Dân Chúa Âu Châu

Tet GiaoThua CotMocTamLinhHãy Thực Hành Bát Phúc Để Trở Nên Phúc Nhân

THÁNH LỄ GIAO THỪA NĂM 2017

(Mt 5, 1-10)

Lẽ đất trời có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Và đây là giây phút thiêng liêng và tuyệt đẹp, trời đất giao hòa, âm dương đan dệt vào nhau, mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, nhưng cũng có một cái gì đó níu kéo lòng ta, chúng ta đang ở vào thời khắc cũ giao lại, mới đón lấy, năm cũ sang năm mới.

Trong giờ phút huyền nhiệm này, mở ra những ngày mới, giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác vào Đấng tác tạo cả đất trời, Đấng ấy là Cứu Chúa của chúng ta. Không gì thích hợp bằng việc chúng ta phải làm trước tiên là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót và thứ tha.

Lời Thánh vịnh 133,3 mới đẹp làm sao : “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” ( Tv 133, 3 ). Lời nguyện dưới đây lôi kéo chúng ta về với Chúa, Đấng là Alpha và Ô Mêga, là Nguyên thủy và là Cùng đích: “Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh” (Lời Ca nhập lễ).

Lời Môsê ngỏ với Aaron và các con ông Aaron như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân : “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng (Ds 6n 22,27). Tác giả Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài : “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2). Nếu như khi xưa thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Thêxalônica, nay ngài cũng khuyên chúng ta : “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16).

Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.

Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh? Huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Lời Chúa trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).

Cứ vào giây phút linh thiêng Giao thừa năm cũ chuyển giao sang năm mới, chúng ta lại có dịp nghe đọc đoạn Tin Mừng nổi tiếng của thánh Matthêu, đầy ấn tượng và hết sức ngạc nhiên, là Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Bát Phúc mà Chúa Giêsu đã công bố núi (x. 5, 1-12).

Bước sang năm mới, ai cũng mong ước những điều tốt đẹp mới từ con người đến cả tâm tư, để sống vui và hạnh phúc. Thì đây, với đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu cung cấp chúng ta một mô hình sống nếu làm theo thì sẽ trở thành những người thực sự hạnh phúc.

Phải nói thật rằng, hạnh phúc chắc chắn là mục tiêu tất cả chúng ta tìm kiếm trong cuộc sống. Nếu hỏi người khác xem họ kiếm tìm hạnh phúc cho mình như thế nào, chắc sẽ có những câu trả lời rất khác nhau. Có người cho rằng, hạnh phúc ở trong gia đình, người khác cho rằng ở sức khỏe, nghề nghiệp, nhưng người khác lại tìm kiếm hạnh phúc nơi bạn bè, vui chơi và giải trí… người tiêu sài lại tìm kiếm hạnh phúc trong việc mua bán.

Tám Mối Phúc mà Chúa Giêsu trình bày, xem ra không giống với quan niệm về hạnh phúc của con người hôm nay. Cụ thể như : Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10).

Sứ điệp của Chúa Giêsu dành cho những ai muốn sống khiêm nhường, khao khát công chính, quan tâm đến tha nhân. Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta về mối phúc cuối cùng : “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Thánh Basil nói rằng “hạnh phúc không phải do ước muốn, giầu có, quyền lực mang lại cho con người. Những thứ đó không làm cho chúng ta hạnh phúc”.

Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc, và chỉ một mình Chúa Giêsu là Ðấng có phúc tuyệt hảo, Ngài cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc đích thật nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân.

Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


 

Tạ Ơn Và Phó Thác

SUY NIỆM THÁNH LỄ TẤT NIÊN

(Is 63 7-9, 1Cr 1, 3-9, Lc 1, 39-55)

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ chúng ta đang sống là thời khắc cuối cùng của năm cũ 2016, năm Bính Thân và chuẩn bị bước vào năm mới 2017, năm Đinh Dậu, giờ phút thật linh thiêng. Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI giải thích như sau : “Giáo hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban”. Quả thật, do bởi tình thương mà chúng ta được hiện hữu trên đời và mỗi giây, mỗi phút, mỗi một ngày qua đi là biết bao hồng ân của Chúa tuôn đổ trên chúng ta. 

Một năm sắp kết thúc, làm chúng ta liên tưởng đến sự kết thúc cuộc hành trình nơi dương thế của mỗi người. Có khởi đầu ắt sẽ có kết thúc như sách Giảng Viên dạy, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta, khi kết thúc một năm và mỗi ngày, chúng ta phải tự vấn lương tâm, và nhìn lại những gì đã xảy ra để tạ ơn Chúa.

Nhân loại nói chung vừa trải qua một năm với bao nhiêu ngày ghi đậm bạo lực, chết chóc, đau thương khôn tả của bao người vô tội do bọn khủng bố nhân danh Thượng Đế gây ra cho đồng loại, những người tị nạn ở Syria, Irắc, Trung Đông... buộc lòng phải rời bỏ quê hương, những con người nam nữ và trẻ em không còn gia cư nhất định, thiếu lương thực và kế sinh nhai, biết bao công trình tôn giáo bị con người tàn phá. Việt Nam nói riêng, hỏa hoạn, lũ lụt đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt, ấy chưa kể đến những vụ giết hại anh em đồng loại cách mạn dợ. Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong những ngày tháng của năm cũ, mà không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm. Vì thế chúng ta phải dâng lời tạ ơn Chúa.

Tạ ơn

Khi thêm một năm nữa đã đến hồi kết thúc, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.

Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử nhân loại. Một lòng biết ơn không phải là một sự nhìn lại chẳng sinh ơn ích gì hay một ký ức trống rỗng về một quá khứ được lý tưởng hóa xa vời, nhưng là một ký ức sống động, một ký ức giúp hình thành nên sự sáng tạo cá nhân và cộng đoàn khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tạ ơn Chúa là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta thường quên đi những gì là ân huệ của Chúa. Và để sống tâm tình tạ ơn và phó thác vào Thiên Chúa thật không dễ chút nào!

Đi vào tâm tình tạ ơn, chúng ta nhìn nhận rằng, tội lỗi và yếu đuối đã làm ta xa rời Thiên Chúa Tình Yêu. Dù nhận thức được những điều mình phạm mất lòng Chúa, nhưng với sức con người, chúng ta khó thoát ra vòng xoáy tội lỗi. Chỉ có Chúa mới kéo chúng ta về với Chúa.

Trong giờ phút linh thiêng này, thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ Maria hát lên bài ca tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã và còn đang thể hiện trong lịch sử : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người. Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử cứu độ. Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Chúa về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.

Xin ơn tha thứ

Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình : “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người nữa. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều gì chưa chu toàn, điều gì chưa tốt, hoặc lỗi bác ái với tha nhân, hay chưa biết thương xót người như Chúa đã thương xót chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.

Sống phó thác

Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra : các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề. Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại, đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa và thưa rằng: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm người, được làm con Chúa thêm một năm nữa. Xin cho đời chúng con trở thành bài ca tạ ơn Chúa bằng tâm tình sống biết ơn mọi người đang yêu thương giúp đỡ chúng con để danh Chúa được toả sáng. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


 

Hãy Phó Thác Cho Chúa Tương Lai Đời Ta

SUY NIỆM LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM 2017

(Mt 6, 25-34)

Chúng ta vừa bước sang năm mới, năm Đinh Dậu, năm con gà. Con , đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong nhiều nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần). Gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, ở vùng nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc.

Trong nhà đạo, có lắm chuyện về con gà, từ chuyện vui đến chuyện thật. Chúng ta cùng mở Kinh Thánh để tìm chuyện con gà, hầu có thể đem ra suy gẫm nhân ngày đầu năm mới. Nếu có gà trống nghêng ngang như sách Gióp mô tả :

Ai làm cho cò lửa khôn ngoan,

Ai ban trí tuệ cho gà trống? (Gióp 38,36),

Thì cũng có gà mái hiền lành luôn chăm sóc cho đàn con thơ bé. Mở Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta tìm thấy hình ảnh đàn gà mẹ con ấy được Chúa Giêsu sánh ví như là tình thương của Chúa đối với loài người : “Đã bao lần ta muốn tập họp các ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh” (Mt 23,37; Lc 13,3).

Nếu tiếng gà gáy biểu hiện một sự kêu gọi tỉnh thức trong cuộc sống thường ngày, cụ thể tại các nước Á Đông như Việt Nam, tiếng gáy của gà trống như báo hiệu nhiều may mắn và tốt đẹp cho ngày mới, thì tiếng gà làm ông Phêrô giật mình bừng tỉnh, nhớ lại lời Đức Giêsu nói tối hôm qua: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (x. Mt 26, 75; Mc 14, 30; Lc 22,61). Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Kể từ đó, ông Phêrô đã thống hối liên lỉ như Ngắm Đứng đã mô tả: “Lọn đời đến sớm mai gà gáy, nhớ đến tội xưa liền khóc lóc”.

Vào thế kỷ VI, Đức Giáo hoàng Grêgôriô I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Vì thế, nhiều nhà thờ bên Âu Châu có đặt hình một con gà trống ở trên nóc. Tại Việt Nam, nhà thờ chính toà Đà Lạt cũng được gọi là “nhà thờ con gà”.

Ở các nước châu Á, con gà gắn liền với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật. Ở Việt Nam, gà là một dấu tích của văn minh nông nghiệp, thường được nhắc đến trong sách báo, hình ảnh con gà cục tác lá chanh là những nét chấm phá về một làng quê an bình với những triết lý sống nhân bản, thiên nhiên. Những nhà nho xưa cho rằng gà trống có đủ ngũ đức, gồm cả văn, vũ, nhân, trí và dũng:

Mào gà là mũ quan văn,

Cựa gà: võ khí của quan vũ tài.

Gà trống có cái dũng oai,

Xông vào địch thù đá hoài không ngơi.

Chữ nhân: khi kiếm được mồi,

Nhắc lên gà trống kêu mời mái ăn.

Chữ trí: gà biết đêm tàn,

Gáy vang báo thức cả làng tỉnh mơ.

Vì đủ ngũ đức như vậy nên gà trống có được cái oai phong lẫm liệt, uy dũng của một tổng tư lệnh điều binh khiển tướng. Sách Cách Ngôn đã tả cái dáng đường bệ của gà trống như một ông vua xuất chinh dẹp loạn.

Thôi thì cho dù năm Khỉ, Heo, Mèo, Gà thì cả tháng nay, mọi người đã sắm Tết, ăn Tết rồi. Hôm nay ngày đầu năm mới, ai cũng có cảm tưởng là có cái gì đó mơi mới, nên dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.

Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, và sẽ còn chúc tết nhau nữa. Thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng, kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo. Ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Muốn lời chúc của chúng ta trở thành hiện thực, hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa, bởi tất cả mọi sự đều do Chúa như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng những giây phút đầu năm cho Thiên Chúa. Người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Lời nguyện nhập lễ chúng ta xin :" Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài" (Tv 66, 2-3). Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

Các con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6,34). Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến hạnh phúc mai hậu của sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai… tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.

Kinh Thánh còn có những câu khác nói đến con gà trong năm mới Đinh Dậu. Nhưng thiết nghĩ trưng ra mấy câu trên cũng đủ chứng tỏ con vật cầm tinh trong năm Dậu cũng đã được Thánh Kinh nhắc đến.

Kính chúc mọi người một năm mới con gà đầy tràn ngũ đức: văn, vũ, nhân, trí, dũng, những đức tính mà các cụ xưa đã ca tụng con gà trống. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ