác là làm mục vụ theo kiểu công chức. Khi giảm thiểu tác vụ linh mục thành làm cho xong một số công việc, dần dần linh mục dễ bị nguy cơ rơi vào tình trạng trống rỗng nội tâm, tìm cách lấp đầy sự trống rỗng đó bằng những thứ khác không phù hợp với ơn gọi và chức năng của mình. Vì “Dân Chúa mong muốn các mục tử chứ không muốn các giáo sĩ hành động như những nhân viên văn phòng hay công chức” (ĐGH Phanxicô, 28-9-2013).

Thứ Năm Tuần Thánh – Lễ Tiệc Ly là ngày sinh nhật của các linh mục. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục trong giai đoạn khó khăn này, vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán hay còn gọi Covid-19. Ở Ý ít nhất có 50 linh mục đã qua đời vì nhiễm vi rút Covid-19. Linh mục chết, nhà thờ đóng cửa, đoàn chiên không có Thánh lễ. Cuộc thương khó của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đang bao trùm cả thế giới. Tâm trạng của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu như thế nào, thì tâm trạng con người hôm này cũng như vậy. Một tâm trạng đối diện với bóng tối, cái chết, sợ hãi và cô đơn… Nhưng, dù thế nào chúng ta luôn nhớ: “Ánh sáng bao giờ cũng ở cuối đường hầm”. Trong lúc này, chúng ta nghe Lời Chúa hứa với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 20).

Chúng ta cùng suy ngẫm ba điểm quan trọng trong thiên chức Linh mục mà Chúa Giêsu đã để lại cho trần gian: 1/ Linh mục là người làm cho Chúa ở cùng. 2/Linh mục là người mang Chúa đến cùng. 3/ Linh mục là người chết cùng cái chết của Đức Kitô.

1. Linh mục là người làm cho Chúa ở cùng.

Đêm 15.4.1912, trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton đến New York, con tàu nổi tiếng Titanic đụng phải tảng băng ngầm và từ từ chìm sâu vào lòng Đại Tây Dương. Điều đáng chú ý là trong chuyến tàu này có sự hiện diện của Cha Thomas Byles. Cha Thomas Byles là một linh mục người Anh, lãnh chức linh mục tại Rôma khoảng năm 1902, đang làm việc như một cha xứ tại nhà thờ Thánh Helen ở Essex từ năm 1905. Ngài đến New York để chủ sự lễ cưới cho người em ruột của mình. Trong vụ đắm tàu này, Cha Byles đã có hai cơ hội để lên tàu cứu nạn nhưng ngài đã từ chối để ở lại để giải tội và an ủi cũng như cầu nguyện với những ai bị mắc kẹt. Ngài nói với mọi người “Hãy bình tĩnh, các con yêu dấu”, rồi đi đến khoang hạng chót để ban phép xá giải và ban phép lành để trấn an mọi người.

Sự kiện nói lên một điều: Trước mọi biến cố luôn có Chúa ở cùng. Thiên Chúa đã cho linh mục của Ngài hiện diện kịp thời và trong mọi biến cố đau thương của cuộc đời chúng ta. Cho dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào đi chăng nữa, Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Hãy tin điều đó.

Trong tình hình đại dịch Covid-19, thêm một lần nữa, hình ảnh của Thiên Chúa đã được linh mục Sinclair Oubre được họa lại một cách rõ nét hơn. Sự kiện là du thuyền Westerdam của Hà Lan, với 1.455 du khách và 802 thành viên của thủy thủ đoàn, sau hai tuần ở trên biển đã không được cập cảng ở Hồng Kông. Dù trước đó, du thuyền này đã bị chính quyền ở Đài Loan, Philippines, đảo Guam và Thái Lan từ chối cho cập cảng vì các nước sợ virus Corona. Đến ngày 14.02, Campuchia đã chấp thuận cho tàu cập cảng sau khi được xác định không có nguy cơ nhiễm virus. Sự hiện diện trên tàu của cha Sinclair Oubre, tuyên úy thuộc Hội tông đồ biển của Hoa Kỳ, đã giữ vững niềm hy vọng cho các du khách. Cha đã cử hành Thánh lễ cho các tín hữu, giải tội hàng ngày, mời gọi mọi người làm tuần cửu nhật và chăm sóc mục vụ cho thủy thủ đoàn. Cha Oubre là niềm hy vọng, sự nâng đỡ và bình an cho mọi người trên tàu mà Chúa đã gửi đến (Aleteia 13.02.2020).

2. Linh mục là người mang Chúa đến cùng.

Trước tình trạng các nhà thờ trên toàn nước Ý đóng cửa, giáo dân không thể tham dự Thánh lễ, nhiều linh mục Ý đã cử hành Thánh lễ và livestream để các tín hữu tham dự và có nhiều sáng kiến mục vụ tuyệt vời.

Ở miền Nam nước Ý, Cha Leonardo Ricotta ở Palermo có sáng kiến nổi bật là kiệu Mình Thánh Chúa để dân chúng có thể cầu nguyện từ cửa sổ nhà của họ. Cha Andrea Vena mặc áo lễ, tay cầm tượng Đức Mẹ, đứng trên một chiếc xe nhỏ mui trần, đi qua các con đường của thành phố để làm phép các ngôi nhà, đã loan truyền trên internet. Bị cảnh sát chặn lại, cha trả lời “tôi đang làm việc”. Còn Cha Gianni Regolani, 79 tuổi, đã dùng máy bay bay trên vùng dịch của tỉnh Lodi để ban phép lành “từ trời”.

Một linh mục chia sẻ niềm thao thức của Thánh Phaolô trong thời gian virus corona hoành hành rằng: “Lời Chúa không bị xiềng xích” (2Tm 2,9), hãy để lời thánh Phaolô nâng đỡ chúng ta và các anh chị em chúng ta. (x.SIR & La Stampa 12/03/2020).

Thay vì dâng Thánh lễ trong một nhà thờ trống trơn không có giáo dân vì đại dịch virus corona, Cha Giuseppe Corbari đã có sáng kiến yêu cầu các giáo dân gửi cho cha hình của họ, và cha đã in ra và đặt trên các băng ghế nhà thờ, ở những chỗ mà họ thường ngồi. Và cha đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật 15/03 vừa qua, các băng ghế nhà thờ không trống vắng nhưng ngược lại đầy các gia đình như những Thánh lễ trước đây. (Avvenire & La Stampa 16/03/2020)

Khi giáo dân bị đình chỉ không được tới nhà thờ vì dịch, thì ngày Chúa nhật, bốn linh mục coi sóc tại giáo xứ Thánh Gabriele ở Roma đã có sáng kiến cử hành Thánh lễ trên mái nhà thờ, để giáo dân ở các tòa nhà xung quanh tham dự Thánh lễ từ cửa sổ. Khi Thánh lễ kết thúc, một tràng pháo tay vang lên từ các tòa nhà để khích lệ các linh mục. Mặc dù trước đó, các linh mục rất khó khăn trong cố gắng chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc cử hành Thánh lễ.

Điều mà các vị mục tử không ngờ, đó là cộng đoàn tham dự phụng vụ trực tiếp. Những tiếng chuông bắt đầu vang lên thông báo Thánh lễ bắt đầu. Âm thanh được khuếch đại và phát trực tiếp. Điều đó có nghĩa là: bốn linh mục đã biến một góc của khu đô thị thành một nhà thờ: không vi phạm bất kỳ quy tắc chống lây nhiễm nào. (x.Avvenire 16/3/2020).

3. Linh mục là người chết cùng cái chết của Chúa Kitô.

Nhật báo Công Giáo Avvenire và các báo khác ở Ý ra ngày 22 tháng 3 cho biết Giáo Hội Ý đã có ít nhất 50 linh mục qua đời vì đại dịch virus corona bùng phát tại nước này.

Đức Cha Francesco Beschi, Giám mục Giáo phận Bergamo ở miền bắc Ý, nơi có nhiều người nhiễm virus corona và qua đời nhiều nhất nước Ý, cho biết trong giáo phận của ngài có 20 linh mục phải nhập viện do bị nhiễm virus và 6 vị đã qua đời trong tuần lễ vừa qua. Đối với Đức cha, các linh mục đã tiếp xúc với dân chúng để gần gũi với cộng đoàn của các ngài. Vì vậy, bệnh tình của các ngài là một dấu hiệu rõ ràng của sự gần gũi, một dấu hiệu đau đớn của sự gần gũi và chia sẻ nỗi đau. Đức cha nhận định: “Chúng tôi đang sống nỗi đau này bằng cách chia sẻ nó với cộng đồng của chúng tôi, với số người nhiễm bệnh, người bệnh và số người chết cao. Chúng tôi không tách rời khỏi cộng đồng của chúng tôi ngay cả trong cái chết“. (x. CNA 19/03/2020).

Cha Giuseppe Berardelli, 72 tuổi qua đời hôm 15/3 tại một bệnh viện ở Lovere, ở miền bắc Italy, được giáo dân yêu mến bởi tấm lòng nhân ái, luôn giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Đến lúc nhiễm virus corona và rơi vào tình trạng nguy kịch, Cha vẫn quyết định nhường máy thở cho những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, bởi họ có khả năng phục hồi cao hơn. Cha là một liệt sỹ của lòng từ thiện, một vị thánh giống như thánh Maximilian Kolbe, người đã tình nguyện thế mạng cho một người đàn ông bị kết tội và gia đình ông ta trong trại Auschwitz.

Linh mục là người mang Chúa và cũng là người mang bệnh. Cái chết của các ngài là cái chết vì sự gần gũi, mang vào mình mùi chiên. Cái chết ấy là sự liên kết, quảng đại và chia sẻ, vì Linh mục là người làm cho Chúa ở cùng, là người mang Chúa đến cùng, và là người chết cùng cái chết của Đức Ki tô. Chết thay cho người khác là vẻ lại dung mạo của Chúa Giêsu rõ nét và trung thật nhất.

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh – Lễ Tiệc ly, ngày sinh nhật của các linh mục. Chúng ta cầu xin Chúa cho các linh mục đã qua đời trong dịch bệnh vừa qua được hưởng vinh phúc Nước trời. Xin Chúa che chở, bảo vệ các linh mục đang phục vụ trong giai đoạn vô cùng khó khăn này, thêm lòng hăng say nhiệt thành và được ơn bình an. Mặc dù nhân loại đang ở trong ngày thứ sáu thương khó, nhưng chúng con tin vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Lạy Mẹ Maria, chúng con cầu xin Mẹ hãy phủ áo choàng của Mẹ trên các linh mục và nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa thêm sức cho các vị trong thừa tác vụ trong thời điểm khó khăn này. Xin Mẹ Maria khơi dậy nơi lòng các linh mục một niềm tín thác như Mẹ: “Người bảo gì cứ làm theo” (Ga 2, 5).

Ước gì các linh mục của Chúa có trái tim của thánh Giuse, phu quân trinh khiết của Mẹ Maria để yêu thương và chăm sóc đoàn chiên một cách thầm lặng.

Ước gì trái tim bị đâm thâu của Mẹ truyền cảm hứng cho các linh mục ôm lấy tất cả những ai đau khổ dưới chân Thánh giá.

Ước gì các linh mục của Chúa được nên thánh, được đầy lửa tình yêu của Chúa, không tìm kiếm gì ngoài vinh danh Chúa và ơn cứu độ các linh hồn. Amen!

Lm. Giuse Phan Văn Quyền