Dân Chúa Âu Châu

keng3ChanHằng năm theo phong tục tập quán văn hóa Á Đông Việt Nam, vào ngày 23. Tháng Chạp âm lịch có tập tục cúng tiễn đưa Ông Táo về trời.

Theo tương truyền sự tích Ông Táo hay Táo Quân có nguồn gốc là ba vị Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ theo niềm tin Lão giáo bên Trung Hoa. Nhưng khi vào Việt Nam được chuyển hóa thành sự tích thần Đất, thần Nhà và thần Bếp.

Dân gian xưa nay theo phong tục văn hóa Việt Nam kính trọng Ông Táo là vị thần có lòng chung thuỷ lo việc củi lửa nhà Bếp cho có không khí ngọn lửa nồng ấm cơm chín, canh nóng. Ông biết những mọi việc xảy ra trong nhà. Nên vào ngày cuối năm 23. Tháng Chạp âm lịch hằng năm bày cỗ bàn cùng thờ Ông, tiễn Ông về giời, để khi Ông về thượng giới chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, phù hộ cho gia đình ở hạ giới sang năm mới được bằng an có nhiều may mắn và gặt hái thành công.

Tập tục văn hóa dân gian này tuy vậy cũng ẩn hiện phần nào tâm linh đời sống con người.

Nói đến Ông Táo là nói về nhà bếp nấu ăn. Ngày xưa, và ngày nay ít nhiều nơi vẫn còn, ở vùng thôn quê bên quê nhà Việt Nam, nhà bếp đun thổi bằng rơm rạ, bằng trấu vỏ lúa, bằng củi than. Nên bếp nấu theo cổ truyền có ba trụ hình khối vuông chữ nhật, trên đầu đẽo nghiêng sâu độ ba phân đắp nặn nung bằng đất, hay đẽo gọt bằng đá, quen gọi là „ đu rau“. Ba trụ đầu rau này cao chừng từ hai tới ba mươi phân. Ba trụ đặt ba góc cách nhau theo hình tam giác rộng to nhỏ tủy theo vòng chu vi cái nồi đặt bên trên ba trụ đầu rau. Mặt trước ba đầu rau là cửa để cho rơm rạ, than củi vào đốt lửa lên đun nấu.

Bếp có ba trụ đầu rau kê lên như thế vững chắc, nồi cơm, canh, nồi nước bên trên không bị lung lay nghiêng đổ.

Vậy hình ảnh ba trụ đầu rau táo quân ở nhà bếp có thể nói gì với chúng ta về đức tin đạo giáo?

Trong dân gian bên tây phương cũng có ngạn ngữ câu: „Con số ba là con số tốt đẹp.“

Ba trụ đầu rau kê chụm gần lại nhau thành một cái bếp cho việc nấu nướng làm liên tưởng đến thuyết tam vị nhất thể. Và với người Công giáo làm nhớ đến mầu nhiệm căn bản của đức tin: Một Chúa Ba Ngôi.

Ngay từ lúc con em mình còn thơ ấu, các người mẹ thường cầm bàn tay nhỏ bé của chúng vẽ hình thánh giá trên trán, trên ngực em và đọc lời kinh:‘‘ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần .Amen‘‘ trước bữa ăn, mỗi khi uống thuốc và trước khi đi ngủ. Người mẹ làm chuyện này vì  thói quen đạo đức tốt lành của mình, và muốn gieo vào tâm hồn con mình thói quen cùng tâm tình đạo đức này.

Đây là việc đạo đức đơn sơ nhưng căn bản biểu lộ tâm tình biết ơn sâu thẳm vào Thiên Chúa, Đấng là chủ vạn vật trời đất và là nguồn sự sống. Và tập quán này cũng còn muốn nói lên: Xin Thiên Chúa chúc lành cho của ăn, cho giấc ngủ và cho cuộc đời của con!     

Câu kinh và dấu thánh giá nói lên ý nghĩa gì ?

Câu kinh ngắn gọn này hàm chứa điều căn bản sâu thẳm và rất khó cắt nghĩa của niềm tin: Mầu nhiệm Thiên Chúa ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Một Chúa nhưng có ba ngôi vị.

Trong đời sống có nhiều điều ta không thể nhìn thấy, nhưng chỉ có thể cảm thấy như tình yêu, hạnh phúc, không khí, sự sống và Thiên Chúa.   

Không nhìn thấy, nhưng cảm thấy điều đó nhất là khi nhìn thấy một biểu tượng. Như khi nhìn thấy hình trái tim, ta liên tưởng ngay đến tình yêu, đến sự sống. Khi nhìn thấy chim bồ câu, ta nghĩ ngay đến hoà bình. Khi nhìn thấy hai chiếc nhẫn cưới, đó là biểu tượng của tình yêu hôn nhân giữa hai người nam nữ. Khi nhìn thấy cây nến cháy, ta cảm thấy không khí ấm cúng thi vị hay tấm lòng chân thành đang cầu xin khấn nguyện...  

Trong thiên nhiên có những yếu tố, thường là ba, nối liền với nhau để tạo nên một liên đới chung và mang lại sự hài hoà hỗ tương cần thiết cho vạn vật như đất, nước và không khí; chiều sâu, chiều cao và chiều rộng – không gian ba chiều ; quá khứ, hiện tại và tương lai. ( Những) Ba yếu tố này tạo nên một liên kết chung, nếu thiếu một yếu tố, mối liên kết sẽ không thành.  

Cũng như những biểu tượng trên đây, một Thiên Chúa mà có ba ngôi, không phải là một người có ba đầu hay ba thân mình, cũng không phải ba Chúa, nhưng là ba Ngôi Vị: Thiên Chúa, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tạo nên một Thiên Chúa.

Thiên Chúa Cha, ngôi thứ nhất, Đấng tạo dựng trời đất, con người cùng vạn vật trong hoàn vũ.

Chúa Con, ngôi hai,  chính là Chúa Giêsu, Đấng xuống thế làm người mang ơn cứu chuộc, sứ điệp tin mừng tình yêu từ trời cao xuống cho con người.

Chúa Thánh Thần, ngôi thứ ba, là hơi thở sự sống cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Các Thánh Giáo Phụ, những bậc học giả lỗi lạc có đời sống đạo đức thánh thiện cao sâu, khi suy niệm về mầu nhiệm Một Chúa mà có ba ngôi, đã dùng hình ảnh mặt trời, tia sáng chiếu toả từ đó và hơi ấm của mặt trời để cắt nghĩa như sau:

Đức Chúa Cha, ngôi thứ nhất, được ví như mặt trời. Mặt trời ai cũng biết to lớn vô cùng tận và rất xa diệu vợi ngoài tầm nhìn của con mắt loài người.

Từ mặt trời phát toả ra luồng tia sáng chiếu dọi xuống trần gian. Ánh quang từ mặt trời chiếu ra là hình ảnh Chúa Giêsu, ngôi thứ hai, xuống thế làm người.

Khi ánh quang chiếu dọi xuống trần gian mọi sinh vật được sưởi ấm và có sự sống. Hơi ấm sự sống là hình ảnh Chúa Thánh Thần, ngôi thứ ba Thiên Chúa.

Chúa Giêsu khi truyền cho các Tông đồ đi giảng đạo và làm phép thanh tẩy cho mọi người tin theo Chúa, ngài trao cho các ông một công thức: Làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Phép Rửa niềm tin trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bà mẹ cầm tay con mình làm dấu thánh giá cho em và mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá bắt đầu từ trên trán và đọc: Nhân danh Cha: Vâng,  Thiên Chúa Cha ở trên cao, người hằng giơ tay che chở phù hộ con.

Đoạn đưa tay xuống ngực và đọc: Và Con: Vâng,  Chúa Giê su xuống trần gian làm người sống ở giữa trần gian.

Sau đó đưa tay sang hai bên trái và phải nơi hai vai và đọc: Và Thánh Thn: vâng, Chúa Thánh Thần, đấng bao bọc cuộc đời con, mang đến cho con sự sống.

Và sau cùng hai tay chắp lại trước ngực và đọc:Amen: Con xin tin như vậy!

Một công thức ngắn gọn với cử chỉ của đôi bàn tay trên thân mình mỗi người, nhưng hàm chứa điều căn bản sâu thẳm của đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Những hình ảnh biểu tượng này giúp cắt nghĩa suy niệm phần nào về một mầu nhiệm niềm tin vượt quá tầm hiễu biết của trí khôn con người chúng ta. Và lẽ tất nhiên mỗi người, tuỳ theo ân đức của Chúa Thánh Thần ban cho, có những suy tư khác nhau về mầu nhiệm niềm tin này. Cắt nghĩa hay hình ảnh không phải là niềm tin, nhưng giúp soi dẫn hướng về điều tin và giúp cách thực hành niềm tin cho sống động trong đời sống thôi.

Niềm Tin đó không phải là một công thức đọc ngoài miệng, nhưng sống động nơi thân xác con người. Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong tâm hồn và hằng đồng hành trong cuộc đời con người.

Tập tục cúng hay tiễn Ông Táo về chầu trời ngày cuối cuối năm âm lịch là cung cách nếp sống văn hóa truyền thống trong dân gian từ xa xưa.

Tập tập nếp sống văn hóa này tuy mang mầu sắc của một Lễ Hội, nhưng cũng gói ghém chất chứa một nội dung có khía cạnh lòng tin trong dân gian.

Với người Công giáo, tập tục lễ hội này nhắc nhớ chúng ta đến khía cạnh thiêng liêng Thiên Chúa ba ngôi vị.

Theo đức tin Công giáo, chúng ta có Đức mẹ Maria, các Thánh bầu cử phù hộ cho đời sống con ngườ trước tòa ngai Thiên Chúa trên trời cao.

Thiên Chúa là nguồn mọi chúc phúc lành cho đời sống con người từ lúc thành hình sự sống trong cung lòng cha mẹ, rồi trong suốt dọc lịch sử đời sống trải qua những mùa Xuân năm mới trên trần gian cho tới ngày sau cùng của đời sống trong công trình vũ trụ thiên nhiên.

Đây là căn bản của đức tin chúng ta.

Ngày tiễn Ông Táo về trời, 23. Tháng Chạp âm lịch Mậu Tuất.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long