Dân Chúa Âu Châu

AoRuaToiTrong đời sống con người luôn cần quần áo mặc che thân thể tránh gío lạnh, hay nắng nóng bức, lúc khoẻ mạnh cũng như lúc đau bệnh ngay từ khi còn là một em bé mở mắt chào đời cho đến ngày xuôi hai tay được bao bọc đặt nằm trong cỗ áo quan.

Và con người cần quần áo khác nhau tùy theo phong tục tập quán nơi mình sinh sống, tùy theo tuổi tác, tùy theo địa vị xã hội, cùng tùy theo từng trường hợp lễ nghi yến tiệc trong sinh hoạt văn hóa xã hội.

Thú vật được Trời sinh tùy theo chủng loại có da có bộ lông là quần áo cho thân thể chúng. Con người Trời cao ban cho tâm trí phát minh dùng vải chế biến may thành quần áo dùng mặc để che chở cùng trang trí thân thể mình.

Quần áo như vậy ngoài chức năng che thân thể, tránh mưa nắng và gío, còn có chức năng diễn tả nếp sống văn hóa xã hội, nét đẹp nếp sống tinh thần con người nữa.

Trong dân gian có thành ngữ nói lên điều diễn tả chức năng của quần áo mặc: Y phục xứng kỳ đức!

Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên trong công trình sáng tạo thiên nhiên: Ông Adong và Bà Evà. Kinh thánh nói hai Ông Bà sống trần truồng không có quần áo, nhưng họ không xấu hổ trước mặt nhau ( Sách Sáng Thế, 2, 25).

Và sau khi Ông Bà lỗi luật ăn trái cây Thiên Chúa cấm ăn. Ăn xong Ông Bà thấy mình trần truồng. Xấu hổ Ông Bà đi lấy lá cây làm quần áo che thân. ( Sách sáng Thế 5, 1-10).

Như thế lịch sử cần có quần áo mặc che thân thể có nguồn gốc từ trong Kinh Thánh với con người đầu tiên trong công trình sáng tạo thiên nhiên. Quần áo dùng che thân cùng liên quan với sự yếu đuối về tinh thần thể xác, cùng với sự xấu hổ trước nhau.

Từ nhận thức cùng cảm giác đó, quần áo trở thành nhu cầu cần thiết, không có không được, cho con người để bảo vệ thân thể cùng nhân vị mình trước nhiên và trước nhau.

Đời sống đức tin đạo giáo cũng cần có quần áo. Ngày nhận lãnh Bí tích rửa tội, tấm áo trắng rửa tội là hình ảnh dấu chỉ đời sống mới được mặc hay đặt trên em bé.

Theo khía cạnh ý nghĩa thần học chiếc áo rửa tội được so sánh như chiếc áo cưới. Trong hôn nhân hai người nam nữ hứa thề kết hợp với nhau trọn suốt cuộc đời. Cũng vậy, qua bí tích rửa tội con người và Thiên Chúa gắn bó kết hợp với nhau.

Chiếc áo rửa tội mầu trắng cũng như chiếc áo cưới mầu trắng diễn tả sự trong trắng, sự vô tội, niềm mong chờ đợi trông, và sự vui mừng trong sáng không bị làm lu mờ.

Và chiếc áo trắng rửa tội cũng là hình ảnh nói về Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phaolo đã cắt nghĩa: " Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.“ ( Thư Galata, 3, 27)

Chiếc áo rửa tội mầu trắng là hình ảnh dấu hiệu nói lên Thiên Chúa bao bọc con người. Mầu trắng chỉ về Ba ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - cũng là mầu sắc diễn tả về sự tốt lành, về lòng thương xót và về tin mừng.

Ngoài chiếc áo trắng rửa tội, người Kitô hữu còn có chiếc áo khác nữa, như Thánh Phaolo viết thuật lại: „1Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy mặc vào chiếc áo lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại“ ( Thư Colosseo 3,12).

Chiếc áo bằng vải bằng lụa mặc để che thân, bảo vệ thân xác nhân vị cùng tương xứng hợp với văn hóa phong tục xã hội cần thiết cho đời sống con người.

Nhưng chiếc áo tinh thần, chiếc áo đức tin đạo giáo trong tâm hồn con người, tỏ hiện ra nơi cung cách đối xử sinh sống với nhau hằng ngày cũng cần thiết không kém chiếc áo bằng vải, bằng lụa là mặc nơi thân thể.

Chiếc áo bằng vải diễn tả nếp sống văn hóa con người, thì chiếc áo đạo gíao tinh thần góp phần đáng kể chính yếu giúp cho nếp sống văn hóa, nếp sống giữa con người với nhau trong cộng đồng xã hội được vun xới triển nở thêm phong phú, xây dựng tình yêu thương hòa bình cùng mang lại niềm hy vọng.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long